Washington Post: Hãy gọi virus là “virus Trung Cộng”

  • Minh Nhật

Ngày 20/3 vừa qua, tờ Washington Post đã đăng tải một bài viết của Josh Rogin, chuyên gia phân tích chính trị từng làm việc cho nhiều hãng thông tấn nổi tiếng như CNN, Bloomberg, Foreign Policy. Bài viết có tựa đề: “Đừng trách ‘Trung Quốc” vì vụ bùng phát corona virus – hãy trách Trung Cộng” (Don’t blame ‘China’ for the coronavirus – blame the Chinese Communist Party). Bài viết phân tích về nguyên nhân nên gọi virus corona chủng mới đang gây ra đại dịch toàn cầu là “virus Trung Cộng” – một tên gọi đang được lan truyền bởi các nhà hoạt động nhân quyền, các nhà báo và chính khách trong nỗ lực chống lại chiến dịch tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước đó, một bài viết tương tự có tựa đề “Hãy cùng gọi nó là virus corona Trung Cộng” (Let’s call it the Communist Party coronavirus) xuất hiện trên tờ Hong Kong Free Press cũng nêu lên ý kiến tương tự.

Washington Post: Hãy gọi virus là "virus Trung Cộng"
(Ảnh: Shutterstock)

Dưới đây là bản dịch toàn văn bài viết. Bản gốc xem tại đây.

*

Điều thật sự quan trọng đối với sức khỏe và an toàn của chúng ta là Hoa Kỳ cần phản đối nỗ lực viết lại lịch sử đại dịch corona virus của chính quyền Trung Quốc. Điều cũng quan trọng không kém là chúng ta không nên khuyến khích tình trạng phân biệt chủng tộc và gán nhãn người dân Trung Quốc hay người Mỹ gốc Hoa. Mấu chốt để làm được hai điều này là chúng ta phải phân biệt trong cách nói, khi nói về người Trung Quốc và khi nói về nhà cầm quyền của họ tại Bắc Kinh.

Tổng thống Trump một mực gọi virus corona là “virus Trung Quốc”. Cơ sở cho cách gọi này của tổng thống rất đơn giản, và hành động này của tổng thống là chính xác. Các quan chức Trung Quốc đang cố ý lan truyền thông tin dối trá rằng virus có thể bắt nguồn từ Mỹ. Họ làm vậy để trốn tránh trách nhiệm về thất bại của họ [trong giai đoạn đầu virus bùng phát]. “Cách gọi này không hề phân biệt chủng tộc, hoàn toàn không. Virus đến từ Trung Quốc, đó là lý do tôi sử dụng cái tên này. Tôi muốn chính xác trong lời nói”, Tổng thống Trump chia sẻ hôm 17/3.

Như nhiều người đã chỉ ra, Tổng thống đáng lẽ phải quan tâm đến nhiều việc hơn là sự chính xác trong lời nói. Tổng thống Trump đã bỏ qua lịch sử phân biệt chủng tộc đối với người Á và người Mỹ gốc Á tại Mỹ, và bỏ qua bối cảnh quan trọng: kể từ khi đại dịch bùng phát tại Mỹ, các trường hợp phân biệt chủng tộc đối với người châu Á thực tế đã tăng lên.

Một phóng viên Mỹ gốc Á nói rằng một quan chức Nhà Trắng đã dùng từ “Kung-Flu” (Nói lái của từ Kungfu – võ thuật, có nghĩa bóng là cúm Trung Quốc) trong bài phát biểu. Điều này là không thể chấp nhận được. Hiệp hội báo chí người Mỹ gốc Á (Asian American Journalists Association) đã đề nghị các cơ quan truyền thông không sử dụng từ “virus Vũ Hán”, bởi vì theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới WHO thì cách gọi tên dịch bệnh theo địa danh sẽ khiến người dân tại đó bị bêu xấu.

Tất nhiên, khi sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc” hay “virus Vũ Hán”, nhiều người không có ý phân biệt chủng tộc. Nhưng chắc chắn là nhiều người nói cụm từ này có ý đó. Tương tự như vậy với người nghe. Tuy nhiên có một cách để nói ra sự thật về virus, buộc những kẻ có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm, mà không làm xúc phạm ai hết.

Chúng ta cần quy trách nhiệm của đại dịch virus cho đối tượng cụ thể là Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chính Đảng Cộng sản Trung Quốc đã che dấu vụ bùng phát virus trong nhiều tuần, bịt miệng các bác sĩ, bắt giam các nhà báo và ngăn trở khoa học – đáng chú ý là việc đóng cửa phòng nghiên cứu Thượng Hải, nơi đã công bố biểu đồ gene của virus corona chủng mới cho thế giới.

Người Trung Quốc là những anh hùng trong câu chuyện này. Bác sĩ Trung Quốc, nhà nghiên cứu, nhà báo đã mạo hiểm mạng sống, và thậm chí đã qua đời trong khi chống lại virus và cảnh báo thế giới. Sự đoàn kết của cộng đồng cư dân Trung Quốc đã cho chúng ta một bài học, trong khi tình hình dịch bệnh tại Mỹ đang xấu đi. Người Trung Quốc cũng là nạn nhân của các chính sách tàn bạo của chính quyền Trung Quốc, những chính sách đã dẫn đến nhiều khổ đau hơn nữa trên diện rộng.

“Cần phải ghi nhớ một điều rằng người Trung Quốc không có tiếng nói trong các hành động của chính quyền của họ”, Christopher Walker, phó chủ tịch nghiên cứu và phân tích tại tổ chức Học bổng Quốc gia về Dân chủ của Mỹ, chia sẻ. “Trong màn sương mù tin tức độc tài và giả dối tới từ Bắc Kinh, chúng ta không được phép quên thất bại của chính quyền độc tài khổng lồ này tại thời điểm đại dịch toàn cầu bắt đầu.”

Chúng ta không nói về corona virus. Chúng ta đang nói rằng đã đến lúc thay đổi cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc. Vấn đề của chúng ta không phải là với người dân Trung Quốc, mà là với Đảng Cộng sản Trung Quốc – với sự đàn áp bên trong Trung Quốc, với sự gây hấn bên ngoài Trung Quốc, với ý đồ thâm hiểm muốn gây ảnh hưởng lên các xã hội cởi mở và tự do.

Một trong các chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc là chia để trị, chia cắt chúng ta theo quan điểm chính trị, theo tôn giáo, theo chủng tộc. Các quan chức Trung Quốc thường kết tội phân biệt chủng tộc cho các chỉ trích của chúng ta đối với chính quyền Trung Quốc. Họ cũng kết tội Mỹ phân biệt chủng tộc để làm sao lãng các chính sách phân biệt chủng tộc khủng khiếp của chính họ, đơn cử như việc giam giữ hàng triệu người dân tộc thiểu số vô tội ở Tân Cương.

Tại Mỹ, hầu hết mọi người đều không quen và không hiểu cách họ đối phó với chúng ta. Tại Úc, giới chính trị vài năm qua vẫn đang tranh luận về hoạt động gây ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute) đưa ra một số khuyến nghị để tránh vướng phải bẫy của chính quyền Trung Quốc. Báo cáo nói rằng chúng ta cần tránh khái quát hóa, cần phân biệt rõ giữa chính quyền Trung Quốc và người dân Trung Quốc, và cẩn trọng để không khiến người thiểu số Trung Quốc bị phân biệt đối xử tại Trung Quốc. Ngược lại, chúng ta cũng cần cẩn trọng trong việc kết tội ai đó là phân biệt chủng tộc (trừ khi có thể chứng minh được) khi họ lên án chính quyền Trung Quốc.

“Trên hết, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thực hiện các hoạt động chính trị nhằm xói mòn các cuộc tranh luận về chính sách và hoạt động của chính quyền Trung Quốc tại Úc”, tác giả John Fitzgerald viết trong báo cáo. Điều tương tự cũng đang xảy ra ở Mỹ.

Đây không phải là vấn đề phải đạo chính trị. Đây là vấn đề nhìn nhận việc một chế độ độc tài đang sử dụng sự nhạy cảm của chúng ta về phân biệt chủng tộc để chống lại chúng ta. Chúng ta phải tránh kết tội chính quyền Trung Quốc khi chưa có đủ bằng chứng [để họ không thể lợi dụng kẽ hở đó]. Chúng ta cũng cần tiếp tục gây áp lực để buộc Bắc Kinh trở nên minh bạch hơn, nhằm đối phó với sự lây lan của virus.

Chúng ta đã học được gì từ bài học về Nga vào năm 2016? Chúng ta không thể tiếp sức cho nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm gây chia rẽ và lan truyền tin giả. Chúng ta đã học được gì từ việc ma quỷ hóa Hồi giáo trước ngày 11/9? Người Trung Quốc và người Mỹ gốc Hoa cần chúng ta hỗ trợ trong thảm họa này, và sẽ mang đến sức mạnh cho chúng ta.

Hãy ngừng gọi virus này là “virus Trung Quốc” – không phải vì nguyên nhân phân biệt chủng tộc, mà bởi vì chúng ta không nên để Đảng Cộng sản Trung Quốc bám lấy cớ này nhằm chia rẽ chúng ta, đánh lạc hướng chúng ta khỏi hành vi tồi tệ của nó. Hãy gọi virus là “virus Trung Cộng”. Cách gọi này chính xác hơn, và chỉ gây khó chịu cho những kẻ xứng với điều đó.

Josh Rogin
Minh Nhật biên dịch

Related posts