Nói đến khu vườn thi ca âm nhạc ở Melbourne thì Mỹ Linh phải xin nhắc đến anh Viễn Trình vì anh là một trong những nhạc sĩ Mỹ Linh rất quý mến và đã sinh hoạt với anh từ ngày đầu tiên bước chân vào làng ca nhạc. Đến nay thì anh em chúng tôi không còn nhớ là đã trình diễn với nhau qua bao nhiêu chương trình lớn nhỏ nữa.
Viễn Trình không những là tay đàn guitar cho nhiều chương trình văn nghệ ở Melbourne, anh còn là một nhạc sĩ trầm lặng nhưng đã sáng tác nhiều bản nhạc đi sâu vào tâm hồn người yêu nhạc. Mỹ Linh tiếp cận với nhạc của anh một cách tình cờ và nhận thấy mỗi một ca khúc của anh đều mang một màu sắc riêng, vui có, nhẹ nhàng có và “khi hát thì muốn khóc” cũng có. Điều đáng chú ý là nhạc của anh đặc biệt mang một sắc thái vừa lạc quan vừa lãng mạn… và mỗi người nghe sẽ cảm nhận một lời chia sẻ nào đó qua các ca từ khéo chọn trong các ca khúc của anh.
Mỹ Linh xin điểm qua một vài ca khúc của anh mà mình rất thích: Thương Tiếc (viết cho các thuyền nhân đã bỏ mình trên đường vượt biển), Hãy Vui Với Đời, Tình Xa Cuối Đời, Từ Giữa Ngậm Ngùi, Đôi Khi Buồn Ta Chỉ Biết Ăn Năn, Nửa Đời Sau Với Mối Tình Đầu, Tình sẽ Thảnh Thơi v.v…
Riêng nhạc phẩm “Hãy Vui Với Đời” thì ngay từ phút đầu tiên được nghe bài này Mỹ Linh đã thầm nghĩ: “Ước gì có ngày mình được hát bài này nhỉ!”. Mỹ Linh yêu bài hát này vì không chỉ là giai điệu boston trầm lắng tuy phảng phất chút “buồn đời” nhưng lại rất lạc quan, đó cũng là một trong những đặc điểm nổi bật trong nội dung nhạc của anh. Thú thật, mỗi khi Mỹ Linh có chuyện gì không vui thì thường hay nghĩ đến bài hát này và hát nho nhỏ cho chính mình nghe để rồi “ta nghe ta ngậm ngùi.”
“Đắm đuối làm gì hởi những trái tim khờ dại. Hãy ngước mặt nhìn, mặt trời đang hát tình ca. Luyến tiếc làm gì, hỡi những trái tim phiền muộn. Hãy nở nụ cười thì lòng sẽ thấy bình yên. Khóc lóc làm gì nước mắt không bao giờ cạn. Hãy đếm cuộc tình bằng những môi hôn nồng nàn.” (Hãy Vui Với Đời)
Đây không những chỉ là lời thơ và nốt nhạc mà Viễn Trình muốn gởi gắm tâm sự và cái nhìn lạc quan, hướng thượng về cuộc đời và thân phận; thật ra, trong giao tế hằng ngày, bạn bè tìm thấy trong tâm hồn bình thản của anh một sự nhí nhảnh “mặt trời đang hát tình ca” và nếu đi trên con đường tình ái thì hãy đón nhận cuộc tình “bằng những môi hôn nồng nàn.”
Tuy vậy, không có nghĩa là Viễn Trình cố ép lạc quan trong một khuôn khổ hẹp vì trong tình cảm dạt dào vẫn có dấu vết khổ đau của đôi lứa khi ”trăng buồn tàn theo tháng năm” hay “rồi chỉ còn tháng năm hững hờ.”
“Đâu rồi người yêu dấu xưa nay về đâu Trăng buồn tàn theo tháng năm vơi đầy Thiên đàng còn in dấu chân em mộng mơ Qua rồi chỉ còn tháng năm hững hờ.” (Tình Xa Cuối Đời).
Ngoài sáng tác của mình, Viễn Trình còn phổ nhạc từ thơ của nhiều thi sĩ. “Tan” là một ví dụ phổ từ thơ của Thu Tuyết mà Mỹ Linh và khán giả Melbourne cũng rất ái mộ.
“Ta thản thốt rã rời khi hoàng hôn chợt tới. Bóng cô đơn vội vã dáng cuộc đời đã vơi.” Viễn Trình nhà mình còn có biệt tài “xuất khẩu thành thơ” mà anh em chúng tôi “bái phục”. Anh có thể làm thơ bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Thỉnh thoảng chúng tôi nhận được những bài thơ anh viết ngẫu hứng mà đọc nghe vừa ngộ nghĩnh nhưng lại vừa sâu sắc.
Ngồi buồn lấy nắng vẽ em
Lấy mây vẽ nhớ, lấy em vẽ mình
Vẽ sao rồi cũng chông chênh
Nửa đêm giật mình, ôm gối vẽ… tôi!
Nói đến Viễn Trình là nói đến một nhạc sĩ đa tài và đa tình: yêu đời đậm sâu, yêu quê hương như ánh trăng rằm tỏa sáng, người “mang đến cuộc tình bằng những môi hôn nồng nàn.” Và phải nói trong tình bạn Viễn Trình là cơn mưa hạ, là đóa hoa xuân và là hiền nhân mà chúng tôi may mắn được gặp trong đời.