Bài Học (dân Việt Nam) Phải Nhớ Đời: nhiều kỳ (bài 3) Trung Cộng Sẳn Sàng Xâm Chiếm Việt Nam

Trận Chiến của Đặng Tiểu Bình,

hay Cuộc Chiến Tranh Tàu Việt 1979-1991

Zhang Xiaoming,

 Deng Xiaoping’s Long War: The Military Conflict between China and Vietnam, 1979-1991 (The University of North Carolina Press, 2015), Chapter 3, pp. 67-89 (22 trang)

Phan Văn Song phỏng dịch

Bài 3: Đánh Nhau

Lực lượng PLA, từ hơn hai thập kỷ nay, chưa bao giờ tham gia vào một cuộc hành quân có một quy mô như vậy! Bộ chỉ huy tiền phương Quân khu Quảng Châu ban hành một chỉ thị rất chi tiết yêu cầu các binh sĩ phải thật chú ý đến 5 vấn đề khi họ chuẩn bị cho cuộc xâm lăng Việt Nam. Thứ nhất, tất cả các binh sĩ cần phải làm các công trình phòng thủ và ngụy trang xe cộ, khí giới, đề phòng khả năng bị Việt Nam tấn công bất ngờ từ trên không và trên bộ. Thứ hai, chỉ huy các cấp cần phải tự làm quen với kẻ thù và với điều kiện địa dư ở miền Bắc Việt Nam dọc theo biên giới Hoa – Việt, và phải thu thập rõ ràng thông tin cho mục tiêu pháo binh. Thứ ba, tất cả các lực lượng cần phải tăng sức mạnh tối đa của các đơn vị mình và duy trì vũ khí và trang bị trong tình trạng tốt nhứt. Thứ tư, tất cả các đơn vị cần phải thực hành bảo mật thông tin, đặc biệt là các lệnh phân công, phải đưa tay trực tiếp nếu có thể thay vì qua điện thoại hay vô tuyến. Cuối cùng, tất cả các đơn vị cần phải huấn luyện lính mới ném lựu đạn và bắn súng máy và lập kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu của họ.

Chỉ thị này rõ ràng, (*PVS) phản ánh một số vấn đề phức tạp mà PLA phải đối đầu ngay trước ngày xâm lược. Nghiêm trọng nhất, các lực lượng của PLA chưa sẵn sàng, còn xa mới sẵn sàng cho chiến dịch; thật sự là họ vẫn chưa đủ quân số và trang bị. Trong nhiều năm qua, lực lượng bộ binh của PLA đã duy trì một cơ cấu tổ chức theo thời bình: trong mỗi đại đoàn, chỉ có một sư đoàn loại A (jia zhong shi /甲种师 [giáp chủng sư] hoặc quan zhuang shi /全装师[toàn trang sư]) – là được giữ để cho đầy đủ biên chế, trong khi có hai sư đoàn loại B (yi zhong shi /乙种师 [ất chủng sư] hay jian bian shi/简编师 [giản biên sư]) – đều dưới mức biên chế. Chánh quyền địa phương đã làm hai bản dự thảo cho thời chiến. Bản dự thảo thứ hai đặc biệt gọi nhập ngũ các dân quân đã được huấn luyện tốt và các cựu chiến binh. Chỉ riêng ở tỉnh Quảng Đông, gần 40, 000 thanh niên đã nhập ngũ. Tổng cộng có 15,000 tân binh và 1,512 binh sĩ đã xuất ngũ được lệnh tái nhập ngũ. PLA cũng nhanh chóng đề bạt cán bộ để lấp chỗ trống lãnh đạo ở mọi cấp. Cán bộ chuyên ngành từ quân khu khác cũng đã được chuyển giao các công việc kỹ thuật về pháo binh, công binh, truyền thông, thiết giáp, và các đơn vị chống chiến tranh hóa học.

Đại đoàn 42 đã thăng cấp 11 sĩ quan lên chỉ huy cấp sư đoàn và 82 sĩ quan lên cấp trung đoàn. Đại đoàn 55 thăng cấp cho 15 chỉ huy sư đoàn và 76 chỉ huy trung đoàn. Để lắp chổ trống cho các vị huy cấp trung đội, đại đoàn 42 phong chức vụ cho 1,045 sĩ quan vào đêm trước của cuộc ra quân. Đại đoàn 13 nhận được 15,381 tân binh, trong đó 11,874 là lính quân dịch. Tất cả những tài liệu thống kê nầy cho thấy cái khó khăn về những vấn đề thuộc về nhơn sự và huấn luyện mà PLA phải va chạm khi chuẩn bị cho chiến tranh.

Huấn luyện:

Cũng trong cuốn sách của tướng Chu Đức Lễ, thành ngữ được sử dụng là “lâm trận ma đao” (linzhen modao/临阵磨刀: ra trận mới mài gươm – chỉ bắt đầu mài gườm khi chuẩn bị cho chiến tranh – nói tóm lại chuẩn bị vào giờ chót). Ý muốn nói rằng PLA đang ở trong tình trạng rất lúng túng vào thời điểm đó. Quả thật là vào năm 1978, chỉ có 42 % các đơn vị quân đội là có trải qua huấn luyện quân sự. Lực lượng không quân có khoảng 800 phi công là có thực tập bắn và đánh bom, nhưng chỉ 1 % đánh trúng mục tiêu.

Nhưng tình hình thực tế của PLA thậm chí, thực sự, còn bi đát hơn nữa. Tướng Trương Chấn (Zhang Zhen/张震), Chỉ huy Trưởng Tổng cục Hậu Cần, khi kiểm tra việc chuẩn bị chiến tranh trên mặt trận Quảng Tây vào giữa tháng 1 năm 1979, nhận thấy PLA có rất nhiều nhược điểm, rõ ràng, đây một sự thiếu thốn nghiêm trọng trong việc chuẩn bị chiến tranh. Theo hồi ký của ông, đại đội 2 thuộc trung đoàn 367, đại đoàn 41 có 117 lính, trong đó 57 là tân binh. Trong hơn hai tuần huấn luyện, 44 lính chỉ có 3 buổi thực hành bắn, 41 có 2 buổi, và số còn lại chỉ có 1 buổi. Ba mươi ba lính được huấn luyện về chiến thuật tấn công theo đội hình, nhưng không được huấn luyện chiến thuật phòng thủ, vì không có một sĩ quan nào biết rõ điều đó. Tướng Trương Chấn khuyên mỗi sư đoàn nên thiết lập một bãi đất có thể được sử dụng để huấn luyện các đơn vị hoạt động ở cấp tiểu đội cũng như ở cấp đại đội và tiểu đoàn. Các binh sĩ sẽ thực tập, hành binh bộ binh phối hợp với pháo binh và thiết giáp. Đặc biệt các đơn vị bộ binh cần được dạy cách gọi pháo binh yểm trợ hỏa lực.

Dựa trên những khuyến nghị này, binh sĩ đã bắt đầu tự huấn luyện bản thân theo như nhiệm vụ được giao. Sư đoàn 12, được chỉ định thực hiện nhiệm vụ xâm nhập sâu vào Việt Nam, tập trung vào việc làm cách nào để di chuyển xuyên qua các khu rừng và những đường mòn trên núi, chống địch phục kích và sau đó làm cách nào để tấn công các vị trí địch trên đỉnh đồi. Ít nhứt 3 binh sĩ thuộc mỗi đại đội được huấn luyện để đọc bản đ. Sư đoàn tổ chức 3 cuộc tập trận trong điều kiện môi trường tương tự như ở miền Bắc Việt Nam để dạy cho binh sĩ mình quen di động với rất ít nghỉ ngơi và thực phẩm. Sư đoàn 163 được giao thực hiện các cuộc tấn công trực diện vào các vị trí kiên cố của địch, tập trung vào việc huấn luyện từng cá nhơn binh sĩ và tiểu đội về chiến thuật chiến đấu, cũng như tiến hành các buổi học tập bắn đạn thiệt, ở cấp trung đội, đại đội, và tiểu đoàn. Sư đoàn thực hiện các cuộc tập trận chung với một tiểu đoàn bộ binh phối hợp cùng pháo binh và thiết giáp.

Nỗ lực huấn luyện tuyệt vọng vào phút chót như vậy, dù có ích phần nào, tiếc thay, là vẫn không đầy đủ, bởi do quá nhiều tân binh và quá nhiều người trong số họ là nông dân. Mặc dù mục tiêu là dạy kỹ năng quân sự. Nhưng hầu hết, các binh sĩ chỉ hoàn tất 1 hoặc 2 lần thực tập ở sân bắn và chỉ 1 lần thực tập ném lựu đạn thật mà thôi. Rất ít đơn vị thực hiện đầy đủ các bài tập huấn luyện chiến thuật nghiêm túc ở cấp trung đoàn hoặc sư đoàn. Nhiều sĩ quan đã nói rõ rằng họ vẫn chưa chắc chắn hẵn, về khả năng chiến đấu của binh sĩ họ, khi khai chiến. Nói tóm lại, đội quân “xâm lược PLA” hoàn toàn, thiếu huấn luyện và thiếu chuẩn bị cho một cuộc chiến thuộc loại hiện đại. Kết quả kém cỏi nhận xét ở chiến trường sau đó, của PLA, đã được đánh giá là rằng là do sự thiếu huấn luyện của quân đội nhơn dân giải phóng Tàu hơn là sức mạnh và kinh nghiệm chiến đấu 25 năm của quân dân Việt Nam.

Sửa chữa và bảo trì các loại vũ khí và trang thiết bị cũng lại là một vấn đề phức tạp cho PLA. Từ năm 1975, Đặng Tiểu Bình đã kêu gọi phải cải thiện thiết bị, quân cụ của PLA, nhưng dường như không có gì thay đổi đáng kể nào đã được thực hiện. Các chuyên gia quân sự tin rằng việc phục vụ hậu cần bền vững sẽ bảo đảm thành công quân sự. Tướng Trương Chấn nhớ lại, rằng vấn đề tồi tệ nhứt ông gặp phải, là đạn dược, chẳng những số lượng thiếu thốn và phẩm chất cũng kém nốt. Kiểm tra ban đầu đã cho thấy rằng một số đạn pháo không nổ, và một phần ba của toàn bộ số lựu đạn cũng không nổ. Nhơn viên từ các trường quân cụ, đã được điều động đến để giúp các nhà kho của các đại đoàn, kiểm tra toàn bộ hàng tồn kho. Tổng cục Hậu Cần cũng ra lệnh cho các nhà máy kỹ nghệ quốc phòng tăng cường sản xuất – đặc biệt là đạn pháo cỡ lớn, hỏa tiễn, đạn xuyên thép.

Cung cấp xăng dầu, nhiên liệu, cũng là một ưu tư của Tổng cục Hậu Cần. Không những hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam đều xa cơ sở kỹ nghệ dầu khí của Trung Cộng, ở phía Đông Bắc và Tây Bắc. Nhu cầu về dầu mỏ lại sẽ tăng mạnh nếu Liên Sô trả đũa lại việc tấn công vào Việt Nam. Ngoài ra, miền Nam Trung Cộng cũng đang bị thiếu thốn kho chứa dầu. Vì lẽ các kho dầu ngoài trời sẽ dễ dàng bị tấn công. Tổng cục Hậu Cần đề nghị sử dụng các hang động đá vôi – karst ở Quảng Tây để làm hầm chứa nhiên liệu. Hơn 428 km đường ống dẫn dầu tạm thời đã được đặt để cung cấp nhiên liệu cho bốn sân bay ở Vân Nam. Vì mỗi đại đoàn nhận tiếp vận trực tiếp từ một trung đoàn vận tải; để bảo đảm tiếp liệu cho các sư đoàn, Tổng cục Hậu Cần phải điều động thêm 3 trung đoàn vận tải từ quân khu Nam Kinh và Phúc Châu. Và cũng trong nỗ lực cho các hoạt động quân sự, với một số lượng các thiết bị kỹ thuật đáng kể, PLA đã phải tìm thêm các nhơn viên kỹ thuật dân sự để trợ giúp bảo trì xe cộ, cơ khí đến cả thiết giáp. Và dĩ nhiên, Hậu Cần vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối trong suốt chiến dịch đánh Việt Nam

Huy động chánh trị:

Mặc dù nhu cầu về huấn luyện quân sự là nhu cầu cấp bách, PLA vẫn tiếp tục phải “trả bài do Mao Xù Xì (*PVS) đã chủ trương 40 năm trước”- đó là ý thức hệ! Không thể thắng trong cuộc chiến tranh nào, nếu không huy động chánh trị.

Ngày 12 tháng 2 năm 1979, Quân Ủy Trung Ương đã ban hành lệnh nhấn mạnh tầm quan trọng của huy động chánh trị trong cuộc hành quân qua đất Việt Nam. Các nhà phân tích Âu Mỹ đã phê phán quyết định này của PLA rằng dành “quá nhiều thời gian, năng lực, và sự chú ý” cho việc nầy, trong khi lính Trung Cộng lại rất cần huấn luyện về kỹ thuật quân sự. Lời chỉ trích này đã bỏ qua tầm quan trọng của việc huy động chánh trị, vốn đã trở thành thể chế! Và do đó, đã được chấp nhận, như nếp suy nghĩ trong sự chuẩn bị chiến tranh của PLA. Một đặc điểm đáng chú ý nữa, rằng trong suốt lịch sử của PLA, là số đông binh sĩ của họ là nông dân nghèo, mù chữ. Hệ thống tuyên truyền chánh trị đã được lập ra để động viên họ cùng chiến đấu chống lại một kẻ thù mạnh mẽ, cho thấy nó tỏ ra có giá trị qua nhiều năm.

Tới năm 1979, PLA ít thay đổi; binh lính vẫn chủ yếu là dân quê, thất học, trang bị chưa đầy đủ và huấn luyện kém (Ngày nay cũng chẳng tiến bộ hơn *PVS). Đồng thời, cuộc xâm lăng Việt Nam của PLA không hợp với tuyên truyền Cộng Sản Mác-Lê Chủ nghĩa, vốn chỉ ủng hộ việc sử dụng vũ lực, khi nào có thể, biện minh được sự bảo vệ Chủ nghĩa Mác Lê. Ngay sau khi nhận được lệnh của Bắc Kinh, các lãnh đạo quân sự địa phương nhận thấy rằng quân đội Trung Cộng chưa được chuẩn bị tư tưởng tốt (Hôm qua là bạn, hôm nay là thù). Câu hỏi trước mắt là liệu Trung Cộng có nên tấn công một nước láng giềng cựu đồng minh, Cộng Sản, như Việt Nam không? Theo Mạc Văn Hoa (Mo Wenhua/莫文骅), chánh ủy lực lượng thiết giáp của PLA, lính Trung Cộng, thời ấy, không có một tý gì hiểu biết về tầm quan trọng của cuộc chiến chống Việt Nam. Họ không những, vừa e ngại về sự can thiệp quân sự của Liên Sô, vừa lo chính khả năng yếu kém của họ, khó đánh bại Việt Nam, mà còn lo lắng rằng chiến tranh sẽ gây bất lợi cho Bốn hiện đại hóa của Trung Cộng; và các nước khác, sẽ sử dụng đó, để lên án Tàu như một kẻ xâm lược.

Mặc dù Trung Cộng lấn áp về quân số so với Việt Nam, lính Tàu Cộng lại lo ngại rằng họ thiếu lợi thế về kỹ thuật đối với vũ khí do Nga chế tạo, viện trợ cho Việt Nam và thiết bị quân sự của Mỹ mà Việt Nam thu lượm lại được của chế độ Sài Gòn vào năm 1975. Phi công không quân của Trung Cộng đặc biệt ngại rằng J-6 của họ có thể không so sánh được với MiG-21 của Việt Nam, nhiều chiếc lại do các phi công Việt Nam từng có kinh nghiệm bay, và đánh trận với không quân Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam còn có tên lửa SAM rất mạnh đáng gờm, với đội điều khiển lành nghề từng có kinh nghiệm thực hành tác chiến phòng không. Khi chánh phủ Trung Cộng ra lệnh tấn công Việt Nam, binh lính Trung Cộng thực sự, là rành về nghề xây dựng và sản xuất nông nghiệp hơn là về nghề điều khiển vũ khí.

Tin tưởng vào các quyết định của lãnh đạo trung ương và tuân theo các mệnh lệnh được coi là nền tảng cho chiến thắng. Ngày 12 tháng 12, Tổng cục Chánh trị ban hành hướng dẫn về động viên chánh trị. Không giống các quân đội phương Tây, với lương tâm nghề nghiệp và huấn luyện, để bảo đảm binh sĩ thi hành nhiệm vụ chiến tranh, quân đội Trung Cộng lại chọn cách tuyên truyền chánh trị cho binh sĩ mình, cố gắng làm cho họ hiểu được tại sao phải chiến đấu và cuộc chiến ấy có tầm quan trọng thế nào với họ! Dưới ảnh hưởng của triết lý Nho giáo, người Tàu đã quen với việc tự xem mình như một người yêu chuộng hòa bình, không bạo lực hay bành trướng, và chỉ sử dụng vũ lực để tự vệ. Khái niệm về chiến tranh chánh nghĩa, chánh đáng rất thịnh hành trong xã hội Nho giáo, và trong tư tưởng người Tàu. Đối với lính Tàu, truyền thống văn hóa xã hội này là một rào cản tự nhiên, cho việc nhận thấy một quốc gia láng giềng xã hội chủ nghĩa như mình, “hôm qua là bạn, nay là một kẻ thù nguy hiểm” đang đe dọa an ninh quốc gia mình? Do đó, Tổng Cục Chánh Trị kêu gọi tất cả mọi binh sĩ phải học tập các chỉ thị, các bài phát biểu của ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Tàu cũng như các mệnh lệnh chiến tranh và chánh trị của Quân Ủy Trung Ương, để cho họ tin tưởng rằng quyết định tấn công Việt Nam là đúng đắn.

Theo đường hướng tuyên truyền của Tổng Cục Chánh Trị, cuộc chiến tranh chống lại Việt Nam là chánh đáng và cần thiết, vì tham vọng bành trướng đã dẫn VN thoái hóa thành “Cuba của phương Đông”, “bọn côn đồ Châu Á”, và “đám chó săn của Liên Sô.” Việc hai nước có cùng ý thức hệ chánh trị không ngăn trở PLA tung ra các hành động tự vệ chống lại một nước dám xâm phạm lợi ích quốc gia của Trung Cộng. Quan trọng không kém nữa, là chỉ thị rõ rằng Việt Nam, nay, đã xem Trung Cộng là một kẻ thù chánh của Việt Nam và đã kêu gọi “làm tất cả mọi thứ để đánh bại Trung Cộng.”

Từ 10 tháng 12 năm 1978 đến ngày 15 tháng 1 năm 1979, bộ máy chánh trị ở tất cả các cấp đã chạy hết công suất để chánh trị hóa tinh thần binh sĩ, bằng cách sử dụng nào các bài giảng, nào các buổi họp tố cáo, và cả triển lãm hình ảnh để phục vụ mục đích này. Những chiến lược nầy bao gồm cả các lời kêu gọi cho các thuyết “chiến tranh chánh nghĩa”, trừng phạt “sự vô ơn,” bảo vệ Bốn hiện đại hóa, và đương đầu với việc chống bá quyền khu vực Việt -Sô. Ban chánh trị đại đoàn 43 cố gắng thuyết phục binh sĩ của họ, rằng họ đang chiến đấu cho một cuộc chiến tranh chánh nghĩa vì Việt Nam đã xâm luợc Trung Cộng và đã bắn phát súng đầu tiên; và như vậy phản công lại là điều chánh đáng.

Một chiến thuật khác là nhắc binh sĩ Tàu nhớ rằng Tàu đã hy sanh để ủng hộ Việt Nam trong nhiều năm qua, mà Việt Nam lại đáp trả lòng tốt đó bằng sự vô ơn. Lập luận nêu tiếp nữa, rằng Việt Nam nghĩ rằng Trung Cộng dễ bị bắt nạt, và do đó, tiếp tục thách thức chủ quyền lãnh thổ của Trung Cộng. Việt Nam là một mối đe dọa chánh đối với Bốn hiện đại hóa; đáng bị trừng phạt.

Cán bộ chánh trị cũng cột chánh sách chống Trung Cộng và mộng bá quyền của Việt Nam ở Đông Dương với chiến lược toàn cầu hóa của đế quốc xã hội chủ nghĩa Sô Viết. Theo hướng lập luận này, việc Trung Cộng phản công Việt Nam, sẽ phá vỡ những tham vọng của Liên Sô trong việc bao vây Trung Cộng. Cuộc xâm lược Campuchia cùng với chủ truơng chống Trung Cộng của Việt Nam cũng không được thế giới ưa thích gì lắm. Do đó, việc Trung Cộng trừng phạt Việt Nam, dĩ nhiên, sẽ nhận được sự ủng hộ của toàn thế giới!

Chương trình này chú trọng tới việc khơi dậy lòng thù hận của binh sĩ Tàu đối với kẻ thù Việt Nam. Người lính nông dân của PLA luôn luôn được khuyến khích trút căm hờn của họ chống lại địa chủ áp bức tại các buổi họp tố cáo được vạch ra, nhằm khuấy động ý thức giai cấp, để cho họ có thể được huy động, tin rằng, họ chiến đấu vì lợi ích riêng của mình. Năm 1979, các ban chánh trị tổ chức các cuộc họp tố cáo, mời binh sĩ từ các đơn vị biên phòng, mời các dân làng từ các khu vực biên giới, và những người gốc Hoa từ Việt Nam về, dùng các kinh nghiệm cá nhơn của họ, để tố cáo tội “ghét Trung Cộng, chống Trung Cộng” của bọn “xét lại Việt Nam”. Bằng cách này, công tác tuyên truyền chánh trị không những, gieo mầm thù hận vào đầu óc binh sĩ Tàu, mà còn củng cố niềm tin của họ trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Để khuyến khích binh sĩ (nếu cần) sẵn sàng hy sanh mạng sống trong chiến, ban chánh trị đại đoàn 13, tổ chức nhiều buổi, sĩ quan và binh sĩ cùng thề nguyền, qua việc đưa súng lên trời và hô vang những khẩu hiệu. Trong khung cảnh mạnh mẽ, đầy xúc cảm, nhiệt tình yêu nước bùng cháy ấy, tất cả các binh sĩ đều thề nguyện sẽ nhận những nhiệm vụ nguy hiểm và khó khăn.Với thực tế, binh lính PLA không phải là quân nhơn chuyên nghiệp, công tác chánh trị được dùng như là một phương tiện tâm lý để chuẩn bị những bất trắc và bất định, và không sợ khó khăn hay chết chóc trên chiến trường. Nhiều buổi lễ biểu duơng các anh hùng lịch sử khuyến khích binh sĩ tiếp tục truyền thống. Đại đoàn 43 yêu cầu tất cả các đại đội cùng tuyên thệ tiếp nối truyền thống: “Học tập anh hùng, trở thành anh hùng, và viết thêm những dòng vinh quang mới vào các biểu ngữ chiến tranh anh hùng.” Cán bộ, đảng viên Đảng Cộng Sản được khuyến khích cố gắng tự mình làm thành những tấm guơng. Vì binh sĩ Tàu, đã trong một thời gian dài, chưa từng chiến đấu, nên bộ chỉ huy tiền phuơng Quân khu Quảng Châu đã, đi tìm những ai đã từng tham gia vào các cuộc chiến, nào chống Nhựt, nào chống Quốc dân Đảng, nào chiến tranh Triều Tiên và vả chiến tranh Việt Nam cũng như xung đột biên giới với Ấn Độ. Những cựu chiến binh nầy, được yêu cầu trình bày các bài học về kinh nghiệm của họ. Việc buộc sĩ quan chỉ huy phải có mặt ở tuyến đầu, là một truyền thống của PLA, binh sĩ do đó, thấy rằng chỉ huy của họ đã cùng họ chia sẻ rủi ro và khó khăn. Trong khi điều động các chỉ huy phó của mình tới mỗi đại đoàn, tướng Hữu cũng yêu cầu các chỉ huy cấp đại đoàn, sư đoàn, và cả trung đoàn cũng phải điều động các cấp phó chỉ huy của họ tới các đơn vị cấp dưới để trợ giúp việc chỉ huy.

* Lời bàn: Người dịch Phan Văn Song, chúng tui, xin nhắc nhỡ quý bà con và thân hữu, cái quyết tâm của người nông dân Tàu là chinh phục đất đai người Việt Nam, vì đất Việt Nam nhứt là miền Nam, có tiếng đồn, là mầu mỡ, tốt hơn bên Tàu nhiều. Tiếng đồn là người Minh Hương Tàu di cư qua Việt Nam, thời xa xưa, đều giàu sang, sau vài thế hệ. Tất cả các triều đại cầm quyền Tàu từ thời xa xưa đến hiện đại đều mang mộng chinh phục đất nước Việt Nam, cái mộng trải dài một đất nước Tàu từ Hoàng Hải phía Bắc xuôi tân Nam, đến Vịnh Thái Lan. Do đó, dưới ngụy chiêu bài 16 chữ vàng, mộng tạo “bông hoa trung tâm vũ trụ Tàu” vẫn còn tiếp tục là một truyền thống, đặc biệt dưới triều đại Tân Hoàng đế họ Tập một Mao thứ hai, nhưng kinh khủng hơn một Tần Thủy Hoàng thứ hai!

Mong bà con chớ quên!

Tuần tới kỳ 4: Tác dụng của Huy động Chánh trị:

Hồi Nhơn Sơn 20 tháng 9 2019

Phan Văn Song

Related posts