25-8-2024
Về cái Dự thảo Thông tư mới, sửa đổi quy định về dạy thêm học thêm, trả lời báo VnExpress, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng, “cần nhìn nhận dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của cả giáo viên và học sinh. Việc này không cần phải cấm hay đáng chê trách. Vấn đề khiến dư luận bức xúc là việc học sinh phải đi học thêm lớp do giáo viên dạy bên ngoài, dù các em không muốn.
Do đó, dự thảo loại bỏ các thủ tục hình thức, như giáo viên cần xin phép hiệu trưởng để được dạy học sinh của mình như quy định hiện hành (Thông tư 17). Thay vào đó, thầy cô có thể dạy, nhưng cần lập danh sách học sinh, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không bắt buộc các em dưới mọi hình thức. Đồng thời, giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh” (hết trích).
Là một phụ huynh có con đang đi học, xin được hỏi ông mấy câu quen thuộc như sau:
1. Ông nói, “cần nhìn nhận dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của cả giáo viên và học sinh. Việc này không cần phải cấm hay đáng chê trách”. Vậy trước kia ai đã cấm, vì sao cấm? Và nay ai lại thấy nó là bình thường, là chính đáng, và cần được “tháo cũi”? Có gì để bảo đảm rằng, một ngày bất chợt nào đó các ông sẽ không lên báo để nói “Việc dạy thêm học thêm [kiểu này] là phản khoa học, là gây nên những hệ lụy khó giải quyết và cần dẹp bỏ”, như trước đây nó đã từng được thả phanh, rồi cấm, rồi thả?
2. Ông nói “Vấn đề khiến dư luận bức xúc là việc học sinh phải đi học thêm lớp do giáo viên dạy bên ngoài, dù các em không muốn”. Vậy, có nghĩa là từ nay các ông đã có cách giúp học sinh không “phải đi học thêm lớp do giáo viên dạy bên ngoài, dù các em không muốn”. Cách đó là gì? Các ông sẽ xuống hỏi từng em một/ lắp camera, hay cử người theo dõi, v.v…? Hay các ông có cách làm tuyệt diệu nào khác mà chưa công bố, vì muốn tạo một món quà bất ngờ cho nhân dân?
Và với quyền lực và điểm chác trong tay giáo viên; các ông thì lại ở quá xa và không xài mạng xã hội, các ông sẽ làm thế nào để nghe được lời nói thật của học sinh và phụ huynh? Hay cứ không nghe thấy ai phản ánh hoặc đơn từ gì nữa thì các ông sẽ nói rằng “Chúng ta đã tiến thêm được một bước dài rất đáng ghi nhận, việc dạy thêm học thêm đã đi vào nề nếp, quy củ, cần được phát huy hơn nữa”, v.v. và v.v.?
3. Ông nói, từ nay “thầy cô có thể dạy, nhưng cần lập danh sách học sinh, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không bắt buộc các em dưới mọi hình thức”. Cam kết, tại sao phải cam kết? Luật ở đâu mà phải cam kết? Rồi ai giám sát cái cam kết ấy? Hay hiệu trưởng sẽ tối tối đến đứng ở cửa nhà giáo viên để rình? Và ông ta sẽ rình được bao nhiêu giáo viên mỗi ngày? Có gì đảm bảo để biết được rằng giữa giáo viên và vị hiệu trưởng kia không có sự “nâng đỡ không trong sáng”?
4. Ông nói, “Đồng thời, giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh”. Tương tự, xin hỏi, Bộ – ngành giáo dục có bao nhiêu nhân sự, và sẽ kiểm tra bằng cách nào? Có phải một vài năm sẽ cử một đoàn thanh tra đến và đi loanh quanh một vòng rồi sau đó là “đi ăn trưa với nhà trường” và tối đến tranh thủ viết cái báo cáo như lệ thường? Riêng tôi, một người đã từng có gần 10 năm đi dạy, không hình dung ra được các vị sẽ bảo đảm cái chữ “không sử dụng” ấy bằng cách tài tình nào. Rất mong được các vị bật mí cho.
5. Câu hỏi cuối cùng xin gửi đến ông và ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo: Tại sao đã có một chương trình giáo dục mới toanh với hàng nghìn tỉ đồng được đổ vào và khiến cả xã hội phải “vào cuộc” như mấy năm qua, mà bây giờ lại phải dạy thêm lắm thế? Chương trình mới này không mang lại hiệu quả sao? Hay vì nó còn thiếu, còn khuyết; và nếu thế, thì thiếu khuyết ở chỗ nào, cần khắc phục ra sao? Học thêm (cái nội dung đã học trong chính khóa) mà mỗi tuần hơn 40 tiết thì có nên gọi là học chính, còn học chính thì cần gọi là học thêm, cho đúng với thực tế không, thưa ông?
Nguồn: Tiếng Dân