Vụ Vạn Thịnh Phát – SCB – Trương Mỹ Lan: Tham nhũng, quản lý kinh tế kém sẽ cản trở sự tăng trưởng của Việt Nam

SCMP

Tác giả: Zachary Abuza

Cù Tuấn, biên dịch

5-12-2023

Tóm tắt:

* Vụ bê bối tiền tỷ USD liên quan đến Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn cho thấy các cơ quan quản lý đang quá tải – và còn nhận tiền hối lộ.

* Hệ thống ngân hàng Việt Nam không chỉ còn mong manh và dễ bị tổn thương trước các đợt rút tiền ngân hàng đồng loạt, mà nạn tham nhũng còn phổ biến ngay cả ở cấp cao nhất.

Mới đây, cơ quan chức năng Việt Nam đã tiết lộ mức độ lừa đảo đáng kinh ngạc tại một trong những ngân hàng thương mại tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Ngoài 30 nghìn tỷ đồng (1,24 tỷ USD) gian lận phát hành trái phiếu, Trương Mỹ Lan – người bị bắt vào ngày 8 tháng 10 năm ngoái – còn bị cáo buộc biển thủ khoảng 12,53 tỷ USD từ Ngân hàng Thương mại Sài Gòn (SCB) do bà bí mật kiểm soát. Để có sự cảm nhận con số đó, nó tương đương với 3,2% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam.

Điều tra nhà phát triển bất động sản Vạn Thịnh Phát (VTP) do bà Lan làm chủ tịch đặt ra những vấn đề rất quan trọng về nỗ lực quản lý kinh tế và chống tham nhũng của Việt Nam.

Năm 2011, ba ngân hàng thương mại nhỏ phải đối mặt với tình trạng mất khả năng thanh toán. Ba ngân hàng có nhiều điểm chung: Họ cho một số ít người trong lĩnh vực bất động sản vay phần lớn tài sản, có hệ thống kiểm soát nội bộ lỏng lẻo, có rất nhiều các khoản nợ xấu và từng trải qua các đợt bị rút hàng loạt vốn ngân hàng khi các cổ đông chủ chốt vi phạm pháp luật. Điều quan trọng nhất là cả ba ngân hàng này đều do bà Lan bí mật kiểm soát thông qua những người của bà ta chỉ định.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – ngân hàng Trung ương – sắp xếp để ba ngân hàng này sáp nhập, thành ngân hàng SCB. Nhưng bà Lan đã không phải chịu hậu quả pháp lý nào, có lẽ là do các mối quan hệ chính trị của bà. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi 12 năm sau, cũng chính ngân hàng đó, thuộc sở hữu của cùng một người đó, lặp lại vụ lừa đảo tương tự, nhưng ở quy mô lớn hơn nhiều.

Việt Nam là điểm đến thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, với cam kết đầu tư lần lượt là 22 tỷ USD và 25 tỷ USD vào năm 2022 và 2023. Nhưng trường hợp của Lan và VTP/ SCB sẽ là lời nhắc nhở rằng tình trạng tham nhũng tràn lan và thái độ không sẵn sàng giải quyết các vấn đề cơ bản trong hệ thống ngân hàng, cũng như cải thiện quản lý kinh tế sẽ cản trở sự tăng trưởng của Việt Nam.

Vạch trần mạng lưới công ty mờ ám của bà Lan

Bà Trương Mỹ Lan, hiện tại 67 tuổi, khởi nghiệp là người buôn bán phụ kiện làm tóc tại một khu chợ ở Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh trước khi chuyển sang lĩnh vực bất động sản vào năm 1992 được cho là nhờ vào các mối quan hệ chính trị của bà. Trong vòng vài năm, bà Lan đã sở hữu được một số tài sản có giá trị nhất thành phố, trong đó có một số tài sản trên Đại lộ Nguyễn Huệ, một trong những con đường đắt đỏ nhất châu Á. Bà đã xây dựng được sự ủng hộ chính trị bằng cách trở thành nhà tài trợ hào phóng cho các phong trào và sáng kiến của thành phố lớn này.

Trọng tâm hoạt động kinh doanh của bà Lan là SCB, một số công ty bất động sản và quỹ đầu tư. Nhưng một năm sau khi bà Lan bị bắt, cảnh sát vẫn đang truy tìm mạng lưới công ty của bà, bao gồm hơn 1000 công ty, chủ yếu là các công ty ma, được thành lập để đảm bảo các khoản vay ngân hàng.

Sự phát triển đế chế kinh doanh của Trương Mỹ Lan được thúc đẩy bằng việc vay những khoản nợ lớn thông qua thị trường trái phiếu thương mại. Các doanh nghiệp của bà phát hành 25 đợt trái phiếu khác nhau, được bán mạnh thông qua kênh SCB, huy động được 30.000 tỷ đồng.

Nhưng phần lớn vốn của bà Lan được huy động thông qua ngân hàng. Trương Mỹ Lan bị cáo buộc kiểm soát 91% SCB, thông qua 27 người đại diện, và từ tháng 2 năm 2018 đến tháng 10 năm ngoái, 93% các khoản tiền SCB huy động được đã được chuyển đến VTP và các công ty ma của nó mà không có tài sản thế chấp, không có lịch trả nợ và không qua các quy trình thẩm định thông thường.

Bà Lan đã làm được điều này bằng cách hối lộ một cơ quan quản lý cấp cao của Ngân hàng Trung ương và 23 cơ quan quản lý nhà nước khác với số tiền 5,2 triệu USD để làm sai lệch các báo cáo giám sát của họ đối với SCB và che giấu các khoản nợ xấu cũng như bằng chứng về các hành vi sai trái.

Mặc dù Trương Mỹ Lan chưa bao giờ chính thức có liên hệ với SCB, nhưng việc bắt giữ bà Lan ngay lập tức dẫn đến một cuộc chạy đua rút vốn hàng loạt ra khỏi ngân hàng này. Ngân hàng Trung ương Việt Nam đã nhanh chóng can thiệp và hứa sẽ bảo lãnh tiền gửi, đảm bảo với công chúng rằng họ đang thực hiện “các biện pháp cần thiết” và đặt ngân hàng SCB dưới sự “kiểm soát đặc biệt” để đảm bảo rằng SCB vẫn có tính thanh khoản và có thể tiếp tục hoạt động bình thường.

Tổng cộng, các công tố viên đã khởi tố 86 người. Chồng của bà Lan vẫn ở bên ngoài, đang thanh lý tài sản. Hai nghi phạm bị chết khi bị cảnh sát giam giữ, và một nghi phạm khác chết do tự sát. Vào tháng 10 năm 2023, Bộ Công an ban hành lệnh bắt giữ 7 Giám đốc điều hành SCB, trong đó có hai cựu Chủ tịch HĐQT.

Sự giám sát đã bị thất bại thảm hại

Quy mô của vụ lừa đảo VTP thật ngoạn mục. Vậy trường hợp này nói lên điều gì về quản lý kinh tế của Việt Nam?

Đầu tiên, các cơ quan quản lý của Việt Nam đã tỏ ra choáng ngợp trước sự tăng trưởng của nền kinh tế. Việc dễ dàng thành lập các tập đoàn vỏ bọc, văn hóa sở hữu chéo phức tạp và sự thiếu thẩm định đã dẫn đến vụ tham ô 12,5 tỷ USD chỉ riêng tại một ngân hàng.

Đây là một thất bại nặng nề của việc giám sát. Một năm sau khi Trương Mỹ Lan bị bắt, không có lãnh đạo cấp cao nào trong chính phủ hay Ngân hàng Trung ương bị mất việc vì vụ bê bối VTP/ SCB.

Thứ hai, hệ thống ngân hàng vẫn còn mong manh. Giống như VTP/ SCB, nhiều tập đoàn địa phương – hầu hết đều đầu tư mạnh vào bất động sản – đều có các ngân hàng liên kết trong hệ sinh thái để tận dụng vốn vay, do đó, bất kỳ sự sụp đổ nào nữa sẽ kéo theo tình trạng rút hàng loạt vốn ra khỏi ngân hàng. Và do Trương Mỹ Lan và bong bóng bất động sản, chính phủ Việt Nam đã thắt chặt thị trường trái phiếu thương mại.

Trong trường hợp của SCB, Ngân hàng Trung ương đã có thể can thiệp và bảo lãnh tiền gửi, nhưng không rõ liệu nó có đủ nguồn lực hoặc sự nhạy bén để đáp ứng với nhiều đợt rút vốn hàng loạt ra khỏi ngân hàng xảy ra cùng lúc hay không.

Ngân hàng Trung ương Việt Nam gần đây đã trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu SCB và vào tháng 9 đã bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT mới. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn phải gánh các khoản nợ xấu của VTP.

Sau cuộc khủng hoảng ngân hàng vào đầu những năm 2010, năm 2013 chính phủ Việt Nam đã thành lập Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) để mua các khoản nợ xấu từ các ngân hàng nhằm củng cố bảng cân đối kế toán của họ.

Nhưng để so sánh, đến năm 2019, VAMC chỉ có khoảng 1 tỷ USD tiền mặt và trái phiếu để mua nợ xấu. Và nợ xấu ngày càng gia tăng. Báo cáo mới đây của Ủy ban Thanh tra Nhà nước cho thấy nợ xấu tại 28 ngân hàng tăng 52% trong quý 3 năm nay. Trừ khi VAMC được bơm một lượng vốn đáng kể, nếu không nó có thể bị quá tải.

Thứ ba, tham nhũng vẫn còn phổ biến. Điều này thể hiện rõ ở hai cấp độ. Tham nhũng liên quan đến nhân viên ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý khác của chính phủ đặt ra những câu hỏi quan trọng về năng lực và tính liêm chính của các cơ quan quản lý, những người được trả tiền để che đậy danh mục nợ xấu và bằng chứng về hành vi sai trái hình sự. Mỗi người trong số 24 cơ quan quản lý chịu trách nhiệm giám sát SCB đều phải gánh trách nhiệm. Nếu bà Trương Mỹ Lan đã hối lộ các cơ quan quản lý ngân hàng, vậy thì 40 tổ chức tài chính khác trong nước có thể cũng đã làm điều tương tự.

Việc thành lập SCB vào năm 2011 lẽ ra đã khiến các cơ quan quản lý phải chú ý, vì cả ba ngân hàng thành viên của SCB đều có hệ thống quản lý không rõ ràng, có số lượng lớn các khoản nợ xấu và đã chứng kiến tình trạng rút vốn hàng loạt ra khỏi ngân hàng. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý đã bỏ qua tất cả các dấu hiệu cảnh báo cũng như quyền sở hữu ẩn danh của bà Lan.

Cuối cùng, nhà chức trách vẫn chưa sẵn sàng đưa ra câu trả lời về cách bà Lan có được quyền mua vào 156 bất động sản, trong đó có một số khu đắt tiền ở quận Nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả đất đai đều thuộc sở hữu của nhà nước và do đó cần có các mối quan hệ chính trị mới có thể mua được các khu đất này.

Bà Trương Mỹ Lan đã bị tình nghi ít nhất 5 năm nhưng chưa bao giờ bị bắt cho đến năm 2022. Không có lời giải thích chính thức tại sao, nhưng có nhiều nghi ngờ rằng bà Lan có quá nhiều thông tin về các chính trị gia liên quan đến các hoạt động kinh doanh mờ ám nhằm trục lợi từ thị trường bất động sản đã có thời tăng nóng của Việt Nam.

Và cuộc điều tra đã dừng lại ở đó.

Related posts