Đã hơn 40 mươi năm rồi đó nhưng ta cứ tưởng như mới hôm qua ngày định mệnh.
Ta soi gương. Hình ta đã già hơn năm trước. Tóc bạc thêm. Vầng trán nhăn nheo, những vết nhăn, buồn theo nỗi buồn năm tháng.
Rót ly rượu đắng cay, ngồi một mình, nhắm nháp nỗi buồn của một người thất trận và nghĩ suy. ‘Rồi có một ngày chinh chiến tàn.’ Câu hát cũ gợi đầy nỗi nhớ.
Nhưng chinh chiến vẫn chưa tàn trong ta dù hơn bốn mươi năm đã trôi qua.
Đêm qua trời đổ trận mưa to. Mưa như người đi xa trở về quê cũ. Những giọt mưa ồn ả gõ vào khung cửa kính như nói người rằng: Mưa đã trở về. Nước đã trở về.
Ta nửa tỉnh, nửa mơ trong tiếng mưa rơi. Và trong cơn mơ, ta trở về quê cũ.
Ta thấy quê ta mênh mông trong buổi chiều thơm rơm đốt đồng khói toả. Ta thấy cánh cò xoải bay về đâu trong buổi chiều ráng đỏ. ‘Chim bay về núi tối rồi. Chị em sắm sửa lấy nồi nấu cơm.’ Hòa bình!
Ta thấy nhà ta buổi tối quây quần bên ngọn đèn Huê kỳ vặn tỏ. Ba ta ngồi đọc báo; má ta ngồi may vá; anh, em ta đang ngồi tập đọc cuốn vần con gà nó gáy ó o.
***
Rồi ai làm bom, đạn nổ? Chiến tranh. Ta thấy lại những người không còn ai thấy nữa. Những người đã chết.
Người chết là em thơ, chết ngơ ngác, chết bàng hoàng như thể chưa nhận ra được kết cuộc bi thảm của một chuyến đi đầu năm từ một vùng quê nào đó lần đầu đặt chân vào thành phố mà em cứ tưởng là một chuyến rong chơi.
Người chết là bé thơ còn ngậm bầu vú mẹ. Xác mẹ và con, cả hai, đều lạnh giá trong ngày mồng một Tết Mậu Thân tám nẻo đường thành.
Người chết là thiếu nữ, mới chớm tuổi xuân thì, mà buổi chiều còn trò chuyện với ta về tương lai, về hạnh phúc để nửa đêm về sáng, một mảnh đạn pháo xuyên vào tim em, chấm dứt ngày em mơ mộng cũ.Ta vẫn còn thấy em nằm sóng soài trên chiếc ghế bố, ai dùng thay thế chiếc băng ca để ta tiếp khiêng em vào bệnh viện. Nhưng không còn kịp nữa rồi! Em chết mà không biết vì tội gì mình phải chết.
Người chết là người lính trẻ, tử trận chiều qua mà ta đã gặp trong nhà quàn liên đội chung sự nghĩa trang quân đội Biên Hoà khi ta lên để nhận lại xác của anh ta bỏ mình trong trận Ba Hô, Quảng Trị.
***
Ta vẫn còn nghe tiếng ông Chín Đờn Cò và bà Năm Trầu nói chuyện. Ta yêu cái giọng miền Tây Nam Bộ chơn chất ấy. Ta nghe tiếng gà vịt trong chuồng đòi ăn, tiếng nghé ngọ của bầy trâu rời chuồng trong chương trình phát thanh Hương Quê mỗi bình minh năm cũ. Ta vẫn còn nghe tiếng ai đó hò vòng vọng, lan tỏa trên đồng bằng sông Cữu Long mùa nước nổi.
***
Ta vẫn còn nghe tiếng hò reo xung trận, tiếng súng nổ, đạn bay, tiếng rên la của người bị thương, tiếng than khóc của những người ở lại, đau đớn tiễn người đi.
Ta vẫn còn nghe lời nói của một người lính, trích từ kinh thánh: “We, the soldiers who have returned from battles stained with blood, say to you with a loud and clear voice: Enough of blood and tear. Enough.”
“Ta, những người lính từ mặt trận trở về, mình còn đẫm đầy những máu, dõng dạc nói với các ngươi rằng: Đã đủ rồi máu và nước mắt. Đã đủ rồi.”
Chúng ta đã buông súng vì nghĩ rằng máu và nước mắt đã đủ rồi. “Enough of blood and tear. Enough.” Ta, những người lính trẻ năm ấy, không hề nghĩ rằng: Mẹ ơi! nuôi con lớn để con làm tù binh!
Ta còn trẻ, mắt còn sáng, tóc còn xanh, nhìn đời vẫn còn nhiều cao vọng pha lẫn chút ngây thơ. Tuổi trẻ nào không thế! Ta đã từng ngây thơ tin rằng: hết chiến tranh rồi mọi sự đâu sẽ vào đấy.
Sẽ hòa giải. Sẽ hàn gắn. Sẽ không còn bắn nhau, không còn đặt mìn, phục kích, pháo kích, bỏ bom. Người Việt Nam sẽ không còn giết nhau bằng súng Nga, bom Mỹ nữa. Người Việt Nam sẽ không còn chết nữa.
“Rồi có một ngày chinh chiến tàn. Ta trở về quê.” “Không! Ta không còn quê nữa để trở về. Ta lưu lạc, ta tha hương!”.
***
Melbourne sắp sửa và Xuân, vào mùa hoa ‘blossom’, (nở). Quê người ôi đẹp biết bao! Nhưng quê người dẫu đẹp vẫn không phải quê ta. Quê ta là con đò, bến nước, là mái lá có lu nước nước mưa trước hiên nhà dành cho khách bộ hành đở khát bước đường xa.
Đêm ta mơ về thành phố cũ. Cần Thơ. Chiếc phà Hậu Giang. Người nghệ sĩ mù và câu hát ‘Dẫu sao đi nữa thì chị cũng về với em’.
Có thể là quá trễ để “Dẫu sao đi nữa thì chị cũng về với em.” Ta đã già rồi, sức tàn lực kiệt, đèn khô dầu lụi bấc. Ta sẽ không còn dịp gặp lại ông Chín Đờn Cò và bà Năm Trầu nữa đâu. Hỡi ơi! những người nghệ sĩ thân thương ngày đó còn sống hay đã chết? Nếu sống thì phiêu bạt ở phương nào? Có đêm mơ về quê cũ như ta?
Ngày ta nằm xuống ở đất lạ quê người hãy đưa ta vào lò thiêu. Thân xác ta! Cát bụi sẽ trở về cát bụi. Hãy giữ dùm ta những những tro than để mang ta về quê cũ, vùi những tro than đó xuống lòng đất quê hương.
Ta sẽ thực hiện được lời ước nguyện của người nghệ sĩ mù trên bến bắc Cần Thơ với câu hát tiên tri: “Dẫu sao đi nữa thì chị cũng về với em.” Lúc đó cuộc chiến mới thực sự tàn hẳn trong ta. Hãy để bụi thời gian năm tháng phủ mờ bia mộ đường quên!
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.