Kế tiếp Mỹ là Úc cũng đã nâng cấp ngoại giao với Việt Nam lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Một số chuyên gia phân tích, Việt Nam đã chọn con đường rời xa Trung Quốc bằng cách thân Mỹ, tương lai có thể trở thành đối thủ nặng ký của Bắc Kinh.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Úc Anthony Albanese (Ảnh: Chụp màn hình video Thông tin Chính phủ)
Theo Thông tấn xã Việt Nam hôm 7/3, mức độ tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa Việt Nam và Úc đã tăng lên và đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Thủ tướng Úc Albanese và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào ngày 7/3 đã tổ chức cuộc gặp tại Canberra – Úc, tuyên bố hai nước nâng cấp mối quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện” và có hiệu lực ngay lập tức. Hai nước đã cùng nhau ký kết 12 văn kiện hợp tác, bao gồm các lĩnh vực hợp tác như năng lượng, nông nghiệp, khai thác mỏ, ngân hàng và tài chính.
Úc là nước có nguồn lực các loại khoáng sản quan trọng cần thiết cho điện thoại thông minh, ô tô và các sản phẩm khác, trong khi Việt Nam có trữ lượng khoáng sản ôxit đất hiếm (REO) lên tới 22 triệu tấn được xem là lớn thứ hai thế giới – vấn đề đặc biệt hấp dẫn đối với ngành khai thác khoáng sản của Úc. Hợp tác giữa hai bên có thể làm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Sau khi Úc đi sau Mỹ đạt được “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam, vấn đề đã thu hút cộng đồng quốc tế chú ý.
Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu vào năm 2018, đã dẫn đến việc tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu, bối cảnh này đưa Việt Nam trở thành “con rồng mới” trong hoạt động sản xuất quốc tế – do vị trí địa lý của Việt Nam gần Trung Quốc và giá thành lao động rẻ khiến số lượng lớn đơn hàng sản xuất được chuyển từ Trung Quốc qua Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Joe Biden lạc quan về ngành sản xuất của Việt Nam, xem là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau khi Tổng thống Biden đến thăm Việt Nam vào tháng 9 năm ngoái, hai nước đã nâng cấp lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, đồng thời Tổng thống Biden cũng cam kết Việt Nam sẽ trở thành cơ sở sản xuất chip mới cho “gia công bên ngoài” dành cho nước thân thiện của Mỹ.
Chính phủ Mỹ sẽ sắp xếp để các công ty công nghệ và bán dẫn hàng đầu của Mỹ đầu tư vào Việt Nam và tiến hành nghiên cứu và phát triển công nghệ chung. Hiện người sáng lập hãng chip trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới NVIDIA, ông Jensen Huang đã đầu tư 250 triệu USD vào Việt Nam và họ cũng đang chuẩn bị thành lập cơ sở sản xuất chip tại Việt Nam.
Theo dự báo của JPMorgan Chase, đến năm 2025 có 20% iPad và Apple Watch của Apple sẽ được sản xuất tại Việt Nam, tỷ lệ tai nghe không dây AirPods sản xuất tại Việt Nam sẽ lên tới 65%.
Sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Biden, Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình cũng đã đến thăm Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái, cho thấy khá rõ ràng rằng Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh để giành chiến thắng lôi kéo Việt Nam về phe mình.
Nhưng những dấu hiệu cho thấy Việt Nam không mấy thiện chí với ông Tập Cận Bình. Sau cuộc gặp với lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ông Tập đã công khai tuyên bố làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam và xây dựng “Trung Quốc-Việt Nam chung vận mệnh”. Tuy nhiên tuyên bố từ Việt Nam chỉ đề cập “chia sẻ tương lai” mà không thừa nhận “chung vận mệnh”.
Cuối năm ngoái, kênh tự truyền thông “Ngã tư thế giới” của Đường Hạo (Tang Hao – người Mỹ gốc Trung Quốc chuyên theo dõi các vấn đề Trung Quốc) đã chỉ ra thay đổi này là rất quan trọng, cái gọi là “chung vận mệnh” là khẩu hiệu của mặt trận thống nhất quốc tế do phía Trung Quốc nghĩ ra từ Đại hội 18 ĐCSTQ, nếu Việt Nam chấp nhận khẩu hiệu đó là đồng nghĩa đã chọn phe – gia nhập phe Bắc Kinh. Vì vậy Việt Nam chuyển sang thuật ngữ “tương lai chung” để tránh bị ĐCSTQ ép vào phe.
Ông Đường Hạo phân tích một số lý do để Việt Nam giữ khoảng cách với Trung Quốc:
Thứ nhất, Việt Nam và Trung Quốc luôn có những xung đột lãnh thổ gay gắt ở Biển Đông, đây cũng là “lằn ranh Đỏ” mà không bên nào có thể nhân nhượng;
Thứ hai, ngày nay nhiều công ty toàn cầu đã rời khỏi Trung Quốc và chuyển đến Việt Nam, mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam;
Thứ ba, Chiến tranh Trung-Việt năm 1979 đã dạy cho Việt Nam một bài học lịch sử đau thương. Bởi khi đó Việt Nam tấn công Campuchia nhưng sau đó lại bị Bắc Kinh tấn công khiến ít nhất 30.000 binh sĩ và dân thường Việt Nam thiệt mạng. Khi đó ĐCSTQ đưa quân sang trả đũa Việt Nam xóa bỏ chế độ Khmer Đỏ do ĐCSTQ hậu thuẫn, mặt khác cũng muốn dùng việc tấn công Việt Nam như một biểu hiện lập công để thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ [bối cảnh khi đó quan hệ Mỹ và Việt Nam không tốt].
Ông Đường Hạo cho rằng với bài học lịch sử đau thương này và bây giờ với cuộc xung đột về chủ quyền Biển Đông, dĩ nhiên Việt Nam không thể dễ dàng tin tưởng Bắc Kinh, không thể hoàn toàn rơi vào quỹ đạo của ĐCSTQ.
Ông cũng cho rằng Bắc Kinh cố tình “ve vãn” Việt Nam chủ yếu vì Mỹ đang tích cực thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ngoài ra cả Việt Nam và Hàn Quốc đều trở thành đối tác chiến lược của Mỹ để giúp Mỹ kiềm chế bành trướng của Trung Quốc. Đồng thời Bắc Kinh cũng lo ngại quân đội Mỹ sẽ quay trở lại Việt Nam để thiết lập căn cứ quân sự, như vậy sẽ gây bất lợi cho quyền bá chủ của ĐCSTQ ở Biển Đông.
Ông Đường Hạo cho rằng trong tình hình quốc tế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam đã lựa chọn “thân Mỹ, xa Trung Quốc”, có thể trở thành địch thủ mạnh của Bắc Kinh trong tương lai.
Khẩu chiến Việt Nam – Trung Quốc về chủ quyền trên biển
Tháng 12 năm ngoái, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước Việt Nam, nhưng chỉ sau đó hơn một tháng thì Trung Quốc và Việt Nam lại một lần nữa khẩu chiến về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Liên quan đến tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm trận hải chiến quần đảo Hoàng Sa năm 1974, Bắc Kinh ngày 24/1/2024 nhắc lại rằng quần đảo Tây Sa (Paracel Islands, Việt Nam gọi là quần đảo Hoàng Sa) và quần đảo Nam Sa (Spratly Islands, Việt Nam gọi là Trường Sa) đều là lãnh thổ của Trung Quốc, có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý.
Ngày 20/1, trả lời câu hỏi của truyền thông Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để có chủ quyền đối với “Quần đảo Hoàng Sa” và “Quần đảo Trường Sa”.
Nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ rằng Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, và phát triển hoạt động tại những hòn đảo này, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực thi quyền tài phán chủ quyền đối với vùng đảo này để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.
Có dấu hiệu cho thấy tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam về chủ quyền các đảo, bãi đá ở Biển Đông bắt đầu căng thẳng hơn. Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã trồng cỏ hải long trên đảo Tri Tôn – hòn đảo cực nam của quần đảo Hoàng Sa dưới sự kiểm soát thực tế của họ, đồng thời đã treo những lá cờ Trung Quốc và cờ ĐCSTQ khổng lồ cùng khẩu hiệu “Tổ quốc vạn tuế” bằng tiếng Trung Quốc…
Hình ảnh vệ tinh từ tháng 9/2022 – 10/2023 cũng cho thấy Bắc Kinh đã mở một đường băng đơn giản dài khoảng 600 mét và rộng 15 mét trên đảo Tri Tôn của Việt Nam, đã xây dựng những công trình giống như bãi đậu máy bay trực thăng và sân bóng rổ.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho biết, ĐCSTQ trong 10 năm qua đã hoàn thành 16 dự án cải tạo và xây dựng đảo ở Biển Đông; trong khi để cạnh tranh với Trung Quốc, Việt Nam cũng xây dựng bồi đắp trên 20 hòn đảo ở Biển Đông, số diện tích bồi đắp được khoảng 3,5 km2.
Vào tháng 11 năm ngoái, một báo cáo do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của CSIS công bố cho thấy, vòng dự án mở rộng mới nhất của Việt Nam tại Quần đảo Trường Sa bắt đầu vào năm 2021, trong đó dự án Rạn san hô Barque Canada (Barque Canada Reef) thu hút chú ý nhất. Mặc dù tổng diện tích bồi đắp của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4 diện tích bồi đắp của Trung Quốc, nhưng diện tích bồi đắp của Việt Nam ở Biển Đông chỉ đứng sau Trung Quốc.
Vương Quân, Vision Times