Trung Quốc: Cố tình vỡ nợ để lừa đảo ngân hàng

J. TaoO. Li

Trung Quốc: Cố tình vỡ nợ để lừa đảo ngân hàng

Một nhân viên đếm tờ 100 nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc, vào ngày 23/7/2018. (Ảnh: -/AFP qua Getty Images)

Theo ông Wang, một người trung gian trong ngành, ngành “gánh nợ” tại Trung Quốc đã tồn tại được 7 đến 8 năm nhưng mới thực sự phát triển trong một hoặc hai năm qua.

Tại Trung Quốc, một ngành công nghiệp gian lận đã lừa đảo các ngân hàng bằng cách cố tình không trả các khoản vay ngân hàng gian lận và chia nhau phần tiền vay, theo các bên liên quan đã trao đổi với The Epoch Times dưới hóa danh.

Vụ lừa đảo liên quan đến việc nhân viên ngân hàng thông đồng với các bên trung gian và “người gánh nợ”.

“Người gánh nợ” là những cá nhân cố tình vay các khoản vay mà họ không thể trả do hoàn cảnh tài chính. Họ phải làm việc với một trung gian có mối liên hệ trực tiếp với nhân viên ngân hàng và những người trung gian sẽ giả mạo thông tin cá nhân và tài chính để người gánh nợ có thể đáp ứng các tiêu chí cho các khoản vay lớn.

Sau khi các khoản vay được phê duyệt và giải ngân, số tiền sẽ được chia ra, và những người mắc nợ phải gánh những khoản nợ đáng kể từ hàng triệu đến hàng chục triệu CNY (nhân dân tệ). Không có khả năng trả nợ, họ bị đưa vào danh sách đen của ngân hàng với tư cách là những con nợ không hoàn thành nghĩa vụ, một hậu quả mà hầu hết những người cố tình vỡ nợ này không quan tâm.

Theo dữ liệu chính thức, số người mắc nợ đã vỡ nợ hay các thực thể nằm trong danh sách đen đã tăng từ 5,7 triệu vào đầu năm 2020 lên 8,33 triệu vào ngày 22/4, tăng 46%. Nhóm này bao gồm một số lượng đáng kể những người gánh nợ nêu trên.

Ở Trung Quốc, những người không trả được nợ sẽ bị đưa vào danh sách đen. Những người trong danh sách không thể mua vé máy bay và đường sắt cao tốc, sử dụng đường thu phí hoặc các ứng dụng như Alipay và WeChat.

Những người gánh nợ

Ông Zhao Fei (hóa danh) 39 tuổi nói với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung vào ngày 22/4 rằng đại dịch kéo dài 3 năm kết hợp với suy thoái kinh tế của Trung Quốc đã dẫn đến nhiều cửa hàng đóng cửa và triển vọng kinh doanh kém, dẫn đến có ít cơ hội việc làm hơn. Là một công dân bình thường không có kỹ năng đặc biệt, ông từng hy vọng có thể cùng vợ mở một cửa hàng nhỏ để phụ giúp gia đình nhưng lại thiếu vốn. Bị thu hút bởi vô số quảng cáo trực tuyến từ những người trung gian, ông quyết định mạo hiểm trở thành “người gánh nợ”.

Vào tháng 7 năm ngoái, ông Zhao đã tìm được một người trung gian thiết kế khoản vay doanh nghiệp trị giá 4 triệu CNY (khoảng 553.000 USD) cho ông. Toàn bộ quá trình rất phức tạp.

Vì ông Zhao có tín dụng xấu nên người trung gian đã giúp ông tạo ra một bộ tài liệu giả và thậm chí còn bắt ông phải chi hơn 100.000 CNY (khoảng 13.814 USD) để mua một bộ chứng nhận công ty. Vì sự giám sát ở tỉnh Giang Tô vào thời điểm đó rất nghiêm ngặt nên người trung gian đã yêu cầu ông Zhao chuyển đến Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, nơi ông nộp đơn xin vay tiền từ Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc.

Trong quá trình này, chi phí sinh hoạt của ông Zhao ở Thành Đô đều do người trung gian đài thọ.

Sáu tháng sau, ngân hàng chuyển khoản vay 4 triệu CNY (khoảng 553.000 USD) vào tài khoản của ông. Sau khi ông Zhao rút tiền, bản thân ông giữ lại 1,6 triệu CNY (khoảng 221.028 USD), phần còn lại bị người trung gian lấy.

Hai người bạn của ông Zhao, những người đã thực hiện các kế hoạch tương tự để lừa gạt các ngân hàng bằng các khoản vay doanh nghiệp, đã lần lượt có được 1,8 triệu CNY (khoảng 248.660 USD) và 1,2 triệu CNY (khoảng 165.771 USD).

Trong quá trình này, ông Zhao cho biết ông được biết các bên trung gian trong ngành có mối quan hệ chặt chẽ với các ngân hàng và các ngân hàng sẽ phối hợp, tư vấn cho các bên trung gian cách nộp hồ sơ để đảm bảo được chấp thuận.

Người trung gian nói với ông Zhao rằng nhân viên ngân hàng đã gánh chịu rủi ro lớn nhất và do đó, nhận được phần lợi nhuận lớn nhất từ vụ lừa đảo. Và những người trong nội bộ ngân hàng sẽ không bao giờ gặp những người xin vay vì điều đó quá rủi ro.

Ông Zhao tuyên bố: “Những người trong ngân hàng cho biết rằng nếu bạn sử dụng các khoản vay của doanh nghiệp, những người có chứng nhận tốt có thể vay tới 5 triệu CNY, trong khi những người có chứng nhận thấp hơn có thể vay từ một triệu đến hai triệu CNY”.

Theo hướng dẫn của ngân hàng với bên trung gian, ông Zhao được giao nhiệm vụ ban đầu phải trả vài trăm CNY hàng tháng, sau đó tuyên bố phá sản do sức khỏe kém và quản lý yếu kém sau một năm để ngừng trả nợ. “Người trong ngân hàng nói rằng dù bạn có trả lại bao nhiêu đi nữa, nếu bạn bắt đầu trả lại một ít mỗi tháng, ngân hàng có thể dập tắt vấn đề và theo thời gian sẽ chẳng có gì cả”.

Hiện nay, vợ chồng ông Zhao đã mở một cửa hàng và kiếm được hơn 10.000 CNY (khoảng 1.381 USD) mỗi tháng.

Ông không khuyến khích những người trẻ đi theo con đường này và khuyên: “Nếu bạn có thể kiếm sống tử tế bằng bất kỳ cách thức nào khác, hãy sống cho đàng hoàng. Nếu bạn thực sự cân nhắc việc trở thành người gánh nợ thì hãy suy nghĩ kỹ vì bạn sẽ bị đưa vào danh sách đen”.

Một người gánh nợ khác, ông Chen Li (hóa danh), 31 tuổi, đã thất nghiệp khi quyết định tham gia vào vụ lừa đảo vỡ nợ vào cuối năm 2023 thông qua một người trung gian ở Từ Châu, Giang Tô.

Vào ngày 22/4, ông nói với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung rằng ban đầu, bên trung gian đã giúp ông tạo ra một bộ tài liệu giả và chứng nhận nhận dạng hoàn chỉnh, đáp ứng các tiêu chí đủ điều kiện vay tiền và có được khoản vay mua ô tô trị giá 300.000 CNY (41.443 USD).

Nhiều tháng sau, khi ngân hàng giải ngân vào tài khoản của ông, bên trung gian đã hướng dẫn ông Chen rút tiền mặt và chuyển cho họ để chia tiền. Tin vào lời họ, ông Chen đã làm như vậy, và người trung gian biến mất cùng với 300.000 CNY, để lại cho ông một khoản nợ.

Sau khi biết mình bị lừa đảo, ông Chen đã ngay lập tức trình báo sự việc với cảnh sát nhưng nhiều tháng trôi qua mà không được giải quyết.

Ông Chen giải thích động cơ cố tình vỡ nợ của mình: “Người bình thường không thể kiếm được một hoặc hai triệu nhân dân tệ cả đời từ những công việc bình thường. Trở thành người vỡ nợ không dẫn đến việc phải ngồi tù. Chính các ngân hàng mới phải gánh chịu các vấn đề”.

Ông Chen thẳng thắn thừa nhận mình không có ý định trả lại số tiền này, “Người bình thường làm nghề bình thường quá khó mà trả nợ được, giờ tôi bất lực, không còn cách nào khác là phải làm việc chân chính và kiếm tiền nuôi sống bản thân trước”.

Một người đàn ông lớn tuổi đang trên đường về nhà sau khi mua một số rau từ chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 7/9/2012. (Ảnh: Wang Zhao/AFP/Getty Images)

Thông đồng với bên trung gian và nhân viên ngân hàng

Phiên bản tiếng Trung của The Epoch Times đã nói chuyện với một số bên trung gian ở Trung Quốc.

Ông Wang Jun (hóa danh), cư dân tỉnh Hắc Long Giang, tự nhận là chuyên gia duy trì liên hệ trực tiếp với các ngân hàng và chuẩn bị các thủ tục giấy tờ để người gánh nợ xuất hiện với tư cách là người đi vay đáng tin cậy đối với ngân hàng.

Theo ông Wang, ngành “gánh nợ” đã tồn tại được 7 đến 8 năm nhưng mới thực sự phát triển trong một hoặc hai năm qua.

“Vì ba năm hạn chế liên quan đến đại dịch, doanh nghiệp gặp khó khăn và nhiều người đã phá sản. Hiện nền kinh tế cũng đang trong tình trạng tồi tệ, nhiều người đang cân nhắc việc trở thành người gánh nợ”, ông giải thích.

Ông Li Qi (hóa danh), một người trung gian tại Vũ Hán chuyên chuẩn bị thủ tục giấy tờ lừa đảo cho những người đi vay với tư cách là những cửa hàng gạch vữa truyền thống để có được các khoản vay ngân hàng, cho biết ngành này gần đây có nhu cầu cao.

Ông nói: “Ngay khi chúng tôi đăng quảng cáo, một lượng lớn người đã hỏi về nó”.

Ông Zheng Xiang (hóa danh), một luật sư ở Trung Quốc, nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times vào ngày 23/4 rằng ông biết nhiều trường hợp như vậy.

“Những năm trước, khi kinh tế khá, nhiều người dân đã lãnh những khoản nợ lớn để mua nhà, khởi nghiệp và phải làm việc cật lực mới trả được. Giờ đây, với nền kinh tế suy thoái và doanh nghiệp không tạo ra lợi nhuận, [người dân] không thể kiếm tiền và duy trì hoạt động nên mọi người đang chuyển sang phương pháp này. Trở thành người gánh nợ có nghĩa là bạn có thể vỡ nợ mà không phải lo lắng về hậu quả”, ông Zheng nói.

Ông nói thêm: “Ở nông thôn và tầng lớp xã hội thấp hơn, có nhiều người không đứng tên vay vốn và có hồ sơ tín dụng tốt, tạo điều kiện thuận lợi để họ thể hiện mình là người đi vay đủ điều kiện nên thị trường này đang phát triển mạnh”.

Ngày nay, những người gánh nợ chuyên nghiệp, các bên trung gian và ngân hàng đã hình thành một chuỗi lợi ích. Ông Wang nhận thức được rằng những người trong nội bộ ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động này.

Ông tuyên bố rằng ngành này khai thác các lỗ hổng ngân hàng để có được các khoản vay của khách hàng. Những người gánh nợ và bên trung gian muốn có được “tiền miễn phí” từ ngân hàng, trong khi nhân viên ngân hàng được thúc đẩy bởi các chỉ số hiệu suất làm việc.

“Thông đồng trong và ngoài là hành vi lừa đảo, nhân viên ngân hàng nhận thức rõ thủ đoạn liên quan, vốn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây tổn hại đến lợi ích của ngân hàng. Việc truy tố pháp lý không thể thu hồi được số tiền và thậm chí có thể vạch trần sự thông đồng của họ, vì vậy các ngân hàng cuối cùng phải xóa các khoản nợ xấu này”, ông nói.

Một nhân viên đếm tờ 100 nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 23/7/2018. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Bị cảnh sát xử lý

Cảnh sát Trung Quốc đã xử lý một số trường hợp cố tình không trả nợ liên quan tới sự thông đồng của nhân viên ngân hàng.

Vào ngày 26/1, Hợp tác xã tín dụng nông thôn Ninh Ba Tượng Sơn ở tỉnh Chiết Giang đã sụp đổ tập thể, từ chủ tịch hợp tác xã đến quản lý các bộ phận kinh doanh khác nhau và cả các nhân viên bình thường, khi 11 nhân viên bị phát hiện có liên quan đến việc cấp khoản vay phi pháp và lừa đảo cho vay với tổng trị giá 425 triệu CNY (khoảng 58,65 triệu USD).

Tòa án nhận thấy, trong một số trường hợp, người vay nộp đơn xin vay tiền bằng cách sử dụng hồ sơ vay giả. Trong các trường hợp khác, tổng giám đốc đơn vị kinh doanh và hai nhân viên khác đã phê duyệt các khoản vay ngay cả khi người nộp đơn không đáp ứng các tiêu chí và giúp họ vay tiền thành công.

Từ năm 2014 đến năm 2017, ba cá nhân này đã tham gia vào khoảng 60 khoản cho vay bất hợp pháp với tổng trị giá 425 triệu CNY (khoảng 58,7 triệu USD), gây thiệt hại kinh tế 294,8 triệu CNY (khoảng 40,68 triệu USD).

Vào tháng 12/2023, cảnh sát Thượng Hải đã phát hiện một vụ lừa đảo thế chấp liên quan đến 60 triệu CNY (khoảng 8,3 triệu USD), do những người gánh nợ, nhân viên bất động sản, bên cho vay và nhân viên ngân hàng dàn dựng, dẫn đến việc bắt giữ 34 nghi phạm.

Nhà bình luận thời sự Li Linyi nói với The Epoch Times vào ngày 23/4 rằng ông tin rằng sự xuất hiện đáng kể của “những người gánh nợ” sẽ đẩy nhanh sự bất ổn tài chính, làm trầm trọng thêm vấn đề nợ xấu vốn đã nghiêm trọng trong các ngân hàng Trung Quốc.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts