Quan hệ Mỹ-Trung sau cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập: Bước tiến thì nhỏ còn thách thức vẫn lớn

Ryan Morgan

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhìn chăm chú trong một cuộc họp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (không có trong ảnh) trong tuần lễ Các nhà lãnh đạo Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Woodside, California, hôm 15/11/2023. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images)

Tổng thống (TT) Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý thực hiện một số nỗ lực nhằm hâm nóng mối quan hệ Mỹ-Trung, nhưng các nhà phân tích chính sách đối ngoại cho rằng những bước đi mà họ thực hiện là khiêm tốn và vẫn còn khoảng cách ngoại giao rộng lớn giữa hai quốc gia sau hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hồi tuần trước (13-19/11).

Theo thông tin từ Tòa Bạch Ốc về cuộc họp hôm 15/11, Tổng thống Biden và ông Tập đã đồng ý nối lại liên lạc quân sự cấp cao giữa hai quốc gia và các nỗ lực song phương mới nhằm ngăn chặn việc sản xuất và buôn bán ma túy quốc tế.

Phó Giám đốc Viện Đài Loan Toàn cầu (GTI) John Dotson cho biết bất kỳ cuộc gặp nào giữa các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Trung Quốc “vốn dĩ đã là một dấu hiệu của sự tiến triển,” nhưng ông cũng nói với chương trình “Capitol Report” của NTD rằng những kết quả hữu hình từ cuộc gặp của họ có lẽ sẽ còn “khá khiêm tốn.”

“Đã có sự thổi phồng nào đó về những dấu hiệu tiến triển còn hạn chế, chẳng hạn như khôi phục hoạt động liên lạc giữa quân đội hai nước, và những nỗ lực được cho là của Trung Quốc nhằm ngăn chặn việc sản xuất fentanyl. Nhưng tôi nghĩ nhìn chung đây thực sự là những bước tiến khá khiêm tốn,” ông Dotson cho biết.

Ông nói rằng ông không “đặt nhiều niềm tin” vào việc phía Trung Quốc sẽ thực sự thực hiện những cam kết mà ông Tập đã đồng ý trong cuộc họp hôm 15/11.

Ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), một thành viên cao cấp và là giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson, cũng mô tả kết quả từ cuộc họp hôm 15/11 giữa Tổng thống Biden và ông Tập là “rất hạn chế” và khuyên mọi người hãy có thái độ chờ xem thế nào đối với các mục hành động mà họ đã thảo luận trong buổi trao đổi kín đó.

Ông Dư nói với chương trình “Capitol Report” rằng những thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhằm cải thiện hoạt động liên lạc giữa quân đội với quân đội, mở rộng các hoạt động chống ma túy song phương, và cam kết không vũ khí hóa trí tuệ nhân tạo nghe thì có vẻ đều “rất tốt,” nhưng ông cho biết ông vẫn có “sự nghi ngờ nhất định về khả năng thực thi những thỏa thuận đó.”

Đài Loan vẫn là vấn đề gây chia rẽ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

Một vấn đề cụ thể vẫn còn gây chia rẽ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là chính sách của hai nước này đối với Đài Loan.

Đài Loan, tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, đã tự trị như một quốc gia độc lập trong nhiều thập niên, nhưng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) cho rằng hòn đảo này là một phần lãnh thổ của Hoa lục. Hoa Kỳ đã duy trì một quan điểm mơ hồ hơn về lời tuyên bố quyền kiểm soát Trung Quốc của cả hai bên, duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với chính quyền Trung Quốc, trong khi tiếp tục quan hệ không chính thức với Đài Loan và cung cấp vũ khí để hòn đảo này có thể sử dụng trong việc chống lại nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định quyền kiểm soát hòn đảo thông qua sức mạnh quân sự.

Sứ mệnh mà tổ chức GTI của ông Dotson đã tuyên bố là “tăng cường mối quan hệ giữa Đài Loan và các nước khác, đặc biệt là Hoa Kỳ.”

Ông Dotson đánh giá rằng sau cuộc gặp của Tổng thống Biden với ông Tập, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc “vẫn khá kiên định với quan điểm của mình về Đài Loan.”

Theo tờ thông tin của Tòa Bạch Ốc, trong cuộc gặp với ông Tập hôm 15/11, Tổng thống Biden tuyên bố rằng phía Hoa Kỳ mong đợi một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp xuyên eo biển về chủ quyền của Đài Loan và kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hoạt động quân sự xung quanh hòn đảo này.

Kể từ năm 2019, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã thực hiện các chuyến bay gần như hàng ngày và các cuộc tập trận quân sự khác xung quanh Đài Loan, những hành động mà ông Dotson đánh giá là “một phần của mô hình hoạt động quân sự cưỡng ép lớn hơn nhằm vào Đài Loan.”

Trong mô tả riêng của mình về cuộc họp hôm 15/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng ông Tập đã nhắc lại quan điểm của Trung Quốc rằng Hoa Kỳ phải cam kết không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan và ngừng vũ trang cho Đài Loan.

Mối quan hệ kinh tế làm phức tạp chính sách Mỹ-Trung

Mối quan hệ kinh doanh và thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc làm tăng thêm mức độ phức tạp cho mối bang giao giữa hai quốc gia.

Ông Dotson cho rằng Trung Quốc sử dụng quan hệ kinh tế với các quốc gia khác như một công cụ để ép buộc các quốc gia đó phải tuân theo sự chiếu cố của Trung Quốc hoặc trừng phạt những hành động mà phía Trung Quốc không ưa.

“Khi có một số hành động chính trị ở Đài Loan mà Trung Quốc không thích và họ muốn gửi một thông điệp mang tính biểu tượng, thì đó là lúc họ bỗng phát hiện ra nhiều lỗi trong các lô hàng trái cây và phải ban hành lệnh cấm chúng,” vị phó giám đốc GTI này cho biết. “Vì vậy, chúng ta đã thấy các lệnh cấm trong vài năm qua đối với các sản phẩm của Đài Loan như dứa, cá nhám, sáp ong, táo, những thứ tương tự. Và những lệnh cấm đó có xu hướng được đưa ra vào những thời điểm không phải ngẫu nhiên khi Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ, muốn gửi đi một thông điệp. Nên đúng vậy, ĐCSTQ sử dụng rất nhiều biện pháp cưỡng ép kinh tế như một công cụ chính sách hiệu quả.”

Ông Dotson cho rằng quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Hoa Kỳ cũng có những biện pháp cưỡng ép tương tự.

“Chính phủ Trung Quốc đã có nỗ lực lâu dài trong nhiều năm nhằm kiểm soát việc cung cấp và buôn bán khoáng sản đất hiếm … và đã cố gắng sử dụng vị trí thống trị của họ trên thị trường đất hiếm như một công cụ đòn bẩy trước Hoa Kỳ, trong các lĩnh vực chính sách khác—hoặc là mở các cánh cổng một chút khi họ hài lòng, và chọn đóng các cánh cổng đó khi họ muốn gửi một thông điệp,” ông Dotson nói.

Ông Dư cho rằng Hoa Kỳ nên bớt tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ song phương với Trung Quốc mà thay vào đó là tăng cường quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ad

“Trung Quốc có vấn đề với hầu hết mọi nền dân chủ trên thế giới. Vì vậy, tầm cao giả tạo của tầm quan trọng tối cao này của mối quan hệ song phương Mỹ-Trung thực sự không hữu ích bởi vì những gì chúng ta có thể thấy ở đây là Trung Quốc đối nghịch với phần còn lại của thế giới, chứ không chỉ là Trung Quốc đối nghịch với Hoa Kỳ,” ông Dư nói.

Một số nhà phân tích chính sách đối ngoại đã kêu gọi thận trọng trong cách Hoa Kỳ xác định lại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Ông Ted Galen Carpenter, một cựu thành viên cao cấp tại Viện CATO theo chủ nghĩa tự do, đã viết trong một chuyên mục năm 2020 rằng mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khuyến khích cả hai quốc gia giải quyết những tranh chấp một cách hòa bình và rằng việc hai quốc gia tách rời hoàn toàn về kinh tế sẽ làm gia tăng căng thẳng quốc tế và làm tăng nguy cơ xung đột vũ trang tốn kém.

Trong những bình luận của riêng mình với chương trình “Capitol Report”, ông Dotson nói rằng “không có câu trả lời hoàn toàn dễ dàng về cách Hoa Kỳ nên giải quyết các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong tương lai.”

“Tôi nghĩ sẽ vô cùng khó khăn để chúng ta cắt đứt hoàn toàn khỏi nền kinh tế Trung Quốc,” ông nói. “Nhưng tôi nghĩ rằng có thể thực hiện những bước hợp lý để Hoa Kỳ giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc trong một số lĩnh vực … nhưng đại loại cũng là giảm bớt sự phụ thuộc của chúng ta vào Trung Quốc về sản xuất ở một số lĩnh vực.”

Từ NTD News

Cẩm An biên dịch

Related posts