ThuTuyet
Hàng ngày tôi nhận nhiều loại thông tin vui buồn gởi đến từ bạn bè khắp nơi trên thế giới, nhưng lúc này thì hầu hết tập trung báo tin cho nhau về nạn dịch Covid 19 và những hệ luỵ của nó. Trong đó có một video clip làm tôi chú ý và đã rất xúc động khi xem.
Đó là một câu chuyện nhỏ, một hành xử nhỏ thôi, nhưng nó đẹp lạ thường. Một cái đẹp đáng trân quí từ nhiều góc cạnh. Vì theo tôi, nhân cách của một con người được hình thành từ sự giáo dục của gia đình, nhà trường và môi trường xã hội. Nói rộng hơn, Ý thức hệ của một dân tộc có được là sự kết hợp của một hệ thống giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu sự kết hợp ấy chặt chẽ thì xã hội sẽ có những công dân tốt. Đó là nền tảng cho sự phát triển vững và bền của một đất nước.
Ông J.D, 58 tuổi, người Anh, trở lại Việt Nam năm 2015 (trước đó ông cũng đã có 6 năm làm việc tại Sài Gòn). Dạy tiếng Anh là thu nhập chính cho cuộc sống của ông tại đây. Từ lúc nạn dịch Covid 19, tất cả trường học đóng cửa, người dân phải tự cách ly, cuộc sống đảo lộn. Ông J. thất nghiệp! Sau 3 tháng, tiền tiết kiệm đã hết, không người thân, không về nước được; ông lâm vào tình trạng bế tắc!
Không tiền để mua thực phẩm, trả tiền nhà thuê, tiền gia hạn Visa và những nhu cầu thiết yếu hàng ngày; ông phải nhịn đói và chịu đựng. “Tôi vứt bỏ sĩ diện của một nhà giáo, cầm tấm bảng xin ăn, mong vượt qua khó khăn hiện nay; nhưng điều tôi muốn hơn là có việc làm. Mong ai đó nhận tôi đi dạy với giá tiền thuê bao nhiêu cũng được”, Ông buồn bã nói [1].
Ông đứng ở ngả tư đường, cầm tấm bảng với dòng chữ tiếng Việt, 2 mặt: “Không có công việc, giúp tiền để mua thức ăn. Cám ơn” và mặt kia: “Gia sư tiếng Anh, mỗi giờ …., gọi: …..” [2]”. Sau khi thông tin này được đưa lên mạng xã hội, rất nhiều tấm lòng đã đến với ông bằng nhiều hình thức: tiền, thực phẩm, chỗ ở miễn phí và công việc. Tuy nhiên, khi nhận vừa đủ số tiền để trang trải cho những nhu cầu tối thiểu hàng ngày, ông đã từ chối tất cả những sự giúp đỡ vẫn tiếp tục ào ạt mang đến tận nơi ông ở và qua qua điện thoại.
Lần này thì không phải ở ngả tư đường mà ngay trước cổng nhà, ông cầm một tấm bảng thứ hai với giòng chữ Tiếng Việt: “Tôi bị choáng ngợp bởi lòng từ bi và sự hào phóng của người Việt. Tôi đã có đủ thức ăn. Xin hãy quyên góp cho từ thiện ngay bây giờ” [3].
Vàsau đó ông chia sẻ: “ Tôi thật sự đã ổn. Cả ngày nay tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ mọi người. Thậm chí bây giờ tôi có quá nhiều công việc mà không thể làm hết. Tôi xin phép từ chối để nhường những điều đó cho người khó khăn khác” [4]
Không ai có thể nghĩ rằng, thế giới lâm vào tình trạng hôm nay, ngoại trừ một vài nhà “tiên tri” dự đoán! Hệ quả này đâu chỉ mình J. mà còn biết bao người đang khốn khổ và sẽ khốn khổ vì Covid 19. Nhưng nét đẹp ở đây là cách hành xử của ông ấy đã làm tôi vô cùng khâm phục và quí trọng.
Cho dẫu sự phát triển của khoa học công nghệ là một thay đổi lớn cho con người về mọi mặt; nhưng ít nhiều chúng ta vẫn còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng “Tôn sư trọng đạo”. Đó là nét đẹp của văn hoá Việt Nam, của xã hội Á đông nói chung. Tôi cũng đã từng là một nhà giáo, chắc chắn tôi không đủ can đảm để làm được điều như ông đã làm, nhưng tôi hiểu sâu sắc lòng tự trọng của ông, của một người làm giáo dục.
Để cầm được tấm bảng ra đứng ngả tư xin tiền là một việc làm vô cùng khó. Nó đòi hỏi lòng can đảm và sự chân thật. Nhưng để từ chối không tiếp tục nhận sự giúp đỡ còn khó gấp ngàn lần, vì nó đòi hỏi LÒNG TỰ TRỌNG!
Tôi đọc đâu đó ý này: Muốn hiểu rõ một con người, hoặc hãy cho anh ta nếm mùi Danh và Lợi hoặc hãy để anh ta rơi vào hoàn cảnh khốn đốn nhất. Lúc ấy mọi thứ sẽ bộc lộ. Và J., ông đã thể hiện nét đẹp của một người được thừa hưởng một nền giáo dục tốt. Bên cạnh những tấm lòng của người Việt Nam cho nhau trong cơn hoạn nạn cũng là một cái đẹp đã làm tôi vô cùng cảm kích.
THAM KHẢO
[1 &2] Youtube.com “Thầy giáo nước ngoài hết tiền ăn cơm, cầm bảng xin ăn giữa đường”/PhongBụi
[3] Youtube.com “Thầy giáo nước ngoài cầm bảng xin ăn gởi Phong Bụi 36,3 triệu đồng dể cho người nghèo”
[4] Thanhnien.vn “Thầy giáo tây cầm bảng giúp tiền: Người Việt quá nhân từ; tôi ổn, xin không nhận nữa”