- Dẫn nhập
Chủ nghĩa nhân văn, một hệ giá trị trong lịch sử tư tưởng nhân loại xuất hiện ở thời kỳ Phục hưng, sau khi loài người đã trải qua những khổ đau và tăm tối của đêm trường trung cổ. Ý thức đề cao con người, giải phóng cá nhân khỏi sự đè nén tinh thần của chế độ phong kiến, chống chủ nghĩa kinh viện và giáo hội, hướng con người vào xây dựng cuộc sống thực tại là những cảm hứng mà chủ nghĩa nhân văn mang đến. Và, trên nền tảng của tình yêu thương, khơi dậy những khát vọng tốt đẹp, tôn vinh phẩm giá con người…, chủ nghĩa nhân văn, trong căn tính, luôn chống lại các thế lực áp bức, hướng con người xây dựng một xã hội, ở đó những giá trị chân thiện mỹ được lên ngôi. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, trong những năm đất nước bị chia cắt, khi miền Nam còn chịu sự xâm lăng của ngoại bang, nền giáo dục ở miền Nam trước 1975 đã đề ra một triết lý giáo dục với ba nguyên tắc: “nhân bản”, “dân tộc” và “khai phóng”. Theo đó: Nền giáo dục Việt Nam “1/ Phải là nền giáo dục nhân bản, tôn trọng giá trị thiêng liêng của con người, lấy chính con người làm cứu cánh, và như vậy nhằm mục đích phát triển toàn diện con người. 2/ Phải là một nền giáo dục dân tộc, tôn trọng giá trị truyền thống, mật thiết liên quan với những cảnh huống sinh hoạt như gia đình nghề nghiệp, đất nước và đảm bảo hữu hiệu cho sự sinh tồn, phát triển của quốc gia dân tộc. 3/ Phải có tính cách khai phóng, tôn trọng tinh thần khoa học, phát huy tinh thần dân chủ và xã hội, thâu thái tinh hoa các nền văn hóa thế giới.”[1] Như vậy, có thể nói, với triết lý giáo dục này, nền giáo dục ở miền Nam 1954-1975 là nền giáo dục mang tính nhân văn sâu sắc. Bởi, đây là nền giáo dục lấy sự “khai phóng” con người làm cảm hứng cho mọi sáng tạo và xây dựng nhân cách người học trong nhà trường. Đây cũng là nguyên tắc bất biến, chi phối việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa, giáo trình ở tất cả các bộ môn, trong đó có bộ môn Quốc văn. Giáo dục tính nhân văn, vì thế, đã trở thành một phẩm tính trong chương trình Quốc văn Trung học Đệ nhị cấp ở miền Nam trước 1975.
2. Nội dung
Với nền giáo dục đề cao tính “nhân bản”, biểu hiện của việc giáo dục tính nhân văn luôn hiện hữu ở chương trình các môn học, trong đó có môn Quốc văn bậc Trung học Đệ nhị cấp, được thể hiện ở các bình diện: đề cao lòng yêu thương, trân quí phẩm giá con người, gắn với nhu cầu giải phóng cá nhân, khát vọng tự do, dân chủ và lòng yêu quê hương, đất nước. Đây là những căn tính mà chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng hay bất cứ thời đại tiến bộ nào cũng hướng đến như một hệ giá trị cần được đắp bồi. Chương trình Quốc văn bậc Trung học Đệ nhị cấp ở miền Nam trước 1975, vốn được xây dựng trên tinh thần “nhân bản”, “dân tộc” và “khai phóng”, kết tinh từ nền tảng văn hóa dân tộc nên việc giáo dục tính nhân văn được thể hiện ở nhiều bình diện. Song, ở bài viết này, chúng tôi chỉ tìm hiểu một số bình diện cơ bản mà biểu hiện trước tiên, đó là việc giáo dục lòng yêu thương và trân quí con người.
2.1.Giáo dục tình yêu thương và trân quí con người
Với truyền thống đạo đức thấm nhuần triết lý văn hóa “thương người như thể thương thân”, việc giáo dục tính nhân văn trong nền giáo dục ở miền Nam trước 1975 mà biểu hiện là lòng yêu thương và quí trọng con người luôn là một giá trị được thức nhận nơi học sinh. Điều nầy đã thể hiện khá phong phú ở chương trình Quốc văn lớp Đệ tam qua phần Văn chương bình dân, với những câu tục ngữ, ca dao nói về lòng yêu thương và trân quí con người được phân tích một cách thấu đáo như: Người ta là hoa đất; Lá lành đùm lá rách; Nhiễu điều phủ lấy giá gương / người trong một nước phải thương nhau cùng; Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn… Không nhưng thế, ở bình diện này, tinh thần nhân văn còn được thể hiện qua việc giảng dạy những tác phẩm văn học liên quan đến thân phận con người. Đó là niềm thương cảm sâu xa đối với phận số bi kịch của người phụ nữ qua cái chết bi thảm đầy oan nghiệt của vợ chàng Trương trong bài Đề miếu vợ Chàng Trương của Vua Lê Thánh Tôn. Đó là niềm cảm thông và sẻ chia trước nỗi đau thân phận của người Chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn qua bản dịch của Đoàn Thị Điểm mà theo sách giảng văn của Nguyễn Quảng Tuân thì: “Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm đã thông cảm với nỗi khổ của người dân mình, đặc biệt đối với những người thiếu phụ có chồng phải đi ra trận mạc, nên đã xây dựng được một tác phẩm có giá trị”.[2] Hay niềm cảm thương trước số phận hẩm hiu khi phải chôn vùi tuổi xuân trong chốn lãnh cung tăm tối của người Cung Nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều mà ở đó, nỗi đau phận số của người phụ nữ được tái hiện qua những diễn ngôn đẩm đầy nước mắt xót xa: “Hoa này bướm nỡ thờ ơ / Để ngày bông thắm, để xơ nhị vàng”[3]. Đó còn là hình tượng Thúy Kiều trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du mà ở đó, lòng yêu thương và trân quí con người đã trở thành một hệ giá trị làm nên sự bất tử của tác phẩm, đến nỗi Nguyễn Du đã thốt lên một cách thê thiết: “Đau đớn thay phận đàn bà / Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!”. Nỗi đau thân phận của người đàn bà qua các nhân vật như vợ Chàng Trương, người Chinh phụ, người Cung nữ và Thúy Kiều trong các tác phẩm mà sách giáo khoa Quốc văn miền Nam trích giảng đã cho thấy lòng yêu thương và quí trọng con người là một căn phần của tính nhân văn được quan tâm giáo dục cho học sinh. Đây cũng là phương diện thể hiện tính nhân bản trong triết lý giáo dục ở miền Nam mà chương trình và sách giáo khoa hướng đến. Bởi, theo Châu Trọng Ngô, cựu giáo sư trường Quốc Học Huế trước 1975 thì: “Ở các cấp học cao hơn, các sách giáo khoa, đặc biệt là sách về khoa học xã hội hoàn toàn được biên soạn theo những chủ đề nhân ái, trong tổng thể không hề đượm mùi vị hiềm khích hờn dỗi.”[4]
2.2. Nhu cầu giải phóng cá nhân, hướng đến tư tưởng tự do dân chủ
Phẩm tính của chủ nghĩa nhân văn không chỉ dừng lại ở vấn đề yêu thương con người, chia sẻ với những nỗi khổ đau và bất hạnh trong thân phận mà còn hướng con người vươn đến khát vọng tự do, dân chủ và nhu cầu giải phóng cá nhân khỏi những thế lực “hắc ám”, có thể làm cho con người ngập chìm trong bi kịch của sự tối tăm. Con người trong cái nhìn của chủ nghĩa nhân văn phải là con người thật sự tự do và được sống trong một môi trường xã hội dân chủ, công bằng, bác ái. Đó là môi trường xã hội mà ở đó, nhân vị của con người được tôn trọng, tiềm năng sáng tạo của con người được khai phóng để bay cao, bay xa trong chân trời lao động sáng tạo. Bởi, trong quan niệm của triết lý giáo dục ở miền Nam trước 1975 thì: “Mục đích của giáo dục quốc gia là giúp mỗi cá nhân phát triển toàn diện để trở thành những người có khả năng thực tiễn, có khả năng tư duy, để làm việc, sinh sống, có đạo đức có tình người, để gây dựng hạnh phúc gia đình và hội nhập vào xã hội góp phần vào việc bảo vệ và phát triển quốc gia.”[5] Tinh thần này đã được thể hiện sâu sắc trong chương trình các môn học, được cụ thể hóa trong sách giáo khoa, trong đó có sách giáo qua môn Quốc văn bậc Trung học Đệ nhị cấp như cuốn Việt văn toàn thư Tú tài I Ban A.B.C.D. của Vũ Ký, giáo sư trường Trương Vĩnh Ký SG, nguyên giáo sư trường Quốc Học Huế và Hồ Ngọc Cẩn, do Á Châu xuất bản; Cuốn Việt văn đệ nhị A.B.C.D. (tập 1, 2) của Võ Thu Tịnh, giáo sư Việt văn, do Hải Vân xuất bản và cuốn Quốc văn lớp 12 ABCD của nhóm giáo sư Quốc văn gồm Nguyễn Văn Cẩm – Giám học trường Võ Trường Toản SG; Lê Văn Chương giáo sư Pétrus Ký SG; Khưu Huỳnh Hương, giáo sư Gia Long SG; Tạ Quang Khôi, Hiệu trưởng Nguyễn Trãi SG; Vũ Thọ Ngọc Mai, giáo sư Lê Văn Duyệt Gia Định SG; Phạm Thị Nhung, giáo sư Gia Long SG; Cao Đình Quát, giáo sư Chu Văn An SG; Lê Văn Quới, Giám học Phan Thanh Giản Cần Thơ; Cung Nhật Tân giáo sư Chu Văn An SG; Trần Đắc Thanh giáo sư Trưng Vương – Taberd, SG; Nguyễn Quảng Tuân, Thanh Tra chuyên môn Trung ương, Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên, do Trường Thi xuất bản, SG, 1974.
Trong cuốn Quốc Văn 12 ABCD, nhóm tác giả đã rất quan tâm đến giáo dục tính nhân văn, điều này đã được xác định rõ trong lời tựa: “Việc soạn một cuốn sách Quốc văn cho lớp 12 phải đi theo hướng làm sao cho học sinh hiểu rõ được các tư tưởng lớn trong văn chương Việt Nam từ tinh thần dân tộc, đến các ảnh hưởng của Nho Phật và Lão giáo ở Đông phương và các ảnh hưởng của tư tưởng lãng mạn, tự do dân chủ cùng Thiên chúa giáo ở Tây phương.”[6] Vì thế, khi luận giải ảnh hưởng của tư tưởng lãng mạn trong văn chương Việt Nam qua ba tác phẩm Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách; Hồn Bướm mơ tiên của Khái Hưng và Thơ say của Vũ Hoàng Chương, các soạn giả chỉ rõ: “Phong trào lãng mạn không chỉ là một cuộc cách mạng về văn học mà còn là một cuộc cách mạng về đường tư tưởng của các dân tộc Âu Châu nữa.”[7] Và, căn cứ vào tư tưởng của chủ nghĩa lãng mạn được thể hiện trong các tác phẩm văn học của các văn gia thi sĩ Lammartine, Victor Hugo, Alfred de Musset, Alfred de Vigny… Các nhà biên soạn cho rằng: “Văn chương lãng mạn có 4 đặc tính:1/ đề cao cá nhân chủ nghĩa và trữ tình 2/ đề cao tình cảm và trí tưởng tượng; 3/ Đề cao tình yêu thiên nhiên 4/ giải phóng về mặt hình thức. Trong 4 điểm trên thì đặc tính chủ nghĩa cá nhân và trữ tình trong văn học lãng mạn là quan trọng hơn cả.”[8] Đây cũng là cơ sở để giáo dục học sinh hướng đến khát vọng tự do dân chủ, một phẩm tính mà chủ nghĩa nhân văn hết sức coi trọng.
Hay trong bộ sách Việt Văn Đệ nhị ABCD tập II thế kỷ XX, Võ Thu Tịnh, khi giới thiệu về tác phẩm Nửa chừng xuân của Khái Hưng trong Tự lực Văn đoàn, cũng chú trọng đến vấn đề thức nhận nhu cầu giải phóng cá nhân khỏi những ràng buộc khắc nghiệt đến phi lý của xã hội phong kiến và điều này, có thể xem là một giá trị nhân văn được soạn giả hướng đến người học khi luận giải: “Khái Hưng muốn dùng câu chuyện thương tâm giữa Mai và Lộc mà đả phá các lễ nghi khắt khe của nền luân lý cũ còn tôn sùng cổ tục, để tuyên truyền cho một nếp sống mới (theo nho giáo phóng khoáng): tự do kết hôn, tình yêu lý tưởng, lòng nhân ái hy sinh hạnh phúc của mình cho kẻ khác, nhất là cho dân nghèo.”[9] Đặc biệt, trong bộ sách giáo khoa này, Võ Thu Tịnh rất quan tâm giới thiệu và phân tích khá sâu sắc tính nhân văn trong Mười Điều tâm niệm của Hoàng Đạo khi được đưa vào giảng dạy trong nhà trường vì theo ông đây là tác phẩm “thuộc loại sách học làm người, cố khuyên thanh niên tân học dùng làm phương châm hành động để đạt tới sự tân cải tâm hồn và thể xác”, với các điều tâm niệm như: “1/Theo mới, hoàn toàn theo mới không chút do dự; 2/Tin ở sự tiến bộ một ngày có thể một hơn; 3/ Sống theo một lý tưởng; 4/ Làm việc xã hội; 5/ Luyện tinh khí; 6/ Phụ nữ và xã hội; 7/ Luyện lấy bộ óc khoa học; 8/ Cần sự nghiệp không cần công danh; 9/ Luyện thân thể cường tráng; 10/ Cần có trí xếp đặt.”[10] Ngày nay, nếu tiếp nhận “Mười điều tâm niệm” của Hoàng Đạo một cách công bằng, khách quan, khoa học thì những “điều tâm niệm” mà Hoàng Đạo nêu ra, không phải là không có ý nghĩa giáo dục tính nhân văn đối với thế hệ trẻ hôm nay, nhất là, khi xã hội đang bị vòng quay của những điều phản văn hóa, phản nhân văn bủa vây mà nếu không có sức đề kháng vững chắc, con người rất dễ bị cảm dỗ và sa ngã. Vì vậy, xét về một phương diện nào đó, chúng ta cũng có thể chia sẻ với người viết sách giáo khoa khi tác giả cho rằng: “Chúng ta cũng phải khách quan mà công nhận rằng chủ trương của Hoàng Đạo trong “Mười điều tâm niệm” có nhiều điều hữu lý. Phương thuốc của ông tuy hơi mạnh song vẫn là phương thuốc thích hợp của xã hội ta trong buổi giao thời giữa Mới và Cũ, lập trường của ông còn phải là lập trường của những người tha thiết với sự tiến bộ. Tư tưởng mà ông đề ra trong cuốn này, chẳng những có giá trị trong hiện tại mà cả trong tương lai, trong bất cứ thời đại nào mà chúng ta còn muốn sống một cuộc đời có ý nghĩa, một cuộc đời có tiến bộ.”[11] Vì vậy, việc đưa tác phẩm “Mười điều tâm niệm” của Hoàng Đạo vào giảng dạy trong nhà trường ở miền Nam lúc bấy giờ, không phải là không có chủ đích trong việc giáo dục tính nhân văn cho học sinh. Và hôm nay, tác phẩm này nếu được giảng dạy trong chương trình văn học, thiết nghĩ vẫn có giá trị nhất định trong việc hình thành nhân cách văn hóa cho học sinh, sinh viên, nhất là khi văn hóa học đường đang có những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng mà rõ nhất là việc nhạt phai lý tưởng sống tích cực, chạy theo những thị hiếu tầm thường, thực dụng, vô cảm và bạo lực…!?
Ngoài những tác giả, tác phẩm ở phần văn học lãng mạn thể hiện tinh thần giáo dục tính nhân văn với việc đề cao ý thức giải phóng cá nhân mà việc khẳng định cái tôi được xem như một hệ giá trị, thì vấn đề giáo dục tính nhân văn còn biểu hiện qua việc giảng dạy tác phẩm của các nhà thơ / văn thời trung đại như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tú Xương… mà sách giáo khoa Quốc văn đề cập đến. Chẳng hạn khi bàn về Chí làm trai qua thơ văn Nguyễn Công Trứ, tác giả sách giáo khoa đã xem quan niệm về Chí làm trai của Nguyễn Công Trứ là một hệ giá trị để khẳng định việc lập thân lập nghiệp nhằm xác lập sự tồn sinh của cái tôi giữa cuộc đời, chứ không phải là việc đề cao chủ nghĩa “anh hùng cá nhân” như có một thời “người ta” đã ngộ nhận và gán ghép một cách oan khuất cho ông.
Có thể nói, Nguyễn Công Trứ là người luôn có ý thức về sự hiện hữu của mình giữa cõi nhân gian với tư cách một nhân vị như triết học hiện sinh đã xác quyết. Vì vậy, ông luôn là chính mình trước những thành bại của cuộc đời mà không hề bi quan, chán nản. Trong quan niệm của ông: “Làm trai thì phải hoạt động lập công danh cho thỏa thích, chớ không phải chỉ để hưởng thụ một cách tầm thường như ai. Lý tưởng này đã giúp cho Nguyễn Công Trứ thành công rực rỡ trên đường đời, nhất là giữ được tư cách thanh cao trong khi say sưa hoạt động: làm đại tướng không cho là vinh, đi lính thú không lấy làm nhục, tha thiết với công danh mà vẫn ngạo mạn coi thường lợi danh.”[12] Vì thế, trong suy nghĩ của Võ Thu Tịnh: “Đối với thanh niên học sinh ngày nay, quan niệm về công danh của Nguyễn Công Trứ quả đáng được chúng ta nghiên cứu học tập thấu đáo.” Bởi, “Công danh quyết không phải là một tàn tích còn sót lại của cái mộng khoa cử “võng anh đi trước võng nàng theo sau” của bọn hủ nho thời trước. Công danh quyết cũng không phải là một cứu cánh vị kỷ của bọn tân học theo văn minh vật chất gần đây, chỉ mong cướp được mảnh bằng để mưu cầu địa vị ăn trên ngồi trước, vợ đẹp con khôn!…” mà: “Phải chăng cũng như Nguyễn Công Trứ, đối với chúng ta công danh phải là một món nợ thiêng liêng để thỏa mãn chí vẫy vùng, là một bổn phận cao quí để làm tròn nghĩa vụ công dân, là một vinh dự của con người trí thức khát khao lập sự nghiệp lưu danh hậu thế. Hoàn cảnh hiện tại của nước nhà chính lại là một dịp tốt để chúng ta thực hiện cái quan niệm hào hùng và cao thượng về công danh ấy.”[13] Và, khi luận giải về Chí nam chi, trong đó, quan niệm về công danh là hạt nhân trung tâm của Chí nam nhi, Võ Thu Tịnh đã đứng trên lập trường của chủ nghĩa nhân văn để phân tích và lý giải vấn đề và xem đây như một giá trị nhân văn trong thơ văn Nguyễn Công Trứ, để giáo dục về lẽ sống cao đẹp mang lý tưởng nhân văn cho học sinh. Chính vì vậy, khi lý giải về tính nhân bản trong quan niệm về cái nhàn của Nguyễn Công Trứ, tác giả Việt văn Đệ nhị ABCD cũng cho rằng: “Cuối cùng cái nhàn của cụ đã thích hợp với bản tính và địa vị con người: ưa hưởng lạc vì vốn không phải là Tiên Phật mà vẫn giữ được thanh cao vì con người phải vượt lên khỏi vật chất sa đọa đê hèn thì mới xứng đáng với địa vị cao quí thiêng liêng của mình giữa vũ trụ (…) Nhàn của cụ không mâu thuẩn với chí nam nhi. Trái lại, nhàn đã giúp cho hoạt động: lúc nghèo cực nhàn đã giúp cho cụ vui vẻ chờ thời, lúc ra làm quan nhàn giúp cụ giải trí để làm việc hữu hiệu hơn, khi về hưu nhàn là một phần thưởng sau khi đã hoạt động mệt nhọc.”[14] Như vậy, trong suy niệm của các nhà viết sách giáo khoa bậc Trung học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, tư tưởng Nguyễn Công Trứ, trong đó có quan niệm về chí nam nhi và chữ nhàn là một giá trị nhân văn cần thức nhận để giáo dục cho học sinh trong nhận thức về cái tôi cũng như ý thức về nhân vị của mình giữa cuộc đời, điều mà không có nó, con người không còn là con người. Bởi, sự tồn sinh của mỗi người trong cõi nhân gian, trước hết và trên hết là sự tồn sinh của chính mình với tư cách là một nhân vị chứ không phải là một cái tôi bị tan chảy, tha hóa, vong thân trong một cái ta siêu hình, mơ hồ, huyễn hoặc, để rồi không còn nhận ra chính mình. Đây là một phẩm tính, chủ nghĩa nhân văn luôn hướng đến và đấu tranh cho sự tồn tại của nó như một hệ giá trị bất biến.
Song, để mỗi người có thể được sống là chính mình, một vấn đề có giá trị nhân văn mà sách giáo khoa trong chương trình Quốc văn ở miền Nam trước 1975 cũng quan tâm bàn đến bên cạnh sự giải phóng cá nhân đó là ý thức về tự do, dân chủ mà theo các nhà viết sách Quốc Văn lớp 12 thì: “Danh từ tự do mang nhiều ý nghĩa. Đối với cá nhân thì tự do là quyền của một người được tự làm chủ lấy mình, không lệ thuộc vào kẻ khác. Nhưng tự do của cá nhân đã bị giới hạn trong quyền lợi chung của xã hội nên danh từ tự do trong phạm vi chính trị đã được Montesquieu định nghĩa: “Tự do là quyền làm tất cả những gì mà luật pháp cho phép và nếu một công dân có thể làm cái gì mà luật pháp cấm, người ấy sẽ không có tự do, bởi vì những người khác cũng sẽ có quyền đó”. Danh từ tự do thường đi đôi với dân chủ để bảo đảm cho dân chủ. Dân chủ được dùng để chỉ những chính thể, trong đó người dân được làm chủ: tự mình làm chủ lấy mình và tự mình tham dự việc điều khiển guồng máy chính quyền.”[15] Và trên cơ sở luận giải tư tưởng tự do, dân chủ qua phân tích bài diễn thuyết công khai của Phan Chu Trinh ở Đông kinh nghĩa thục tại Hà Nội năm 1907, bài diễn văn về “Cao vọng của bọn thanh niên An Nam” tại Hội khuyến học đêm 15/10/1913 của Nguyễn An Ninh và cuốn “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh, các tác giả đã có cho thấy ảnh hưởng của tư tưởng tự do, dân chủ phương Tây, cụ thể là của Pháp đối với xã hội và văn chương Việt Nam, xem đây như một biểu hiện của tư tưởng nhân văn cần giáo dục cho học sinh qua dạy và học Quốc văn mà hôm nay, vẫn còn nguyên giá trị. Vì, những vấn đề dân chủ, tự do, bình đẳng, công bằng, văn minh là một chuẩn giá trị mà chúng ta đang hướng đến để xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển của xu hướng toàn cầu hóa. Bởi, theo Montesquieu: “Một chính thể lý tưởng phải bảo đảm được tự do cho mọi công dân và một chính phủ lý tưởng bất kể dân chủ hay quân chủ, phải là một chính phủ có thể bảo đảm được tự do và hạnh phúc cho tất cả mọi người công dân.”[16] Việc giáo dục các giá trị nhân văn này là điều cần thiết đối với thế hệ trẻ hôm nay. Vì đây, là những hằng số văn hóa nuôi dưỡng lòng yêu quê hương đất nước trong mỗi con người, một giá trị mà chương trình Quốc văn bậc Trung học Đệ nhị cấp ở miền Nam luôn quan tâm khi giáo dục tính nhân văn cho học sinh.
2.3. Lòng yêu quê hương đất nước, một phẩm tính nhân văn cần được thức nhận
Khi luận bàn về triết lý giáo dục ở miền Nam trước 1975, trong bài viết “giáo dục miền Nam Việt Nam (1954-1975) trên con đường xây dựng và phát triển, Trần Văn Chánh đã xác quyết: “Với triết lý giáo dục Nhân bản, được chính thức ghi vào Hiến Pháp 1967, nền giáo dục miền Nam rõ ràng muốn đào tạo nên những con người có trách nhiệm với cộng đồng, trong xã hội dân chủ, luôn biết tôn trọng khế ước xã hội, yêu nước, thương dân, có lòng bác ái vị tha với đồng loại.”[17] Trên cơ sở triết lý giáo dục này, vấn đề giáo dục lòng yêu quê hương đất nước đã trở thành một bình diện giáo dục tính nhân bản của chương trình Quốc văn. Vì vậy, khảo sát sách giáo khoa Quốc văn bậc Trung học Đệ nhị cấp ở miền Nam trước 1975, ta thấy lòng yêu quê hương đất nước là chủ đề chi phối khá sâu sắc nội dung chương trình sách giáo khoa mà biểu hiện rõ nhất đó là “ý thức Quốc gia”. Bởi, theo các nhà biên soạn thì từ trong văn học dân gian, “Ý thức quốc gia thể hiện được tinh thần tự tôn, tương thân, tương trợ của dân tộc. Từ khi sống thành đoàn thể dân ta đã biết yêu mến và hy sinh cho đoàn thể: Từ đoàn thể lớn nhất là quốc gia dân tộc đến đoàn thể nhỏ hơn là quê hương làng xóm và cuối cùng là gia đình.”[18] Xuất phát từ quan niệm này, Khi nói đến “ý thức quốc gia”, họ chú trọng dạy các vấn đề mang tính nhân văn như: “1/Yêu tổ quốc, được thể hiện bằng sự hãnh diện về nguồn gốc dân tộc qua câu chuyện cổ Con rồng cháu Tiên. Lòng ái quốc cũng được thể hiện bằng cách sùng bái những đấng tiền nhân đã có công lập quốc hay cứu quốc như Vua Hùng Vương, Trưng Vương, Hưng Đạo Đại Vương…; 2/ yêu quê hương làng xóm chỉ là sự biến thái của tình yêu tổ quốc. Vì yêu nước thiết tha nên tình yêu quê hương của người dân Việt Nam càng thêm đậm đà. Hình ảnh quê hương đã in sâu vào tâm hồn dân quê: làng ta phong cảnh hữu tình/ dân cư giang khúc như hình con long… 3/ Yêu gia đình bởi gia đình là yếu tố căn bản của quốc gia. Có yêu thương gia đình mới yêu thương tổ quốc. Gia đình Việt Nam là nơi kết tinh nhiều tình thương. Trước nhất, con cháu nhớ ơn tổ tiên và kính trọng ông bà: Con người có tổ có tông/ như cây có cội như sông có nguồn; Yêu thương cha mẹ: Đêm ra thắp đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con; Tình yêu thương thắm thiết giữa vợ chồng: Có chồng thì phải theo chồng/ Đắng cay cũng chịu mặn nồng cũng vui. Tình anh em ruột thịt: Yêu nhau như thể tay chân/ Anh em hòa thuận hai thân vui vầy.”[19]
Tình yêu quê hương đất nước, một bình diện của việc giáo dục tính nhân văn đối với học sinh không chỉ được thể hiện trong văn học dân gian mà còn được thể hiện trong văn học viết qua việc trích giảng các tác phẩm cuả Nguyễn Bĩnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nguyễn Du, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Đình Chiểu…
Khi luận bàn về tâm trạng ái quốc trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Võ Thu Tịnh trong Việt văn Đệ nhị ABCD tập I thế kỷ XX, đã cho rằng: “Tâm trạng Nguyễn Đình Chiểu là tâm trạng một người tuy không tạo nổi thời thế song không bao giờ chịu để thời thế khuất nổi mình. Sống trong nghịch cảnh lại mang thêm mục tật nhưng Nguyễn Đình Chiểu luôn luôn giữ vẹn khí tiết thanh tao, trọn lòng thương yêu dân nước và ôm ấp một ước vọng cứu vớt sơn hà.”[20] Không chỉ dừng lại ở đó, Võ Thu Tịnh còn khẳng định tính chiến đấu mãnh liệt trong thơ Nguyễn Đình Chiểu, để từ đó thắp sáng lòng yêu tổ quốc và tinh thần chiến đấu hy sinh quên mình cho đất nước trước nạn ngoại xâm trong thế hệ trẻ khi tác giả xác quyết thơ Nguyễn Đình Chiểu: “Không những không khiến chúng ta chua xót thành đốn hèn vì hận sử của một thời chiến bại, trái lại đã đề cao tinh thần dân tộc tự chủ, nêu cao tinh thần đấu tranh bất khuất và lưu lại hậu thế những gương hy sinh cao đẹp của một miền Nam kháng chiến oai hùng.”[21] Hay khi đánh giá về lòng ái quốc qua thơ văn Nguyễn Khuyến cũng trong Việt văn đệ nhị ABCD tập I thế kỷ XX, Võ Thu Tịnh cho rằng: “Nhìn chung, Nguyễn Khuyến đã yêu nước một cách tiêu cực. Nhưng trong phạm vi nào đó, chúng ta tưởng có thể tìm thấy được một vài khía cạnh tích cực trong lòng ái quốc của cụ.”[22] Khác với Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Khuyến, khi luận bàn về thi ca Trần Tế Xương, Võ Thu Tịnh lại đi tìm những giá trị nhân văn của thơ ca Trần Tế Xương từ nổi đau của ông trước thế thái nhân tình vì theo tác giả: “Thi ca của Trần Tế Xương đã cho chúng ta thấy lòng ưu thời mẫn thế của ông: hoang mang đau khổ trước cảnh nước mất nhà tan, phẩn uất vì đẳng cấp Nho sĩ phải nhường chỗ cho một bọn người vô học, tay sai cho thực dân, và than khóc cho giá trị con người bị chà đạp.” Vì thế, “Nếu Nguyễn Khuyến đã than khóc một trí thức đại thần bất lực trước nạn ngoại xâm, nếu Tản Đà đã than khóc cho một người dân bất lực trước cảnh lạc hậu của đất nước trong phong trào văn minh tiến bộ chung của thế giới, thì ở đây Trần Tế Xương đã than khóc cho con người bị chà đạp và bất lực trước cuộc đời.”[23] Như vậy, lòng yêu quê hương đất nước trong cái nhìn của các nhà biên soạn sách giáo khoa Quốc văn cũng có nhiều cung bậc khác nhau và tùy theo hoàn cảnh sống của mỗi người mà các nhà thơ / văn có cách biểu hiện khác nhau. Nhưng tựu trung lại, đây vẫn là một bình diện của tính nhân văn thể hiện nhân cách văn hóa của mỗi người trước vận mệnh đất nước, dân tộc mà chúng ta cần trân quí và nêu gương cho các thế hệ mai sau.
3.Thay lời kết
Nền giáo dục ở miền Nam Việt Nam trước 1975, không phải là một nền giáo dục đã hoàn mỹ nên vẫn còn có những khiếm khuyết. Nhưng với nền tảng triết lý giáo dục “nhân bản”, “dân tộc” và “khai phóng” thì đây là một nền giáo dục “luôn luôn lấy con người làm cứu cánh, thể hiện tư tưởng nhân bản, luôn luôn chú trọng vào việc xây dựng đạo làm người, phát triển mầm mống tốt ở con người, phục vụ nhân sinh để tiến đến một xã hội hoàn thiện.”[24] Vì thế, việc giáo dục tính nhân văn cho học sinh, sinh viên là một vấn đề rất được quan tâm trong việc xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa, giáo trình, trong đó có chương trình và sách giáo khoa Quốc văn mà những vấn đề được luận bàn ở trên là một minh chứng.
Tìm hiểu việc giáo dục tính nhân văn qua chương trình, sách giáo khoa Quốc văn bậc Trung học Đệ nhị cấp nói riêng cũng như chương trình Quốc văn trong nhà trường ở miền Nam trước 1975 nói chung sẽ làm cho chúng ta thấy rõ hơn ý nghĩa của vấn đề giáo dục tính nhân văn cho học sinh, để từ đó, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa văn học hiện hành, nhất là khi nền giáo dục nước nhà đang thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện chương trình và sách giáo khoa trong trường phổ thông. Giáo dục tính nhân văn cho thế hệ trẻ, mà cụ thể là học sinh và sinh viên trong trường phổ thông và đại học là một vấn đề không mới nhưng cũng không bao giờ cũ, nhất là trong bối cảnh mà sự suy thoái đạo đức xã hội, trong đó có đạo đức ở nhà trường đang là vấn đề làm nhức nhối lương tri những người tử tế. Vì thế, đặt vấn đề giáo dục tính nhân văn cho thế hệ trẻ nói chung và học sinh, sinh viên trong nhà trường nói riêng là một vấn đề không những có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, giúp chúng ta có cơ sở lý luận và thực tiễn để giải quyết một vấn đề bức xúc, đang đặt ra cho nền giáo dục nước nhà hầu lấy lại vị thế nhà trường trong niềm tin của nhân dân. Bởi, “dù bất cứ học đến bậc học nào, mục đích của giáo dục vẫn phải là giúp tất cả mọi người trở thành người tốt, người đã được phát triển về khả năng cũng như đạo đức, dù khả năng đó ở mức độ nào…”[25] Và mục đích cao cả ấy, chỉ có thể thực hiện được khi nhà trường luôn quan tâm đến việc giáo dục tính nhân văn cho học sinh, sinh viên qua nội dung chương trình, sách giáo khoa, giáo trình, một nhân tố luôn gắn với việc nghiên cứu, học tập và hình thành nhân cách văn hóa của người học, không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà cả tương lai của quá trình giáo dục…
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Duy Cần (1970), Văn hóa giáo dục miền Nam Việt Nam đi về đâu?, Nam Hà Xb., Sài Gòn
- Vũ Ký, và Hồ Ngọc Cẩn, Việt Văn toàn thư Tú tài I Ban A.B.C.D., Á Châu Xb., Sài Gòn
- Phạm Văn Diêu (1970), Việt Nam văn học giảng bình, Nxb. Hoành Sơn, Sài Gòn.
- Nhất Hạnh, (1968), Nói với tuổi hai mươi, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn
- M. Heidegger (1974), Thư về nhân bản chủ nghĩa (bản Việt ngữ, Trần Xuân Kiêm), Tân An Xb., Sài Gòn
- Phạm Thế Ngũ (1961), (1962), (1965), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Tập I, Tập II, Tập III, Quốc học Tùng thư xuất bản, Sài Gòn
- Nhiều tác giả, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, Chuyên đề giáo dục miền Nam Việt Nam (1954-1975) số 7-8 (114-115) /2014
- Nhóm tác giả, (1974), Quốc Văn lớp 12 ABCD, Trường Thi xuất bản, Sài Gòn
9.Võ Thu Tịnh, Việt văn Đệ nhị ABCD tập I, thế kỷ XIX, , tập II, thế kỷ XX, Hải Vân Xb., Sài Gòn
10.Đàm Xuân Thiều, Trần Trọng San, (1971) Việt văn độc bản, lớp 11, Bộ Giáo dục, Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn
11.Nguyễn Quảng Tuân, (1972) Giảng văn lớp 10, Trường Thi xuất bản, Sài Gòn
12.Đỗ Văn Tú, (1970) Giảng văn lớp 11 ABCD, Văn Hào Xb., Sài Gòn
[1] Trần Văn Chánh, “Giáo dục miền Nam Việt Nam (1954-1975) trên con đường xây dựng và phát triển”, Tạp chí nghiên cứu và phát triển, Chuyên đề Giáo dục miền Nam Việt Nam (1954-1975), tr.13, 14
[2] Nguyễn Quảng Tuân, Giảng văn lớp 10AB, Trường Thi Xb., Sài Gòn, 1972, tr.100
[3] Nguyễn Quảng Tuân, Giảng văn lớp 10AB, Trường Thi Xb., Sài Gòn, 1972, tr.135
[4] Châu Trọng Ngô “Nhìn lại nền giáo dục miền Nam Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, Chuyên đề giáo dục miền Nam Việt Nam (1954-1975) số 7-8 (114-115) /2014, tr.256
[5]Trần Văn Chánh “Giáo dục miền Nam Việt Nam (1954-1975) trên con đường xây dựng và phát triển”, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, Chuyên đề giáo dục miền Nam Việt Nam (1954-1975) số 7-8 (114-115) /2014, tr.50
[6] Nhóm tác giả, Quốc văn lớp 12 ABCD, Trường Thi xuất bản, Sài Gòn, 1974, tr.5
[7] Nhóm tác giả, Quốc văn lớp 12 ABCD Trường Thi xuất bản, SG, 1974, tr.118
[8] Nhóm tác giả, Quốc Văn lớp 12 ABCD Trường Thi xuất bản, Sài Gòn, 1974, tr.121
[9] Võ Thu Tịnh, Việt văn đệ nhị ABCD tập II thế kỷ XX, Hải Vân Xb., Sài Gòn, tr. 639
[10] Võ Thu Tịnh, Việt văn đệ nhị ABCD tập II thế kỷ XX, Hải Vân Xb., Sài Gòn, tr. 683
[11]Võ Thu Tịnh, Việt văn đệ nhị ABCD tập II thế kỷ XX, Hải Vân Xb, SG, tr. 694-695
[12]Võ Thu Tịnh, Việt văn đệ nhị ABCD tập I thế kỷ XX, Hải Vân Xb., SG, tr.30
[13] Võ Thu Tịnh, Việt văn đệ nhị ABCD tập I thế kỷ XX, Hải Vân Xb., SG, tr.36, 37
[14] Võ Thu Tịnh, Việt văn đệ nhị ABCD tập I thế kỷ XX, Hải Vân Xb, SG, tr.51
[15] Nhóm tác giả, Quốc Văn lớp 12 ABCD, Trường Thi xuất bản, SG, 1974, tr.146
[16] Nhóm tác giả, Quốc Văn lớp 12 ABCD, Trường Thi xuất bản, SG, 1974, tr.147
[17] Trần Văn Chánh “Giáo dục miền Nam Việt Nam (1954-1975) trên con đường xây dựng và phát triển”, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, Chuyên đề giáo dục miền Nam Việt Nam (1954-1975) số 7-8 (114-115) /2014, tr.50
[18]Nhóm tác giả, Quốc Văn lớp 12 ABCD, Trường Thi xuất bản, Sài Gòn, 1974, tr.20
[19] Nhóm tác giả, Quốc Văn lớp 12 ABCD, Trường Thi xuất bản, Sài Gòn, 1974, tr.23, 24
[20] Võ Thu Tịnh, Việt văn đệ nhị ABCD tập I thế kỷ XX, Hải Vân Xb., Sài Gòn, tr. 189
[21] Võ Thu Tịnh, Việt văn đệ nhị ABCD tập I thế kỷ XX, Hải Vân Xb., Sài Gòn, tr.195
[22] Võ Thu Tịnh, Việt văn đệ nhị ABCD tập I thế kỷ XX, Hải Vân Xb., Sài Gòn, tr.235
[23] Võ Thu Tịnh, Việt văn đệ nhị ABCD tập I thế kỷ XX, Hải Vân Xb., Sài Gòn, tr.354, 355
[24] Nguyễn Văn Nhật “Nền giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam trước 1975”, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, Chuyên đề giáo dục miền Nam Việt Nam (1954-1975) số 7-8 (114-115) /2014, tr.79
[25] Trần Văn Chánh “Giáo dục miền Nam Việt Nam (1954-1975) trên con đường xây dựng và phát triển”, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, Chuyên đề giáo dục miền Nam Việt Nam (1954-1975) số 7-8 (114-115) /2014, tr.51