Nan y tử quyền là một thuật ngữ pháp lý dùng để chỉ việc chọn đến cái chết một cách tự nguyện nhằm giải thoái khỏi đau khổ, bệnh tật hoặc các lý do khác. Con người có quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc, vậy thì liệu chúng ta có được quyền quyết định việc chấm dứt sự sống của mình hay không.
Quyền được chết (euthanasia), trên sự nguyện của bệnh nhân, với mục đích nhân đạo, tránh tình trạng kéo dài sự đau đớn, của người bệnh cũng như gia đình họ đang vướng phải nhiều tranh cãi cũng như quan niệm trái chiều. Nan y tử quyền tổng quát được liệt kê dưới 3 loại:
1) Tự nguyện dựa trên sự mong muốn của bệnh nhân. Trong các trường hợp bệnh nhân chọn các giải pháp tự nguyện thụ động như từ chối các điều trị y tế, và để cái chết đến tự nhiên thuờng được chấp thuận về mặt pháp lý. Ngược lại việc tự nguyện chủ động, tức bệnh nhân yêu cầu được can thiệp y tế để chấm dứt cuộc sống của mình, bao gồm sử dụng thuốc giảm đau liều cao giúp đẩy nhanh cái chết hoặc tiêm thuốc độc là việc bất hợp pháp đối với đa số các quốc gia trên thế giới.
2) Không tự nguyện. Trong các trường hợp bệnh nhân nan y không thể nói lên được ước nguyện của mình, như khi hoàn toàn bất tỉnh hoặc mất nhận thức, thì việc người thân quyết định trợ tử cho họ là bất hợp pháp.
3) Ép tử các bệnh nhân nan y cũng là bất hợp pháp, và được xem là tội giết người dưới luật hình sự.
Hiện tại trên thế giới chỉ có một số nước công nhận nan y tử quyền một cách hợp pháp, bao gồm Hà Lan, Bỉ, Colombia, Luxembourg và Canada. Quyền trợ tử được công nhận tại Thụy Sĩ, Đức, Hà Lan và một vài tiểu bang của Hoa Kỳ. Hiện tại việc giúp bệnh nhân đi đến cái chết là bất hợp pháp ở tất cả các tiểu bang và vùng lãnh thổ tại Úc, ngoại trừ tiểu bang Victoria. Việc trợ giúp hay bất kỳ hành vi nào làm chấm dứt sự sống của người khác đều là hành vi giết người.
Ngày 19 tháng 6, 2019, Victoria đã bắt đầu thực thi dự luật giúp tự nguyện chết (Voluntary Assisted Dying Bill) với 47 phiếu thuận, 37 phiếu chống và 2 phiếu trắng. Đây là lần đầu tiên một viện dưới của quốc hội tiểu bang thông qua dự luật nan y tử quyền. Dự luật nan y tử quyền của chính phủ Victoria gây nhiều tranh luận trong văn bản nguyên thủy, có tên là Dự luật Trợ Giúp Được Chết một cách Tình Nguyện (The Voluntary Assisted Dying Act), nhưng cuối cùng đuợc thông qua ngày 22 tháng 11, 2017 với tỷ lệ sát sao 22-18. Sau 18 tháng chuẩn bị, nay đã được thực thi.
Theo dự luật này, một người muốn được chọn cái chết phải đáp ứng các điều kiện:
- Là cư dân Victoria trong khoảng thời gian ít nhất 12 tháng, trong lúc còn sáng suốt.
- Trên 18 tuổi.
- Có bệnh nan y không thể sống trên 6 tháng (trừ các trường hợp thoái hoa thần kinh là 12 tháng).
- Bị đau đớn không thể chịu đựng được và phải còn sáng suốt.
- Có 3 lần yêu cầu. Lần đầu có thể bằng lời, với 9 ngày suy nghĩ, và các lần yêu cầu sau đó phải được viết ra giấy.
- Phải được chứng nhận bởi 2 bác sĩ và một là bác sĩ chuyên khoa đã từng theo dõi bệnh lý.
Tuy nhiên, bệnh thần kinh và tàn tật không được xem là lý do xin trợ tử. Khi được chấp thuận, bệnh nhân sẽ được cung cấp và phải tự mình sử dụng thuốc (độc), không cần qua sự giám sát của bác sĩ. Bác sĩ chỉ được phép giúp sử dụng khi bệnh nhân không có khả năng tự dùng thuốc. Xin lưu ý rằng Lãnh thổ phía Bắc (NT) lần đầu tiên ban hành luật trợ tử tự nguyện tích cực vào năm 1996, việc tự tử với sự hỗ trợ của bác sĩ đưọc xem là hợp pháp trong một số trường hợp. Nhưng sau một thời gian ngắn, đạo luật này đã bị luật liên bang bát bỏ do những bất đồng giữa hai bộ luật.
Do những tranh cãi gay gắt về đạo đức và lo ngại những hệ quả xấu do việc trợ tử gây ra, câu hỏi việc công nhận quyền được chết nhằm hợp pháp hóa việc chấm dứt sự sống của người khác có thật sự cần thiết hay chỉ là mở ra một lối đi tiêu cực.
Việc cho phép một nguời quyết định chấm dứt cuộc sống của mình, là một nguyên tắc cơ bản của nhân quyền, đó là quyền được lựa chọn. Có ý kiến cho rằng các bác sĩ có nghĩa vụ đạo đức để giữ gìn sự sống thì cũng có trách nhiệm giảm bớt đau khổ. Cái chết nên được phép xảy ra trên tinh thần tự trọng và an nhàn trong những lúc cái chết đã được báo trước. Do đó, luật pháp cần phải công nhận một số hình thức an tử để đẩy nhanh cái chết là thực hành y đức và không nên cấu thành tự tử hoặc hỗ trợ tự tử. Đồng thời mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân có thể được xem là mối quan hệ giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng. Theo đó bệnh nhân là người tiêu dùng có thể yêu cầu bất cứ điều gì họ muốn, và bác sĩ có thể chọn bất cứ điều gì họ muốn cung cấp.
Tuy nhiên việc tìm đến cái chết của một người có thể là do sự tuyệt vọng hay bởi cảm thấy là gánh nặng cho người khác, và đây chỉ là cảm giác trong một thời điểm tuyệt vọng nhất của cuộc sống mà thôi. Điều này không nhất thiết một cá nhân phải lựa chọn sự kết thúc. Việc cho phép tự tìm cái chết không hẳn chứng tỏ sự yêu thương hay xót thương. Hành vi trợ giúp tự sát được coi là sự xem thường giá trị của sinh mệnh và mọi sự can thiệp hay giúp đỡ để người bệnh được chết đều phải bị coi là giết người. Vì sự sống rất quý, hãy tìm cách hỗ trợ, săn sóc và giúp họ bớt đau đớn thay vì giúp họ chết.
Việc ủng hộ hay chống đối các hình thức an tử là một vấn đề của niềm tin cá nhân đặt nền tảng trong niềm tin đạo đức và hoặc tôn giáo. Các hình thức an tử tự nguyện thụ động cũng là một giải pháp tương đối giúp nguời bệnh thực hiện nguyện vọng của mình một cách tự nhiên hơn. Việc thông qua bộ luật Nan y tử quyền tại bang Victoria dự kiến sẽ là bước khởi đầu cho các thay đổi tại các tiểu bang và lãnh thổ trên toàn nuớc Úc.
Việc công nhận hay không công nhận quyền an tử vẫn đang còn nhiều vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng. An tử còn tạo ra quan ngại cho các công ty bảo hiểm khi phải đền bù bảo hiểm nhân thọ cho những bệnh nhân muốn chọn cái chết chiếu theo dự luật này. Dự tính nếu dự luật được tiếp tục thông qua, đó sẽ là một thảm họa cho kỹ nghệ bảo hiểm nhân thọ.
LS Kate Hoang