Thomas L. Friedman: Tôi chưa bao giờ lo sợ cho tương lai của đất nước mình như thế

New York Times

Cù Tuấn, biên dịch

16-4-2025

Thomas L. Friedman

Có quá nhiều điều điên rồ xảy ra với chính quyền Trump mỗi ngày, đến nỗi một số điều thực sự kỳ lạ nhưng vô cùng có ý nghĩa bị chìm vào trong những tiếng ồn ào. Một ví dụ gần đây là cảnh tượng vào ngày 8 tháng 4 tại Nhà Trắng, nơi mà giữa cuộc chiến thương mại đang diễn ra dữ dội, Tổng thống của chúng ta đã quyết định rằng, đây là thời điểm hoàn hảo để ký một sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy khai thác than.

Chúng ta đang khôi phục lại một ngành công nghiệp đã bị bỏ hoang“, Tổng thống Trump phát biểu, được bao quanh bởi những người thợ mỏ đội mũ bảo hộ, những thành viên của lực lượng lao động đã giảm từ 70.000 người xuống còn khoảng 40.000 người trong thập kỷ qua, theo Reuters. “Chúng ta sẽ đưa những người thợ mỏ trở lại làm việc“. Để bảo đảm an toàn, Trump nói thêm về những người thợ mỏ này: “Bạn có thể cho họ một căn hộ áp mái trên Đại lộ số 5 và một công việc khác và họ vẫn sẽ không vui. Họ muốn đào than; đó là những gì họ thích làm“.

Thật đáng khen khi Tổng thống Mỹ tôn vinh những người đàn ông và phụ nữ làm việc bằng đôi tay của mình. Nhưng khi ông chỉ trích những người thợ mỏ than để khen ngợi trong khi cố gắng xóa bỏ hoàn toàn việc phát triển các công việc công nghệ sạch khỏi ngân sách của mình — vào năm 2023, ngành năng lượng gió của Mỹ đã sử dụng khoảng 130.000 công nhân, trong khi ngành năng lượng mặt trời sử dụng 280.000 công nhân — điều đó cho thấy Trump đang bị mắc kẹt trong một hệ tư tưởng cánh hữu, không công nhận các công việc sản xuất xanh là công việc “thực sự”. Làm sao điều đó có thể khiến chúng ta mạnh mẽ hơn?

Toàn bộ chính quyền Trump 2.0 này là một trò hề tàn nhẫn. Trump tranh cử thêm một nhiệm kỳ không phải vì ông có bất kỳ manh mối nào về cách biến đổi nước Mỹ cho thế kỷ 21. Ông ra tranh cử để không phải vào tù và để trả thù những người, với bằng chứng thực tế, đã cố gắng buộc ông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tôi nghi ngờ rằng ông chưa bao giờ dành năm phút để nghiên cứu lực lượng lao động của tương lai.

Sau đó, ông trở về Nhà Trắng, đầu óc vẫn chứa đầy những ý tưởng từ thập niên 1970. Ông ta đã phát động một cuộc chiến thương mại mà không có đồng minh và không có sự chuẩn bị nghiêm túc — đó là lý do tại sao ông ta thay đổi mức thuế quan của mình hầu như mỗi ngày — và không hiểu được nền kinh tế toàn cầu hiện là một hệ sinh thái phức tạp như thế nào, trong đó các sản phẩm được lắp ráp bởi các thành phần từ nhiều quốc gia. Và sau đó, ông ta để một bộ trưởng thương mại tiến hành cuộc chiến này, người nghĩ rằng hàng triệu người Mỹ đang chết vì các công nhân Trung Quốc đã thay thế người Mỹ khi “vặn những con vít rất nhỏ để sản xuất iPhone”.

Nhưng trò hề này sắp động chạm đến mọi người Mỹ. Bằng cách tấn công các đồng minh thân cận nhất của chúng ta — Canada, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu — và đối thủ lớn nhất của chúng ta, Trung Quốc, đồng thời ông ta tỏ rõ rằng ông ta ủng hộ Nga hơn Ukraine và thích các ngành công nghiệp năng lượng hủy hoại khí hậu hơn các ngành hướng đến tương lai, và mặc kệ hành tinh này, Trump đang gây ra sự mất mát nghiêm trọng lòng tin của toàn cầu vào nước Mỹ.

Thế giới hiện đang nhìn thấy nước Mỹ của Trump chính xác là những gì nó đang trở thành: Một quốc gia lưu manh do một người đàn ông mạnh mẽ bốc đồng lãnh đạo, tách biệt khỏi luật pháp và các nguyên tắc và giá trị hiến pháp khác của Mỹ.

Và bạn có biết các đồng minh dân chủ của chúng ta làm gì với các quốc gia lưu manh không? Hãy cùng kết nối một số điểm.

Đầu tiên, họ không mua trái phiếu kho bạc Mỹ nhiều như trước nữa. Vì vậy, nước Mỹ phải cung cấp cho họ mức lãi suất cao hơn để làm như vậy — điều này sẽ lan tỏa khắp toàn bộ nền kinh tế của chúng ta, từ thanh toán mua ô tô đến thế chấp nhà cho đến chi phí trả nợ quốc gia của chúng ta với cái giá phải trả là mọi thứ khác.

“Liệu quyết định và thuế biên giới của Tổng thống Trump có khiến các nhà đầu tư trên thế giới tránh xa đồng đô la và trái phiếu kho bạc Mỹ không?”, trang biên tập của Wall Street Journal đã đặt câu hỏi hôm Chủ Nhật với tiêu đề “Liệu có mức phí bảo hiểm rủi ro mới của Mỹ không?” Còn quá sớm để nói, nhưng cũng không quá sớm để hỏi, vì lãi suất trái phiếu vẫn tăng vọt và đồng đô la vẫn tiếp tục suy yếu — những dấu hiệu điển hình của sự mất niềm tin không cần phải lớn để có tác động lớn đến toàn bộ nền kinh tế của chúng ta.

Điều thứ hai là các đồng minh của chúng ta mất niềm tin vào các thể chế của chúng ta. Báo Financial Times đưa tin hôm thứ Hai rằng, “ủy ban quản lý của Liên minh châu Âu đang cấp điện thoại dùng một lần và máy tính xách tay cơ bản cho một số nhân viên đi công tác ở Mỹ để tránh nguy cơ bị lấy trộm thông tin, một biện pháp thường chỉ dành cho các chuyến đi đến Trung Quốc“. Ủy ban này không còn tin tưởng vào luật pháp ở Mỹ nữa.

Điều thứ ba mà những người ở nước ngoài làm là tự nhủ với bản thân và con cái của họ — và tôi đã nghe điều này nhiều lần ở Trung Quốc cách đây vài tuần — rằng có lẽ việc học tập ở Mỹ không còn là ý tưởng hay nữa. Lý do là: Họ không biết khi nào con cái họ có thể bị bắt giữ tùy tiện, khi nào các thành viên trong gia đình họ có thể bị trục xuất đến các nhà tù ở Salvador.

Liệu điều này có thể đảo ngược được không? Tất cả những gì tôi biết chắc chắn ngày hôm nay là ở đâu đó ngoài kia, khi bạn đang đọc những dòng này, có một người giống như cha đẻ người Syria của Steve Jobs, người đã đến bờ biển của chúng ta vào thập niên 1950 để lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Wisconsin, một người đã có kế hoạch học tập ở Mỹ, nhưng hiện tại đang muốn đến Canada hoặc Châu Âu.

Bạn thu hẹp tất cả những thứ đó — thu hẹp các khả năng thu hút những người nhập cư năng động và có tinh thần kinh doanh nhất thế giới, cho phép chúng ta trở thành trung tâm đổi mới của thế giới; sức mạnh của chúng ta trong việc thu hút một phần không cân xứng trong số tiền tiết kiệm của thế giới, cho phép chúng ta sống vượt quá khả năng của mình trong nhiều thập niên; và danh tiếng của chúng ta trong việc duy trì pháp quyền — và theo thời gian, bạn sẽ thấy một nước Mỹ ít thịnh vượng hơn, ít được tôn trọng hơn và ngày càng bị cô lập.

Đợi đã, bạn nói, nhưng Trung Quốc không phải vẫn đang đào than sao? Đúng vậy, họ vẫn đang đào, nhưng với một kế hoạch dài hạn là loại bỏ dần và sử dụng robot để làm công việc nguy hiểm này, vốn từng làm suy yếu sức khỏe của thợ mỏ.

Và đó chính là vấn đề. Trong khi Trump đang “dệt ý tưởng” — nói lan man về bất cứ điều gì khiến ông ta cảm thấy là chính sách tốt vào lúc này — thì Trung Quốc đang dệt nên các kế hoạch dài hạn.

Vào năm 2015, một năm trước khi Trump trở thành Tổng thống, thủ tướng Trung Quốc khi đó là Lý Khắc Cường đã công bố một kế hoạch tăng trưởng hướng tới tương lai có tên gọi là “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”. Nó bắt đầu bằng câu hỏi, động lực tăng trưởng cho thế kỷ 21 sẽ là gì?

Sau đó, Bắc Kinh đã đầu tư rất lớn vào các yếu tố cấu thành nên động lực đó để các công ty Trung Quốc có thể thống trị chúng trong và ngoài nước. Chúng ta đang nói về năng lượng sạch, pin, xe điện và xe tự lái, rô-bốt, vật liệu mới, máy công cụ, máy bay không người lái, máy tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo.

Chỉ số Nature mới nhất cho thấy Trung Quốc đã trở thành “quốc gia dẫn đầu toàn cầu về đầu ra nghiên cứu trong cơ sở dữ liệu về hóa học, khoa học trái đất và môi trường và khoa học vật lý, và đứng thứ hai về khoa học sinh học và khoa học sức khỏe”.

Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ bỏ xa chúng ta không? Không. Bắc Kinh đang mắc một sai lầm lớn nếu họ nghĩ rằng phần còn lại của thế giới sẽ để Trung Quốc kìm hãm nhu cầu trong nước vô thời hạn đối với hàng hóa và dịch vụ để chính phủ nước này có thể tiếp tục trợ cấp cho các ngành xuất khẩu và cố gắng sản xuất mọi thứ cho mọi người, khiến các quốc gia khác bị khoét rỗng và trở nên phụ thuộc. Bắc Kinh cần tái cân bằng nền kinh tế của mình và Trump đã đúng khi gây áp lực buộc họ phải làm như vậy.

Nhưng sự khoa trương liên tục của Trump và việc áp đặt thuế quan lúc có lúc không của ông ta không phải là một chiến lược — không phải khi bạn đang đối đầu với Trung Quốc vào đúng dịp kỷ niệm 10 năm ra đời Made in China 2025. Nếu Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent thật sự tin vào những gì ông ta đã nói một cách ngu ngốc, rằng Bắc Kinh chỉ đang “chơi poker với một đôi 2”, thì ai đó hãy cho tôi biết khi nào là đêm chơi bài poker tại Nhà Trắng, vì tôi muốn mua suất tham gia. Trung Quốc đã xây dựng một động cơ kinh tế mang lại cho họ nhiều lựa chọn.

Câu hỏi đặt ra cho Bắc Kinh — và phần còn lại của thế giới — là: Trung Quốc sẽ sử dụng tất cả các khoản thặng dư mà họ đã tạo ra như thế nào? Họ sẽ đầu tư chúng vào việc xây dựng một quân đội đáng sợ hơn? Họ sẽ đầu tư chúng vào nhiều tuyến đường sắt cao tốc hơn và đường cao tốc sáu làn xe đến các thành phố mà thực sự không cần chúng? Hay họ sẽ đầu tư nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước và các dịch vụ trong khi đề nghị xây dựng thế hệ nhà máy và tuyến cung ứng tiếp theo của Trung Quốc tại Mỹ và Châu Âu với cơ cấu sở hữu 50-50? Chúng ta cần khuyến khích Trung Quốc đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Nhưng ít nhất Trung Quốc vẫn có những lựa chọn.

Hãy so sánh điều đó với những lựa chọn mà Trump đang thực hiện. Ông ta đang làm suy yếu nền luật pháp thiêng liêng của chúng ta, ông ta đang vứt bỏ các đồng minh của chúng ta, ông ta đang làm suy yếu giá trị của đồng đô la và ông ta đang phá tan mọi hy vọng về sự đoàn kết tầm quốc gia. Ông ta thậm chí còn khiến người Canada tẩy chay Las Vegas vì họ không thích bị nói rằng chúng ta sẽ sớm sở hữu họ.

Vậy, bạn hãy cho tôi biết ai đang chơi poker với một đôi 2.

Nếu Trump không dừng hành vi bất chính của mình, ông ta sẽ phá hủy tất cả những thứ đã làm nên nước Mỹ hùng mạnh, được tôn trọng và thịnh vượng.

Tôi chưa bao giờ lo sợ cho tương lai của nước Mỹ hơn thế trong cuộc đời mình.

Related posts