Cobargo, tên do thổ dân đặt, là một ngôi làng nhỏ, chỉ có 776 người dân, nằm trong thung lủng Bega, cách thủ phủ Sydney, tiểu bang New South Wales, Úc Châu, 386 km về phía Nam, trên trên quốc lộ Princes, cách bờ Thai Bình Dương tại Wapagui 19,4 km.
William Tarlinton, người da trắng đầu tiên, đã đến vào năm 1829, dựa vào đồng cỏ nơi nầy để chăn nuôi gia súc.
Cobargo có những căn nhà xưa cả trăm năm, những cửa tiệm kiểu cũ bán đồ thủ công bằng da, có lò gốm, lò rèn, phòng trưng bày nghệ thuật.
Cobargo có Trường học, Bưu điện, Ngân hàng, Khách sạn và Nhà thờ, kể cả một báo địa phương, tờ Cobargo Watch.
Nhờ một cây cầu mới cất bắc qua suối Narira, con đường đâm ra biển vào những năm 1880, Cobargo phát triển.
Tuy nhiên thị trấn nầy đã bị suy tàn trong phần lớn thế kỷ XX. Nhưng hơn 20 năm trở lại đây, Cobargo đã hồi sinh trong lụi tàn; từ một làng quê sơn dã buồn thiu, buồn hiu hắt, thành một điểm du lịch nổi tiếng.
Xui xẻo thay thảm họa cháy rừng lại ập đến, tràn vào thung lũng vào đêm giao thừa năm 2019 đã làm nhiều nhà cháy rụi, 3 người chết. Thị trấn lại điêu tàn trong trong khói lửa.
Hôm mùng Hai, tháng Giêng, năm 2020, khi tới thăm Cobargo, ông Thủ tướng Úc Scott Morrison tới gần một phụ nữ 20 tuổi, đang mang thai, chìa tay ra rồi hỏi: “Cô có khỏe không?”
Cô này không mấy mặn mà và nói: “Tôi chỉ chịu bắt tay nếu ông cấp thêm tiền cho RFS (Dịch vụ Chữa cháy miền quê) của chúng tôi. Quá nhiều người đã mất nhà cửa. Chúng tôi cần giúp đỡ nhiều hơn”.
Rồi có một bà, tay dắt theo một con dê, hét vào mặt ông Thủ tướng: “Thật là bất công! Chúng tôi hoàn toàn bị lãng quên. Lần nào xảy ra cháy rừng hay lũ lụt, chúng tôi cũng không nhận được gì cả! Nếu chúng tôi sống ở Sydney thì đồ cứu trợ đã ùa tới tràn ngập rồi!”
Và một ông, tay dắt theo một con chó, miệng xài giấy năm trăm, khi đài Truyền hình phát đi cái ‘video clip’ nầy, phải cắt đi tiếng chửi thề ỏm tỏi của ông nhắm vào Thủ tướng Úc
“Ông tới đây làm gì? Không ai bỏ phiếu cho ông cả! Ông đúng là một thằng ngốc!”
Ông Thủ tướng Morrison quê quá bỏ đi một nước, tới hỏi thăm một ông lính cứu hỏa tình nguyện đã già, đang ngồi nghỉ trên ghế. Ông nầy chẳng thèm đứng dậy, còn từ chối bắt tay và cũng không buồn tiếp chuyện ông Thủ tướng.
Ông Morrison lúng túng cầm lấy tay ông nầy vổ vai rồi lại bước đi! Ra ngoài, Thủ tướng Úc hỏi giới chức địa phương tháp tùng: “Thằng cha đó làm sao vậy? Bô thằng chả mệt hả?”
Thì ông Hội tề nầy trả lời: “Không phải tại mệt đâu! Nhà ổng bị cháy rụi trong khi ông ấy lo cứu nhà của người khác đó!”
Khi ông Morrison đi thị sát quanh thị trấn, người dân lại tiếp tục la ó phản đối ông. Trước làn sóng tẩy chay, xua đuổi của người dân địa phương, Thủ tướng Scott Morrison và Bộ trưởng phụ trách Thiên tai David Littleproud phải lên xe BMW vọt mất trong tiếng vỗ tay chọc quê của người dân đuổi theo sau!
Ông Littleproud ngay sau đó phải đưa ra các khoản cứu trợ khẩn cấp sẽ được gửi tới những người sống sót sau vụ cháy rừng tại thung lũng Bega. Người lớn sẽ nhận được 1.000 USD; trẻ em nhận được 400 USD. Những lính cứu hỏa tình nguyện, người đã bỏ công ăn việc làm đi chữa cháy, sẽ được cấp 300 đô mỗi ngày.
Hành động xuất ngân quỷ tức thời nầy nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ của người dân đang đương đầu trong thảm họa!
Tại sao người dân Úc bùng lên cơn giận dữ? Chẳng qua là khi nạn cháy rừng năm nay bùng phát dữ dội hơn so với nhiều năm trước, sớm hơn cả tháng, giới truyền thông Úc, báo chí và truyền hình la bài hải, bố cáo thất tung: “Nhà đang cháy, lính cứu hỏa từ nơi rất xa như Canada, từ láng giềng New Zealand, xa nhà ngay cả trong mùa Lễ Giáng Sinh đoàn tụ gia đình để đến Úc giúp chữa cháy thì Thủ tướng của chúng ta đã biến đi đâu mất tiêu?”
Sau qua trang mạng xã hội, dân Úc mới biết ông Thủ tướng nhà ta đang dắt vợ con đi Hawaii, Hoa Kỳ, tắm biển! Bị chỉ trích dữ dội, ông Thủ tướng phải xin lỗi dân Úc và vội vã bay về.
Cách đây chỉ mới vài tháng thôi, đêm thứ Bảy, ngày 18, tháng Năm, 2019, Scott Morrison đã dẩn dắt Liên đảng Tự do và Quốc gia hạ đo ván đảng Lao động của Bill Shorten để thắng cuộc bầu cử Liên Bang mà giới truyền thông Úc bói trật lất là ông thua là cái chắc.
Đêm đó, Morrison cười hí hí trước ống kính truyền hình, trước những cử tri ủng hộ là: “Tôi tin vào phép lạ!”
Nhưng phép lạ không đến hai lần mà họa thì tới tấp. Đúng là phước bất trùng lai họa vô đơn chí.
Ông Morrison bị dân Úc cự nự tơi bời khi từ dinh Kirribilli, ngồi tréo ngoảy nhìn ra Cảng Sydney xem bắn pháo bông mừng năm mới trong khi lửa rừng đang khốc liệt tàn phá phía Đông Nam, kéo dài dài từ tiểu bang Queensland , NSW, Victoria đến tiểu bang Nam Úc trong đêm giao thừa vừa qua.
Diện tích vùng đang cháy và vùng bị ảnh hưởng lớn hơn bất cứ diện tích nước nào ở Tây Âu. Người dân buộc phải di tản, trong thời bình, lớn nhất trong lịch sử nước Úc của chúng ta.
Người sống sót lo lắng, cố gắng đưa vợ con và thú cưng chó, mèo qua những hàng xe nhích từ từ trên xa lộ mịt mù khói bụi. Rồi thiếu lương thực và nhiên liệu; không có điện và thông tin liên lạc bị cắt đứt; nên hổng biết người thân sống chết như thế nào?
Họ mất niềm tin vào khả năng đánh giá và đáp ứng thỏa đáng với thảm họa nầy của chính phủ Morrison, khi mùa cháy rừng chỉ mới bắt đầu thôi mà mùa Hè nóng ác liệt còn kéo dài tới hai tháng nữa!
Chẳng ai ‘quởn’ để quan tâm đến Thủ tướng Úc đang gặp rắc rối riêng tư gì, khi ngôi nhà của họ đang bị đe dọa, cuộc sống của họ đang gặp nguy hiểm. Dân Úc chỉ muốn biết những gì mà chánh phủ đang được thực hiện để giúp họ?
Ngay cả một chính trị gia thuộc cùng đảng Tự do ở tiểu bang NSW, cũng chỉ trích ông Thủ tướng phe ta: “Nói thật, dân Cobargo đã đón ông ấy bằng thái độ như vậy cũng đáng đời cho ông ấy! ”
Cái khác nhau giữa chế độ dân chủ và độc tài ở cái chỗ: Dân chửi là chánh phủ (người đầy tớ của nhân dân đúng nghĩa) phải làm.
Bị dân Cobargo chữi tối tăm mặt mũi, Thủ tướng Scott Morrison đã ra lịnh cho Bộ Quốc Phòng, quân chủng Không quân điều phi cơ đến xịt nước vào những đám cháy đang đe dọa khu dân cư.
Quân chủng Hải quân Úc điều hải vận hạm di tản hơn 5000 người bị bão lửa lùa ra bờ biển ở East Gippsland tiểu bang Victoria.
Quân chủng Lục quân điều 3000 quân nhân Úc để tham gia vào việc cứu trợ đồng bào đang cơn hoạn nạn.
Sau thảm họa cháy rừng gây chết người năm nay, chắc chắn Quốc hội Liên bang Úc, sẽ theo yêu cầu của người dân, mà thành lập Ủy hội Hoàng gia độc lập để điều tra tận tường cái thảm họa cháy rừng nầy?
Tại sao cháy? Cháy như thế nào? Chánh phủ đã đáp ứng ra sao? Cái nào làm đúng, cái nào làm sai? Ai chịu trách nhiệm để làm bài học cho tương lai. Chắc chắn sẽ có vài tai to mặt lớn phải về nhà đuổi gà cho vợ!
Năm 2018, tiểu bang California, Hoa Kỳ cháy 2 triệu mẫu Anh. Năm 2019, rừng Amazon nước Brazil, lá phổi của địa cầu, cháy 2,2 triệu mẫu Anh Năm 2019 , vùng rừng thông vốn băng giá Siberia của Nga cung cháy tới 6,7 triệu mẫu Anh.
Nước Úc năm nay rừng cháy nhiều nhứt lên tới 12 triệu mẫu Anh. “Nhà chúng ta đang cháy! Hãy hành động ngay bây giờ” là khẩu hiệu của những người dân Úc, cũng như nhân dân toàn thế giới, nhứt là những người tuổi trẻ, đang rầm rộ biểu tình chống biến đổi khí hậu.
Những chánh trị gia ích kỷ, chỉ bo bo nghĩ đến quyền lợi chánh trị của cá nhân mình, của đảng phái mình, của quyền lợi kinh tế nhứt thời mà phớt lờ cái thực trạng hành tinh xanh duy nhất của chúng ta đang bốc cháy; chắc chắn họ sẽ xét lại về chánh sách nếu không muốn cử tri cho về chăn trâu như ngày cũ.
Chống biến đổi khí hậu sẽ là động từ phải chia ở thì hiện tại để cho thế hệ tương lai!
Lại nhớ tới lời nhà hoạt động cho môi trường, một cô gái mới 16 tuổi, người Thụy Điển, Greta Thunberg thách thức các chánh trị gia thiển cận và ngoan cố! “How dare you?”
Hệ lụy cháy rừng ở nước Úc năm nay sẽ còn là cơn ác mộng dài dài đối với những kẻ vô tâm!
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.