Trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm mạnh, nhiều trường mầm non ở Trung Quốc không thể tiếp tục hoạt động.
Nikkei Asia đưa tin, Trung Quốcđã đóng cửa 20.000 trường mầm non trong 2 năm trước, cho thấy tỷ lệ sinh giảm và vấn đề sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế vốn đang khó khăn vì suy thoái.
Mặc dù vào năm 2016 Trung Quốc đã ngừng thực hiện chính sách một con, nhưng tỷ lệ sinh của nước này vẫn tiếp tục giảm trong 7 năm liên tiếp, hệ quả một số lượng lớn trường mẫu giáo đã đóng cửa.
Thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy, từ năm 2021 – 2023, số lượng trường mầm non giảm 20.000, từ 294.832 xuống còn 274.480. Trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm và triển vọng việc làm ảm đạm cho giới trẻ, nhiều trường mầm non đã đóng cửa, chủ yếu là trường tư.
Trước đây. các bậc phụ huynh Trung Quốc thường phải xếp hàng để đăng ký cho con vào các trường mầm non được cho là tốt nhất; hiện nay các trường mầm non này đang gấp rút chiêu mộ để lấp đầy chỗ ngồi trước khi năm học bắt đầu. Năm 2023. Trung Quốc có chưa tới 50 triệu trẻ em đăng ký học mầm non (40,92 triệu trẻ), thấp nhất kể từ năm 2014. Ngoài ra, dữ liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy vào năm ngoái, Trung Quốc giảm hơn 170.000 vị trí giáo viên mầm non toàn thời gian.
Việc giảm số lượng trường mầm non cũng sẽ ảnh hưởng đến các trường tiểu học, trung học cơ sở và đại học. Có phân tích chỉ ra đến năm 2035, Trung Quốc sẽ dư thừa gần 1,8 triệu giáo viên tiểu học và trung học cơ sở.
Theo nhà nghiên cứu Yuki Katayama tại Viện nghiên cứu NLI ở Tokyo, còn quá sớm để đánh giá các biện pháp của Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề này, bởi năm 2021 Trung Quốc mới bắt đầu khuyến khích sinh con. Nhưng bài học từ vấn đề dân số Nhật Bản già hóa, và cảnh báo không nên vì ưu tiên chính sách chăm sóc người già mà lơ là các chính sách chăm sóc trẻ em.
Bà Yuki Katayama cho biết: “Nhật Bản coi việc đảm bảo hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi là chính sách ưu tiên, chẳng hạn như chăm sóc người già, nhưng bất cập trong vấn đề ứng phó với tỷ lệ sinh giảm… Trung Quốc có thể phải đối mặt với nguy cơ như vậy”.
Bà nói rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang mong muốn tìm ra giải pháp lâu dài để đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm. Các biện pháp khả thi bao gồm tạo điều kiện cho người dân kết hôn dễ dàng hơn và khó ly hôn hơn. Liệu các biện pháp như vậy có hiệu quả hay không vẫn còn phải chờ xem.
Bà Katayama cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện những hành động cụ thể như tăng cường mở rộng các trường công lập, trợ cấp cho các trường tư thục đáp ứng một số điều kiện nhất định, và khuyến khích nhiều trường hơn tuyển sinh trẻ dưới 3 tuổi vào các lớp mẫu giáo.
Theo báo cáo do tổ chức “Nghiên cứu dân số Yuwa” của Bắc Kinh, công bố vào tháng 2 năm nay, chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ từ sơ sinh đến 18 tuổi ở Trung Quốc cao gấp 6,3 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người Trung Quốc. Trong khi đó, Hàn Quốc cao hơn với 7,79 lần, Úc 2,08 lần, Mỹ 4,11 lần, và Nhật Bản 4,26 lần.
Chi phí giáo dục khổng lồ là một vấn đề của nhiều người. Có người nói: “Chúng tôi đã chi hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng cho con đầu, và giờ chúng tôi không đủ khả năng nuôi đứa con thứ hai hoặc thứ ba”.
Ngoài tỷ lệ sinh giảm mạnh, một yếu tố khác ảnh hưởng đến các trường mầm non Trung Quốc là việc ngăn chặn các hoạt động giáo dục vì lợi nhuận. Năm 2018, Chính phủ Trung Quốc cấm niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với mẫu giáo tư thục và cấm các công ty niêm yết đầu tư vào các trường mầm non vì lợi nhuận.
Tuy nhiên, những người khá giả về tài chính và không thích nền giáo dục cứng nhắc ở trường công vẫn sẽ chọn trường tư. Một cặp vợ chồng từng du học cho biết, họ thích trường tư hơn vì chương trình giảng dạy của trường công quá nhấn mạnh đến lòng yêu nước.
Ví dụ trường hợp cha của cậu bé 3 tuổi ở tỉnh Hà Nam cho biết, anh thích chọn trường tư hơn vì trường công tập trung quá nhiều vào thành tích và rất căng thẳng, anh muốn chọn một nơi có thể giúp trẻ em học tập vui vẻ.
Tuy nhiên, cả trường công và trường tư hiện nay đều bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ sinh giảm và gặp khó khăn trong tuyển sinh.
Cơ cấu dân số Trung Quốc ngày nay đã có những thay đổi lớn, hình thành cái mà các chuyên gia gọi là “kim tự tháp ngược” với số lượng người già ngày càng tăng và số lượng trẻ em giảm dần. Số trẻ sơ sinh ở Trung Quốc đã giảm từ 17 triệu năm 2017 xuống còn 9 triệu vào năm 2023. Dân số sinh hàng năm của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm, làm trầm trọng thêm những thách thức về dân số và dẫn đến suy thoái kinh tế hơn nữa.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào tháng 6, người đứng đầu bộ phận rủi ro quốc gia châu Á tại công ty phân tích chỉ số quốc gia BMI (Business Monitor International) là Darren Tay cho biết, lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong 10 năm tới, khiến mức tăng trưởng GDP hàng năm giảm 1%.
Thái Tư Vân, Vision Times