Chống tiếp cận/chống xâm nhập là cốt lõi trong chiến lược Thái Bình Dương của Trung Quốc, nhằm mục đích ngăn chặn các lực lượng quân sự bên ngoài có thể can thiệp vào các cuộc xung đột ngoài khơi của Trung Quốc ở sâu trong Thái Bình Dương, cũng như không thể ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự của Bắc Kinh ở eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông. Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện của máy bay ném bom tàng hình B-21 mới nhất của Mỹ, chiến lược này sẽ trở thành khẩu hiệu lỗi thời. Bởi Bắc Kinh gần như không có biện pháp nào để ngăn chặn máy bay B-21 xâm nhập hệ thống phòng không hiện có của mình, cũng như việc đưa ra vũ khí chính xác gây chết người cho bất kỳ mục tiêu nhạy cảm nào của chính nó.
Vào ngày 10/12/2022, video và hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy một máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider cất cánh từ Nhà máy Không quân 42 ở Palmdale, California, hướng tới Căn cứ Không quân Edwards. Chuyến bay đầu tiên thành công đúng theo lịch trình dự kiến này đánh dấu thời khắc lịch sử cho thế hệ công nghệ tàng hình mới.
Về mặt kỹ thuật, có lẽ không có nhiều thông tin về máy bay ném bom mới bí ẩn này vì nó phần lớn vẫn được giữ bí mật. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Không quân Hoa Kỳ và các nhà phát triển vũ khí mô tả đây là bước nhảy vọt mang tính thay đổi mô hình trong công nghệ tàng hình. Nó có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nguy hiểm nào trên thế giới mọi lúc mọi nơi. Nói cách khác, trong số những khả năng đa dạng của máy bay B-21, tính năng tàng hình gần như hoàn hảo của nó cho phép nó xuyên qua các tuyến phòng thủ được canh gác nghiêm ngặt nhất như “chỗ không người”.
Máy bay B-21 được thiết kế để né tránh các radar giám sát và radar giao chiến, xuyên thủng các tuyến phòng thủ, nhắm mục tiêu và tấn công các mục tiêu có giá trị cao được phòng thủ nghiêm ngặt bằng tên lửa dẫn đường chính xác. Ngay cả khi kẻ thù biết sự tồn tại của nó, thì cũng đã không thể làm gì được, đây là tiền đề của tàng hình băng thông rộng.
Tháng 12 năm ngoái, tại buổi ra mắt chiếc B-21 đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã nói: “Chiếc B-21 Raider là tích hợp 50 năm tiến bộ của công nghệ tàng hình mà ngay cả những hệ thống phòng không tinh vi nhất cũng rất khó phát hiện ra chúng trên bầu trời. Chiếc B-21 trông thật hùng mạnh, nhưng những gì nằm dưới khung thép và lớp phủ bên ngoài lấy cảm hứng từ kỷ nguyên không gian còn ấn tượng hơn”.
Làm thế nào đạt được điều này? Ngay cả đối với người Mỹ mà nói, thì đây cũng là một lịch sử lâu dài và đầy thử thách. Năm 1983, chiếc F-117 Nighthawk (Chim ưng đêm) được chế tạo bởi Tập đoàn Lockheed có hình dạng góc cạnh như một viên kim cương, nó đã được bí mật đưa vào sử dụng trong Không quân Hoa Kỳ và lặng lẽ trở thành máy bay tàng hình đầu tiên trên thế giới được đưa vào sử dụng. Tại thời điểm đó, các nước trên thế giới vẫn đang theo đuổi những loại máy bay có thể bay cao hơn và nhanh hơn để nâng cao hiệu suất và khả năng sống sót, nhưng thực tế đã chứng minh chiếc “Chim ưng đêm” có vẻ chậm chạp và khả năng biến hoá mới là xu hướng phát triển của máy bay tàng hình trong tương lai.
Có một danh sách dài những cái tên ấn tượng trên con đường hình thành và phát triển công nghệ máy bay tàng hình. Nhưng một bài viết thời đầu có ảnh hưởng nhất là một tờ báo của Liên Xô đã bị chính Liên Xô bỏ qua. Một nhà vật lý và nhà toán học của Liên Xô cũ tên là Pyotr Ufimtsev đã viết một cuốn sách có tên “Phương pháp tính toán sóng cạnh trong lý thuyết vật lý nhiễu xạ”. Sau khi cuốn sách này được xuất bản vào năm 1962, về cơ bản nó đã hoàn toàn bị Liên Xô cũ phớt lờ.
Trên thực tế, vào thời điểm cuốn sách của Ufimtsev được xuất bản, nhiều kế hoạch liên quan đến máy bay tàng hình đã bắt đầu xuất hiện trong các báo cáo ngân sách của Hoa Kỳ. “Quiet Bird”, một loại máy bay trinh sát của Quân đội có khả năng quan sát điện từ thấp do Tập đoàn Boeing nghiên cứu phát triển vào năm 1962, đã bắt đầu thử nghiệm trước các mảng radar.
Mặc dù Hoa Kỳ không lấy cảm hứng từ công trình của Ufimtsev để bắt đầu nghiên cứu công nghệ tàng hình, nhưng công trình của Ufimtsev, vốn bị chính đất nước của ông phớt lờ, lại trở thành một phần quan trọng trong việc giải đố này, nó không chỉ chứng minh về mặt lý thuyết rằng hướng nghiên cứu về công nghệ tàng hình của người Mỹ là đúng đắn, mà còn cung cấp phương pháp tính toán.
Sau gần 10 năm im hơi lặng tiếng, cuốn sách của Ufimtsev đã rơi vào tay Phòng Tình báo Kỹ thuật của Không quân Mỹ và được xuất bản bằng tiếng Anh vào tháng 9 năm 1971. Bản dịch nhanh chóng được chuyển đến tay của Denys Overholser – kỹ sư huyền thoại của Chương trình Phát triển Nâng cao của Tập đoàn Lockheed Martin. Overholser đã sớm nhận ra rằng cuốn sách này đã cung cấp một phương pháp tính toán hai chiều một cách sáng tạo để tính toán sự phản xạ của sóng điện từ. Sau đó, kỹ sư Overholser đã phát triển phương pháp này để có thể tính toán toàn bộ tiếng vọng radar của máy bay, giúp giảm đáng kể chi phí và thời gian thiết kế máy bay tàng hình.
Trên cơ sở này, các kỹ sư của Lockheed đã làm việc chăm chỉ để đưa hình dạng tàng hình lý tưởng được tính toán theo lý thuyết đến gần hơn với hình dạng mà một chiếc máy bay nên có, và làm cho nó có thể điều khiển được. Đây là một quá trình khó khăn. Họ cần phải lấy một thứ hoàn toàn không thể bay được gọi là “Kim cương tuyệt vọng” và dần dần phát triển nó thành một con quái vật trông giống như một chiếc máy bay, và làm cho nó có thể bay, cuối cùng họ đã chế tạo được chiếc máy bay tàng hình đầu tiên trên thế giới Lockheed F-117 Nighthawk. Chiếc F-117 được coi là khởi đầu của công nghệ tàng hình, nó thậm chí từng bị bắn hạ bởi những tên lửa phòng không khá lạc hậu nhưng trên thực tế, nó là kết tinh của một kỷ nguyên nỗ lực toàn cầu.
Về sau lại trải qua quá trình trưởng thành của các loại máy bay tàng hình như F-22, F-35 và B-2. Chiếc B-21 và tiêm kích chiếm ưu thế trên không thế hệ mới mà đem so với chiếc F-117, thì tính năng tàng hình của chúng đã hoàn toàn khác nhau.
Nói chung, việc thăm dò trong lĩnh vực công nghệ tàng hình liên quan đến việc sử dụng các vật liệu hấp thụ radar đặc biệt, quản lý tín hiệu nhiệt, động cơ như được ẩn đi, ngoại hình phẳng và nhẵn, tất cả những nỗ lực này đều nhằm giảm hoặc loại bỏ việc tạo ra tiếng vọng của radar. Nếu không có kết cấu nhô ra theo chiều dọc và các cạnh sắc, các xung điện từ được truyền với tốc độ ánh sáng, thì sẽ không thể phản xạ các tiếng vọng mô tả hình dạng của con tàu. Nhiệt độ cũng rất quan trọng, việc phát thải nhiệt hoặc khói cần phải được quản lý, kiểm soát và phóng thích ở mức nhỏ nhất để giảm thiểu khả năng bị phát hiện của máy bay. Chiếc B-21 dường như có bước đột phá trong tất cả các lĩnh vực này.
Ngoài các tính năng tàng hình mới, chiếc B-21 còn đưa vào các khái niệm thao tác mới, và nó có thể có người lái hoặc không người lái. Nó không chỉ có thể mở rộng phạm vi giám sát và phát hiện ở trạng thái không người lái, mà còn có thể sử dụng các công nghệ cảm biến và điện toán thế hệ mới để đạt được nhiều chức năng hơn, chẳng hạn như đóng vai trò là nút cảm biến hoặc nền tảng chỉ huy và điều khiển chuyến bay, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong những năm gần đây khiến nó có thể tự động thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu mục tiêu, đồng thời xác định, nhắm mục tiêu và tấn công các mục tiêu dựa trên mức độ đe dọa.
Những đột phá công nghệ về tốc độ xử lý máy tính và trí tuệ nhân tạo đang cho phép ngày càng nhiều nền tảng chiến đấu không chỉ tấn công tự động, mà còn đóng vai trò là nút chủ chốt trong các hệ thống cảm biến thông minh. Trên thực tế, nó được tích hợp vào một hệ thống tác chiến toàn diện trải rộng trên mặt đất, dưới nước, trên biển, trên không và không gian. Đây là một khái niệm chiến đấu hoàn toàn mới giúp cải thiện đáng kể khả năng và hiệu quả của việc nhắm mục tiêu và tấn công.
Có người cho rằng sự xuất hiện trước công chúng của chiếc B-21 có thể làm lộ bí mật quân sự, phía quân đội Mỹ cũng hạn chế thời gian tham quan và góc chụp của giới truyền thông tại lễ ra mắt chiếc B-21 đầu tiên. Trên thực tế, đây có lẽ chỉ là chiêu trò nhằm tạo ra bầu không khí bí ẩn, mọi bí mật mà ngoại hình của chiếc B-21 có thể tiết lộ đều là không thể giữ kín, bao gồm cả cách bố trí khí nén học của cửa hút gió và ống phun xả. Với các phương pháp giám sát phổ biến trên trời dưới đất hiện nay, sớm muộn gì nó cũng sẽ bị lộ ra thế giới, vì nó phải bay ngoài trời. Tuy nhiên, quân đội Mỹ sẽ không lo rò rỉ bí mật vì ngày càng có nhiều công nghệ không thể tiết lộ bằng hình dạng khí động học. Ngược lại, lợi ích từ tác dụng răn đe của nó có thể còn lớn hơn.
Trung Quốc là một quốc gia khét tiếng bắt chước, trên thực tế, ngay từ những năm 1980, về cơ bản không thể sao chép hệ thống vũ khí tiên tiến của người khác bằng cách đo lường hình thức bên ngoài của hệ thống. Nguyên nhân là sự phát triển nhanh chóng và độ phức tạp cao của công nghệ căn bản không thể sao chép được nếu không có sự chuyển giao công nghệ.
Lấy Không quân Trung Quốc làm ví dụ, trước những năm 1980, máy bay chiến đấu của họ bao gồm tiêm kích J-5, J-6 và J-7, máy bay ném bom của họ bao gồm oanh tạc cơ H-5 và H-6, và máy bay vận tải của họ bao gồm những chiếc Y-5, Y-7, Y-8 v.v.. đều là đo vẽ bản đồ và mô phỏng máy bay của Liên Xô cũ. Chế tạo mô phỏng chính là dùng thước đo kích thước bên ngoài của tất cả các bộ phận, khôi phục chúng thành bản vẽ, sau đó chế tạo ra từng bộ phận một của những linh kiện này, cuối cùng lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, vì phương pháp này không thể bắt chước các đặc tính vốn có của vật liệu, kỹ thuật gia công và nhiều chi tiết kỹ thuật khác, nên thành phẩm có thể không đáp ứng được các yêu cầu về hiệu suất cơ bản nhất. Vào đầu những năm 1990, Trung Quốc đã cố gắng lập bản đồ và bắt chước máy bay vận tải IL-76 của Liên Xô cũ, nhưng chính vì những lý do này mà họ đã bỏ cuộc khi vẫn còn chưa bắt đầu.
Điều này không có nghĩa là chính quyền Bắc Kinh đã từ bỏ thói xấu ăn cắp của mình, nó vẫn dùng mọi thủ đoạn để đánh cắp công nghệ tiên tiến của phương Tây, nhưng nội dung và cách thức đã thay đổi. Ví dụ, họ sao chép chiếc F-22 của Mỹ về ý tưởng thiết kế và nghiên cứu phát triển ra chiếc J-20. Người ta nói rằng chiếc H-20 vốn khó sản xuất trong nhiều năm qua có hình dáng rất giống với chiếc máy bay ném bom B-2 mà Mỹ sắp cho nghỉ hưu. Có lẽ Mỹ vui mừng khi thấy Trung Quốc sao chép máy bay Mỹ, bởi nếu không có sức mạnh công nghệ thì đó sẽ là một hố đen tiêu tốn nguồn tiền khổng lồ.
Liên quan đến đối đầu Mỹ – Trung, tàu chiến Mỹ và Trung Quốc vừa có màn so găng căng thẳng ở eo biển Đài Loan
Mới đây, khi tàu khu trục USS Rafael Peralta (DDG 115) của Hạm đội 7 Hoa Kỳ hướng về phía Bắc đến eo biển Đài Loan, tàu khu trục Trung Quốc “Hải Khẩu” đã bám đuôi con tàu Mỹ và giờ chỉ còn cách xa vài dặm.
Thuyền trưởng của tàu Trung Quốc cảnh báo bằng tiếng Anh rằng, “Đây là tàu chiến hải quân 171 của Trung Quốc”, và trực thăng Mỹ không ngừng tiếp cận quân đội Trung Quốc.
Chỉ huy Charles Cooper, thuyền trưởng của tàu khu trục Peralta, trả lời rằng: “Chúng tôi hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế và có sự cân nhắc thích đáng đối với những con tàu khác”.
Chỉ huy tàu Hải Khẩu không hề đưa ra ý kiến khác, nhưng con tàu này và tàu chiến thứ hai của Trung Quốc vẫn không chịu rời đi. Khi tàu “Peralta” chuyển hướng, thì con tàu “Hải Khẩu” cũng chuyển hướng theo.
Ông Lara Malaver, Trung úy Hải quân, người đã cầm lái con tàu Peralta, nói rằng: “Họ đang theo dõi chúng tôi. Chúng tôi đang phô trương sức mạnh. Họ cũng đang làm điều tương tự”.
Cuộc trò chuyện trên đã được chính tai phóng viên Dexter Filkins của tờ New Yorker đang đi trên tàu Peralta vào ngày 1 tháng 11 nghe được và ông chia sẻ thông tin này trong một bản tin hôm thứ Ba (ngày 14/11).
Hải quân Hoa Kỳ mỗi năm đều gửi một tàu chiến được trang bị tên lửa tiến vào eo biển Đài Loan ít nhất một lần, mỗi lần đều khiến Bắc Kinh phải nhảy cẫng.
Theo một tuyên bố của Hạm đội 7 Hoa Kỳ, vào ngày 1/11, tàu Peralta và tàu khu trục nhỏ HMCS Ottawa của Canada đã cùng nhau đi qua eo biển Đài Loan.
Theo phóng viên Filkins, tàu Peralta sau đó lại phát hiện thêm 3 tàu Trung Quốc. Thông qua thiết bị giám sát từ xa, hai bên ngay lập tức đã triển khai trò chơi chiến tranh. Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc cất cánh từ đất liền bắt đầu thực hiện các chuyến bay ném bom mô phỏng phía trước, khóa chắc radar, lao xuống rồi quay mình rời đi. Các xạ thủ trên tàu Peralta đã định vị chính xác máy bay của Trung Quốc và giả vờ bắn hạ nó.
Hạm đội 7 ra tuyên bố cho biết đây là lần thứ ba tàu chiến Mỹ và Canada cùng đi qua eo biển Đài Loan kể từ tháng 6 đến nay. “Lần quá cảnh này không phô trương, không có tính khiêu khích, và phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Khi căng thẳng về Đài Loan tiếp tục, Trung Quốc liên tục có hành vi bành trướng ngày càng mạnh mẽ ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Eo biển Đài Loan là một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới, với gần 3 nghìn tỷ USD hàng hóa đi qua eo biển này mỗi năm. Hoa Kỳ và hầu hết các chính phủ trên thế giới đều coi eo biển Đài Loan là tuyến đường thủy quốc tế và bất kỳ tàu thuyền nào cũng có thể tự do đi qua. Nhưng Trung Quốc lại gọi đây là “vùng biển nội địa”.
Một trong những nhiệm vụ chính của Hải quân Hoa Kỳ là giữ cho các tuyến đường biển trên thế giới luôn thông thoáng. Tàu Peralta dài 155 m, được trang bị khoảng 96 tên lửa.
Bất chấp việc Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra, hành vi của quân đội ĐCSTQ ngày càng trở nên hung hãn hơn. Tháng trước, một máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc đã tiếp xúc gần với một máy bay chiến đấu B-52 của Mỹ trên Biển Đông, cách nhau chỉ khoảng 3 m.
Những hành động của quân đội Trung Quốc không chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực mà còn phơi bày cho thế giới thấy được bản chất hiếu chiến và thái độ coi thường pháp luật quốc tế của mình. Nếu như không có vai trò “cảnh sát quốc tế” của Hoa Kỳ, có lẽ các nước trong khu vực sẽ còn khổ sở hơn trước gã láng giềng hung hăng và tham lam như Trung Quốc.
Theo Epochtimes
Viên Minh (biên dịch)