Trong tuần tới, con cháu ở Úc của chúng ta trở lại trường học. Với các em bước những bước đầu tiên đến trường, Việt Luận xin gởi tặng đoạn văn rất quen thuộc với ông bà / cha mẹ:
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học. (Thanh Tịnh)
Nao nức làm sao cái kỷ niệm hoang mang của ngày tựu trường.
Với các em năm nay lên lớp mới, học trường mới hay bắt đầu vào ‘big school, trường lớn’. Ôi! háo hức làm sao (mà cũng xao xuyến cõi lòng…ây ấy). Ông bà / cha mẹ cần đặt chính mình vào tâm trạng của con cháu khi phải nhảy một bước dài trong đời. Nào ta hỏi mình: lòng tôi như thế nào khi phải bước vào chốn hoàn toàn xa lạ. Những gì tưởng thật quen đều thay đổi vì hôm nay tôi đi học — như Thanh Tịnh viết thế. Ngõ nào dẫn vào lớp học mới? Ai sẽ là bạn của tôi? Tôi sẽ để chiếc cặp ở chỗ nào? Sân chơi rộng bao dai? Canteen ở đâu? Nhà vệ sinh ở góc nào? Và chừng mấy giờ và ở đâu tôi sẽ được cha mẹ / ông bà đón về? Nếu cha mẹ không tự trả lời từng câu hỏi ấy thì sao con cháu chúng ta trả lời được.
Nói vậy nghĩa là ông bà / cha mẹ phải làm quen với nhà trường thì con cháu mình mới quen. Trường học Úc biết thế nên thường có những buổi gặp gỡ phụ huynh hay ngày ‘orientation, hướng dẫn’. Người Việt Nam rất quan tâm đến việc học của con cháu nên chắc chắn chắn cha mẹ người Việt đều có mặt trong buổi gặp gỡ phụ huynh hay ngày hướng dẫn này. Tuy nhiên, rủi nhà nào bỏ lỡ thì … trời chưa sập. Trước ngày tựu trường, cha mẹ hay ông bà nội ngoại vẫn có thể đưa con cháu tới trường gặp hiệu trưởng, thầy cô hay nhân viên nhà trường để được hướng dẫn. Nếu được gặp thầy cô mới và làm quen với nhân viên văn phòng thì tuyệt. Bằng không, có những trường mở ra ‘virtual tour’ trong trang web. Xin phụ huynh khuyến khích con em làm vài vòng ở trỏng. Học sinh mới càng quen với trường thì càng thêm tự tin khi thực sự cắp sách đến trường. Tự tin là chìa khoá cho các em dạn dĩ bắt đầu năm học mới.
Đặc biệt khi con cháu chúng ta bắt đầu lên trung học thì cần nắm vững thời khoá biểu vì chương trình trung học khác với chương trình ở tiểu học. Học sinh trung học có thể chọn môn, học với nhiều thầy cô và ở trong nhiều lớp học khác nhau. Nắm vững chương trình học thật quan trọng. Để biết con cháu chúng ta cần gì khi bắt đầu năm học mới, không gì bằng cha mẹ hỏi con mình muốn biết những gì, cần thêm gì. Và mình có thể giúp gì cho các em. Dù các em xin được biết thêm điều gì cha mẹ cho là ‘nhỏ mọn’ thì cha mẹ cũng nên chỉ dẫn. Điều nhỏ với cha mẹ nhưng thật to lớn với các em.
Giúp cho con cháu làm quen với trường mới là một chuyện. Chuyện khác có thể làm cho phụ huynh lo lắng là: làm sao giúp con cháu ngưng vui chơi và chuyển qua chú ý vào chuyện học. Thật vậy, trẻ em ở Úc lấy ‘fun, vui chơi’ làm chính. Các em đã ‘ fun’ — rất fun — suốt mấy tháng nghỉ hè. Nay phải ngưng fun mà cắp sách tới trường. Thật là khó. Chắc là không cha mẹ nào không chuẩn bị trước cho ngày tựu trường. Nào là tìm trường, nào là sắm sửa, nào là dặn dò… Thêm một điều khác, ông bà và cha mẹ có thể làm để giúp con cháu là sửa soạn lòng các em chuyển qua những ngày nghỉ để qua … ‘school mode’.
Bà bác sỹ Kaylene Henderson, một bác sỹ tâm lý hàng đầu ở Úc chuyên trị trẻ em và thiếu niên, cho biết: khi con gái bà gần đến ngày tựu trường thì bà vẫn cho em xem phim nhưng chuyển qua các bộ phim về trường học. Chắc là nhờ thế đầu óc các em chuyển dần về phía chuyện học. Cha mẹ có thể dần dần chuyển giờ giấc của các em từ những ngày nghỉ sang thời gian cắp sách đến trường bằng cách đánh thức các em sớm hơn, cho các em ăn sáng như thể vào ngày đi học. Thông thường cha mẹ phải làm việc này chừng hai tuần lễ trước ngày khai trường. Cũng nên thử đồng phục trước ngày khai trường vì có thể phải sửa lại cho vừa vặn. Cần tập cho các em có thói quen tự chuẩn bị quần áo, sách vở, và thức ăn trước khi đến trường. Hơn nữa, khi trong nhà có một em nhỏ cắp sách đến trường thì gần như cả nhà phải thích ứng vào giờ giấc mới. Chính ông bà / cha mẹ phải thay đổi giờ giấc và thói quen… Đừng nghĩ chỉ có con mình cắp sách đến trường. Đúng ra, cả gia đình phải coi trường học là một phần trong nhà của mình.
Tại Úc có nhiều nơi giúp phụ huynh làm tròn bổn phận làm cha làm mẹ. Có nơi đòi tiền. Có nơi miễn phí. Ở trang web của hệ thống phát thanh và truyền hình ABC có trang tên là ‘Parental as Anything’ do nhà tâm lý Maggie Dent phụ trách (https://www.abc.net.au/radio/programs/parental-as-anything-with-maggie-dent/episodes/). Ở đây miễn phí. Mời bạn đọc ghé thăm và nghe cho biết người Úc dạy con như thế nào.
Việt Luận