Hư Vô
Bãi biển khu F (Bidong)
Sau nhiều ngày đêm lênh đênh trên biển, tôi đã đến được bến bờ tự do, Bidong, hòn đảo nhỏ nằm bơ vơ giữa Thái Bình Dương, bước chân đầu tiên tôi đặt xuống đất cũng bơ vơ như đảo! Dĩ nhiên tôi mừng vì chuyến vượt thoát được thành công nhưng nỗi mừng đó so có lớn bằng nỗi buồn đang chảy qua máu tim tôi về một quê nhà bỏ lại? Tôi đã mất trắng nơi tuổi thơ tôi, nơi dòng sữa ngọt đã nuôi tôi nên vóc, nên hình.. Đứng nhìn ra biển xanh mênh mông, tôi thấy bên kia bờ đôi mắt của những bà mẹ đang tìm con, của những người tình chờ nhau, lẻ loi, vô vọng…
Đảo Bidong nằm phơi mình dưới nắng, dáng buồn như người thiếu phụ nằm xõa tóc đợi chồng, cũng may còn được hàng dừa xanh chạy dài theo bãi cát, bóng in xuống chút dấu tích quê nhà, che bớt được cái nắng xích đạo như thiêu như đốt, nhưng làm sao có thể che kín nổi sự cô đơn đang gào thét trong tôi?
Sau khi hoàn tất những thủ tục nhập đảo, tôi biết chắc chắn rằng đời mình có một ngả rẽ khác, nhưng trôi về đâu, nơi nào là quê hương mới, tương lai sẽ ra sao, bao nhiêu câu hỏi tự đặt ra để rồi câu trả lời chỉ là một khoảng không vô định, giống như những bước chân tôi lang thang trên đảo, đi hoài vẫn không biết đi đâu! Tôi đang đi tìm một cuộc sống mới hay tôi đang đi tìm tôi. Vòng vo mãi cũng chẳng đuổi kịp bóng mình…
Mỗi ngày là một sự chia ly, dòng người nối đuôi nhau rời đảo, bỏ nhau, đời tiễn người, trong tận cùng đớn đau, mất mát. Âm thanh não nề rớt xuống từ những chiếc loa phóng thanh treo cao trên hàng dừa xanh nghe như dao cắt nỗi chia lìa…
Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười…mời người đem theo toàn vẹn hương yêu, đứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt màu, sẽ có chẳng nhiều đớn đau…Nghìn trùng xa cách, đời đứt ngang rồi, còn lời trăng trối, gởi đến cho người… (Phạm Duy)
Tôi chỉ là gã lãng tử, rong chơi, không nơi hò hẹn, thì làm gì có chốn để giã từ, nhưng nhìn những chuyến tàu rời bến, người khóc, người cười bên những mảnh đời nghiêt ngã, lòng tôi sao quá tan nát, rã rời…Rồi những chuổi âm thanh oái oăm cứ liên tục ập xuống tôi, rũ rượi, điên đảo…
Giờ này còn gần nhau, gần thắm thiết trong môi sầu, gần bối rối biên giới từ lòng đau, giờ này còn cầm tay, cầm chắc mối duyên bẽ bàng, cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng, cầm giá buốt thương đau, ngày mai ta không còn thấy nhau… (Lê Uyên Phương)
Dòng nhạc dập dềnh, chơi vơi, người xa người trong nghẹn thở, cầu Jetty bắc ngang nỗi chông chênh của đoàn người tị nạn cũng quằn xuống để làm chứng nhân cho một cuộc đổi đời đầy nước mắt. Có buồn như thế nào, có đau đến đâu, rồi tàu cũng rời bến vào muôn trùng, trả lại Bidong cơn nắng quay quắt, cháy lòng…
Thời gian trống trải, vô tận, tôi chờ phái đoàn Cao Ủy đến để được phỏng vấn đi định cư chậm như kim đồng hồ chạy ngược. Ngày tháng buồn tênh, lạc lỏng đã rạch nát lòng tôi bằng những nhát dao bén ngót, vô tình.
(Trụ sở văn phòng trại Bidong)
Để lấp vào khoảng trống mênh mông đó, tôi đi tìm được một việc làm thiện nguyện cho đỡ nhớ nhà, để vá víu tạm bợ thân tị nạn rách nát tả tơi…Trường Huấn Nghệ nhận tôi với công việc giảng dạy môn Vẽ Kỹ Thuật cho những thuyền nhân đang chuẩn bị cho một tương lai mới như tôi. Đứng trên bục giảng, tay tôi vẽ gì, chính tôi còn không hiểu, một quê hương bỏ lại , một nước Việt Nam hình cong như chữ S, tôi vẽ thân xác của những chiếc thuyền tị nạn rũ liệt, mong manh…Hay tôi đang vẽ tôi, một mùa thu xứ lạ, chờ được lần gặp lại người trong mơ để nghe hương tóc quen bay ngang tháng ngày còn bối rối trên sân trường đại học Kiến Trúc, để nước mắt chảy thành hai ngả, nhỏ xuống muộn phiền hoang phế đời nhau.
Những ngày đầu còn bỡ ngỡ, rồi mọi chuyện cũng qua, lớp học càng ngày càng gắn bó, tình thầy trò mỗi lúc một gần thêm, tôi có dịp quen biết thêm nhiều người, qua những tâm sự, ai cũng có những đớn đau, tang tóc, cuộc đổi đời kinh hoàng bằng một cái giá phải trả quá cao so với giá thành của nó! Nhìn lại mình, tôi thấy còn rất may mắn hơn những người chung quanh, bên cạnh những mất mát, hư hao, biết đâu tôi là người có quá nhiều hạnh phúc…
Có một buổi chiều, khi mặt trời vừa xuống thấp gần tới ngọn cây, tôi đi dạo chơi quanh bãi biển, nhìn những con hải âu xoải cánh theo ngọn sóng biển bạc đầu, lòng tôi chơi vơi lạ lùng, bỗng thèm thấy lại một quê hương mới đó mà như đã xa hun hút. Chợt tôi nghe tiếng gọi, một giọng nói rất quen:
– Thầy ơi, em chờ thầy!
Tôi quay lại, thì ra là em, cô học trò nhỏ có đôi mắt tròn vo, đen láy, mái tóc dài buông thẳng xuống đôi vai nhỏ nhắn, hình như ẩn giấu dáng dấp của sự đớn đau, tuyệt vọng, tôi hơi ngập ngừng:
– Chào em, nhưng… tôi đâu có hẹn, sao em lại chờ!
Bằng một giọng buồn rười rượi, em nói:
-Đảo nhỏ bé tí, em biết chắc thầy không ra đây thì đâu có chỗ nào khác để đi, ở đây đâu có ai chờ ai, thầy ơi, Bidong là nơi để nương tựa, đâu phải là chỗ để đợi chờ.
Nói xong, em thản nhiên nắm tay tôi, thầy ơi, em chỉ thầy coi nơi ba, mẹ em đang ngủ, trong chiếc tàu sắt cũ kỹ, hoang phế đó, ngủ hoài, không bao giờ thức!! Rồi em cúi xuống, như đang khóc…
Em kể tôi nghe cuộc hải trình của gia đình em, tai họa ập đến, tàu chìm, khi được cứu hộ, cả tàu không còn ai sống sót và chính em cũng không biết tại sao em còn sống! Em chỉ còn nhớ rằng lúc đó sóng lớn lắm, mọi người chỉ còn biết vật lộn với ngọn sóng vô tình, quái ác để cầu mong tự cứu được mình, em muốn gào thét to lên để cầu cứu ba mẹ, nhưng trời tối lắm, em đã chìm sâu xuống mặt nước, không thể nào mở miệng ra được, tay chân thì rã rời, buông xuôi, phó mặc cho ngọn sóng xô đẩy em, rồi một phép lạ đến, tay em chạm phải một vật gì như thiêng liêng lắm đang trôi, em dùng hết sức lực còn lại để ôm chặt được vật lạ, vừa đúng lúc em bất tỉnh, mê man, trong một trạng thái nhẹ nhàng, bình an lắm. Không biết bao lâu, cho đến khi em tỉnh lại, thấy mình đang nằm trên bãi cát hoang vu, trên tay còn ôm quyển Thánh Kinh đã nhầu nát…
Cái ngày định mệnh đó rơi đúng y vào ngày sinh nhật em, 16 tuổi, ở tuổi đáng lẽ phải được hưởng biết bao là ngọt ngào, mơ mộng, nhưng em không có gì hết, chỉ là một cô bé mồ côi nơi đất lạ, em được xếp vào diện cô nhi, không quốc gia nào nhận cả, chờ Mỹ hốt rác, nhưng chờ đã hai năm cũng chỉ là để đợi chờ! Em đã trưởng thành trong nước mắt, em đã khôn lớn trong đớn đau bên cạnh những người không quen biết.. Và cũng chính từ quyển Kinh Thánh đó đã dẫn em vào Nhà Thờ trên đồi Công giáo.
Ôi, cuộc đời oan nghiệt, đắng cay chẳng nhường bước một ai, bao nhiêu bất hạnh, trắc trở, đã phủ ập lên đôi vai bé nhỏ của em, dòng đời rồi sẽ đưa em về đâu, bến bờ còn mờ khuất nẻo tương lai, mong manh như chiếc bóng em đổ dài trên bãi cát.
Thời gian cứ thầm lặng trôi, tôi và em càng gần thì khoảng cách không gian bắt đầu xa, phái đoàn Úc đã nhận tôi định cư theo diện nhân đạo, ngày nhận được kết quả, trong lòng không biết buồn hay vui, muốn gặp em để báo tin mừng nhưng đâu chắc đó là nỗi mừng của em, mới ngày nào chỉ chờ mong được rời đảo, bây giờ được, lại vướng víu, không muốn xa, đời người có quá nhiều khúc rẽ ngang trái, như dòng nước chảy lạnh lùng, biền biệt, biết làm sao để quay lại đầu nguồn!
Tôi vào lớp, báo tin đã được phái đoàn Úc nhận, sắp rời đảo, mọi người mừng lắm, chúc tôi may mắn trên bước đường tị nạn, em ngồi cuối lớp lặng thinh, không nói một lời, tôi thấy tay em vân vê quyển vở trên mặt bàn, lặng lẽ, buồn thiu, khuôn mặt hơi cúi xuống thấp.
Tan học, em về cùng đường tôi, em nói rất nhỏ, vừa đủ nghe, bằng một giọng như đang chan hòa nước mắt, thầy ơi (em luôn dùng chữ thầy ơi) chiều nay em đợi thầy trên đồi Công giáo, thầy nhớ đến, thầy ơi.
Tôi gật đầu, không dám nhìn em.
Buổi chiều, nắng chưa tan, tôi đã tới , từ xa tôi thấy em ngồi trên tảng đá lớn, nhìn ra biển, tôi đến nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh em, gió biển từng đợt lùa vào tóc em, tõa ra mùi hương ngọt ngào con gái, em chào tôi, rồi hỏi :
– Thầy ơi, thầy có thấy gì không?
– Chỉ mây và nước, tôi đáp
– Không đâu thầy ơi, còn có mặt trời đang ở cuối chân biển.
Tôi đưa tầm mắt ra xa, đúng , mặt trời hấp hối trên biển như một cái bóng mờ đang thoi thóp trong lòng tôi nỗi xót xa, mất mát. Biển chiều xuống thấp đẹp tuyệt vời, nhưng bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên đó, có biết bao nhiêu linh hồn còn vất vưởng dù thể xác đã hòa tan cùng đại dương hung bạo cũng chỉ vì hai chữ tự do. Dân tộc tôi ơi, cuộc đổi đời sao quá đỗi ngậm ngùi!
Từng cơn gió nhiệt đới bắt đầu thổi mạnh, xoáy vào tôi hình bóng quê nhà, chỉ một thoáng biển đã thành đêm đen, dầy đặt bóng tối, em xoay qua, ngả đầu vào vai tôi và khóc nức nỡ.
Giọt nước mắt em chảy xuống tưới mát đời tôi, như một cành cây khô lâu ngày bỗng gặp cơn mưa để sự cằn cỗi tôi vụt trổ thành hoa, dù là đóa hoa không hạnh phúc, nhưng tôi đã nghe tràn ngập nỗi ngọt-ngào-cay-đắng đang chầm chậm lắng vào da thịt.
(Trường Huấn Nghệ Bidong)
Gió biển càng lúc càng dữ dội, mái tóc em cuốn vào người tôi, nhưng những sợi tơ mong manh ấy liệu có cột chặt được bước chân lãng tử của tôi? Tôi không dám nghĩ thêm, lòng nghe nín thở, em ơi, về thôi, gió biển độc lắm, thầy sợ em bị cảm, mình về đi em, về đi em…
Trước ngày tôi rời đảo, học viên có tổ chức buổi liên hoan tiễn đưa tôi, địa điểm tại tiền sảnh nhà thờ, bánh mức, trà, café, tấm lòng trải dài ra sàn nhà, em lăng xăng, vội vã, mái tóc buông dài cũng tung tăng, vội vã theo.
Mọi người cùng ca hát, những bản nhạc chia xa, để tình ở lại, nghe não lòng, tôi không biết hát, cố gắng lắm tôi chỉ hát được bài “Xin Còn Gọi Tên Nhau của Trường Sa”, nhìn vào đôi mắt em, tôi thấy bóng tôi trong đó! Bài hát tôi vừa dứt, em vội đứng lên, cạnh bên tôi, cất lên giọng hát rã rời :
Đêm nay, đêm cuối cùng mình gần nhau, lệ buồn rưng rưng lời hát thương đau, nhịp mưa bâng khuâng ngoài phố lạnh, giọt buồn rơi ướt hồn phiêu linh, nắm tay không lời, phố hé rung rung môi cười lúc chia tay bên trời tiếc thương… (Phạm Đình Chương)
Tiệc đi vào đêm sâu, mọi người từ giã về, em tiễn tôi, nhà thờ hiu hắt ngọn đèn dầu trước cổng, lúc chia tay, em đứng quay lưng vào Cây Thánh Giá, tôi nắm tay em, tôi nghe từ bàn tay em run run và bắt đầu lạnh, rồi chúng tôi hôn nhau, một nụ hôn e ấp nhưng hết lòng, đằm thắm mà quấn quít, vội vã nhưng không muốn rời … Có con chim đang ngủ trên cành hoa giấy giật mình động tổ vút cánh bay, làm rớt lại cánh hoa đỏ như màu máu từ trái tim tôi nhỏ xuống…
Cho tới khi tôi buông em ra, đêm vắng ngắt, tôi bước đi vội vã, không dám nhìn lại, vẫn còn nghe giọng em rất nức nở đuổi theo, thầy ơi, ngày mai thầy đi, không còn gì nữa, thầy ơi, I Love You, thầy ơi… Không còn gì nữa, thầy ơi..
Dù không còn gì nữa, em yêu dấu, nhưng cả đời này tôi vẫn còn em. Tôi muốn nói lớn câu đó để em nghe, nhưng không làm sao nói được thành lời, và tôi bắt đầu chạy, như sợ có ai đang nhìn thấy, dù lúc đó khuya lắm, mọi người chắc đã ngủ..
Chuyến tàu đưa tôi sang bến cảng Terengganu để đến trại chuyển tiếp Sungei Besi, chờ chuyến bay đi Úc, lúc nắng đang nghiêng xuống thấp, đảo Bidong ngừng lại mọi sinh hoạt để dồn về cầu Jetty, tiễn người, tiễn đời, như người lữ hành cô đơn, tôi bước xuống tàu mà bàn chân như vẫn còn ở lại, rồi chiếc tàu chợt chao theo ngọn sóng nhấp nhô theo âm thanh từ trên bờ đổ xuống…
Ngày mai anh đi, biển nhớ tên anh gọi về, gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya, ngày mai anh đi đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ, sỏi đá trông anh từng giờ, nghe buồn nhịp chân bơ vơ… (Trịnh Công Sơn)
(Cầu Jetty Bidong)
Đứng trên boong tàu Blue Dart, tôi nhìn lại đảo Bidong lần cuối, tôi bỗng nhìn thấy em chạy nhanh lắm, hướng về cầu Jetty, em chạy hay hàng dừa đang chạy, trong mắt tôi hàng cây lả xuống, tóc em bay ngược chiều gió thênh thang bãi cát, tôi cố nhón lên thật cao để đưa tay vẫy chào em, đúng lúc chiếc tàu quay hướng, bóng tôi đổ dài xuống biển, dòng nhạc ác nghiệt nương theo ngọn sóng quất vào tôi âm thanh rã rời, đau điếng…
Hư Vô