Vụ kiện hy hữu giữa Đại học Stanford và Đảng Cộng sản Trung Quốc

Huỳnh Duy Lộc 

Những ghi chép bí mật về Cách Mạng Văn Hóa là một trong những lý do khiến nhật ký của ông Lý Nhuệ trở nên vô giá (Hình minh hoạ: poster vận động Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc)

Những cuốn nhật ký bí mật của ông Lý Nhuệ, thư ký riêng của Mao Trạch Đông, ghi chép những điều chưa bao giờ được tiết lộ, đang là tâm điểm tranh giành giữa Đại học Stanford của Mỹ và Đảng Cộng sản Trung Quốc, thông qua một bà vợ của ông Lý Nhuệ. Những ghi chép được coi là vô giá của một quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó có những chỉ trích mạnh mẽ đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Bắc Kinh đang không muốn bị tiết lộ ra ngoài.

Lý Nhuệ từ trần năm 2019 ở tuổi 101, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó có vai trò thư ký riêng của Mao Trạch Đông suốt một thời gian dài. Trong những trang nhật ký viết tay từ năm 1946 tới năm 2018, Lý Nhuệ đã ghi chép về những trải nghiệm của mình và những điều tai nghe mắt thấy suốt 7 thập niên cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, những thông tin có thể trái ngược hoàn toàn với quan điểm chính thống của Đảng.

Với tư cách là một quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Lý Nhuệ là một nhân chứng có thẩm quyền đã mục kích nhiều sự kiện mà Đảng không muốn nhắc tới, từ những tranh chấp trong nội bộ Đảng và những đường lối, chính sách sai lầm cho tới vụ đàn áp sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn. Các ghi chép của ông trong những cuốn nhật ký sẽ mang lại cho người đọc những hình ảnh trái ngược hoàn toàn với hình ảnh một đất nước Trung Quốc đoàn kết và phát triển không ngừng để vươn lên từ sự nghèo nàn và cô lập để trở thành cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới.

Ông Lý Nhuệ lúc còn sống, 89 tuổi (ảnh Tư liệu gia đình)

Một vụ kiện bắt đầu được xem xét tại California vào thứ Hai 26 Tháng Tám 2024 sẽ quyết định những cuốn nhật ký của Lý Nhuệ, mà con gái ông tặng cho Viện Hoover của Đại học Stanford, có phải được trả về cho bà vợ goá đã cao tuổi của ông hay không.

Điều quan trọng là bà vợ chỉ là một công cụ thay mặt Đảng Cộng sản Trung Quốc để đòi lại những tư liệu này để kiểm duyệt. Joseph Torigian, một nhà nghiên cứu tại Viện Hoover, nói: “Đây là chuyện vô tiền khoáng hậu đối với chúng tôi. Đây là những cuốn nhật ký và giấy tờ cá nhân được cất giữ trong mấy chục cái hộp có thể cho chúng ta biết mọi chuyện từ buổi đầu của cuộc cách mạng ở Trung Quốc cho tới những điều Lý Nhuệ đã làm trong vai trò thư ký riêng của những nhà lãnh đạo có quyền lực nhất, trong đó có Chủ tịch Mao Trạch Đông”.

Rất ít quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc lưu giữ những trang nhật ký ghi chép tường tận như vậy, nhất là sau Cách mạng Văn hoá (Văn Cách) vào thập niên 1960 và thập niên 1970, vì những tư liệu như vậy thường được dùng như những chứng cớ để bức hại những phần tử không cùng phe cánh với mình. “Rất khó nghiên cứu lịch sử của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vì đây là một chế độ độc tài toàn trị luôn cho rằng những câu chuyện khác nhau về những năm tháng đã qua sẽ rất nguy hiểm cho trật tự trị an và sự tồn vong của chế độ”, Joseph Torigian, vốn cũng là một giáo sư phụ giảng tại Trường Hành chánh Quốc tế của Đại học Stanford, nói.

Đại học Stanford cho biết Lý Nhuệ đã kêu Lý Nam Ương (Ly Nanyang), con gái ông, tặng những cuốn nhật ký của ông cho Viện Hoover lưu giữ. Ông Lý Nhuệ đã e ngại những trang ghi chép vô giá của ông có thể bị tiêu huỷ trong phong trào bức hại những đảng viên bất đồng chính kiến được phát động dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

Lý Nam Ương, một người chỉ trích mạnh mẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc, đang sống tại Hoa Kỳ, đã đem hầu hết những cuốn nhật ký của cha ra khỏi Trung Quốc vào năm 2017. Cô tặng cho Viện Hoover những cuốn nhật ký này vào năm 2017.

Từ năm 2014- 2018, bà Lý Nam Ương (Li Nanyang, áo đỏ), với sự cho phép của cha mình, đã cẩn thận tránh sự giám sát của ĐCSTQ và tặng khoảng 40 hộp nhật ký, thư từ và các tài liệu khác của ông Lý Nhuệ cho Thư viện Hoover của Đại học Stanford. (Ảnh: MXH). (Ảnh này do BVN lấy từ trithucvn.co)

Một thời gian ngắn sau đó, bà Trương Ngọc Trân (Zhang Yuzhen), người vợ thứ hai của Lý Nhuệ, bất ngờ nộp đơn kiện để thu hồi những cuốn nhật ký, mà bà cho là thuộc quyền sở hữu của bà. Các luật sư hỗ trợ bà trong vụ kiện Viện Hoover của Đại học Stanford lập luận rằng những cuốn nhật ký này chứa đựng những thông tin về quan hệ riêng tư giữa Lý Nhuệ và bà, và việc xâm phạm tính chất riêng tư này đã làm cho bà rất tuyệt vọng.

Một vài trang ghi chép của ông Lý Nhuệ (ảnh Tư liệu gia đình)

Một phiên toà mở tại Bắc Kinh nhưng thất bại trong việc cưỡng chế Viện Hoover của Đại học Stanford giao trả những cuốn nhật ký của Lý Nhuệ. Sau đó, Đại học Stanford đã kiện lại bà Trân ở California. Các luật sư bên nguyên đơn và bên bị đơn cho rằng mình có đủ lý do để giữ những cuốn nhật ký vì có những chi tiết cho thấy Lý Nhuệ đã giao cho ai là người đại diện ông.

Tuy nhiên bà Trân đã hơn 90 tuổi nên mọi người thắc mắc ai mới thật sự có ý muốn khởi kiện Đại học Stanford. “Bà ấy không thể có tiền hay không thể đóng tiền để theo đuổi vụ kiện nhằm thu hồi những cuốn nhật ký. Chỉ có Đảng Cộng sản Trung Quốc mới có khả năng làm việc này”, Feng Chongyi, một giáo sư phụ giảng Trung Quốc học tại Đại học Công nghệ Sydney thường gặp Lý Nhuệ lúc ông còn sống, cho biết. Các luật sư của bà Trân luôn khẳng định bà chỉ khởi kiện một mình, và Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chẳng đưa ra bình luận nào. Feng Chongyi lo ngại rằng một khi đã thu hồi được những cuốn nhật ký của Lý Nhuệ, họ sẽ hạn chế tối đa việc tiếp cận chúng.

Lý Nhuệ đã gia nhập Đảng Cộng sản vào năm 1937 khi mới 20 tuổi, khi cuộc nội chiến Quốc – Cộng nổ ra. Đến năm 1958, ông đã trở là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên. Sự phản đối mạnh mẽ của ông đối với Đập Tam Hiệp đã khiến ông được Chủ tịch Mao Trạch Đông chú ý. Lý Nhuệ đã gây ấn tượng với Mao và ông ta đã chỉ định ông làm thư ký riêng về các vấn đề công nghiệp. Tuy nhiên, Lý Nhuệ được biết đến với tư tưởng độc lập và đã thách thức Mao tại Hội nghị Lư Sơn vào năm 1959. Lý Nhuệ đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và bị đưa đến trại tù, bắt đầu gần hai mươi năm long đong. Bị gia đình tố cáo vì các hoạt động chống Mao trong thời kỳ Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa , ông đã bị giam giữ biệt lập 8 năm tại Nhà tù Tần Thành.

Sau khi Mao qua đời , tư cách đảng viên của Lý được phục hồi. Ông lấy lại được vị trí có ảnh hưởng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng chỉ sau vài năm, ông từ chức vì không muốn hành xử thiên vị với con cái của các đảng viên có ảnh hưởng .

Lý Nhuệ đã chỉ trích mạnh mẽ việc Chính phủ Trung Quốc đàn áp các sinh viên kêu đòi dân chủ vào năm 1989. Từ bao lơn căn hộ của ông ở Bắc Kinh, Lý Nhuệ đã nhìn thấy binh lính Trung Quốc nã súng vào các sinh viên ở gần và ở xung quanh Quảng trường Thiên An Môn trong ngày mà ông gọi là “Ngày cuối tuần đen tối” (Black Weekend) với các phóng viên nước ngoài. Joseph Torigian nói rằng những cuốn nhật ký của Lý Nhuệ cho thấy suy nghĩ thật sự của ông cũng như nhiều quan chức cao cấp khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng hồi năm 1989”. Tuy nhiên Đảng Cộng sản Trung Quốc lại có truyền thống thay đổi lịch sử để giữ vững cách diễn giải lịch sử theo quan điểm cộng sản của họ.

Từ giữa những năm 1980, bị loại khỏi quyền lực, Lý Nhuệ đã viết và bình luận kêu gọi tự do ngôn luận, tự do báo chí và dân chủ trong khuôn khổ xã hội chủ nghĩa. Ông cũng đã viết 5 cuốn sách về Mao Trạch Đông và lịch sử ban đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cuộc chiến pháp lý giữa bà Trân – hay đúng hơn là Đảng Cộng sản Trung Quốc – và Đại học Stanford đang là một dấu hỏi: hoặc là sự thật lịch sử sẽ được giữ vẹn qua những ghi chép của một nhân chứng ở hàng đầu, hoặc là những tư liệu lịch sử vô giá sẽ trở về tay Đảng Cộng sản Trung Quốc và bị xóa hoặc bóp méo, không có chỗ cho cuộc sống thật được phơi bày.

H.D.L.

Nguồn: saigonnhonews.com

Related posts