Hạ Tri Chương, quê Quảng Đông, sanh năm 659, đỗ tiến sĩ năm 698 được bổ làm quan. Tính phóng khoáng, thích làm thơ và uống rượu. Ông mất năm 744 thọ 86 tuổi.
Hạ Tri Chương còn để lại nhiều bài thơ hay. Trong số đó Hồi hương ngẫu thư là một bài thơ tứ tuyệt xuất sắc trong dòng Đường thi.
“Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi. Hương âm vô cải, mấn mao tồi. Nhi đồng tương kiến, bất tương thức. Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai.”
Witter Bynner dịch sang tiếng Anh là: “I left home young. I return old; Speaking as then, but with hair grown thin; And my children, meeting me, do not know me. They smile and say: Stranger, where do you come from?”
Phạm Sĩ Vĩ dịch là: “Khi đi trẻ, lúc về già. Giọng quê vẫn thế tóc đà khác bao. Trẻ con nhìn lạ không chào. Hỏi rằng: Khách ở chỗ nào lại chơi ?”
Trần Trọng Kim dịch là: “Bé đi, già mới về nhà, Tiếng quê vẫn thế, tóc đà rụng thưa. Trẻ con trong thấy hững hờ. Cười ồ, hỏi khách lại từ phương nao?”
So sánh hai bản dịch thì rõ ràng là bản dịch của Trần Trọng Kim hay hơn, cảm hơn nhiều so với bản dịch của Phạm Sĩ Vĩ.
Tuy nhiên bản dịch của Phạm Sĩ Vĩ bây giờ lại được đem vào dạy chương trình lớp 7, bậc Phổ thông cơ sở, nhằm quảng bá dòng thơ cổ văn Trung Quốc. Chương trình phổ thông hiện nay được làm quen với 15 bài thơ Đường tại hai cấp lớp 7 và 10.
Việt văn độc bản của Trần Trọng San viết cho lớp tú tài I (lớp 11 bây giờ) của học sinh miền Nam trước 75 chỉ giới thiệu có mỗi một bài Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu. Thế mới biết văn chương lớp trẻ bây giờ “thâm lắm”. Ngay như dân ban C, dân văn chương miền Nam ngày xưa cũng không được đào luyện thâm như vậy.
Qua chuyện nầy, chúng ta thấy nhà phê bình văn học CS miền Bắc mắc bệnh kiêu ngạo cộng sản. Một là quảng bá dòng thơ Cổ văn Trung Quốc cho một mấy em học trò lớp 7 (tức mới 12 tuổi) là làm một chuyện tào lao, bắt một đứa bé mới vừa thôi sữa mà phải gặm xương bò cứng ngắc. Soạn sách giáo khoa nhứt là về văn học câu hỏi đầu tiên rất quan trọng đặt ra làm soạn cho ai học. Ngay cả tui, già muốn bạc mái đầu mà còn chưa đủ sức hiểu thì kể chi đến các cháu còn quá bé.
Hai là hồng hơn chuyên. Chính vì thế bản dịch của Phạm Sĩ Vĩ được ưu tiên qua phà là vì ‘thằng chả’ thuộc phe ta. Còn bản dịch của Trần Trọng Kim rớt đài vì ông Trần Trọng Kim là Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam năm 1945 thuộc phe nó.
Trách chi mà tiếng Việt ngày nay trong nước lộn tùng phèo như một mớ lòng heo.
***
Sở dĩ nhắc tới bài Hồi hương ngẫu thưcủa Hạ Tri Chương vì một cô giáo dạy văn trong nước có truyện ngắn dưới 100 chữ như vầy: “Chị vào Sài Gòn học đại học. Giọng đặc sệt Bình Định. Bạn bè hay nhái giọng và gọi đùa “người đẹp xứ Nẫu”. Chị xấu hổ và bực dọc. Chửi cha không bằng pha tiếng! Hơn nửa đời người ở Cần Thơ, chị đã quen giọng miền Nam nhẹ nhõm ngọt ngào.
Bữa nọ đi chợ Cả Đài, nghe sau lưng một giọng nói quê nhà. Chị hỏi thăm, nhận đồng hương. Người đàn bà mới quen xởi lởi “Quã, em cũng ngừ Bình Định na? Sao giọng khác quắc dẫy? Trời quơi! Em hổng nói, qua hổng biết đâu.” Chị thấy buồn…”
Sau đó tác giả còn bình thêm là: Giọng nói quê nhà làm sao mình quên được, bởi vậy gặp người quê là mình mừng húm, nhận đồng hương ngay. Nhưng ở lâu một nơi nào đó, uống nước nơi đó thì giọng nói của người nhập cư cũng sẽ ảnh hưởng. Và như bạn đã biết, cái nghề dạy học, phải giao tiếp với bao học trò qua lời giảng . Nếu cô giáo mình cứ giữ cái giọng “đặc sệt Bình Định” mà giảng bài thì tội cho học trò Cần Thơ lắm.
Chuyện văn mà bàn cho vui tui bèn nhào vô chọc quê tác giả là: “Trung Hoa có nhiều sắc dân, nhiều tiếng nói khác nhau. Ha Tri Chương xa quê đã lâu nhưng tiếng quê mình, ổng hổng xài thì y nguyên vì ổng khi lưu lạc nói tiếng vùng khác. Tác giả quê Bình Định xa quê đã lâu tất nhiên cách phát âm, cách dùng chữ dù muốn hay không cũng phải chuyển đổi theo vùng đất mới để bà con nghe mà hiểu chớ.
Người Cần Thơ xa quê phiêu bạt bốn phương trời giờ giọng (pronunciation), cách dùng chữ (vocabulary) cũng khang khác. Không nói tiếng quê mình nhưng vẫn nhớ quê, nhớ nhà, nhớ Má, nhớ Ba là chuyện đáng kể nhưng nhớ người yêu cũ (nếu có?) nói giọng quê mình mới là chuyện để anh yêu bây giờ đáng phải lo. He he!”
Thấy vui, một thầy dạy Văn khác cũng nhào vô kể rằng: Nhớ năm 1995, ra Hà Nội , vào quán phở chủ quán hỏi “Ông bác năm hay bác bảy?” Mình trả lời “Tôi bác tư”. “Ở đây không có bác tư”. “Tôi thứ tư, tôi là bác tư”. “À tôi hỏi ông ăn bát năm nghìn hay bát bảy nghìn”.
Té ra là sự lẫn lộn giữa “bác” và “bát”. Cùng là người Việt cùng nói tiếng Việt nhưng đâu phải lúc nào cũng hiểu nhau. Cô bèn trả lời thầy là: “Yêu cái bác tư Nam bộ này quá!”
Ngoài ra còn thêm là: “Thật ra, trong câu chuyện của huynh, ngoài sự lẫn lộn giữa “bác” và “bát” (mà chỉ người Nam lẫn lộn, người Bắc phát âm phân biệt rất rõ).
Chữ “tư” cũng là điều đáng bàn đến. Chỉ có người Nam mới dùng “tư” để chỉ số 4 thôi. Tác giả đã đọc đâu đó bài viết cho rằng cách dùng từ theo thói quen này là không đúng.”Tư” là từ dùng để chỉ một phần của vật thể được chia làm bốn phần bằng nhau. Người ta gọi là “một phần tư” hoặc “một góc tư” là vậy.”
Nghe chê tiếng quê của mình tui cũng nóng mũi nhe bèn nhào vô bút chiến như vầy: Hổng phải vậy đâu cô giáo! Dân Lục tỉnh quê tui xài như vậy là rạch ròi, là trúng lắm đó nhe. Một cái bánh cắt ra bốn phần thì phần thứ nhứt cho thằng Tèo (có thể là bự hơn nhe), phần thứ hai cho con Tí, phần thứ ba cho con Thôi (đừng đẻ nữa) và phần thứ tư cho con Nữa (đã bảo thôi mà còn đẻ nữa hè). (Cũng như ngã tư không phải là ngã bốn). Vì có hai loại số: số thứ tự (ordinal numbers) và số đếm (cardinal numbers). Con trong nhà là số thứ tự: hai, ba, tư.. (không có con cả gì ráo mà là con lớn). Còn có bao nhiêu con là số đếm: 4, 5, 6 đứa chẳng hạn.
Ông bán phở ngoài Hà Nội chỉ nghe ‘âm’ mà không nắm nội dung câu nói. Nếu nghe bác ‘Tư’ là hiểu người ta nói về số thứ tự (chớ không phải số đếm 5 ngàn, 7 ngàn) trong gia đình rồi.
***
Gần đây tui trộm nghe một quan ‘nhớn’ ngoài Bắc phán rằng tình trạng tham nhũng tràn lan làm ổng “xót ruột” quá. Quê tui phải nói là ‘chua xót’ hay ‘đau xót’. Còn ‘xót ruột’ chỉ khi nào mình bụng đói mà chơi luôn một bụm trái chùm ruột đến nỗi bị Tào Tháo rượt chạy đến sút cái quần mà thôi.
Theo thiển ý của tui, các nhà văn CS xứ Bắc vào Sài Gòn viết văn để kiếm ăn, độc giả tất là người miền Nam rồi thì nên khiêm tốn học hỏi thêm về cái tinh tế của phương ngữ miền Nam hơn là vỗ ngực ta đây ‘bố láo’.
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.