Ngân hàng Republic First Bank có trụ sở tại Philadelphia sụp đổ trong vụ phá sản ngân hàng đầu tiên của năm 2024

Tom Ozimek

Dấu hiệu của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) được nhìn thấy bên ngoài trụ sở chính của công ty ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 14/03/2023. (Ảnh: AP Photo/Manuel Balce Ceneta, Tư liệu)

Ngân hàng gặp khó khăn Republic First Bank có trụ sở tại Philadelphia đã phá sản, với việc các cơ quan quản lý liên bang tịch biên ngân hàng này và sắp xếp để ngân hàng này được kiểm soát bởi công ty cho vay cùng khu vực Fulton Financial, trong biến cố đánh dấu vụ phá sản ngân hàng đầu tiên của năm 2024.

Hôm 26/04, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) thông báo rằng ngân hàng Republic First Bank — hoạt động với tên gọi Republic Bank — đã bị tịch biên và đóng cửa cùng ngày hôm đó.

Để bảo vệ những người có tiền tiết kiệm tại ngân hàng Republic Bank, FDIC đã ký một thỏa thuận với Fulton Financial để tiếp nhận quản lý các khoản tiền gửi và tài sản của ngân hàng phá sản này. Điều này có nghĩa là 32 chi nhánh của Republic Bank ở New Jersey, Pennsylvania, và New York đã mở cửa trở lại hôm thứ Bảy (27/04) với tư cách là chi nhánh của ngân hàng Fulton Bank, tiếp tục cung cấp các dịch vụ ngân hàng thường lệ cho người gửi tiền mà không bị gián đoạn.

“Tối nay và cuối tuần, người gửi tiền tại ngân hàng Republic Bank có thể truy cập vào tiền của họ bằng cách viết chi phiếu hoặc sử dụng thẻ ATM hoặc thẻ ghi nợ. Các chi phiếu được rút từ ngân hàng Republic Bank sẽ tiếp tục được giải quyết và khách hàng vay vốn sẽ tiếp tục thực hiện thanh toán như bình thường,” FDIC cho biết trong một tuyên bố.

Những người có tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng Republic Bank không cần phải thay đổi mối quan hệ ngân hàng của họ để tiếp tục được bảo đảm cho tiền của họ theo bảo lãnh bảo hiểm tiền gửi của FDIC.

Hôm 26/04, Tập đoàn Tài chính Fulton, công ty sở hữu ngân hàng Fulton Bank, cho biết rằng tất cả các thỏa thuận chấp thuận theo quy định đã được phê chuẩn và giao dịch đã kết thúc.

Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Fulton, ông Curt Myers, nói trong một tuyên bố: “Với giao dịch này, chúng tôi vui mừng được tăng gấp đôi sự hiện diện của mình trên toàn khu vực. Chúng tôi mong được chào đón các thành viên trong nhóm và khách hàng của ngân hàng Republic Bank đến với Fulton và cung cấp bộ sản phẩm và dịch vụ tư vấn tiêu dùng, thương mại và tài sản toàn diện của chúng tôi cho nhiều khách hàng hơn nữa.”

Theo FDIC, tính đến ngày 31/01/2024, ngân hàng Republic Bank có khoảng 6 tỷ USD tài sản và 4 tỷ USD tiền gửi.

Như điển hình cho loại giao dịch mua và giả định mà FDIC làm trung gian trong vụ Fulton nắm quyền quản lý Republic, cơ quan bảo hiểm tiền gửi này sẽ chịu một phần gánh nặng tài chính. Trong trường hợp này, FDIC phải gánh chịu số tiền 667 triệu USD, với việc cơ quan này nói rằng họ đã xác định mua lại Fulton là giải pháp ít tốn kém nhất.

Sự sụp đổ của Republic Bank là vụ phá sản ngân hàng đầu tiên trong năm 2024. Trước đó, vụ phá sản gần đây nhất là ngân hàng Citizens Bank, thành phố Sac, Iowa, vào ngày 03/11/2023.

Đây cũng là vụ phá sản ngân hàng nổi tiếng thứ tư kể từ mùa xuân năm ngoái, khi một loạt các ngân hàng phá sản châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng.

Sự hỗn loạn của ngành ngân hàng

Sự sụp đổ bất ngờ của ba ngân hàng — Silicon Valley Bank và Signature Bank hồi tháng 03/2023 và First Republic Bank vào tháng 05/2023 — làm nổi bật cách những công ty cho vay quản lý rủi ro đối với các tài sản và khả năng thanh khoản khi Hệ thống Dự trữ Liên bang tăng mạnh lãi suất nhằm ngăn chặn lạm phát tăng cao.

Với tổng tài sản trị giá 440 tỷ USD, đây là những vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai, thứ ba, và thứ tư kể từ khi FDIC được thành lập trong thời kỳ Đại Suy Thoái để bảo vệ người gửi tiền và giảm thiểu rủi ro rút vốn ngân hàng.

Để so sánh, Republic First Bank có trụ sở tại Philadelphia đã được Fulton quản lý hôm thứ Sáu (26/04) có tài sản trị giá chỉ 6 tỷ USD, khiến cho sự phá sản của ngân hàng này bớt đáng lo ngại hơn đối với các cơ quan quản lý.

Tình trạng hỗn loạn hồi năm ngoái đã thúc đẩy các biện pháp khẩn cấp của chính phủ để ổn định khu vực ngân hàng, cùng với việc các cơ quan xếp hạng tín dụng hạ bậc xếp hạng tín dụng.

Các quan chức Hệ thống Dự trữ Liên bang cho biết những vụ phá sản ngân hàng hồi năm ngoái không chỉ là kết quả của việc quản lý rủi ro kém mà còn do sự yếu kém trong công tác giám sát.

Gần đây, FDIC ước tính trong báo cáo thường niên rằng tổng hao phí do ngân hàng phá sản trong năm 2023 lên tới khoảng 20.4 tỷ USD.

Cơ quan này cho biết họ sẽ lấy lại số tiền đó bằng một hoặc nhiều đánh giá đặc biệt hơn đối với các ngân hàng lớn hơn, vì không có tổ chức ngân hàng nào có tổng tài sản dưới 5 tỷ USD phải chịu khoản phí bất thường này.

Sự biến động của ngành ngân hàng hồi năm ngoái đã gây ra một thời kỳ suy thoái tín dụng khi các ngân hàng giảm bớt việc cung cấp các khoản vay cả tiêu dùng và thương mại. Mặc dù cả cho vay thương mại và tiêu dùng đều ổn định, nhưng vẫn ở dưới mức trước cuộc khủng hoảng.

Cẩm An biên dịch

Related posts