Đôi điều về “một ông quan to” từng học ở CHDC Đức

Lý Trực Dũng

31-5-2025

Tranh biếm hoạ của hoạ sĩ Lý Trực Dũng nói về thời ông Nguyễn Thiện Nhân còn làm Bộ trưởng Giáo dục.

Từng là sinh viên học ở CHDC Đức từ 1966-1973 tôi quen biết nhiều các anh chị trong số 155 học sinh Việt Nam ở độ tuổi 9-15 được CHDC Đức mời sang học ở TP Moritzburg từ năm 1955. Trong số đó có rất nhiều anh chị siêu giỏi về chuyên môn, tiếng Đức…

Rồi các năm tiếp theo có cả ngàn sinh viên, cán bộ Việt Nam sang học ở CHDC Đức, nhưng cho đến năm 2005, không có bất kỳ một cán bộ hay một sinh viên nào đã đi học ở CHDC Đức trong đó có rất nhiều con em các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ Việt Nam có được cái chức Thứ trưởng ở bất kỳ một Bộ nào của Chính phủ Việt Nam. Nên tôi khá ngạc nhiên và tò mò khi được tin ông TS Nguyễn Thiện Nhân từng học ở Trường Đại học kỹ thuật Margdeburg năm 2006, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, và chỉ một năm sau, 2007 được cử làm Phó thủ tướng.

Ngày 19.7.2011 tôi khá ngạc nhiên khi nhận được giấy mời của ông Đại sứ Đức Rolf Schulze tối hôm đó đến nhà riêng của ông ta ở 47 Điện Biên Phủ (Hà Nội) dự lễ Đức trao tặng huân chương cho ông Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Tại buổi lễ này, ngoài Đại sứ Đức còn có Đại sứ Thụy Sĩ và Đại sứ Áo. Về phía Việt Nam chỉ có ba người, trong đó có tôi. Ông Đại sứ Đức tuyên bố lý do, nói, rất vinh dự thay mặt chính phủ Đức trao huân chương của Đức cho ông Nguyễn Thiện Nhân vì công lao của ông ta trong công cuộc hợp tác Khoa học kỹ thuật, Giáo dục và Kinh tế giữa Đức và Việt Nam.

Sau đó đến lượt ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu. Thay vì nói tiếng Việt để phiên dịch của sứ quán Đức dịch ra tiếng Đức thì ông Nhân nói bằng tiếng Đức và anh phiên dịch sứ quán Đức phải dịch ra tiếng Việt. Vào đầu ông kể: “Khi tôi đến, gặp ông Đại sứ Rolf Schulze ra đón tôi ở cổng biệt thự này, tôi hỏi ông ta, cái huân chương này có giá trị thế nào ở Đức. Ông đại sứ nói, đây là huân chương cáo quý nhất của Đức”

Rồi ông ta say sưa kể từng học đại học, làm nghiên cứu sinh thế nào… Rồi từng đi Berlin mua sách cổ của Đức về khoa học để đọc, không những học tiếng Đức ông còn học cả tiếng Pháp… Rằng Đức là quê hương thứ hai của ông…, ông nói rất dài… Rồi ông cảm ơn các Đại sứ Đức ở Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc thắt chặt quan hệ Việt Nam và Đức. Anh phiên dịch: “… Cám ơn tất cả thành viên của sứ quán Đức…”.

Ông Nhân bỗng dừng lại quay sang anh phiên dịch nói bằng tiếng Việt: “Anh dịch sai, tôi nói các Đại sứ…”. Anh phiên dịch xin lỗi rồi dịch lại: “Cám ơn các Đại sứ Đức ở Việt Nam…”. Rồi ông Nhân kể lể tiếp về mình… Rồi một lần nữa ông dừng, quay sang anh phiên dịch: “Anh dịch sai, tôi nói thế này cơ mà…”. Anh phiên dịch lại phải xin lỗi, dịch lại bằng tiếng Việt…

Một ông Phó thủ tướng tại buổi lễ nhận huân chương của Đức đáng nhẽ phải phát biểu bằng tiếng Việt để phiên dịch dịch sang tiếng Đức, thì lại phát biểu bằng tiếng Đức bắt phiên dịch của sứ quán Đức dịch sang tiếng Việt. Phiên dịch có thể dịch chưa sát nghĩa hoặc sai về chuyện ông ta kể lể… thì với cương vị Phó thủ tướng ông ta có thể nhắc hoặc phê bình người phiên dịch này sau, nhưng không, ông ta ra oai, bắt lỗi anh phiện dịch của sứ quán Đức hai lần để chứng tỏ ta đây giỏi, thông thạo tiếng Đức hơn cả anh phiên dịch tiếng Đức của sứ quán Đức. Kinh!

Để biết vị này là ai, tôi có hỏi vài bạn từng học cùng trường Đại học Kỹ thuật Magdeburg. Các bạn cho biết, ông này là bộ đội đi học, suốt ngày chúi mũi học và học… Rồi sau đó làm bằng tiến sĩ. Thay vì đem kiến thức mình đã học, nghiên cứu phục vụ cho một Viện hoặc nhà máy quốc phòng nào của Việt Nam thì ông ta tiến thân bằng hoạt động Đoàn thanh niên…

Có lẽ ông ta học theo gương của Egon Krenz, nguyên Bí thư FDJ (Tổ chức Thanh niên Tự do Đức) sau này đã lên thay Erich Honecke làm Tổng bí thư đảng SED ở CHDC Đức. Rõ ràng thăng tiến của ông Nguyễn Thiện Nhân là bằng con đường chính trị bắt đầu từ Đoàn Thanh niên, chứ không phải là từ kỹ thuật, kinh tế.

Năm 2006, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nổi đình đám với phong trào chống tiêu cực trong thi cử, cải cách giáo dục… rồi sự ra đời, bùng nổ của của gần 200 Trường Đại học tư trong trong thời gian này, khi cơ sở vật chất còn kém và thiếu giáo viên nghiêm trọng. Có tin đồn, cứ mất vài chục ngàn đôla nộp cho một ông Thứ trưởng cấp dưới của ông Nguyễn Thiện Nhân là được là OK.

Ông Nguyễn Thiện Nhân từng giữ chức Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh, chẳng biết ông cống hiến được những gì cho Thành phố này nhưng cả nước nhớ nhất câu phân biệt vùng miền của ông ta năm 2018, khi thuyết phục người dân mất đất ở Thủ Thiêm: “Tôi nói giọng Bắc nhưng tôi là người miền Nam. Tôi không gạt bà con đâu” (*).

Về hưu, hết chức quyền trong Đảng và Chính phủ nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân vẫn đang là Đại biểu Quốc hội khóa khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026. Từng lừng danh thế mà lâu ngày chẳng ai nhắc đến nên ông Nguyễn Thiện Nhân mới phải lên tiếng ca ngợi Giáo dục Việt Nam: “Khi nghị quyết được Quốc Hội thông qua, chúng ta có quyền công bố rộng rãi, chắc chắn chúng ta là nước duy nhất trong ASEAN miễn học phí từ mầm non đến phổ thông”.

Nguồn: Q.P

Ai dè ngay lập tức trên mạng xã hội rất nhiều người cho biết: “Chỉ riêng khu vực ASEAN đối với Trung học cơ sở, phần lớn các nước đều miễn phí, trừ Lào, Campuchia, Việt Nam. Ở Trung học phổ thông thì Thái Lan, Malaysia, Brunei và Philippines miễn học phí hoàn toàn tại trường công lập. Trên thế giới hiện có khoảng 150 quốc gia miễn học phí ở tiểu học, 100-120 quốc gia miễn học phí ở trung học cơ sở và 70 quốc gia miễn học phí ở trung học phổ thông”.

Chả nhẽ GS-TS thông thái như ông Nguyễn Thiện Nhân mà không nắm được thông tin này? Hay những kẻ không ưu ông bịa ra tin này để hạ “uy tín” của ông? Hu hu hu…

________

(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Câu nói của ông Nguyễn Thiện Nhân, đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 20-6-2018, nguyên văn như sau: “Tôi khẳng định việc này không phải bà con vào đó rồi xí xóa hết cho thành phố. Thành phố không gạt bà con, mà chỉ muốn cuộc sống ngắn hạn của bà con tốt hơn bây giờ“.

Nguồn: Tiếng Dân

Related posts