Lưu xú vạn niên …

Năm 2006, tờ báo Xuân Bính Tuất của tổ hợp báo Người Việt tại Hoa Kỳ có đăng ở trang đầu mấy câu thơ -mà báo này nói là của “nhà tử vi Nhân Quang”như sau:

Can Bính Tuất niên, đã rõ Mười

Anh hùng, hào Kiệt, thế phân đôi

Khải hoàn, Lương đạo, An bang Mạnh

Minh Triết trời nam, tỏa rạng ngời

Những chữ in đậm ở trên được báo Người Việt cho in chữ hoa.

chính là tên của 8 nhân vật trong Bộ Chính Trị của đảng CSVN lúc ấy là Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Minh Triết.

Năm đó báo Người Việt xính vính vì sự phản đối và tẩy chay quyết liệt của đông đảo người Việt hải ngoại – nhất là ở Nam Cali, nơi có địa danh nổi tiếng “Little Saigon”.

Phải mất một thời gian rất lâu, sau bao cố gắng của tổ hợp báo Người Việt (cách chức, thay đổi các nhân vật chủ chốt như Tổng giám đốc công ty, Chủ nhiệm, Chủ bút ban biên tập .v.v) sự việc mới chìm dần.

Một trong 8 cái tên này trong suốt 3 thập niên qua đã bị rủa sả liên tục và lại vừa được người trong nước nhắc đến suốt mấy ngày qua. Đó là Lê Đức Anh, nguyên là Chủ tịch nhà nước CSVN, và trước đó từng là Bộ trưởng Quốc Phòng rồi Tổng tham mưu trưởng quân đội.

*

Lê Đức Anh (LĐA) là Chủ tịch nhà nước (thứ tư) nhiệm kỳ 1992-1997. Trước đó Anh là Đại tướng, từng là Bộ trưởng Quốc phòng (1987-1991), Tổng Tham mưu trưởng quân đội (1986-1987).

Anh sinh ngày 1/12/1920 tại Thừa Thiên. Theo tài liệu của đảng CSVN thì LĐA gia nhập đảng vào tháng 5/1938, đến năm 1944 là Bí thư công đoàn cao su ở Lộc Ninh.

Vào bộ đội tháng 8/1945, đến năm 1951 là Tham mưu phó, quyền TMT bộ tư lệnh Nam Bộ.

Sau Hiệp định Genève, LĐA tập kết ra Bắc, tháng 5/1955, là Cục phó Cục Tác chiến, rồi Cục trưởng Cục Quân lực. Tới tháng 8/1963, LĐA là Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội CSVN trước khi xâm nhập vào Nam tháng 2/1964, với bí danh Sáu Nam, giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng quân GPMN rồi tới năm 1969 giữ chức Tư lệnh Quân khu 9.

Cuối năm 1974, LĐA trở lại chức Phó Tư lệnh quân GPMN, thăng vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Năm 1975, LĐA là Phó Tư lệnh chiến dịch HCM, chỉ huy cánh quân Tây Nam đánh vào Sài Gòn.

Sau đó LĐA lần lượt làm Tư lệnh QK 9, rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy QK 7, chỉ huy tiền phương của Bộ QP ở mặt trận Tây-Nam; thăng Thượng tướng năm 1980. Năm 1981, là Thứ trưởng QP kiêm Tư lệnh bộ đội CSVN tại Campuchia, rồi làm Trưởng ban lãnh đạo chuyên gia CSVN tại Campuchia. Năm 1984, LĐA lên cấp Đại tướng, tháng 12/1986, lên làm Tổng Tham mưu trưởng quân đội rồi là Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Phó Bí thư thứ nhất Quân Ủy Trung ương từ tháng 2/1987 đến tháng 8/1991.

Năm 1991 LĐA là Thường trực Bộ Chính Trị và năm 1992, giữ chức Chủ tịch nước tới tháng 9/1997. Giữa tháng 11/1996, LĐA bị đột quỵ phải đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng rồi có vẻ hồi phục phần nào vào tháng 4/1997.

Sau Đại hội đảng CSVN thứ VIII, vào tháng 9/1997 LĐA từ chức Chủ tịch nước và được Trần Đức Lương thay thế. Tuy nhiên LĐA vẫn nằm trong ban Cố vấn Trung ương đảng từ tháng 12/1997 tới tháng 4/2001 mới chính thức về hưu.

Sau một thời gian nằm liệt giường rất lâu và sau nhiều lần có tin đồn LĐA đã chết thì này nhà nước CSVN mới chính thức loan tin LĐA chết ngày 22/4/2019.

*

Lê Đức Anh được coi là kẻ có đầu óc bảo thủ nhất trong bộ ba cầm quyền vào giai đoạn đó (gồm TBT Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Theo tin tức từ VN, nguyên nhân thù địch chấp giữa Anh và Võ Văn Kiệt bắt nguồn từ sự phản đối của LĐA đối với tham vọng cải cách kinh tế của Kiệt. Đó là lý do năm 1991, LĐA công khai ủng hộ và vận động cho Đỗ Mười vào chức vụ Tổng bí thư chống lại Võ Văn Kiệt (VVK).

Lúc đó có nhiều tin – mà phe LĐA tố giác là tin đồn bịa đặt của phe VVK đưa ra- về những hành động tham nhũng, hống hách và bạo ngược của LĐA trong cương vị “Trưởng ban lãnh đạo chuyên gia CSVN tại Campuchia” (gọi nôm na là Thái Thú).

Lê Đức Anh thường được mô tả là “thái thượng hoàng chột mắt” và là người ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng.

Thế nhưng điều khiến LĐA bị dân chúng rủa sả nhiều nhất – không phải vì những chuyện tham lam vơ vét vàng bạc, của cải; hay tàn nhẫn với dân Camphuchia, mà vì những điều Anh đã gây ra cho đất nước VN, cũng như thái độ của Anh quỵ lụy, thần phục Trung Cộng.

Đã nhiều lần, LĐA được đồn đại đã chết – vì tình trạng sức khỏe của LĐA, hay tất cả mọi nhà lãnh đạo và cựu lãnh đạo CSVN không bao giờ được công bố chính thức, nên người dân luôn luôn có nhiều đồn đại. Thế nhưng khác với tin về những người khác, tin về LĐA hầu như không nhận được sự thương cảm từ cộng đồng mà luôn luôn là lời phỉ bang hay cười cợt, châm biếm – cho thấy lòng hả hê, căm giận của người dân.

Như hồi năm ngoái, khi có tin đồn LĐA qua đời ngày 23/2/2018, liên tục trên mạng xã hội và nhiều trang blog đã lập lại lời tố cáo chính LĐA “đã quyết định không cho lính hải quân CSVN bảo vệ đảo Gạc Ma bắn trả lại quân Trung Cộng cướp đảo, khiến 64 bộ đội HQ bị bắn chết và đảo Gạc Ma rơi vào tay Trung Cộng từ ngày 14/3/1988.

Câu chuyện “không được bắn” không phải bây giờ mới kể mà từ nhiều năm trước khi thiếu tướng Lê Mã Lương (người được phong dnah hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, từng giữ chức Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nói trước cuộc tọa đàm kỷ niệm cuộc chiến Gạc Ma rằng: “Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh bộ đội ta không được nổ súng nếu như đánh chiếm đảo Gạc Ma hay bất kỳ đảo nào ở Trường Sa. Không được nổ súng! Và sau này nó đã được ghi vào tài liệu mà ta đã rõ rồi là khi trong một cuộc họp của Bộ Chính Trị, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đập bàn và nói là ai ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng?

Hơn mười năm sau, nhà văn Phan Trí Đỉnh đưa ra bài viết trong đó cho biết TS Lê Đăng Doanh là một trong nhiều người chứng kiến Nguyễn Cơ Thạch đập bàn vì cái lệnh phản quốc này do Lê Đức Anh ra lệnh.

Và như một cựu tướng CSVN và cũng là người đã mạnh mẽ liên tục chỉ trích, phản kháng đường lối thần phục Bắc Kinh của đảng CSVN là Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh hồi năm 2015 đã phát biểu thì: “lúc bấy giờ LĐA được đưa lên làm bộ trưởng QP mà làm cái việc như thế là một việc phản quốc. Ra lệnh lính không được bắn lại để cho Trung Quốc nó giết chiến sĩ của mình như là bia sống thì đó là một hành động phản động, phản quốc”. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh còn khẳng định rằng “Lê Đức Anh là cai đồn điền cao su làm cho một người tình báo của Pháp chứ không phải tham gia cách mạng lâu dài gì đâu. Chẳng qua ông ta khai man lý lịch rồi thì được lòng Lê Đức Thọ, và Thọ cứ đưa ông ta lên vù vù trở thành bộ trưởng QP rồi sau này thành chủ tịch nước. Cái điều đó nhiều người biết và những người biết chuyện như tôi lấy làm đau lòng lắm và cho là một nỗi nhục của đất nước.

Nhiều người còn nhắc lại chuyện LĐA cùng Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười “phải chịu phán xét của lịch sử về những tội lỗi liên quan đến Hội Nghị Thành Đô năm 1990 đầy ô nhục.” Ba nhân vật này bị mô tả là nhóm “Trần Ích Tắc của thế kỷ 20” và “là vết nhơ khó có thể gột rửa của lịch sử.”

Như một nhà họat động trong nước đã viết trên trang Facebook cá nhân: “LĐA không đáng được chết nhẹ nhàng, ông ta phải sống để sám hối và trả giá cho tội ác đã cùng với Đỗ Mười và Nguyễn Văn Linh bán rẻ tổ quốc qua cái Hiệp Ước Thành Đô 1990, và tội ra lệnh Hải quân không được nổ súng, khiến 64 chiến sĩ hy sinh, để mất Gạc Ma vào tay Trung Quốc hôm 14/3/1988. Chắc chắn một nơi khác đang đợi ông ta chứ không phải thiên đàng!

*

Về lý lịch “mờ ám” của Lê Đức Anh, ngay từ năm 2005 đã có cả một phong trào tố cáo LĐA khai man để vào đảng.

Như lá thư được phổ biến rộng rãi của 3 đảng viên kỳ cựu (là Phạm Văn Xô (Hai Xô) vào đảng năm 1930, nguyên ủy viên thường vụ Xứ ủy Nam Bộ; ủy viên thường vụ Trung ương Cục miền Nam – trưởng ban kiểm tra trung ương Cục, nguyên ủy viên ban chấp hành trung ương đảng; ủy viên ban kiểm tra trung ương khóa 3; cùng Đồng Văn Cống (Bảy Cống), trung tướng, nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn 99 Nam Bộ; tư lệnh quân khu 9, phó tư lệnh quân GPMN, ủy viên quân ủy Miền; tư lệnh quân khu 7, phó tổng thanh tra quân đội và Nguyễn Văn Thi (Năm Thi) nguyên ủy viên ban cán sự đảng, ủy viên tỉnh ủy, ủy viên thường vụ tỉnh ủy Thủ Dầu Một từ 1942 đến 1946, tư lệnh đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn (1950), Bí thư đảng bộ nhà tù Côn Đảo (1953); chủ nhiệm hậu cần bộ chỉ huy Miền) thì “Lê Đức Anh không phải là công nhân cao su như tự khai trong lý lịch mà là người phụ trách việc chế biến thực phẩm cho chủ đồn điền và các quan chức Pháp ở Lộc Ninh (chef des cooperatives) từ đầu thập kỷ 40 của thế kỷ 20, được anh chị em công nhân cao su đặt cho biệt danh là “cai lé”, do chột mắt vì bệnh đậu mùa. Lê Đức Anh là người giúp việc thân cận của chủ đồn điền De Lalant (Delalande?), một sĩ quan phòng nhì của Pháp. Lương của y cao như lương của chef de camp.

Mới đây, khi có tin LĐA chết, trên trang facebook ký tên Đinh Bá Truyền có bài nguyên văn như sau:

Thầy Sú Chột

Lê Đức Anh tên thật là Lê Văn Giác, sinh năm 1920, vốn dân làng Truồi, cái làng chuyên làm bánh bột lọc ở xứ Huế. Bị chột từ nhỏ, nhà lại nghèo khổ, nên năm 1939 Giác đi vô Lộc Ninh làm phu cạo mủ. Sau này Giác khai gia nhập Đảng CS năm 1938 là khai man.

Nhờ có tí học vấn từ người cha là “Thầy khóa Túy” đỗ trường Nhì, nên Giác được ông Phạm Văn Mến, chủ đồn điền Givral, cho làm Cai (Surveillant). Cái tên “Thầy Sú Chột” có từ đó.

Cô Phạm Thị Anh, con ông chủ Mến, có cảm tình với Giác, rồi họ nên duyên. Ông nhạc của Giác vốn dân Pháp tịch, có 8 người con, bà Anh thứ 6 nên còn gọi là bà Bảy Anh. Giác có người anh vợ, Phạm Văn Trọ, nguyên Tham tá hạng nhất Sở Mật thám Đông dương (Sûreté Général Indochinoise). Sau này Lê Văn Giác theo Việt Minh, lấy tên hoạt động là Lê Đức Anh, thực ra lấy theo tên vợ.

Lê Đức Anh khéo nịnh, được Lê Duẩn và Lê Đức Thọ tin dùng, nên được bổ làm Tham mưu trưởng Nam Bộ. Sau 1954, đã tập kết ra Bắc, Lê Đức Anh tuyên bố từ bỏ người vợ gốc địa chủ. Lê Đức Thọ liền gá bà Võ Thị Lê cho Lê Đức Anh. Bà Võ Thị Lê này vốn là vợ bé của ông Huỳnh Ngọc Huệ.

Có Duẩn và Thọ đỡ đầu nên quan lộ của Lê Đức Anh rất mát mái, lên đến Chủ tịch nước. Khốn nỗi, Duẩn-Thọ chống Tàu mà Lê Đức Anh lại hàng Tàu. Lê Đức Anh về hưu nhưng quyền lực vẫn còn. Phiêu bị hạ bệ là minh chứng.

Thời Pháp, Lê Đức Anh a dua theo chủ đồn điền; thời Việt Minh, a dua theo Duẩn và Thọ; sau đó lại a dua theo Tàu.

Cái con người vốn chỉ biết a dua theo thời thế, há có gì hay?

*

Về chuyện LĐA là một phần tử cốt cán trong “nỗ lực” quay lại với Bắc Kinh hồi những năm 1990, ngay trên báo chí nhà nước CSVN – như trên tờ báo mạng Vietnamnet đã chỉ rõ vai trò kết nối của LĐA như sau:

Sau khi ông LĐA đi “tiền trạm” về. Từ ngày 3 đến 10/11/1991, TBT Đỗ Mười và TT Võ Văn Kiệt đã thăm chính thức Trung Quốc. Hai bên Hội đàm, ra thông cáo chung và kí kết Hiệp định chính thức quan hệ bình thường giữ hai nước trên cơ sở 5 nguyên tắc hòa bình, đồng thời kí cả quan hệ bình thường giữa hai Đảng, khép lại 15 năm đối đầu căng thẳng.”

Sự kiện này đã được chính báo cáo của BCT đảng CSVN nói về Lê Đức Anh như sau: “Đồng chí Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh v.v… đã có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng khởi đầu cho mối quan hệ bẳng 16 chữ vàng và 4 tốt hiện nay. Tiếp nối truyền thống của Mao chủ tịch và Hồ chủ tịch đã xây dựng …”

*

Xưa nay trong lịch sử nước nhà, thời nào cũng thế, những tấm gương anh hùng, liệt nữ trung trinh, tiết liệt luôn được người dân nhắc nhở ca tụng và những kẻ tham tàn, bỉ ổi, phản quốc, hại dân thì luôn bị sỉ vả, rủa sả như hai câu

Lưu danh thiên cổ, Lưu xú vạn niên (Tiếng thơm nghìn đời, tiếng xấu vạn năm) … con người Lê Đức Anh và những gì ông ta đã làm rồi sẽ không thoát khỏi phản ứng của người dân (như kết cục của anh em nhà Lê Đức Thọ, Mai Chí Thọ sau khi chết luôn bị người dân đổ phân lên mộ phần khiến cuối cùng gia đình con cháu phải âm thầm cải táng đem dời đi chỗ khác).

Lịch sử rất công bằng không ai có thể thay đổi hay bóp méo nó để một kẻ phản quốc lại có thể trở thành anh hùng!

Phạm Thạch Hồng

Related posts