Nguồn: Michael Hirsh, “No, This Is Not a Cold War – Yet”, Foreign Policy, 07/05/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Tại sao phe diều hâu chống Trung Quốc lại phóng đại mối đe dọa từ Bắc Kinh?
Trong vài năm qua, giới chuyên gia đã bắt đầu hoạt động hết công suất về vấn đề Trung Quốc. Một thế hệ mới các học giả, quan chức chính phủ, và nhà báo đang được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng Mỹ đã bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới, với Trung Quốc trong vai trò của Liên Xô trước đây, còn Nga dù suy yếu vẫn đóng vai trò người bạn đồng hành nhiệt tình giúp đỡ. Hàng loạt sách báo được bán ra, hàng loạt hệ thống vũ khí được phát triển (bao gồm cả đầu đạn hạt nhân mới đầu tiên của Mỹ suốt nhiều thập kỷ), và rất nhiều cá nhân đã được thăng chức và trao nhiệm kỳ.
Trớ trêu thay, vào thời điểm phân cực chính trị đang rất gay gắt ở Washington, không có sự đồng thuận nào giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa lớn hơn ý kiến cho rằng Trung Quốc đang ráo riết cố gắng thay thế Mỹ trở thành bá chủ toàn cầu.
Chúng ta đang đối đầu với Bắc Kinh, và có thể chắc chắn rằng nếu cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử sau sáu tháng kể từ bây giờ, tình hình nhìn chung sẽ không mấy hoà dịu. Trong một bài tiểu luận trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 5/tháng 6, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia của Trump, Matt Pottinger – người nhiều khả năng sẽ được bổ nhiệm trong chính quyền Trump thứ hai – đã chỉ trích những thành viên diều hâu của chính quyền Biden là “không đủ diều hâu.” Trong bài viết cùng Mike Gallagher, cựu chủ tịch Ủy ban Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc, người vừa nghỉ hưu nhưng vẫn có ảnh hưởng lớn, Pottinger đã tiến rất gần đến việc kêu gọi thay đổi chế độ ở Bắc Kinh, trích dẫn lời kêu gọi Chiến tranh Lạnh của Tướng Douglas MacArthur: “Không gì có thể thay thế cho chiến thắng.”
Các đồng minh chủ chốt của Mỹ như Anh cũng đang đồng tình với làn sóng diều hâu mới. Trong số những người ủng hộ quan điểm chiến tranh lạnh này có Robin Niblett, nghiên cứu viên của Viện Chatham có trụ sở tại London. Chúng ta có thể làm gì để tránh rơi vào chiến tranh lạnh thứ hai? Niblett đặt câu hỏi trong cuốn sách mới của mình, The New Cold War: How the Contest Between the US and China Will Shape Our Century (Chiến tranh Lạnh mới: Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ định hình thế kỷ của chúng ta như thế nào). Không, chúng ta không thể làm gì được, ông viết, bởi vì “vấn đề là hai quốc gia này đang ở hai phía đối lập nhau trong một cuộc cạnh tranh toàn cầu sâu rộng và không có hồi kết, giữa hai hệ thống chính trị không tương thích và thù địch lẫn nhau.”
“Chiến tranh Lạnh mới đã thực sự bắt đầu,” Niblett tuyên bố. Ở một khía cạnh nào đó, điều này đơn giản chỉ là sự lặp lại của những tuyên bố gay gắt mà chúng ta từng nghe trong Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất – dù lần này, nó giống một trò đùa hơn là bi kịch (hãy nhớ lại việc Washington và Bắc Kinh từng tạm ngừng quan hệ tại một thời điểm chỉ vì một quả khí cầu bay sai hướng). Vấn đề của quan điểm này là các bằng chứng thuyết phục nhất cho chúng ta biết rằng nó không đúng – chí ít là chưa đúng – và quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn giống “hòa bình lạnh” nhiều hơn.
Sai lầm lớn nhất mà phe chiến tranh lạnh mới mắc phải nằm ở lập luận rằng, đương nhiên có những khác biệt đáng kể so với Chiến tranh Lạnh trước đây, nhưng những khác biệt này sẽ không ngăn cản một cuộc chiến tranh lạnh mới. Niblett thực sự đã dành phần lớn cuốn sách của mình để nói về những khác biệt đó – và ông đã làm rất tốt việc trình bày chi tiết chúng – rồi cuối cùng cảnh báo rằng: đừng để xung đột với Trung Quốc “trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm.”
Nhưng lời cảnh báo đó có lẽ đã đến quá muộn. Phép so sánh Chiến tranh Lạnh cứ liên tục xuất hiện. Trong bài tiểu luận nổi tiếng xuất bản năm 2019 trên tạp chí Foreign Affairs, Jake Sullivan và Kurt Campbell – những người sau này lần lượt trở thành cố vấn an ninh quốc gia và cố vấn trưởng về châu Á của Tổng thống Joe Biden – thậm chí còn cho rằng “Trung Quốc cuối cùng có thể đặt ra một thách thức ý thức hệ còn mạnh hơn Liên Xô.” Lập luận của họ khi đó là “sự kết hợp giữa chủ nghĩa tư bản độc tài và khả năng giám sát kỹ thuật số” của Trung Quốc bằng cách nào đó có thể “tồn tại bền bỉ và hấp dẫn hơn chủ nghĩa Marx.”
Hóa ra không phải vậy – vì những lý do mà tôi sẽ nhắc đến sau. Nhưng điểm chính yếu là: Những khác biệt giữa hai thời đại sâu sắc đến mức chúng là bằng chứng ủng hộ một nền hòa bình lạnh hơn là một cuộc chiến tranh lạnh. Và có một khác biệt rất lớn giữa hai thuật ngữ đó.
“Chiến tranh lạnh” có nghĩa là công khai tranh giành quyền thống trị hoàn toàn về mặt quân sự và cả những lĩnh vực khác. Nó có nghĩa là liên tục can thiệp nội bộ vào quốc gia đối thủ thông qua các chiến dịch bí mật và việc sống chung với mối đe dọa hủy diệt luôn hiện hữu trong một thế giới đầy rẫy nguy cơ hạt nhân. Mặt khác, “hòa bình lạnh” có nghĩa là các cường quốc đối thủ thường tránh sử dụng lực lượng quân sự và tập trung vào các hình thức cạnh tranh địa chính trị không gây chết người. Cuộc cạnh tranh được xác định bằng việc bên nào có ảnh hưởng lớn nhất trong một hệ thống quốc tế đã được thống nhất chung.
Một cuộc chiến tranh lạnh luôn có tổng bằng không, nhưng trong một nền hòa bình lạnh, không có người chiến thắng và cũng không có vạch đích. Nó kém thú vị hơn nhiều, nhưng cũng ít người chết hơn rất nhiều.
Những gì chúng ta đang có ở hiện tại vẫn gần với hoà bình lạnh hơn, như tôi sẽ giải thích. Tuy nhiên, những thành viên phe diều hâu về Trung Quốc ở Washington – và người ta gần như không thể rẽ ngang một góc nào ở thủ đô nước Mỹ mà không gặp phải một nhân vật diều hâu Trung Quốc – dường như lại tin rằng chúng ta đang có chiến tranh lạnh.
Tại sao lại có quá ít tranh luận về vấn đề đáng lẽ phải gây tranh cãi này? Một phần nguyên nhân của những gì đang xảy ra hôm nay là phản ứng thái quá của các quan chức Mỹ và phương Tây khi họ phát hiện ra rằng Bắc Kinh không có ý định trở thành “một bên liên quan có trách nhiệm” trong các vấn đề thế giới, như Washington từng kỳ vọng sau Chiến tranh Lạnh. Thay vào đó, Trung Quốc, với một chính phủ ngày càng cứng rắn, đã trở thành ông chủ và nhà tài trợ chính cho kỷ nguyên mới của các chế độ chuyên chế và đàn áp nhân quyền, thậm chí còn vi phạm trắng trợn các quy tắc thương mại quốc tế.
Các quan chức cấp cao của Mỹ và các nhà lập pháp ở cả hai đảng đều cảm thấy xấu hổ trước sự ngây thơ của mình – cũng như tất cả những học giả cả tin – và có lẽ không có cơn thịnh nộ nào dữ dội bằng cơn thịnh nộ của kẻ bị phản bội. Sau khi Biden bước chân vào Nhà Trắng, Campbell – người từ lâu đã ủng hộ quan điểm diều hâu với Trung Quốc – đã tin chắc rằng ông không phải là kẻ ngốc khi tuyên bố vào năm 2021 rằng “giai đoạn được mô tả rộng rãi là gắn kết” với Trung Quốc “đã kết thúc.”
Tuy nhiên, mọi chuyện không hẳn là như thế. Như nhà báo David Sanger đã viết trong một trong những cuốn sách cân bằng và có tầm nhìn xa hơn trong làn sóng sách mới, New Cold Wars: China’s Rise, Russia’s Invasion, and America’s Struggle to Defend the West (Chiến tranh Lạnh mới: Sự trỗi dậy của Trung Quốc, Cuộc xâm lược của Nga, và Cuộc đấu tranh của Mỹ để bảo vệ phương Tây), sau cuộc gặp đầu tiên đầy thù địch với phái đoàn Trung Quốc ở Alaska hồi năm 2021, các quan chức chính quyền Biden đã dần nhận ra rằng Trung Quốc có lẽ không đáng gờm như họ nghĩ – và Bắc Kinh dường như vẫn sẵn sàng đàm phán để tìm ra một lối thoát khả thi.
Chắc chắn có rất nhiều lý do để nghĩ rằng Mỹ và Trung Quốc vẫn đang trên đường tiến đến chiến tranh lạnh – hoặc tệ hơn – cho dù bạn có muốn hay không. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh cuộc chạy đua vũ trang đang gia tăng, gần đây nhất là sự xuất hiện của các tên lửa siêu thanh mới của Trung Quốc, có nguy cơ trở thành sát thủ tàu sân bay ở Biển Đông. Trong vài năm qua, các bức ảnh vệ tinh cũng khiến cộng đồng an ninh quốc gia ở Washington choáng váng khi tiết lộ hoạt động củng cố kho vũ khí hạt nhân đầy ấn tượng và cực kỳ bí mật của Trung Quốc, có thể bao gồm tới 300 hầm chứa tên lửa mới.
Để đáp trả, Biden đang cho nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, bao gồm cả việc phát triển đầu đạn hạt nhân mới đầu tiên của đất nước sau 40 năm, W93; bom trọng lực hạt nhân B61-13; 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất; một hạm đội tàu ngầm chiến lược được trang bị vũ khí hạt nhân; một máy bay ném bom chiến lược mới (B-21), và tên lửa hành trình phóng từ trên không.
Ngoài ra, Biden đã tiến gần hơn bất kỳ tổng thống nào trước đây tới việc vi phạm chính sách lâu đời của Mỹ về “mơ hồ chiến lược” và đã công khai cam kết bảo vệ Đài Loan – bất chấp việc quân đội Trung Quốc tăng cường các mối đe dọa và các cuộc tập trận quân sự. Tất cả những điều đó có thể có nghĩa là một ngày nào đó hai nước có thể bỏ qua phần “lạnh” và đi thẳng vào một cuộc chiến nóng.
Cùng lúc đó, bất chấp những lời phủ nhận của Biden rằng ông không muốn một cuộc chiến tranh lạnh mới, chính sách của Mỹ và phương Tây trên thực tế đã xác nhận với Bắc Kinh rằng chiến tranh lạnh đang diễn ra – với sự đồng ý miễn cưỡng của các đồng minh Thái Bình Dương của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc. Không gì truyền tải thông điệp này thẳng thắn hơn quyết định của NATO vào giữa năm 2022 nhằm mở rộng trọng tâm sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cảm giác của Trung Quốc rằng Washington đang âm thầm áp đặt chính sách ngăn chặn kiểu Chiến tranh Lạnh lên nước này đã được củng cố bởi các nhóm như AUKUS – một hiệp ước an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ – và thỏa thuận Bộ tứ giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, và Australia.
Ngoài ra, rõ ràng là Trung Quốc và Nga sẽ vẫn duy trì liên minh ở một mức độ nhất định – nếu chưa hoàn toàn là liên minh về mặt quân sự. Cả hai nước sẽ tiếp tục nỗ lực để cân bằng với bá quyền Mỹ, và việc cố gắng chia rẽ họ có lẽ cũng vô ích như chia rẽ Liên minh Châu Âu khỏi Mỹ. Bất chấp việc từ chối giao các hệ thống vũ khí quy mô lớn cho Nga ở Ukraine, Trung Quốc vẫn cung cấp tài chính và ngày càng nhiều thiết bị và phụ tùng – như lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc sau hơn 5 giờ hội đàm với Ngoại trưởng Vương Nghị, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 4 để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong một cuộc họp báo, Blinken cáo buộc Trung Quốc “tiếp thêm sức mạnh cho cuộc xâm lược tàn khốc của Nga chống lại Ukraine” bằng cách trở thành “nhà cung cấp hàng đầu của các máy công cụ, linh kiện điện tử, nitrocellulose – hoá chất quan trọng để chế tạo đạn dược và thuốc phóng tên lửa – cũng như các mặt hàng lưỡng dụng khác mà Moscow đang sử dụng để tăng cường cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình.” Thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã đạt mức kỷ lục 240,1 tỷ USD vào năm 2023, tăng mạnh so với một năm trước đó.
Vậy thì tại sao tôi lại không nghĩ rằng chiến tranh lạnh sắp xảy ra?
Trong cùng chuyến thăm Trung Quốc, Blinken cũng ca ngợi ảnh hưởng “quan trọng” của Bắc Kinh trong việc “khiến Nga” rời xa việc cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột Ukraine, đồng thời ông cũng khen ngợi Bắc Kinh vì đã thúc giục Iran không leo thang chống lại Israel.
Michael Doyle, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia, cho rằng việc phân biệt giữa mục tiêu của Trung Quốc và của Nga trong môi trường hiện tại là cực kỳ quan trọng.
“Nga là kẻ bất hảo, còn Trung Quốc là đối thủ. Tôi nghĩ đó là một cách tóm tắt khá tốt,” Doyle, người đồng thời là tác giả cuốn “Cold Peace: Avoiding the New Cold War” (Hòa bình Lạnh: Cách tránh Chiến tranh Lạnh Mới), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Foreign Policy. Ông nói thêm “Về cơ bản, chúng ta đang tham gia vào một xung đột cấp độ chiến tranh lạnh cực đoan nhất với Nga,” một cuộc xung đột không khác gì các cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Việt Nam và Afghanistan trong giai đoạn trước.
“Nhưng với Trung Quốc, mọi chuyện lại rất khác,” Doyle nhận xét. “Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới, và trong tương lai, Trung Quốc muốn đóng vai trò dẫn đầu trong nền kinh tế thế giới. Vì vậy, Trung Quốc sẽ không muốn phá hủy thế giới, điều đó khá rõ ràng. Và nó có nghĩa là đang có một lực đẩy lớn chống lại những người theo chủ nghĩa quân phiệt ở Trung Quốc, những người muốn khẳng định uy tín và quyền lực của Trung Quốc ở Đông Thái Bình Dương.”
Thế còn ý kiến cho rằng hệ thống của Mỹ và Trung Quốc “không tương thích” và “thù địch lẫn nhau” (theo cách nói của Niblett)? Xét về ý thức hệ chính trị, điều này đúng ở một chừng mực nào đó, dù có lẽ không đúng như Niblett và nhiều chuyên gia tin tưởng. (Chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề đó sau.) Nhưng ở các khía cạnh khác, khi nói đến kinh tế và đặc biệt là tài chính và thương mại, ý tưởng đó gây tranh cãi hơn nhiều.
Trong vài năm qua, một loạt các hạn chế xuất khẩu chưa từng có tiền lệ đã được Washington và các chính phủ châu Âu áp đặt để đảm bảo rằng các doanh nghiệp phương Tây không chia sẻ các công nghệ nhạy cảm với Bắc Kinh. Các doanh nghiệp này cũng đồng thời giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng như viễn thông, cơ sở hạ tầng, và nguyên liệu thô. Nhưng hành động “phân tách” này (hay như đội ngũ của Biden thích gọi là “giảm rủi ro”) vẫn chỉ diễn ra ở bên lề. Bộ Thương mại Mỹ báo cáo rằng: vào năm 2022, tổng thương mại hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc đã lập kỷ lục mới là 690 tỷ USD.
Sanger viết, ngay cả iPhone của Apple, “một thiết bị mà hàng triệu người Mỹ phụ thuộc vào để quản lý mọi thứ, từ đời sống tài chính, hồ sơ bệnh án, cho đến các ứng dụng giúp họ mở cửa nhà,” hiện vẫn chủ yếu được lắp ráp tại Trung Quốc – và công ty không hề vội vã thay đổi điều đó.
Tập dường như đang dần hiểu rõ hơn về sự phụ thuộc lẫn nhau này, nhất là khi ông đang phải chứng kiến nền kinh tế của mình suy thoái. Đó chắc chắn là một lý do cho chuyến đi châu Âu vừa qua của Tập – hoặc để thu hút đầu tư, hoặc để hy vọng viển vông rằng ông có thể gây chia rẽ giữa Liên minh châu Âu và Mỹ. Nhưng Tập đang phải đối mặt với một môi trường rất khác so với những gì ông đã trải qua trong chuyến thăm châu Âu vào năm 2019. Khi đó, châu Âu và Washington có những khác biệt lớn về việc họ nên cứng rắn với Bắc Kinh đến mức nào; nhưng ngày nay, sự bất đồng quan điểm đó gần như đã biến mất, trong khi sự ngờ vực đối với Trung Quốc lại tăng cao. Trong một động thái cho thấy ảnh hưởng suy giảm của Bắc Kinh, Tập đã giới hạn chuyến thăm của mình tới hai quốc gia nhỏ và có phần đồng cảm với Trung Quốc là Hungary và Serbia, cùng với quốc gia thứ ba là Pháp, với Tổng thống Emmanuel Macron – người đã thận trọng cố gắng thúc đẩy EU hướng tới việc độc lập hơn khỏi Washington.
Quả thực, xét đến mức độ hội nhập và lợi ích tương hỗ cho mỗi nền kinh tế tham gia thị trường toàn cầu, rõ ràng là mối đe dọa chiến lược mà Trung Quốc và Mỹ đặt ra cho nhau ít hơn hẳn so với mối đe dọa mà mỗi nước phải đối mặt nếu thất bại trong việc hợp tác.
Điều này đặc biệt đúng khi nói đến việc ngăn chặn biến đổi khí hậu và các đại dịch trong tương lai, cũng như việc ổn định các khu vực mà mỗi bên đều đang muốn khai thác về mặt thương mại – cụ thể là ở phương Nam. Xung đột trực tiếp – trái ngược với cạnh tranh kinh tế – sẽ không giúp ích gì cho cả hai bên. Quan trọng hơn, cả chính phủ Mỹ và Trung Quốc đều nhận ra điều này, theo đó giúp giải thích tại sao cuộc thương chiến do Trump khơi mào lại không trở nên tồi tệ hơn.
Và còn thách thức ý thức hệ được cho là đến từ Trung Quốc thì sao? Trong bài viết đăng trên trang nhất của tờ Foreign Affairs số tháng 5/tháng 6 có tựa đề Can China Remake the World? (Liệu Trung Quốc có thể tái định hình thế giới?), Elizabeth Economy của Viện Hoover thậm chí còn đi xa hơn Sullivan, Campbell, và nhiều chuyên gia khác ở một số khía cạnh, khi cho rằng thứ mà Tập đang theo đuổi không gì khác ngoài việc tái định hình toàn bộ hệ thống thời hậu chiến. “Tham vọng tái định hình thế giới của Tập Cận Bình là không thể phủ nhận,” bà viết. Nhưng Economy, với danh tiếng là một học giả cẩn trọng, cuối cùng đã tự hạ thấp lập luận của chính mình khi lưu ý rằng các nỗ lực khác nhau của Bắc Kinh nhằm thay thế các cấu trúc quyền lực thời hậu chiến do Mỹ lãnh đạo – gồm các sáng kiến Vành đai và Con đường, Phát triển Toàn cầu, An ninh Toàn cầu, và Văn minh Toàn cầu – “dường như đang thất bại hoặc phản tác dụng.”
Quả thực, bằng chứng chỉ ra rằng Trung Quốc, cùng với Nga, đang thất bại trong việc xây dựng một đối trọng đáng kể trước các thể chế lâu đời của phương Tây, trong đó có NATO, Liên Hiệp Quốc, và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD. Đúng là nhiều quốc gia, đặc biệt là ở phương Nam, đã tìm cách duy trì trạng thái không liên kết giữa hai cường quốc. Đặc biệt, Ấn Độ đang bước đi thận trọng trên một con đường trung dung phức tạp, tham gia Đối thoại An ninh Bốn bên của Washington (dù không phải với tư cách là đồng minh quốc phòng) trong khi tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Nga như một sự cân bằng với Trung Quốc.
Tập vẫn tiếp tục vấp ngã ngay cả khi ông đã giành được sự ủng hộ của các lãnh đạo chuyên chế khác. Suốt nhiều năm, ông đã mang đến cho họ một mớ hỗn độn về ý thức hệ: một sự pha trộn khó chịu giữa hối lộ, hăm dọa, và bắt nạt mà ít có quốc gia nào chịu chấp nhận. Tất nhiên, đôi khi họ sẽ chiều theo Trung Quốc để duy trì sự ủng hộ tốt đẹp của nước này.
Ví dụ, tại hội nghị thượng đỉnh thường niên ở Johannesburg năm 2023, diễn đàn BRICS gồm 5 nền kinh tế mới nổi lớn – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi – đã tuyên bố sẽ kết nạp sáu thành viên mới, bề ngoài là để tạo ra cân bằng quyền lực với phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Những nước mới tham gia bao gồm Iran, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ai Cập, Ethiopia, và Argentina (dù Argentina sau đó đã đảo ngược quyết định của mình). Về mặt lý thuyết, sự mở rộng này có vẻ đáng lo ngại đối với phương Tây, vì nó bao gồm 6 trong số 10 nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, gần một nửa dân số thế giới, và 37% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (được đo bằng sức mua tương đương).
Tuy nhiên, trên thực tế, việc BRICS mở rộng có ít sức nặng địa chính trị hơn hẳn so với Phong trào Không liên kết thời Chiến tranh Lạnh, theo C. Raja Mohan, nhà bình luận của Foreign Policy, đồng thời là chiến lược gia nổi tiếng của Ấn Độ. Mohan viết “Ai Cập, Ả Rập Saudi, và UAE là những đối tác an ninh thân thiết của Mỹ. Dù có những khác biệt với Washington, họ khó có thể từ bỏ những đảm bảo an ninh của Mỹ để đổi lấy những lời hứa chưa được kiểm chứng của Trung Quốc, chứ đừng nói đến việc được bảo vệ bằng ‘bao khoai tây’ BRICS.”
Rõ ràng, bất chấp những lời lẽ khoa trương của họ, Trung Quốc thật ra đang làm rất ít để thay thế hệ thống quốc tế mà Mỹ và các cường quốc phương Tây khác đã tạo ra. Thay vào đó, ý định của Trung Quốc dường như là đánh bại Mỹ trong trò chơi của riêng họ trong hệ thống đó. Nhiều chuyên gia cho rằng Bắc Kinh thực sự không có lựa chọn nào khác nếu muốn duy trì nền kinh tế của mình.
Nhưng ngay cả trong trận đấu đó, Tập đã phản lưới nhà nhiều như Washington trong những năm gần đây. Trong chuyến thăm châu Âu năm 2019 của Chủ tịch Trung Quốc, Ý đã ký gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường – dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu quy mô lớn do Trung Quốc dẫn đầu được thiết kế để thu phục bạn bè (và khiến họ mắc nợ) – trở thành quốc gia G-7 đầu tiên thực hiện điều này. Nhưng đến cuối năm 2023, Rome đã quyết định rút lui vì không thấy được lợi ích thực sự nào. Một sáng kiến lớn khác của Trung Quốc với Liên minh châu Âu là Hiệp định Toàn diện về Đầu tư cũng đã lặng lẽ chết yểu sau khi Bắc Kinh từ chối lên án việc Nga xâm lược Ukraine.
Ngày nay, Mỹ có hơn 50 đồng minh và đối tác chiến lược trên khắp thế giới, trong đó có một số nước – chẳng hạn như Philippines – nằm trong vùng ngoại vi Trung Quốc, và trước đó từng cảnh giác với Washington nhưng giờ đây lại củng cố các hiệp ước an ninh vì lo ngại Bắc Kinh. Hầu hết trong số họ, bao gồm 32 quốc gia NATO giàu có, là những quốc gia giàu nhất thế giới. Ngược lại, “các đồng minh chính của Trung Quốc là Triều Tiên, với nền kinh tế xếp thứ 125 trên thế giới tính theo GDP danh nghĩa, và Nga, với nền kinh tế có quy mô tương đương Texas,” Randall Schweller, nhà khoa học chính trị tại Đại học Bang Ohio, viết trong một bài báo học thuật sắp xuất bản có tiêu đề The Age of Unbalanced Polarity (Thời đại của sự phân cực không cân bằng).
Kết quả là, “ngay cả phạm vi ảnh hưởng truyền thống của phương Tây cũng nằm ngoài tầm với của Bắc Kinh,” Schweller kết luận. “Bị bao vây bởi các cường quốc lớn, với nền kinh tế bị đè nặng dưới các thị trường vốn kém hiệu quả, được cai trị bởi một nhà lãnh đạo liên tục đảo ngược các cải cách kinh tế và tăng cường các chính sách kinh tế nhà nước, Trung Quốc dường như sẽ vẫn là nước số 2 yếu trong một hệ thống lưỡng cực không cân bằng.”
Nói cách khác, vấn đề không giống như thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, thời điểm mà – như lời John F. Kennedy nói vào tháng 10/1960 khi đang tranh cử tổng thống – thế giới dường như đã sẵn sàng cho việc “giành lấy trái tim và khối óc,” rằng mối quan tâm của phần lớn thế giới là “hệ thống nào vận hành tốt hơn, chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa tự do. Liệu hệ thống của chúng ta có thể giúp thế giới giải quyết vấn đề, hay họ phải quay sang phương Đông?”
Không có nhiều người quay sang phương Đông vào những ngày này. Và chúng ta cũng không nên lo lắng rằng việc đó sẽ sớm xảy ra. Vậy tại sao nhiều nhà quan sát lại nhìn nhận cuộc xung đột theo cách tồi tệ nhất có thể? (Xin nói rõ, bản thân tôi cũng từng sử dụng thuật ngữ “chiến tranh lạnh” trong một bài tiểu luận năm 2022 sau khi NATO chuyển sang châu Á-Thái Bình Dương, nhưng tôi đã phê phán động thái này và cho rằng việc xem ý tưởng chiến tranh lạnh là không thể tránh khỏi là “sự thất bại của trí tưởng tượng và lòng dũng cảm chính trị của tổng thống Mỹ và của các cường quốc khác.”)
Chắc chắn, phe diều hâu đông hơn rất nhiều so với thiểu số nhỏ bé các học giả và chuyên gia vẫn khăng khăng rằng chúng ta đang đối mặt với hòa bình lạnh, chứ không phải chiến tranh lạnh (trong số đó có Fareed Zakaria của CNN, người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này vào năm 2021, và gần đây đã gọi các đề xuất của Pottinger và Gallagher là “thiếu suy nghĩ, nguy hiểm, và hoàn toàn không thực tế.”) Vấn đề lớn nhất có lẽ là ý tưởng về một cuộc chiến tranh lạnh mới chỉ là một tư tưởng nhất thời – và các chính sách lâu đời của cả hai bên, Washington và Bắc Kinh, đã làm cho thuật ngữ này dần trở nên vô nghĩa.
Trong một cuộc phỏng vấn với Foreign Policy, Schweller nói rằng khi ông lần đầu tiên bước vào thị trường việc làm trong giới học thuật hồi năm 1993, ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, các nghiên cứu về an ninh quốc tế đang trên đà nguội lạnh, nhưng giờ đây, chúng đang nóng trở lại.
Schweller viết trong một email: “Việc thúc đẩy ý tưởng Chiến tranh Lạnh 2.0 chắc chắn sẽ thúc đẩy sự nghiệp của các học giả an ninh quốc tế.”
Và điều đó cũng đúng ở phía Trung Quốc, theo nhận xét của nhà khoa học chính trị Eun A Jo từ Đại học Cornell. Bà nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Những nhân vật diều hâu ở các quốc gia cạnh tranh đều được hưởng lợi lẫn nhau trong cuộc chiến nội bộ của họ.” Giống như những người theo đường lối cứng rắn của Liên Xô và Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, những người theo chủ nghĩa quân phiệt ở Trung Quốc đang háo hức thúc đẩy ý tưởng rằng Mỹ đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc. Jo nói: “Căng thẳng ý thức hệ sâu sắc giữa hai nước ngày nay nhiều khả năng là sản phẩm của động lực này, chứ không phải của việc Trung Quốc tích cực truyền bá” việc trở thành một cường quốc thế giới.
Tình hình giữa Washington và Bắc Kinh có thể nguy hiểm đến mức nào? Trong cuốn sách của mình, Sanger, một phóng viên lâu năm của New York Times với khả năng tiếp cận các quan chức cấp cao trong chính quyền Biden, đã hoàn thành xuất sắc việc theo sát chính quyền Biden khi họ dần nhận ra rằng Tập đã không còn là người khổng lồ. Giống như các nhà quan sát khác, Sanger thừa nhận Biden là người đã “xây dựng một kế hoạch trò chơi đáng tin cậy” để vượt qua Bắc Kinh, nhưng kết luận rằng sự nhầm lẫn về rủi ro vẫn còn ngự trị ở Washington. “Các thành viên nội các của Biden không có chung hiểu biết rằng thế nào mới là ‘can dự’ với Trung Quốc.” Dưới thời Biden, quan hệ Mỹ-Trung đã đi theo một quỹ đạo căng thẳng cao độ, bắt đầu ở Alaska vào năm 2021 và kết thúc với sự xuất hiện khiêm tốn của Tập ở San Francisco tại Diễn đàn Hợp tác Châu Á Thái Bình Dương vào cuối năm 2023, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc công khai cầu xin các nhà đầu tư công nghệ Mỹ quay trở lại.
Sanger viết “Việc Tập quyết định từ bỏ ngoại giao chiến lang và dụ dỗ các nhà đầu tư Mỹ quay trở lại Trung Quốc đã đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, một nhà lãnh đạo Trung Quốc bước chân vào một cuộc họp thượng đỉnh mà biết rằng mình đang ở thế yếu. Ông dường như ngày càng tuyệt vọng mong chờ sự giúp đỡ của Mỹ.”
Trong khoảng một năm qua, Bắc Kinh cũng bắt đầu phát đi tín hiệu rằng họ không muốn xâm chiếm Đài Loan càng sớm càng tốt, xét đến nguy cơ bị trừng phạt kinh tế bổ sung vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng ở mức 2% đến 3% mỗi năm, thay vì 8%. Tập “chắc hẳn đang tự hỏi liệu các tướng lĩnh của ông có đánh giá quá cao kỹ năng của Quân đội Giải phóng Nhân dân hay không, như cái cách mà các tướng lĩnh của [Tổng thống Nga Vladimir] Putin đã dự đoán về một cuộc chiến chớp nhoáng ở Ukraine,” Sanger viết và trích lời một quan chức Biden: “Chúng ta có thể có nhiều thời gian hơn chúng ta nghĩ.”
Trong khoảng một năm trở lại đây, Trung Quốc dưới thời Tập dường như đã sẵn sàng đàm phán về kiểm soát vũ khí. Sanger viết: “Đột nhiên, người Trung Quốc dường như quan tâm (một cách mơ hồ) đến một loại đối thoại nào đó – có lẽ bởi vì họ không muốn tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém, hoặc có lẽ vì liên minh quân sự chặt chẽ giữa Washington và Tokyo đã mang lại cho Mỹ khả năng phản công mới.”
Một yếu tố khác giúp mở ra cơ hội cho một số chính sách thực tế cần thiết với Trung Quốc là việc Biden từ bỏ lối nói mang phong cách chiến tranh lạnh của mình – ý tưởng rằng chúng ta đang ở trong một thế giới gồm hai khối dân chủ và chuyên chế. Đặc biệt là đứng trước nguy cơ Trump trở lại ghế tổng thống Mỹ vào tháng 11, rõ ràng là chúng ta đang sống trong một phổ ý thức hệ và thực tiễn chính trị đa dạng, trải dài từ các nền dân chủ tự do của phương Tây đến chế độ chuyên chế của Nga và Trung Quốc – cùng rất nhiều chế độ hỗn hợp ở giữa, chẳng hạn như Ấn Độ, Hungary và Brazil.
Quả thực, vì mức độ tin cậy của chính nền dân chủ Mỹ đang bị nghi ngờ, nên cũng hợp lý khi hy vọng hai bên sẽ chịu thừa nhận rằng cả hai hệ thống đều không hoàn hảo. Điều đó cũng có thể giúp việc tìm kiếm một cách thức chung sống trở nên dễ dàng hơn. Người Trung Quốc khinh thường nền dân chủ, còn người Mỹ khinh thường chế độ chuyên chế – nhưng người Mỹ chúng ta hiện đang phải chịu đựng những cạm bẫy của nền dân chủ, giống như cách Tập và những người dưới quyền ông đang phải đối mặt với những thiếu sót của chế độ chuyên chế.
Cuốn sách của Sanger đã nói rõ rằng Trung Quốc vẫn đang áp dụng các chiến thuật kiểu chiến tranh lạnh, bao gồm cả việc đưa các mã độc vào cơ sở hạ tầng của Mỹ, có lẽ là nhằm kiểm tra các cách làm chậm phản ứng của Mỹ đối với một cuộc xâm lược vào Đài Loan. Và chí ít chúng ta cũng nên rút ra một điểm tương đồng với Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất: Không bên nào có đủ năng lực để dám bỏ lỡ cơ hội đảm bảo rằng chúng ta vẫn duy trì hòa bình lạnh, thay vì bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Doyle, chuyên gia của Đại học Columbia, nói “Tôi nhận thấy một tương đồng đặc biệt với giai đoạn cuối những năm 1940, khi mối đe dọa mà [Joseph] Stalin và Liên Xô đặt ra vẫn còn tương đối không rõ ràng. Tôi nghĩ đó chính là thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay. Có những cảnh báo chính đáng về bản chất của sự cạnh tranh với Nga và Trung Quốc. Nhưng chúng ta cần học lại những bài học về hòa hoãn, cùng lúc với những bài học về Chiến tranh Lạnh.
Và hoà hoãn là điều chúng ta nên làm ngay bây giờ thay vì chờ đợi 20 năm nữa.”
Michael Hirsh là nhà bình luận của Foreign Policy. Ông là tác giả của hai cuốn sách: “Capital Offense: How Washington’s Wise Men Turned America’s Future Over to Wall Street” và “At War With Ourselves: Why America Is Squandering Its Chance to Build a Better World.”