Sau lưng Trump tôi thấy bóng hình Tố Hữu!

Nguyễn Hoàng Văn

29-5-2025

Càng ngày tôi càng nhận ra rằng, thấp thoáng sau lưng Trump, lởn vởn bóng dáng của một Tố Hữu nhỏ mọn, thù vặt và sân hận với những thành phần “quý tộc” trong lĩnh vực mà mình muốn tạo danh. Nói cho gọn thì cả hai cùng chia sẻ cái ẩn ức tạm gọi là “hận tinh hoa”.

Từ “tinh hoa” (elite) được dùng để chỉ những thành phần giàu có với học vấn thuộc hàng cao nhất và, do đó, tạo được nhiều ảnh hưởng hay quyền lực nhất. Nhưng Trump thì hết kiếp vẫn chưa xứng với cái danh này mà, bất quá, chỉ là một thành phần “đặc quyền” (privileged).

Thì Trump cũng giàu, cũng đầy quyền lực mà một chữ ký là mấy chục triệu người hay mấy tỷ người điêu đứng nhưng về học vấn thì chưa chắc, và quan trọng hơn, những gì ông ta có được chỉ là nhờ vào một sự… thụ thai ngẫu nhiên. Không ai xa lạ, chính Marco Rubio, người đang giữ chức Ngoại trưởng trong chính quyền Trump, đã xếp hạng Trump như thế: Tất cả những gì Trump có được chẳng qua là nhờ sinh ra trong một gia đình giàu có!

Rubio sỉ vả Trump như thế trong cuộc tranh luận vào tối 25/2/2016 do đài CNN tổ chức ở Houston giữa năm ứng cử viên tranh giành suất đại diện đảng Cộng Hòa: Trump, Rubio, Ted Cruz, John Kasich và Ben Carson [1].

Kinh khủng nhất trong cuộc tranh luận của “ngũ nhân bang” này là cuộc đấu võ mồm giữa Rubio và Trump mà báo chí Mỹ gọi là xấu xa, độc ác, “vicious debate battle”. Lối ăn nói của Trump thì ai cũng biết, còn Rubio cũng không thua, xem như “Đi với ma mặc áo giấy”: Trump tấn công cá nhân thì Rubio cũng tấn công cá nhân, Trump không kể phép lịch sự thì Rubio cũng… đếch cần.

Rubio đả kích: “Nếu không được thừa hưởng gia sản 200 triệu Mỹ kim thì có lẽ giờ này Donald Trump chỉ là một anh bán đồng hồ tại Manhattan”.

Không ai miệt thị nghề bán đồng hồ nhưng nếu tiếng Việt chúng ta có thành ngữ “Thật thà như thể lái trâu” thì người Mỹ có câu “As honest as watch dealer”: Thật thà như dân bán đồng hồ.

Trump chê Rubio không có kinh nghiệm gì về thương trường thì Rubio xóc óc: “Tôi chả biết gì về các công ty phá sản. Và tôi chả biết gì về việc xây dựng một đại học giả”.

Chẳng là trong cuộc đời kinh doanh Trump đã khai phá sản tới bốn lần và lúc đó, khi ra tranh cử, lại bị kiện với cáo buộc lập nên đại học giả “Trump University” để lừa đảo, theo đó người ta nộp học phí $36,000 nhưng chả học được cái gì cả. (Sau đó Trump chấp nhận bồi thường để yên tâm tranh cử).

Nói chuyện “đại học giả” của Trump thì cũng nói luôn chuyện Trump học đại học tại Phân khoa Kinh doanh Wharton của Viện Đại học Pennsylvania (PU) nổi tiếng.

PU cũng thuộc Ivy League, là nhóm tám viện đại học hàng đầu của Mỹ, nhưng không bằng Harvard và việc Trump “đậu” vào trường này cũng như thành tích học tập tại đây là cả một nghi án.

Thứ nhất, Mary Lea Trump, cháu gọi Trump là chú ruột, đã vạch trần rằng thời trẻ Trump đã thuê người khác dự cuộc thi tuyển đại học (SAT: Scholastic Aptitude Test) mới lọt vào được trường này [2].

Thứ hai, liên quan đến học lực thì từ trung học đến đại học, Trump áp dụng mọi thủ đoạn để che giấu. Trump đe dọa trường trung học cũ, cấm ngặt việc tiết lộ thông tin trong học bạ của mình [3]. Thành tích học tập tại PU, Trump cũng biến thành hồ sơ… tuyệt mật [4]. Hành vi này khiến thiên hạ đặt câu hỏi, phải chăng vì học quá kém, Trump mới che giấu?

Toàn bộ những điều này đã cho thấy rằng, Trump không phải là một nhân vật tinh hoa, chỉ là một thành phần đặc quyền. Đầy đặc quyền nhưng lại háo danh, mang mặc cảm thua sút trước giới tinh hoa, phải chăng Trump đang trút bỏ hờn căm vào Harvard, biểu tượng cao nhất về trí tuệ của giới tinh hoa Mỹ?

Không phải là một nhà chính trị tinh hoa, Trump đang thực hành thứ chính trị dân túy và phong cách này đã thể hiện rất rõ trong gần mười năm qua, nhưng còn Tố Hữu?

Chính trị dân túy là thứ chính trị nhắm vào sự cả tin và cuồng nhiệt của đám đông nên, do đó, sở trường về khoản đấu tố, hoàn toàn chính xác với Trump và với Tố Hữu.

Thí dụ như cảnh Tố Hữu “đấu tố” tù binh Mỹ mà Hoàng Tùng – từng là Tổng biên tập báo Nhân Dân, Bí thư Trung ương Đảng – kể lại trong hồi ký “Những Kỷ Niệm Về Bác Hồ”, như sau: “Năm 1968 Bác có vịệc phải ra nước ngoài, ở nhà Ban Bí thư mà cụ thể là đồng chí Tố Hữu có chủ trương dong bọn giặc lái Mỹ mà ta bắt được đi diễu qua các đường phố để cảnh cáo Mỹ. Khi về Bác hỏi: ‘Vì sao các chú lại làm một việc dại dột như thế?’ Tôi thành thật báo cáo Bác là mình không tham gia việc này. Bác nói luôn rằng tôi cũng ở trong Trung Ương mà lại không chịu trách nhiệm sao được, dư luận thế giới sẽ không đồng tình về việc làm của ta” [5].

Bây giờ chúng ta chứng kiến một Tổng thống Mỹ nhỏ nhen, luôn tìm cách trả thù những cựu đối thủ thì Tố Hữu cũng từng sống như vậy, như cách đối xử với Hoàng Cầm, qua lời kể của chính nhà thơ này:

Vì sao lại có chuyện thay đổi như thế? Có phải anh công an tên N. đã nói lừa tôi cốt để tôi nhận tội cho được việc của anh ta? Tôi cũng không rõ sự thực thế nào, cho đến một hôm sau khi đã ra tù, tôi tình cờ gặp một anh công an thụ lý khác (xin phép không nêu tên) ở quán bia Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Trông thấy tôi anh mừng lắm, anh mời tôi vào uống bia để tâm sự. Anh nói là anh đã ra khỏi ngành, và anh kể cho tôi một chuyện khá bất ngờ. Chuyện đại ý như sau: Sau khi tôi nhận tội, công an đã định cho tôi về thật. Nhưng trong thời gian chờ đợi giải quyết, thì một hôm ông Lê Đức Thọ gọi công an lên hỏi về vụ Hoàng Cầm ra sao rồi, và thông báo rằng có một số trí thức Pháp, những người quen biết nhiều với ông, đã giúp đỡ ông và đoàn đại biểu Việt Nam ở Hội nghị Paris, vừa gửi thư cho ông yêu cầu nếu xét Hoàng Cầm không có tội trạng gì cụ thể thì hãy thả ngay nhà thơ ra. Ông còn nhắc nhở: “Các cậu xem thế nào thì giải quyết đi, không có thì mang tiếng lắm”. Sự việc trên được công an báo cáo với Tố Hữu . Ông lập tức hạ lệnh: “Ngoại quốc can thiệp hả? Đã thế thì cho thêm một năm nữa!” Thái độ cứng rắn đến nghiệt ngã của Tố Hữu với riêng tôi cũng như với các anh em Nhân văn-Giai phẩm rất nhất quán” [6].

Tại sao Tố Hữu ác nghiệt thế?

Lý do là Hoàng Cầm đã chê tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu thậm tệ, sau khi tập này được giải nhất về thơ trong Giải thưởng văn học giai đoạn 1954-1955 của Hội Văn nghệ Việt Nam [7].

Quan trọng hơn, Hoàng Cầm đã chê Tố Hữu từ vị thế của một nhà thơ tinh hoa đối với một nhà thơ quần chúng, chuyên làm thơ cổ động, theo đó thì thơ Tố Hữu “giống như một vại nước to, đầy tràn pha loãng một màu sữa. Loãng quá, tôi thèm một cốc dù nhỏ thôi nhưng chan chứa những chất nuôi sống tâm hồn” [8].

Bất cứ một nền văn hóa – văn chương nào cũng cần đến hai hệ thống giá trị song song, giá trị tinh hoa và giá trị đại chúng. Như trong văn chương, nếu những tác phẩm bình dân là để phục vụ nhu cầu giải trí của công chúng thì những tác phẩm tinh hoa phục vụ nhu cầu thưởng lãm mang tính trí tuệ và đóng vai trò dẫn dắt, có sự cộng sinh như vậy thì xã hội mới phát triển bình thường.

Nhưng xã hội mà Tố Hữu muốn xây dựng thì không bình thường chút nào, cả trái tim con người mà cũng:

“Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ

Anh dành riêng cho đảng phần nhiều

Phần cho thơ, phần để em yêu”

Em xấu hổ: “Thế cũng nhiều anh nhỉ!”

Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí

(Trích từ “Bài ca xuân 61”)

Bởi thơ của ông ta chủ yếu là thơ tuyên truyền, dễ lọt tai công chúng, nên nhất định phải là thơ có vần. Chính vì vậy nên Tố Hữu mới không ngớt “truy sát” những nhà thơ có đầu óc cách tân, đề xướng thơ tự do như Lê Đạt, Hoàng Cầm, Văn Cao, Đặng Thái Thân v.v…

Tố Hữu nói theo Lê Đạt, là một nhà thơ “có ích” nhưng là có ích cho cái xã hội không bình thường của y [9].

Như một nhà thơ phản tinh hoa với quyền sinh sát trong tay, Tố Hữu đã làm nghèo, làm què quặt nền văn chương Việt Nam.

Như một nhà chính trị đầy đặc quyền trong vai trò Phó Thủ tướng, Tố Hữu đã làm nghèo, làm què quặt nền kinh tế và đẩy cả nước vào cảnh bần cùng, điêu đứng trong giai gioạn giữa thập niên 1980.

Phải chăng, giữa Tố Hữu và Trump còn có mẫu số chung kinh tế này?

Tố Hữu có chính sách “Giá Lương Tiền” thì Trump có chính sách Quan Thuế, hiện cũng đang làm công chúng và giới doanh nhân Mỹ kêu trời.

__________

Chú thích:

1. https://www.youtube.com/watch?v=GasRDffe1Xg https://www.youtube.com/embed/GasRDffe1Xg?feature=oembed&enablejsapi=1

2. https://www.thedp.com/article/2020/07/donald-trump-penn-wharton-sat-cheating

3. https://www.insidehighered.com/news/2019/02/28/michael-cohen-testifies-trump-threatened-colleges-over-any-release-his-grades

4. https://www.phillymag.com/news/2019/09/14/donald-trump-at-wharton-university-of-pennsylvania/

5. http://www.geocities.ws/xoathantuong/ht_nknvh.htm

6. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9662&rb=08

7. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=4855&rb=08

8. Bài viết của Hoàng Cầm trên báo Văn Nghệ số 67, dẫn theo Nguyễn Hưng Quốc (1991) Văn học Việt Nam dưới chế độ Cộng sản, NXB Văn Nghệ, California, trang 146.

9. Nguyễn Hưng Quốc, sđd, trang 146.

Nguồn: Tiếng Dân

Related posts