Thủ tướng Anh sẽ quay lại làm việc vào ngày 27/4
Phát ngôn viên của chính phủ Anh Quốc hôm thứ Bảy (25/4) nói rằng Thủ tướng Boris Johnson sẽ trở lại làm việc vào thứ Hai (27/4) sau khi đã hồi phục bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), theo Reuters đưa tin.
Khi trở lại tiếp quản Nội các, Thủ tướng Johnson sẽ chịu áp lực rất lớn về nguy cơ suy thoái kinh tế do đóng cửa đất nước phòng chống đại dịch virus corona Vũ Hán, cũng như số ca tử vong tại Anh Quốc đang tăng cao.
Tính đến ngày 25/4, Anh Quốc đã ghi nhận hơn 20,000 ca tử vong và gần 150,000 ca nhiễm virus Vũ Hán.
Ngày càng có nhiều chỉ trích về cách chính phủ Anh Quốc ứng phó với đại dịch. Các vấn đề chính phủ bị chỉ trích là công tác xét nghiệm giới hạn và thiếu thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế tuyến đầu.
Ngoại trưởng kiêm quyền Thủ tướng Dominic Raab đã và đang phải đối mặt với những câu hỏi về việc nước Anh sẽ làm thế nào vừa có thể nới lỏng phong tỏa, vừa không để xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Sáng thứ Bảy, bộ trưởng nội vụ Anh Quốc đã kêu gọi người dân cả nước hãy tuân thủ các quy định về phong tỏa. Tuy nhiên, nhiều là lập pháp lại muốn chính phủ nới lỏng các hạn chế để thúc đẩy nền kinh tế. Các chuyên gia dự báo kinh tế nói rằng nước Anh có thể đang đi tới cuộc suy thoái trầm trọng nhất trong vòng hơn 300 năm qua.
Thủ tướng Boris Johnson, 55 tuổi, đã phải nhập viện St Thomas’s Hospital tại trung tâm London để điều trị viêm phổi Vũ Hán từ ngày 5/4. Ông đã phải ở phòng chăm sóc tích cực trong ba đêm từ 6/4 tới 9/4.
Đại dịch Covid-19: Trung Quốc và hiệu ứng ‘‘gậy ông đập lưng ông’’
Báo Le Point của Pháp tuần này có bài xã luận đáng chú ý của nhà bình luận Nicolas Baverez mang tựa đề: ‘‘Trung Quốc và hiệu ứng gậy ông đập lưng ông’’. Bài viết so sánh đại dịch Covid-19, bùng lên từ Trung Quốc rồi lan khắp thế giới hiện nay, với cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ nước Mỹ năm 2008. Nhà báo Le Point nhận định : Giống như Hoa Kỳ, thoạt tiên, chính quyền Trung Quốc đã được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng xuất phát từ nước mình. Tuy nhiên, cũng tương tự như nước Mỹ đã phải gánh chịu ‘‘làn sóng dân túy bùng lên’’ sau khủng hoảng, giờ đây chính quyền Trung Quốc ‘‘có thể sẽ phải chứng kiến vị thế của Trung Quốc bị suy yếu do trách nhiệm của Bắc Kinh, trong giai đoạn bệnh dịch xuất hiện và khi đại dịch lan rộng khắp thế giới’’.
Bắc Kinh hiện rõ chân tướng
Cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, mà Bắc Kinh cố gắng chứng minh đã ‘‘xử lý một cách mẫu mực’’, cho thấy rõ ‘‘bản chất toàn trị của chế độ Trung Quốc, gắn liền với chính sách tuyên truyền dối trá, và một Nhà nước bạo lực’’. Giờ đây công luận thế giới bắt đầu hiểu rằng ‘‘dịch bệnh đã bị bưng bít hơn hai tháng trời, một giai đoạn có ý nghĩa quyết định, khiến dịch lan rộng’’. Số lượng người nhiễm virus và người chết bị bóp méo.
Đọc thêm :Để dịch virus corona vượt tầm kiểm soát: Tội chính của Bắc Kinh là giấu thông tin?
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm đúng những lời tổ sư Mao Trạch Đông để lại: Bóp méo sự thật theo đòi hỏi của thực tế. Bắc Kinh đã không tính đến những người chết vì Covid – 19 tại gia đình. Theo thống kê mới điều chỉnh, số người chết tại gia đình chiếm 1/3 tổng số người thiệt mạng. Tuy nhiên, con số người chết thực sự có thể lên đến ít nhất 25.000 người, so với số chính thức 4.632 hiện nay. Bởi, theo chính một số nghiên cứu dịch tễ học Trung Quốc, số người vừa chết vì Covid – 19, vừa chết do bệnh khác chiếm đến 72% người qua đời tại các bệnh viện Vũ Hán. Cho đến nay, Bắc Kinh chỉ chấp nhận thống kê số người chết duy nhất vì bệnh Covid -19.
Đại dịch Covid-19 cũng phơi bày tình trạng kiểm soát công dân bằng kỹ thuật số, ngày càng sát sao tại Trung Quốc. Bắc Kinh có chính sách chi đến một triệu nhân dân tệ cho tất cả doanh nghiệp nào phát triển một dự án kỹ thuật số liên quan đến dịch bệnh. Ví dụ như thiết lập các ‘‘hộ chiếu y tế’’ cho tài xế tắc-xi hay giới tài xế nói chung, do tập đoàn Alibaba quản lý. Việc sử dụng máy bay không người lái để kiểm soát công dân, kiểm soát việc đi lại, kỹ thuật nhận dạng người qua võng mạc hay tập hợp thông tin về sức khỏe người dân, hoàn toàn không cần tính đến sự chấp thuận của các công dân. Tình trạng kiểm soát gia tăng là một trong những nguyên nhân khiến người dân Trung Quốc hiện nay dè dặt trong việc tiêu thụ, bên cạnh các nguyên nhân khác như sợ thất nghiệp, bị hạ lương. Kinh tế Trung Quốc hiện nay đang trong tình trạng mất cân đối cung – cầu nghiêm trọng, một bên là sản xuất bị bắt buộc phải nối lại (với hoạt động bằng 90% so với trước), bên kia là nhu cầu bị cắt đến một nửa (do nhu cầu nội địa không tăng mạnh, cũng như nhu cầu bên ngoài, do kinh tế thế giới tê liệt).
Về mặt địa chính trị, trước mắt Trung Quốc đang ở thế thượng phong trong khủng hoảng hiện nay, trong một bối cảnh chưa từng có kể từ năm 1945, khi Hoa Kỳ hoàn toàn rút khỏi cuộc chơi. Đối với Bắc Kinh, đại dịch cho thấy thế giới đang ngừng ‘‘phương Tây hoá’’, các nền dân chủ thể hiện đang bất lực, còn Trung Quốc củng cố quan hệ với các quốc gia đang trỗi dậy, bằng ngoại giao y tế (cung cấp ồ ạt trang thiết bị y tế), đầu tư thông qua các dự án Con Đường Tơ Lụa Mới, và kiểm soát các định chế đa phương, đầu tiên là Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO). Thế nhưng, theo Le Point, đại dịch này làm nổi bất tính chất tương phản sâu xa, đằng sau ‘‘thế thượng phong bên ngoài của Trung Quốc’’, một quốc gia có nền công nghệ phát triển, là các hành xử ‘‘rất cổ hủ’’. Những thiệt hại ghê gớm cho thế giới hiện nay đang làm dấy lên những đòi hỏi phải khởi kiện Trung Quốc.
‘‘Chủ nghĩa đa phương quốc tế trong cơn hôn mê’’
‘‘Chủ nghĩa đa phương quốc tế trong cơn hôn mê’’ là tựa đề một bài phân tích khác của Le Point, ghi nhận cuộc đại khủng hoảng 2020 đang làm tăng tốc tiến trình tan rã của cơ chế hợp tác quốc tế, được đặt nền móng từ sau Thế chiến Hai. Le Point trở lại với cội nguồn của trật tự thế giới hiện nay, với nhận định của cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, chính trị gia Thụy Điển Dag Hammarskjöld: Mục tiêu xây dựng Liên Hiệp Quốc ‘‘không phải là để đưa nhân loại đến thiên đường, mà là để giúp chúng ta không rơi xuống địa ngục’’. Rốt cục, sứ mạng của Liên Hiệp Quốc đã thất bại : Đại dịch này cho thấy rõ.
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, định chế phụ trách y tế của Liên Hiệp Quốc đã không đảm nhiệm được vai trò: WHO bênh vực Bắc Kinh, gạt Đài Loan ra ngoài, trong khi nền dân chủ này đã có chính sách đúng trong cuộc chiến chống dịch, WHO cũng không tiến hành điều tra một cách không thiên vị nguồn gốc virus… Về phần mình, Hội Đồng Bảo An cũng tồi tệ không kém. Ngày 10/04, định chế có vai trò lớn đối với nền an ninh thế giới này mới họp lần đầu tiên về Covid-19, nhưng không ra đuợc nghị quyết.
Thời đại chúng ta cho thấy, thường là sau mỗi lần trải qua chiến tranh hay khủng hoảng, nền dân chủ, nhân quyền và hợp tác quốc tế lại được thiết lập. Sau mỗi lần rơi vào đại thảm họa, nhân loại lại trở về tìm kiếm thống nhất và tinh thần đoàn kết. ‘‘Đại dịch 2020 có thể là điểm khởi đầu cho việc tái xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế’’.
Hơn 200 bệnh nhân Hàn Quốc tái nhiễm COVID-19
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), hơn 200 bệnh nhân trở về nhà sau khi hồi phục từ COVID-19 đã bị tái nhiễm, theo NTD.
Các quan chức y tế nước này không rõ làm thế nào các bệnh nhân này bị tái nhiễm, một cuộc điều tra dịch tễ học chuyên sâu đang được tiến hành, theo Đài Phát thanh – Truyền hình Hàn Quốc KBS.
Canada nhập một triệu mặt nạ lỗi từ Trung Quốc
Các quan chức y tế Canada cho biết, khoảng 1 triệu mặt nạ phòng độc KN95 nhập từ Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng để sử dụng chống dịch Covid-19, do đó sẽ không được phân phối cho các nhân viên tuyến đầu tại nước này, theo The Epoch Times.
Mặt nạ phòng độc KN95 là phiên bản Trung Quốc của dòng mặt nạ N95 phổ biến, được dùng riêng cho các nhân viên y tế tuyến đầu.
Bộ Y tế Do Thái cấm sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm của Trung Quốc
Bộ Y tế Israel đã yêu cầu các phòng thí nghiệm bệnh viện và tổ chức Magen David Adom (một cơ quan tương đương Hội Chữ thập đỏ) lập tức ngừng sử dụng khoảng 10.000 bộ dụng cụ xét nghiệm bị hỏng của Trung Quốc, theo The Epoch Times.
Vấn đề xuất hiện sau khi các chuyên gia phòng thí nghiệm nhận thấy màu sắc bên trong ống nghiệm khá bất thường, do đó không thể xác định kết quả là âm tính hay dương tính.
Một nguồn tin bên trong Bộ Y tế Do Thái cho biết bộ dụng cụ được sản xuất bởi Công ty Công nghệ sinh học Bang Shuo Quảng Châu. Nguồn tin nói nhà máy này đã không tuân theo quy trình đảm bảo chất lượng cơ bản bởi nếu làm vậy, tình huống này sẽ khó có thể xảy ra.
Nhiều quốc gia khác cũng báo cáo các vấn đề chất lượng với bộ dụng cụ xét nghiệm nhập từ Trung Quốc, cùng với mặt nạ và các vật tư y tế khác, như Anh, Hà Lan, Canada, Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc, …
Các thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất chỉ cấp ngân sách cho WHO nếu tuân thủ điều kiện
Các khoản ngân sách tương lai của Mỹ cho Tổ chức Y tế Thế giới sẽ phụ thuộc vào thái độ hợp tác của tổ chức này với cuộc điều tra của Nghị viện Mỹ đối với việc xử lý dịch Covid-19 của WHO trong thời gian qua, đây là điều kiện được đưa ra bởi một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa hôm thứ Sáu (24/3). Họ cũng đề nghị các đồng nghiệp trong Đảng thống nhất ý kiến này, theo The Epoch Times.
Trong một lá thư gửi tới hai Thượng nghị sĩ Lyndsey Graham và Patrick Leahy – lần lượt là Chủ tịch và thành viên tiểu ban soạn thảo dự luật chi tiêu ngân sách, trong đó bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – 5 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã yêu cầu giảm ngân sách cho WHO trong năm tài khóa 2021 nếu tổ chức này không hợp tác với cuộc điều tra.
“Ban lãnh đạo WHO dường như đã tắc trách trong việc bảo vệ cộng đồng toàn cầu trước đại dịch COVID-19, bởi vì họ đã tin tưởng một cách mù quáng các thông tin sai lệch do ĐCSTQ cung cấp”, trích nội dung bức thư.
Kỹ thuật mới của Facebook cho phép 50 người cùng lúc
Facebook đã bổ sung một loạt các tính năng gọi video mới cho WhatsApp, Messenger và ứng dụng chính của mình, theo sau nhu cầu ngày càng gia tăng đối với chức năng gọi thoại qua video.
Theo đó, một nhóm gọi video có thể lên đến 50 người.
Trao đổi với BBC, hãng công nghệ này cho biết họ phát hành các tính năng này sớm hơn dự định do tình trạng phong tỏa bởi Covid-19. Chức năng này chỉ mới được cung cấp cho một số người dùng ở Anh, trước khi phổ cập đến tất cả người dùng Facebook trong vài tuần tới.
Trung Quốc được yêu cầu thả Ban Thiền Lạt Ma bị Bắc Kinh bắt cóc lúc 6 tuổi
Vào ngày 24/4, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) một lần nữa lại kêu gọi chính phủ Trung Quốc trả tự do cho Gedhun Choekyi Nyima, hóa thân thứ 11 của Ban Thiền Lạt Ma của Phật giáo Tây Tạng, bị Bắc Kinh bắt cóc khi mới 6 tuổi.
Vào ngày 14/5/1995, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chọn Gedhun, lúc đó 6 tuổi, là hoá thân thứ 11 của Ban Thiền Lạt Ma. Ba ngày sau, chính quyền Trung Quốc đã bắt cóc cậu và gia đình cậu. Vị Ban Thiền Lạt Ma này đã không được nhìn thấy hoặc nghe thấy kể từ đó.
“Chính phủ Trung Quốc muốn bóp nghẹt Phật giáo Tây Tạng đến nỗi bắt cóc một cậu bé sáu tuổi”, bà Nadine Maenza, Phó Chủ tịch USCIRF cho biết.
“Thật không may, hoàn cảnh bi thảm của Gedhun đã đang là đại diện cho cuộc đấu tranh gian khổ của hàng triệu thành viên tôn giáo Trung Quốc để thực hành đức tin của họ, khi phải đối mặt với một cuộc đàn áp chưa từng thấy của chính quyền”, bà nói.
“Thứ bảy, ngày 25/4, sẽ là ngày sinh nhật lần thứ 31 của Gedhun”, Tenzin Dorjee, Ủy viên USCIRF, người kêu gọi trả tự do cho Gedhun 4 năm nay cho biết.
“Ban thiền Lạt Ma của Tây Tạng đã bị cô lập từ khi còn nhỏ và không có cơ hội sống một cuộc sống bình thường. Chúng tôi yêu cầu chính phủ Trung Quốc đưa ra một bằng chứng video về sự an toàn của ngài trong đại dịch Covid-19 này, và trả lại tự do và tôn nghiêm cho Ban Thiền Lạt Ma ngay lập tức”, Tenzin Dorjee cho biết.
Trước đó, trong Báo cáo thường niên năm 2019, USCIRF đã kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ sử dụng Đạo luật Magnitsky và Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế để áp các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vi phạm tự do tôn giáo, trong đó có Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), hiện tại là Bí thư Tân Cương và cựu Bí thư Tây Tạng.
Theo BBC, Ban Thiền Lạt Ma là nhân vật quan trọng thứ hai trong Phật giáo Tây Tạng. Đối với Gedhun, nhiều người cho rằng ngài là một trong những tù nhân chính trị bị giam giữ lâu nhất trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn luôn từ chối cho biết chi tiết về nơi ở của Gedhun.
Sau khi bắt cóc Gedhun, theo BBC, vào năm 1995, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tự lập một người khác tên là Gyaltsen Norbu làm Ban Thiền Lạt Ma. Tuy nhiên, nhân vật này được những người Tây Tạng lưu vong mô tả là một “con rối”, một Ban Thiền “dỏm” do Đảng Cộng sản Trung Quốc dựng nên.
Dịch Covid-19 khiến người tị nạn thêm khốn khổ
Đại dịch Covid-19 khiến người tị nạn thêm khốn khổ, như trường hợp ở Malaysia và Hy Lạp. Tại Mỹ, nhân viên trong các cửa hàng ăn nhanh McDonald’s đình công đòi được bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm virus corona. Một công ty ở Ireland bị chỉ trích vì tuyển dụng người lao động từ Bulgari ngay giữa mùa dịch. Đức bắt đầu cho mở các cửa hàng. Ấn Độ ngưng sử dụng các bộ xét nghiệm nhập từ Trung Quốc. Đó là những đề tài của tạp chí Thế giới đó đây tuần này.
Malaysia: Người tị nạn Miến Điện bị bỏ rơi
Đây là một trong những hậu quả đáng báo động của dịch Covid-19: Malaysia, vốn vẫn hỗ trợ hết mình cho người anh em Hồi Giáo Rohingya ở Miến Điện, đã đẩy trở ra rất nhiều tàu vượt biên, có những tàu đã trôi dạt trên biển từ hơn hai tháng nay. Hành động này là nhằm ngăn chặn dịch bệnh đến từ các thuyền nhân. Nhưng ngay cả đối với cộng đồng người tị nạn đến từ Miến Điện, tình hình cũng đang rất khó khăn, theo giải thích của thông tín viên Gabrielle Maréchaux trong bài tường trình ngày 21/04/2020:
“Đây là ca tử vong số 88: một người nhập cư Miến Điện 36 tuổi được nhập viện quá trễ. Theo các số liệu của Liên Hiệp Quốc, hiện có khoảng 154.000 người tị nạn Miến Điện, trong đó có nhiều người sắc tộc Rohingya, đang sống ở Malaysia, tuyệt đại đa số là những người làm công nhật.
Do Malaysia đã ban hành lệnh phong tỏa để ngăn ngừa dịch bệnh, tình hình của họ khó khăn hơn bao giờ hết. Thường thì họ làm những công việc được mô tả bằng 3 tính từ bắt đầu bằng chữ D theo tiếng Anh “dirty, dangerous, difficult” (dơ bẩn, nguy hiểm, khó khăn), mà lương thì rất thấp.
Cũng bị mất các nguồn thu nhập, Malaysia yêu cầu đại sứ quán Miến Điện kể từ nay phải cung ứng cho công dân của họ tại những vùng bị phong tỏa gắt gao nhất, trong khi những diễn biến gần đây bên nước láng giềng Singapore lẽ ra phải buộc chính quyền Kuala Lumpuri quan tâm đến nguy cơ bệnh lan truyền từ người nhập cư. Thật vậy, đợt dịch thứ hai bùng phát ở Singapore chính là từ cộng đồng những người bị bỏ mặc như vậy.
Hôm thứ hai, bộ Y Tế Malaysia cho biết họ khuyến khích người nhập cư đi xét nghiệm Covid-19, nhưng theo các hiệp hội, trong số hơn 3 triệu người lao động bất hợp pháp, rất nhiều người ngại đi xét nghiệm.»
Hy Lạp: Nguy cơ dịch bệnh tại các trại tị nạn
Tại Hy Lạp, hàng chục ngàn người xin tị nạn, đa số đến từ các nước châu Phi, ngày 22/04/2020 đã tổ chức một cuộc biểu tình trước trại Moria, đảo Lesbos. Lý do của cuộc biểu tình chủ yếu liên quan đến nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Trong trại tị nạn lớn nhất châu Âu, vừa chật kín người, vừa bẩn thỉu, những người tị nạn, bị cách ly từ giữa tháng Tư và cảm thấy bị bỏ rơi, không thể giữ vệ sinh đàng hoàng, cũng không thể tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội.
Từ Athens, thông tín viên Joel Bronner tường thuật như sau:
“Chúng tôi không được an toàn trước đại dịch Covid-19” là dòng chữ trên biểu ngữ mà những người biểu tình giương lên trước trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp. Trước nguy cơ y tế này, những người xin tị nạn mong được “giải phóng”, như họ ghi trên biểu ngữ, và được chuyển về phần lãnh thổ lục địa của Hy Lạp.
Trước khi có cuộc biểu tình này, chính phủ Hy Lạp đã thông báo sẽ chuyển dần dần khoảng 2.300 người về lục địa trong hai tuần tới. Tại Moria, giữa các cánh đồng ôliu, gần 19 ngàn người sống chen chúc trong và chung quanh một không gian vốn chỉ được dự trù để đón tiếp khoảng 3.000 người.
Trong một thông cáo vừa được thông qua, tổ chức Human Rights Watch lo ngại “một cuộc khủng hoảng y tế công cộng” do những điều kiện sống “không thể tưởng tượng nổi” trong các trại bị quá tải trên các đảo ở vùng biển Égée. Ở đó, rửa tay thường xuyên là chuyện hoàn toàn không thể có.
Có bằng chứng cho thấy virus đang lây lan giữa những người thường sống chung với trong các lều trại chật hẹp: Khoảng 150 người xin tị nạn được xét nghiệm dương tính trong tuần qua, tại một khách sạn ở miền nam nước này.”
Đình công tại các nhà hàng McDonald’s ở Mỹ
Tại nhiều thành phố lớn ở Hoa Kỳ, đã xảy ra các vụ đình công ở các nhà hàng McDonald’s từ một tuần qua. Các nhân viên bất mãn vì họ không được bảo vệ đầy đủ trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Họ đòi được phát khẩu trang và được nghỉ bệnh có ăn lương. Tại Chicago, một số người thậm chí còn kiện McDonald’s về việc ban giám đốc, để có thể tiếp tục mở các nhà hàng, đã che giấu những ca nhiễm Covid-19 trong số các nhân viên. Thông tín viên Eric de Salves gởi về bài phóng sự trong một nhà hàng McDonald’s ở Oakland, bang California:
“Tiếng còi xe inh ỏi và tiếng hô khẩu hiệu vang lên trước một nhà hàng McDonald’s ở Okland. Khoảng 20 người biểu tình bằng xe hơi hô lớn: “Mạng sống của chúng tôi quý hơn bánh burger”. Trong số này có Kyla, một nhà hoạt động của đảng Dân Chủ Xã Hội. Cô nói: “Hôm nay, chúng tôi chặn ngõ vào drive-in của nhà hàng McDonald’s để ủng hộ 5 nhân viên đang đình công vì ban quản lý không quan tâm bảo vệ cho họ”.
Kể từ khi phát hiện một ca nhiễm Covid-19 trong nhà hàng này, Imelda, 43 tuổi, một trong những người tham gia đình công, vốn không có bảo hiểm y tế, rất sợ đi làm. Bà mẹ gốc Nam Mỹ có ba đứa con đã yêu cầu ban quản lý cho nghỉ bệnh, được cách ly có ăn lương và được phát khẩu trang.
Bà nói: “Đình công như vậy là rất khó khăn, vì chúng tôi bị cắt lương, nhưng chúng tôi phải đình công để bảo vệ cho chính bản thân chúng tôi và gia đình, cũng như cho các đồng nghiệp và thực khách.”
Hàng chục cửa hàng McDonlad’s hiện đang đình công tại Hoa Kỳ, vì các nhân viên tố cáo ban quản lý lơ là việc phòng chống Covid-19. McDonald’s đúng là có cho nhân viên được quyền nghỉ ăn lương 14 ngày, nhưng chỉ trong các cửa hàng của tập đoàn này. Trong khi đó có đến 95% các nhà hàng là nhượng quyền thương mại, tức là hoạt động độc lập và ban quản lý áp dụng các quy định riêng.”
Ireland: Tranh cãi về lao động nước ngoài
Lệnh phong tỏa cũng đang gây rất nhiều khó khăn cho thị trường lao động tại châu Âu. Ví dụ như tại Ireland, công ty canh tác rau quả Keelings, một trong những công ty chủ chốt trong lĩnh vực này, vì không thể tuyển dụng người trong nước, đã phải mướn 200 lao động thời vụ người Bulgari, trong lúc đang có lệnh hạn chế tối đa việc đi lại để ngăn chận dịch Covid-19.
Dưới đây là tường thuật của thông tín viên Emeline Vin từ Dublin:
“Lập trường chính thức là chính phủ sẽ nêu vấn đề thủ tục ở biên giới với chính phủ Bắc Ireland, nói rõ hơn là họ chưa đưa ra quyết định nào. Theo các quy định của Liên Hiệp Châu Âu, những lao động nông nghiệp rất cần thiết và họ phải được quyền tự do đi lại trong Liên Hiệp Châu Âu.
Chỉ có điều ở Ireland, một số người dân không hiểu vì sao công ty Keelings lại đưa 200 người Bulgari đến trong khi cả nước đang bị tê liệt vì lệnh phong tỏa và một phần sáu dân Ireland đang thất nghiệp. Keelings khẳng định là họ đã cố tìm lao động thời vụ trong nước nhưng không tìm đủ người.
Công ty này bảo đảm là các lao động nước ngoài mà họ tuyển dụng sẽ bị cách ly hai tuần, như tất cả những người nhập cảnh vào Ireland trong lúc này. Nhưng việc cách ly sẽ do họ tự quản lý, chứ không có sự giám sát của nhà chức trách. Trong thời gia cách ly, các lao động này được trả lương và có chỗ ở.
Giám đốc Tổng cục Y tế và chính phủ không đồng tình với quyết định của công ty Keelings. Thủ tướng Leo Varadkar kêu gọi các công ty cố gắng tuyển dụng tối đa lao động trong nước, để hạn chế nguy cơ bệnh lây lan.”
Đức cho mở lại các cửa hàng
Vào đầu tuần nay, nước Đức bắt đầu giảm nhẹ các biện pháp phong tỏa. Các cửa hàng có diện tích dưới 800 mét vuông có thể mở cửa kể từ ngày 20/04/2020. Các hiệu sách, đại lý xe hơi và cửa hàng bán xe đạp, bất kể diện tích, cũng được mở cửa. Nhưng các biện pháp ngăn ngừa khác thì vẫn được giữ nguyên. Riêng các trường học sẽ mở cửa trở lại kể từ ngày 04/05.
“Sau khi đã dọn dẹp sạch sẽ, chất đầy lại các quầy hàng, thi hành các biện pháp phòng ngừa, các cửa hàng ở Đức sẵn sàng đón các khách hàng mới. Các khoản trợ cấp và các hỗ trợ khác mà một số cửa hàng được hưởng dĩ nhiên không đủ để tình hình trở lại bình thường và để bù lại doanh thu bị mất trong những tuần qua trong khi họ vẫn phải trả các chi phí cố định.
Chủ một cửa hàng bán giày tại bang Saarland vui mừng vì cửa hàng được mở lại sáng nay: “Chúng tôi không được phép để quá 5 người vào cùng một lúc. Tất cả chúng tôi đều đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn 2 mét. Máy thu tiền thì được bọc lớp nhựa trong. Từ sáng nay, có vài khách đến mua, nhất là các trẻ em đang cần giầy dép mới. Quý hai, trước mùa hè, là giai đoạn quan trọng đối với doanh số của cửa hàng chúng tôi. Bình thường khách mua rất nhiều giầy dép. Chúng tôi đã phải đóng cửa bốn tuần và rất cần mở cửa lại, cho dù chúng tôi không thiệt hại nhiều như những cửa hàng khác.”
Việc giảm nhẹ các hạn chế chỉ được áp dụng cho các cửa hàng có diện tích dưới 800 mét vuông. Một số vùng chỉ cho các cửa hàng mở cửa vài ngày, những vùng khác thì thoải mái hơn. Giai đoạn mới này đang gây tranh luận về việc có nên dỡ bỏ hơn nữa biện pháp phong tỏa hay không. Thủ tướng Angela Merkel sợ rằng những tranh luận này khiến dân Đức lơ là việc tuân thủ các quy định phòng ngừa dịch bệnh. Theo báo chí Đức, trong một cuộc họp của đảng, thủ tướng Merkel đã kêu gọi mọi người đừng bàn tán quá nhiều về khả năng dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa,” thông tín viên Pascal Thibault từ Berlin tường thuật.
Ấn Độ ngưng sử dụng các bộ xét nghiệm Trung Quốc
Ấn Độ đã quyết định tạm ngưng sử dụng các bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 có kết quả không chính xác. Với 650.000 bộ xét nghiệm vừa nhập từ Trung Quốc, nước này sẽ tăng đáng kể số người được xét nghiệm, nhưng các thử nghiệm đầu tiên cho thấy các bộ xét nghiệm này có thể đã bị hỏng.
Thông tín viên Sébastien Farcis từ New Dehli tường thuật như sau:
“Từ nhiều tuần nay, Ấn Độ ngóng chờ chúng, nhưng bây giờ giống như họ vừa bị một gáo nước lạnh: Các bộ xét nghiệm nhanh của Trung Quốc có tỷ lệ sai lệch từ 6 đến 71% khi so sánh với các kết quả trong các phòng xét nghiệm vốn chính xác hơn. Cho nên, New Delhi phải tạm ngưng sử dụng các bộ xét nghiệm đó, trong khi chờ thẩm định.
Cơ quan y tế Ấn Độ quyết định sẽ không sử dụng các bộ xét nghiệm Trung Quốc trong việc chẩn đoán bệnh vì công nghệ này không đáng tin cậy lắm. Nhưng nhờ các bộ xét nghiệm này mà Ấn Độ sẽ tăng số xét nghiệm cho những bệnh nhân không có triệu chứng, chiếm đến 69% số bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ. Điều này sẽ giúp thẩm định sự lây lan thầm lặng của dịch bệnh, trong khi chưa đầy hai tuần nữa là đến lúc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Đây không phải là lần đầu tiên các sản phẩm Trung Quốc gây thất vọng lớn như thế trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay: Các thiết bị bảo hộ của Trung Quốc đã từng bị vứt bỏ khi vừa nhập về. Đại sứ quán Trung Quốc lúc đó đã khuyến cáo chỉ mua hàng của các công ty được chính phủ Bắc Kinh chứng nhận. Trong trường hợp này, Ấn Độ đã làm đúng theo khuyến cáo, thế mà chất lượng hàng hóa vẫn không được bảo đảm.”