Mới đây một số người quen rủ tôi đi câu tàu. Lâu nay tôi chỉ biết quăng câu từ trong bờ. Bờ là bờ hồ hay bờ sông. Tìm một góc yên tĩnh, quăng câu, ngồi chờ, ngắm cảnh…không gì yên bình và thanh thản bằng! Đã có nhiều người chết vì đứng câu trên những gềnh đá: biển Úc “tính khí” bất thường, sóng lớn bất thần ập phủ xuống, kéo người đứng câu ở ghềnh ra xa rồi đập vào bờ đá là chuyện thường xảy ra. Thành ra tôi không bao giờ chỉ vì mấy con cá mà liều mạng đứng câu ở những gềnh đá. Đi tàu ra biển khơi lại còn là điều tối kỵ hơn đối với tôi. Nhớ lại cuộc vượt biên, cứ mỗi lần lên tàu là tôi thấy run. Thỉnh thoảng nghe tin có người đi câu bị đắm tàu, bỏ mạng giữa biển khơi, tôi lại càng thấy có đủ lý do để không ra khơi đùa giỡn với tử thần.
Tuy nhiên lần này, tôi thấy không thể từ chối được lời mời mọc của mấy người bạn trẻ. Họ cho biết chiếc tàu họ mới mua rất lớn, còn mới toanh, lại được trang bị đầy đủ và rất an toàn. Nhưng chuyến “ra khơi” đã không diễn ra như ý muốn. Khi tàu thả neo, giây neo vướng vào một sợi giây thừng. Phải mất hơn cả tiếng đồng hồ để tháo gỡ sợi giây thừng. Ai cũng phải góp một tay để giải quyết vấn đề. Hơi nước biển không đủ thấm vào đâu dưới cái nắng hừng hực của mùa hè “đỏ lửa” của Úc. Sau khi kéo được neo lên, tưởng sẽ tìm được một chỗ để quăng câu. Nào ngờ, anh bạn chủ tàu lại là người say sóng. Ra khỏi bờ không bao xa, nhưng gặp sóng lớn, cảm thấy sắp cho chó ăn chè, anh đành phải cho tàu quay đầu vào bờ. Tìm được một chỗ an toàn thì cái máy rà cá (fishfinder) lại chẳng tìm thấy một mống cá nào cả. Mọi người đành tự an ủi: cứ coi lần ra khơi này như một chuyến đi hóng gió biển hơn là câu cá!
Nhưng vận xui không dừng lại ở đó. Chiều về, do không rành đường cho nên anh lái tàu lại đưa tàu vào chỗ mắc cạn. Rong biển quấn vào chân vịt dầy đặc khiến chiếc tàu không di chuyển được. Đến khi thoát được chỗ mắc cạn thì cần lái lại có vấn đề: tàu cứ quay mòng mòng một chỗ. Chỉ còn một cách là liên lạc với tàu cứu hộ (Marine Rescue) để xin được kéo vào bờ. Nhưng không rõ do một phép lạ nào đó, cuối cùng cần lái hoạt động bình thường trở lại. Mọi người thở ra nhẹ nhõm. Tàu về tới bến an toàn.
Trên đường về, tôi giở giọng triết lý với mấy người bạn trẻ: thuyền to thì sóng lớn! Nghĩ mình là một người có tuổi đã trải qua nhiều sóng gió trong cuộc đời cho nên tôi mới nói xa nói gần với những người bạn câu của tôi điều mà lúc nhỏ mẹ tôi thường mang ra dạy anh em tôi: trèo cao thì té nặng, càng cao danh vọng càng đầy gian nan!
Ở những dịp cuối năm và đầu năm, tôi cũng thường nhớ lại lời mẹ dặn để tự vấn lương tâm: đâu là những giá trị cần đeo đuổi để có được cuộc sống an bình và hạnh phúc thực sự?
Năm 1962 không riêng nước Anh mà toàn thế giới chứng kiến một hiện tượng âm nhạc chưa từng có trong lịch sử: 4 người thanh niên tại thành phố Liverpool đã họp nhau lại để thành lập một ban nhạc lấy tên là The Beatles, được dịch sang tiếng Việt một cách chính xác là “Ban Tứ Quái”. Từ tóc tai đến cách ăn mặc, trông 4 chàng thanh niên thật là “quái”. Nhưng nhạc của họ, từ ca từ đến giai điệu thật là tuyệt vời.
4 chàng trai này là: John, ca sĩ và là người viết nhạc chính của ban; Paul, tay chơi guitar bass có khuôn mặt búng ra sữa; George, người chơi guitar chính của ban nhạc.
Người thứ tư là tay trống của ban nhạc. Trong đám “Tứ Quái”, anh là người trông đẹp trai nhứt. Các cô nàng mê anh như điếu đổ. Khuôn mặt của anh thường xuất hiện trên các tạp chí. Xét về tài nghệ, có lẽ anh là người chuyên nghiệp nhứt trong ban. Anh lại không uống rượu và cũng không đụng tới ma túy. Nghiêm trang đứng đắn cho nên anh chỉ có độc một người bạn gái. Nhiều nhà phê bình âm nhạc cho rằng anh mới thực sự là “gương mặt” của ban “Tứ Quái” chớ không phải John hay Paul.
Tên của tay trống này là Pete Best. Ai cũng tưởng mọi sự sẽ diễn ra một cách tốt đẹp cho Pete Best. Vậy mà năm 1962, chỉ sau một thời gian ngắn nổi danh, 3 thành viên khác của ban đã lặng lẽ đi gặp ông bầu của họ là Brian Epstein để yêu cầu sa thải Pete Best. Ông bầu như muốn chết lặng trước đề nghị này. Ông thích tay trống của ban nhạc cho nên không chìu theo ý muốn của họ. Ông hy vọng họ sẽ thay đổi ý kiến.
Tuy nhiên, vài tháng sau đó, chỉ vài ngày trước khi hợp đồng thu băng bắt đầu, ông Epstein đã gọi Pete Best đến văn phòng và bảo anh phải “ra đi” để ban nhạc tìm một tay trống khác. Ông không đưa ra một lý do hay một lời giải thích nào và cũng chẳng nói một lời “chia buồn” nào với người bị sa thải. Ông chỉ nói rằng 3 thành viên khác của ban không muốn thấy mặt anh trong ban nữa!
Ringo Starr được mời thế chỗ cho Pete Best. So với các bạn trẻ kia, Ringo là người lớn tuổi hơn cả, lại có cái mũi lớn trông rất buồn cười. Ringo chấp nhận để tóc dài ra cho giống John, Paul và George.
Chỉ trong 6 tháng sau khi Pete Best ra đi, ban “Tứ Quái” đã trở thành những khuôn mặt nổi tiếng nhứt trên trái đất. Về phần mình, dĩ nhiên Pete Best vừa chìm trong quên lãng vừa rơi vào trầm cảm. Năm 1965, anh đâm đơn kiện ban “Tứ Quái”. Mọi hoạt động âm nhạc của anh đều thất bại thê thảm. Năm 1968, anh toan tự tử, nhưng được mẹ anh kịp thời cứu thoát.
Không giàu có, không tiếng tăm, nhưng sau đó Pete Best lại có được một cuộc sống hạnh phúc hơn các thành viên của ban “Tứ Quái”. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1994, anh nói: “Nếu còn ở lại trong ban “Tứ Quái” có lẽ tôi sẽ không được hạnh phúc như ngày nay”. Anh giải thích rằng sau khi bị sa thải khỏi ban nhạc, hoàn cảnh đã đưa đẩy anh gặp được người bạn đời của mình. Anh đã lập gia đình, sinh con đẻ cái. Anh đã có được một cuộc sống hôn nhân và gia đình hạnh phúc.
Sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng, anh bắt đầu đo lường cuộc sống của mình bằng những giá trị mới. Ai mà chẳng muốn giàu có, danh vọng và tiếng tăm. Nhưng Pete Best khẳng định rằng những gì anh đang có, một cách cụ thể, một người vợ hiền, những đứa con ngoan, một cuộc hôn nhân bền vững, một cuộc sống đơn giản…đó chẳng phải là những điều quan trọng hơn tiền của, danh vọng và tiếng tăm sao? Thật ra, mãi cho đến thập niên 2000, Pete Best vẫn còn tiếp tục chơi trống, đi lưu diễn tại Âu Châu và thu băng. Có thể anh không được thế giới biết đến như John, Paul và George. Nhưng điều anh có được quan trọng hơn nhiều: anh đã có được một cuộc sống hạnh phúc! (x. Mark Manson, The Art of Not Giving a f*ck, Pan MacMillan Australia Pty Ltd, 2016, trg 89-91)
Câu chuyện của Pete Best cho tôi thấy rằng trong cuộc sống có những giá trị và thước đo mang lại hạnh phúc cho con người hơn những giá trị và thước đo khác.
Trước hết phải nói đến tiền bạc. Tôi thuộc loại không giàu có cũng chẳng dư dả. Nhưng với tôi, tiền bạc vẫn là một trong những điều kiện cần thiết để có được hạnh phúc. Bần cùng sinh đạo tặc là chuyện thường xảy ra trong xã hội. Khi túng quẫn, con người dễ bị cám dỗ làm điều bất chính. Tuy nhiên, như đề tài của bài nghị luận luân lý mà các giáo sư thời trung học trước năm 1975 thường cho học sinh làm đã nhắc nhở tôi: “Tiền bạc là tên đày tớ tốt mà cũng có thể là một ông chủ xấu”. Thời nào cũng vậy, con người dễ bị tiền bạc bắt làm nô lệ. Không nói tới chuyện làm giàu bằng cướp của giết người, lường gạt người khác, buôn gian bán lận hay trốn xâu lậu thuế. Giàu có nhưng “dửng dưng trước nỗi khổ của người đồng loại để chỉ chăm sóc cho bộ da riêng của mình” cũng đủ là một thái độ bất lương và ác đức rồi!
Nói cho cùng, tiền bạc không đương nhiên mang lại hạnh phúc cho con người. Tiền có thể mua “Tiên”, nhưng lại không mua được rất nhiều thứ. Tôi có một người bạn thời tỵ nạn hiện rất thành công. Tiền bạc vô như nước, nhà cao cửa rộng. Nhưng mới đây, cả hai vợ chồng đều lâm bệnh một lúc. Bạn tôi than thở: trước kia anh lấy sức khỏe mua tiền bạc, ngày nay anh lấy tiền bạc để mua sức khỏe. Nhưng liệu tiền bạc có mua lại được sức khỏe ở tuổi già hay không?
Trong vùng tôi ở cũng có một cặp vợ chồng Việt Nam khác hiện đang làm ăn rất phát đạt. Họ làm việc mỗi ngày 8 tiếng, mỗi tuần 7 ngày, mỗi năm chỉ nghỉ được một hai ngày. Cứ gặp tôi là họ than thở: không còn giờ để đi đây đi đó hay nghỉ ngơi nữa! Họ luôn tự nhủ rằng bây giờ tiền đang vô nên rán làm, mai sau chắc chắn sẽ bỏ giờ đi chơi. Nhưng mỗi buổi chiều sau một ngày làm việc, họ lê chân lên căn biệt thự của họ một cách khó nhọc và đêm thì không ngủ được vì đau nhức khắp người. Tôi không biết với sức khỏe đó làm sao mà đi chơi. Có thể họ đặt niềm vui đếm tiền lên trên sức khỏe và những thú vui khác trong cuộc đời.
Tôi phục một ông bạn của tôi. Ở tuổi 53, đang phất lên trên thương trường, nhưng nhìn thấy một số người quen, người thì lăn ra chết trong một đêm, người phải chiến đấu với đủ thứ bệnh tật…bạn tôi quyết định bán cơ sở làm ăn để “về vườn” và thụ hưởng cuộc sống. Tính đến nay cũng đã hơn 20 năm. Bạn tôi đúng là một người biết sống.
Song song với tiền bạc là quyền lực và danh vọng. Tôi chưa từng có quyền lực trong tay, nhưng nhan nhản trên thế giới, tôi thấy vô số những người bị quyền lực hủ hóa. Chính trị gia kiêm nhà văn Anh Lord Acton (1834-1902) đã từng cảnh cáo: “Quyền lực hủ hóa (người ta). Quyền lực tuyệt đối thì hủ hóa một cách tuyệt đối”. Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1809-1865) cũng đã đưa ra một nhận xét chí lý: “Hầu như tất cả mọi người đều có thể đứng vững trước nghịch cảnh. Nhưng nếu bạn muốn trắc nghiệm tính tình của một người nào đó, hãy trao cho họ quyền lực”.
Quyền lực dễ làm cho con người tha hóa đã đành, mà danh vọng cũng trói buộc con người trong vòng nô lệ không kém. Sự kiện rất nhiều người có tiếng tăm trên thế giới, đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ, tìm đến cái chết cho thấy danh vọng không đương nhiên mang lại hạnh phúc và an bình cho con người.
Nhưng khoái lạc thì sao? Khoái cảm, trên nguyên tắc, là điều cần thiết cho cuộc sống. Ngày nay, khi nói đến khoái lạc, người ta thường liên tưởng đến những khoái lạc giả trá không mang lại lợi ích cho sức khỏe như bia rượu, dược chất hay những hoạt động tính dục, cờ bạc vô độ. Bất cứ cuộc nghiên cứu nào cũng đều cho thấy rằng những người chỉ biết dồn mọi năng lực vào việc săn tìm những khoái lạc trên đều là những người bất ổn về tâm lý và dễ rơi vào trầm cảm. Ngược lại, những khoái lạc chính đáng của con người như ăn ngon ngủ ngon thường là kết quả tự nhiên của một cơ thể lành mạnh và một tinh thần an lạc. Khi chăm lo cho bản thân có thói quen tốt trong việc ăn ngủ và thể dục và quân bằng giữa làm việc, nghỉ ngơi và vui chơi, vô hình chung, người ta cũng mang lại những khoái lạc và hạnh phúc cho bản thân.
Nhìn xung quanh và ôn lại kinh nghiệm bản thân, tôi tin rằng những giá trị đạo đức, tinh thần và nhân bản là những yếu tố chính mang lại hạnh phúc đích thực cho con người. Tôi có thể kỷ luật với bản thân để có một sức khỏe thể lý nhưng chính những giá trị tinh thần và nhân bản như biết sống, quan tâm và chia sẻ với người khác…mới là điều tạo ra hạnh phúc cho tôi. Xét cho cùng, khi quan hệ của tôi với mọi người, nhứt là người thân trong gia đình, luôn được xây dựng trên sự biết ơn, lòng khiêm tốn và thái độ cảm thông, tôi không thể không cảm thấy hạnh phúc.
Chu Thập