Cuộc sống đầy rẫy đau khổ. Niềm đau đó sẽ bị nhân lên gấp bội bởi giòng ác tâm vô tận. Chính tôi đang trải nghiệm ra điều này khi ở bên gường bệnh của mẹ tôi, người đang là nạn nhân của bạo lực. Đó là hành động xấu xa, ma quỷ xảy ra cho người vô tội đã tàn phá chúng ta nhất; hành động khốn nạn này có thể xảy ra cho bất cứ ai. Bản chất độc đoán của sự ác không thể chối từ. Nó hiển nhiên và không thiếu các ví dụ tuơng tự xảy ra trong cuộc sống. Khi thừa nhận thực tế này, mỗi chúng ta nên tự hỏi con người phải đối diện và xử sự thế nào với điều ác?
Khi ngồi bên cạnh người mẹ bất tỉnh của mình, tôi đã đọc “Quần Đảo Ngục Tù” (The Gulag Archipelago) của Aleksandr Solzhenitsyn, một tiểu thuyết lớn đã đoạt giải Nobel văn học viết bởi một nhà bất đồng chính kiến người Nga, từng bị tù đầy đau đớn dưới tay nhà cầm quyền Cộng sản tàn bạo. Là người lính Hồng quân trong Thế chiến thứ Hai, ông chứng kiến tận mắt sự tàn bạo của Hồng quân Sô Viết với thường dân Đức và Đông Âu.
Hình ảnh cướp bóc và hãm hiếp thường dân của đồng đội là vết nứt đầu tiên trong ảo tưởng ôm ấp từ lâu của Solzhenitsyn về các nhà lãnh đạo vô sản. Không lâu sau đó, ông bị bắt và giam giữ tại nhiều trại lao động khổ sai. Ông bị kết tội chỉ trích Stalin trong lá thư viết cho người bạn cùng lớp; cái tội đã khoác cho ông án tù mười một (11) năm. Trong khi thi hành án lệnh, ông đã nếm đủ mùi đau khổ như con thú thấp hèn, lao động quần quật vô giới hạn, chui rúc tìm cái ăn từ những mảnh vụn ít ỏi người ta vứt bỏ, và chẳng giữ được chút hơi ấm nào trong địa ngục giá lạnh nhất trần gian.
Muốn tìm sự thật, xin hãy tự soi mình.
Solzhenitsyn có đủ lý lẽ để thù ghét những kẻ giam giữ mình. Ông ta cũng có mọi lý do để biện minh nếu chỉ mong tìm cách trả thù những kẻ hãm hại ông. Sau tất cả, ông là người vô tội bị kết án lầm vì nói thật. Nhưng ông chọn cách cư xử vượt qua não trạng của một nạn nhân bằng cách tự vấn lương tâm. Ông suy ngẫm về cuộc sống cá nhân và tự hỏi đã làm gì để góp vào việc tạo ra chế độ đang giam giữ ông.
Nhờ lăn lóc qua nhiều trại lao động, Solzhenitsyn nhận ra xã hội và nhà nước thấp hèn là hậu quả của sự xuống cấp cá nhân. Khi cách mạng Nga nổ ra, nhiều sinh mạng vô tội đã bị giết dưới tay đám đông giận dữ hành xử theo tiếng gọi của “giai cấp bị áp bức”. Điều này giống sự mất mát sinh mạng lớn lao trên các chiến trường trong Thế chiến thứ nhất. Trước cuộc cách mạng đẫm máu và thời đại lên đồng nhiễu nhương điên cuồng của đám đông, Nước Nga tuy có những thiếu sót nhưng là một quốc gia truyền thống và sùng đạo. Họ bị nhồi nhét một lượng lớn các ý tưởng xã hội chủ nghĩa và không tưởng từ Âu châu. Sự du nhập tư tưởng xã hội chủ nghĩa cấp tiến này xuất hiện sau khi họ kết hợp chủ nghĩa tự do và hư vô thay thế cho truyền thống Chính Thống Giáo đã kết tinh nên đất nước này. Fyodor Dostoevsky đã viết về kỷ nguyên phôi thai của các phong trào hư vô như trên trong tiểu thuyết “Quỷ dữ” của ông.
Dostoevsky cho rằng một xã hội có đạo đức, hay xã hội cố gắng phấn đấu để thăng hoa về mặt đạo đức, để duy trì chính nó xã hội đó phải có nền tảng không chỉ vững chắc mà còn siêu việt. Và để trở nên siêu việt xã hội đó phải đòi hỏi cả vua chúa cũng phải tuân theo chuẩn mực đó. Đối với Dostoevsky, nền tảng đó chính là Thượng đế. Một khi nền tảng đó bị loại bỏ, xã hội trở thành mồi ngon cho các tôn giáo nhân tạo. Từ đó những tư tưởng đấu tranh thù ghét sinh sôi và phát tán nhanh như lửa thiêu. Con người bẩm sinh là một động vật tôn giáo. Anh ta phải có một niềm tin để sống và tồn tại một cách tận tụy và hiệu quả.
Chính vì vậy Solzhenitsyn như thổi tiếp tư tưởng của Dostoevsky khi nói những điều sau:
“Tuy nhiên, nếu hôm nay tôi được yêu cầu đưa ra lập luận đúng nhất về nguyên nhân chính của cuộc cách mạng phá nát nước Nga và nuốt chửng 60 triệu sinh linh vô tội, tôi không thể nói chính xác hơn là lặp lại (Dostoevsky): ‘Con người đã quên Chúa và chính đó là lý do tại sao tất cả những điều (xấu xa) này đã xảy ra.’”
Sự độc ác của những ý thức hệ mù lòa
Ý tưởng không quên Thuợng Đế hay huớng đến Ngài mang ý nghĩa gì? Đó là một câu hỏi thú vị vì nó gắn chặt với câu hỏi đầu tiên về việc đối mặt với cái ác. Sự thừa nhận cái ác hay nhận chân được sự xấu xa là khi người ta phải đối mặt với phiên bản của nó như sự tồn tại thấp kém do con người tạo ra, giống như những gì Giêsu đã làm sáng tỏ trên thập giá. Ý thức hệ gạt bỏ tầm vóc thực sự của cá nhân như một biểu hiện của thiên tính và cố gắng gò ép cá nhân vào tầm nhìn không tưởng của nó.
Lột trần cái ác qua kinh nghiệm thập giá đã giúp chúng ta xem con nguời không như những phím trên đàn duơng cầm hay cái căm trong cỗ bánh xe nhưng là cá nhân xứng đáng có khả năng tự trị – một cá nhân duy nhất được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Ý thức hệ không cho chúng ta cách nhìn và hành xử này, nó cho chúng ta điều ngược lại. Ý thức hệ gạt bỏ tầm vóc thực sự của cá nhân con nguời như một biểu hiện của thiên tính và cố gắng ép cá nhân vào tầm nhìn không tưởng của nó. Cách cưỡng chế tập thể này của xã hội dẫn đến chuyên chế. Liên Bang Xô Viết và hệ thống ngục tù của nó đuợc hình thành duới mô hình này.
Solzhenitsyn đã viết những điều sau về ý thức hệ (Cộng sản chuyên chế):
“Cách tự biện minh của Macbeth yếu ớt và lương tâm của chính ông đã nuốt chửng ông ta. Vâng, ngay cả Iago cũng là một con cừu non. Trí tưởng tượng và sức mạnh tinh thần của những nhân vật bất lương của Shakespeare dừng lập tức trên một tá các xác chết. Ý thức hệ đã giúp biện minh cho các hành vi ma quỷ mà chúng cần và mang lại cho kẻ bất lương sự kiên định và quyết tâm cần thiết. Đây chính là lý thuyết xã hội đã đánh bóng hành vi các tín đồ của chúng cho tốt thay vì xấu xa trong mắt bọn chúng và người khác, để chúng không nghe thấy những lời trách móc và chửi rủa nhưng chỉ nhận được lời khen ngợi và tôn vinh. Đó là cách các cán bộ của Toà án dị giáo củng cố ý chí của họ: Chúng cầu khẩn Kitô giáo – những kẻ đi chinh phục các vùng đất xa lạ, bằng cách thổi phồng sự hùng vĩ tổ quốc họ; như Thực dân ca tụng việc mang văn minh; Đảng quốc xã đề cao thuyết chủng tộc ưu việt; và đám Jacobins (trước kia hay sau này) ca tụng sự bình đẳng, tình huynh đệ và hạnh phúc của các thế hệ tương lai …. Nếu không có những tên bất lương này thì đã không có Quần đảo Ngục tù.”
Áp đặt thế giới quan của mình lên người khác là quên Chúa. Từ lâu, nhân loại đã cố gắng mang lại điều tốt bằng những phương tiện xấu xa, bạo lực. Kẻ trộm cố gắng cho đi bằng cách cuớp bóc. Kẻ giết người cố gắng tạo sinh lộ bằng cách sát hại. Các chính trị gia cố gắng đi tìm một hướng giải quyết bằng cách gièm pha. Các vị tuớng quân cố gắng mang lại hòa bình bằng các cuộc chiến. Chúa Giêsu gọi đây là “Satan đang cố gắng loại bỏ Satan”.
Mặc dù cách thức đó có thể đã mang lại kết quả truớc khi con người có tín nguỡng, nhưng nó không còn hiệu quả nữa từ lúc con nguời đóng đanh Ngài trên núi Can-vê. Ký ức con người giết hại Con Thiên Chúa sẽ ám ảnh họ đến tận cùng trái đất. Khuôn mặt Chúa Kitô đuợc khắc sâu vào vô số đàn ông, phụ nữ và trẻ em mà chúng ta biến thành vậy hy tế trong chiến tranh, nhà thuơng và nhà tù chỉ để duy trì một xã hội mong manh.
Phải thận trọng để không trở thành ác quỷ khi chiến đấu với chúng
Nhưng câu hỏi vẫn còn đó: chúng ta phải hành xử thế nào? Nó bắt đầu với Bài giảng trên núi. Giêsu lập tiền lệ cho chúng ta: không chống cái ác bằng cái ác! Việc đưa má bên kia là sự thừa nhận quyền tự chủ của người khác. Không chỉ vậy, đó cũng là sự thừa nhận kẻ tấn công chúng ta đang cay đắng chiến đấu trong cuộc chiến với nội tâm của chính họ. Quyết định không đáp trả bạo lực bằng một bạo lực lớn hơn thúc giục kẻ tấn công chúng ta hướng đến nội tâm và khuyến khích họ đi tìm hình ảnh Thiên Chúa trong chính họ.
Solzhenitsyn đã viết như sau:
“Dần dần, tôi được truyền đạt rằng ranh giới phân chia thiện và ác không phải qua các quốc gia, cũng không phải giữa các giai cấp, cũng không phải trong các đảng chính trị, mà là xuyên qua trái tim mỗi con người và qua trái tim của mọi người. Ranh giới này không cố định. Trong chúng ta, nó dao động theo năm tháng. Và ngay cả trong những trái tim đã tràn ngập sự xấu xa, một toán quân cảm tử nhỏ của điều thiện vẫn được giữ lại. Và ngay cả trong tất cả những trái tim tốt nhất, vẫn còn … một góc nhỏ của sự ác chưa được nhổ đi.”
Solzhenitsyn cũng kêu gọi chúng ta đừng sống bằng những lời dối trá. Lời nói dối lớn nhất là ý tưởng cho rằng chúng ta có thể mang lại điều tốt từ điều ác, rằng hòa bình có thể đến từ bạo lực. Liên Xô đã tin vào lời nói dối này, và các nhà lãnh đạo của nó đã bị ám ảnh thuờng trực và bệnh hoạn rằng họ chỉ còn cách thế giới đại đồng bằng một cuộc hành hình hay còn cách thiên đường cho tầng lớp lao động bằng một trại tù khổ sai. Tương tự như vậy, phương châm đuợc dùng trong các trại tập trung của Đức Quốc xã là “Lao động sẽ giải phóng bạn”. Sự đồi trụy của thực tế đó là lời nói dối được rao giảng bởi các giáo phái độc đoán trên toàn thế giới.
Solzhenitsyn đã tóm tắt suy tư này một cách tuyệt hảo:
“Bạo lực chỉ có thể được che giấu bằng dối trá và dối trá chỉ có thể được duy trì bằng bạo lực … Bất kỳ người nào đã từng tuyên bố bạo lực là phương tiện của mình, chắc chắn bị buộc phải nói dối như nguyên tắc của họ.”
Sau nhiều năm thống khổ như súc vật trong các trại tù, Solzhenitsyn bị mắc bệnh ung thư. Ông đã chiến đấu và chiến thắng căn bệnh này. Những năm tháng dài sống trong vực sâu của địa ngục đã biến đổi ông. Trước đó, ông đã so sánh mình với những người lính canh giữ “Quần đảo ngục tù” và kết luận ông ta không khác gì họ như khi ông còn trong Hồng quân. Nhưng ông ta không thể tiếp tục sống trong dối trá. Ông phải nói lên sự thật.
Ông bắt đầu bằng cách ghi lại cuộc sống của mình trong ngục tù, đồng thời, ông đã thu thập lời khai từ hàng trăm nhân chứng. Ông đã chứng tỏ một trí nhớ phi thuờng khi viết bài thơ hàng ngàn câu trong tù.
Tiểu thuyết “Một ngày trong đời anh thợ mộc Ivan Denisovich” của Solzhenitsyn được xuất bản trên tạp chí Novy Mir năm 1962. Truyện kể từng chi tiết trong ngày của một tù nhân. Sự khủng khiếp của cuộc sống trong trại tù trở nên sống động trong mắt độc giả khắp nước Nga. Cuốn sách trở nên phổ biến. Nó cũng mang lại cho Solzhenitsyn những tia mắt phẫn nộ từ các cơ quan giám sát của nhà nước độc tài toàn trị.
KGB nỗ lực tịch thu bản thảo các tác phẩm chưa được công bố của ông, nhưng lúc đó “Quần đảo ngục tù” đã được hoàn thành, dịch và phổ biến ở Tây Phuơng. Đảng không thể dung túng Solzhenitsyn; ông trở thành người không hiện hữu và cuối cùng bị đày khỏi quê huơng.
Năm 1970, ông được trao giải thưởng Nobel về văn học. Ông sống ở Hoa Kỳ và trở về Nga năm 1994 sau khi chính quyền Cộng sản sụp đổ.
Sự thật phải mang giá trị cao quý nhất
Solzhenitsyn dùng vũ khí tối tân nhất trong tất cả các vũ khí là Sự Thật. Nó không cần phải đi kèm với bạo lực; nó mạnh mẽ theo ý của chính nó. Nó có sức mạnh để hạ bệ các đế chế. Solzhenitsyn chỉ viết bằng sự thật về những gì đất nước ông đã trải qua. Ông nói sự thật về người khác, nhưng trên hết, ông đã nói sự thật với chính mình.
Trong thế giới hời hợt hôm nay, xu hướng nói dối với chính mình trở bên thuờng trực. Một trong những lời nói dối tai hại nhất mà chúng ta hay nói là hãy sống cho hiện tại vì đời sống hữu hạn. Chúng ta chìm đắm trong chủ nghĩa duy vật và khoái lạc. Chúng ta tự giam mình trong nhà tù của khoái cảm. Chúng ta đánh mất chính mình một cách vô nghĩa, chúng ta sống vô định, và điều tốt nhất chúng ta có thể nghĩ ra là vẫy các ngón tay và các tấm bảng.
Solzhenitsyn nói khác. Thông điệp của ông vượt qua sự hời hợt của thời đại chúng ta. Để chống lại chủ nghĩa duy vật, ông biện minh cho cách tiếp cận kiên cuờng với cuộc sống và tìm kiếm sự đồng lòng. Chống lại việc chỉ tay đổ lỗi cho người khác, ông khuyến khích cuộc sống phải đuợc liên tục mất đi và tái sinh. Trước khi chinh phục thế giới, con nguời phải chiến thắng chính mình.
Tính bạo nguợc của cuỡng bách vẫn tồn tại đến ngày nay. Xã hội vẫn theo nguyên tắc sức mạnh đi đôi với lẽ phải. Sự dối trá của bạo lực vẫn sống khoẻ, nhưng nó đang mất dần khả năng thống trị nhân loại nhờ vào sự mặc khải của Thập giá.
Là Kitô hữu, chúng ta phải sống tốt để đưa nhanh quỷ dữ như nhà nuớc chuyên chế vào địa ngục. chúng ta phải sống tốt để đẩy lùi văn hóa bạo lực trong xã hội bằng cách chiếu rọi ánh sáng hòa bình. Chúng ta có thể theo guơng của Solzhenitsyn. Chúng ta có thể ngừng nói dối và bắt đầu nói thật trong khi mang gánh nặng của hiện hữu. Như Solzhenitsyn đã nói, “Bạn có thể quyết tâm sống cuộc sống của mình một cách chính trực. Hãy viết cuơng lĩnh cho cá nhân như vầy: Hãy để lời nói dối đi vào thế giới, hãy để nó chiến thắng. Nhưng đừng để nó đi qua tôi.”
Trong khi chờ Mẹ tôi tỉnh dậy trong bệnh viện, tôi quyết định bắt đầu một việc nhỏ. Trong đó không có chỗ cho ý tuởng trả thù; không có gì tốt hơn bằng điều đó. Tôi phải trở thành người con khá hơn và tìm được ý nghĩa cuộc sống qua trách nhiệm. Việc nhỏ bắt đầu như chăm sóc những người thân yêu của tôi và xoa dịu những ai đang đau đớn tột cùng chung quanh tôi. Sự thật và vẻ đẹp đi đôi với nhau. Chúng mang đến ý nghĩa mà theo đó chúng ta có thể vượt qua phong ba, và trong tất cả những điều này, chúng ta tìm thấy một tự do dư đầy mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban phát.
(Surit Dasgupta là nhà văn và chuyên gia về truyền thông, hiện sống ở Mumbai, Ấn Độ).
Phan Quang Trọng – chuyển ngữ