Dương Quốc Chính
25-5-2025

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất là một dự án kín tiếng, cho tới khi nó đi vào hoạt động và phát sinh lỗi. Có lẽ mình là người đầu tiên phàn nàn công khai về chất lượng thi công, cũng khá nhiều đám clone vào húc.
Mình vốn không là người hời hợt, nên rắp tâm đi tìm xem ai hay công ty nào đã thiết kế nên nhà ga T3. Nhưng đến giờ này là bó tay, không tìm thấy nguồn nào chính thức công bố công ty nào thiết kế. Trong khi đó, báo chí có nhắc tới ý tưởng áo dài cho nhà ga, dường như khiên cưỡng, gán ghép cho nó giống cái gì đó, thường thấy ở Việt Nam, kiến trúc TƯỢNG HÌNH.
Việc nền lát đá của nhà ga trầy xước, mình cho là lỗi thi công thuần túy, tất nhiên tư vấn giám sát và quản lý dự án cũng có vai trò. Nhưng xem ảnh trên mái khi nhà thầu chống dột, thì có vẻ như lỗi có thể đến cả từ thiết kế. Nhìn ảnh thấy mái dạng tôn sóng khá là truyền thống, mà tôn sóng/ múi mà lợp cong cũng không đơn giản để chống dột, phải có những cấu tạo để xử lý.
Tất nhiên lỗi từ thiết kế cấu tạo là nhiều hơn, nhưng ý tưởng đôi khi không ăn khớp được với vật liệu (chủ yếu do chi phí không đáp ứng) từ đó không thể có cấu tạo phù hợp. Đây chỉ là các phỏng đoán bước đầu của mình thôi, không có gì chắc chắn.
Nhưng câu hỏi lớn đặt ra là, vì lẽ gì mà một công trình khổng lồ như vậy mà đơn vị tư vấn lại ẩn danh hoàn toàn? Không rõ công trình này được thiết kế dựa trên khuôn khổ pháp lý nào, khi mà không thấy đơn vị thiết kế, kể cả nằm trong một liên danh Design – Build (thiết kế – thi công trọn gói). Công trình dạng này nên phải thông qua thi tuyển kiến trúc.
Con AI Gemini advance (mất phí) với nghiên cứu chuyên sâu cũng không thể tìm ra đơn vị tư vấn chính thức. Con ChatGPT free thì kết quả khá lăng nhăng khi thì bảo có một liên danh nhà thầu trong đó có Nikken Seikei (Nhật) lúc lại bảo là Heerim (Hàn) và Arep (Pháp). Google thì không tìm được.
Mọi kết quả tìm kiếm cho thấy vai trò chính về thiết kế chủ yếu đến từ chủ đầu tư là ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam). Có lẽ họ cũng nuôi bộ phận thiết kế. Có thể họ thuê thiết kế ý tưởng chung từ một tư vấn nước ngoài nào đó, nhưng vì đơn vị đó có vai trò thấp và rất có thể là do họ tự điều chỉnh thiết kế nhiều nên không thể nêu tên đơn vị thiết kế đó ra.
Thực tế là việc tương tự đã diễn ra cực kỳ phổ biến trong thiết kế nhà dân cho tới các dự án lớn. Chủ đầu tư can thiệp rất nhiều vào thiết kế, thậm chí tự sửa hầu hết các ý tưởng. Đặc biệt là các dự án chung cư, nhà ở, cần tối ưu chi phí của chủ đầu tư trước khi bán ra. Đó mới là nội dung chính cần bàn ở bài này.
Trong một câu chuyện khác rất liên quan, có vẻ như lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng kiến trúc Quốc gia, có khi cả quốc tế, là một chủ đầu tư dự án chung cư đã được công nhận là đồng tác giả thiết kế và được nhận giải thưởng kiến trúc Quốc gia! Mình nghĩ đây sẽ là tiền lệ để anh Vượng, anh Lam, anh Nhơn… sẽ được nhận nhiều giải thưởng kiến trúc quy hoạch, nội thất, cảnh quan tầm quốc gia khác!

Nhà ga T3 và công trình đoạt giải thưởng kia đều là những dự án lớn có vốn tư nhân và nhà nước. Sẽ không loại trừ khả năng nhà ga T3 cũng sẽ được đem đi dự giải thưởng kiến trúc Quốc gia đợt sau và được giải thưởng và ACV là tác giả thì sao?!
Chuyện chủ nhà tự nhận là tác giả thiết kế nhà họ, mình nghe quen tai 20 năm nay rồi, có thể họ tự thiết kế thật, có thể là thợ xây thiết kế dựa trên yêu cầu của họ, cũng có thể một Kiến trúc sư nào đó thiết kế nhưng họ điều chỉnh nhiều nên tự nhận mình là tác giả. Nhất là trong bối cảnh AI đã trở nên quá phổ biến trong nhiều lĩnh vực, trong đó có kiến trúc, có vẻ như ngày tàn của các kiến trúc sư đã tới rồi chăng?
_______
P/S: Có nguồn tin cho rằng, T3 do công ty CPG Airport của Singapore thiết kế với liên danh CPG-ADCC và CGP Việt Nam (CPGV) làm đại diện.