Thu Hằng
Chưa bao giờ các nước ASEAN rơi vào tình trạng tế nhị và lưỡng nan như hiện nay trong mối quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Từ Biển Đông đến khu vực tranh giành ảnh hưởng, Đông Nam Á trở thành điểm nóng trong khi cả thế giới đang chống dịch Covid-19.
Tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông cho thấy rõ sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Chuyên gia Lucio Blanco Pitlo III, trên báo mạng Hồng Kông South China Morning Post ngày 07/05/2020, cho rằng Trung Quốc cần một “điểm nóng” để đánh lạc hướng công luận trong nước về cách xử lý khủng hoảng, bị công luận thế giới chỉ trích.
Bắc Kinh kích động tinh thần dân tộc thông qua các cuộc tập trận rầm rộ thể hiện sức mạnh quân sự được chiếu trên truyền hình Nhà nước để khẳng định không lơ là “bảo vệ chủ quyền” trước “những khiêu khích” của đối thủ, vừa được Hoàn Cầu Thời Báo (05/05) chỉ đích danh là Hoa Kỳ.
Washington, thông qua ngoại trưởng Mike Pompeo và bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper, liên tục lên án Bắc Kinh « đục nước béo cò », lợi dụng cả thế giới chống dịch để củng cố yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Trong cuộc họp báo ngày 05/05, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ phát biểu: “Trong khi Bắc Kinh tăng cường chiến dịch tuyên truyền sai lệch nhằm chuyển hướng chỉ trích và đánh bóng hình ảnh, chúng tôi tiếp tục chứng kiến cách hành xử hung hăng của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông, từ đe dọa tầu hải quân Philippines đến đâm chìm tầu cá Việt Nam và đe doạ các nước khác phát triển dầu khí ngoài khơi”.
Tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải và thịnh vượng trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương được ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tái khẳng định trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh ngày 06/05. Trước đó, trang Taipei Times ngày 06/05, trích phát biểu của đại sứ Đài Loan ở Hoa Kỳ, cho biết đích thân tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho Hải Quân Mỹ tái lập vai trò kiểm soát và bảo đảm tự do hàng hải ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương do lo ngại Trung Quốc chiếm ưu thế trong trật tự thế giới thời hậu dịch Covid-19. Nếu điều đó xảy ra, Mỹ sẽ phải chấp nhận các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực, liên minh an ninh giữa Mỹ các đồng minh, đối tác trong vùng sẽ bị xói mòn…
Ngoài xung đột thương mại, cuộc khẩu chiến gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh về nguồn gốc và cách xử lý dịch Covid-19 cũng cho thấy sự rạn nứt khó hàn gắn được, ít nhất là trong thời gian sắp tới. Trung Quốc trở thành “vật tế thần” hiệu quả của tổng thống Trump để trút hết tội lỗi trong khi ông cũng bị chỉ trích lơ là những khuyến cáo, đánh động ngay từ tháng 01/2020 về mức độ nguy hiểm của dịch. Bắc Kinh thì tung tin chính Mỹ đem virus corona vào Vũ Hán, tại đại hội thể thao quân sự vào tháng 10/2019 để tự nhận cũng là « nạn nhân » của dịch Covid-19.
Liệu ASEAN có thể giữ mãi im lặng và thụ động?
Một số chuyên gia, khi trả lời trang EurAsian Times ngày 03/05, nhận định chừng nào các nước thành viên ASEAN còn bất đồng, Trung Quốc sẽ càng dễ “chia để trị” và gặt hái thành quả từ chiến lược này. Gợi ý được đưa ra là ASEAN hợp tác với Mỹ, nước không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng là nước duy nhất có thể ngăn chặn kế hoạch và hành động của Bắc Kinh trong khu vực.
Báo mạng The Straits Times cũng nêu nhận định của giáo sư Khoong Yuen Foong, trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew School of Public Policy), trong cuộc hội thảo bàn tròn trực tuyến ngày 28/04 rằng dịch Covid-19 làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ Mỹ-Trung, vốn đã xấu đi do cuộc chiến thương mại và cạnh tranh chiến lược. Có thể hai bên sẽ gây sức ép buộc ASEAN phải chọn phe nào.
Giáo sư Khoong nhận định các nước ASEAN cũng khó giữ được vị trí trung dung giữa hai đại cường : Một bên là đối tác thương mại hàng đầu, trong đó có dự án cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường, bên kia là đối tác chiến lược giúp kìm hãm tham vọng bành trướng của nước láng giềng khổng lồ. Một lần nữa, ASEAN lại rơi vào tình cảnh « trên đe dưới búa ».
Covid-19: Các hãng hàng không ra sức trấn an hành khách
Thanh Phương
Đại dịch Covid-19 đã khiến giao thông hàng không trên toàn thế giới gần như tê liệt trong nhiều ngày, khiến nhiều hãng hàng không đang đối diện với nguy cơ phá sản, nếu không có sự trợ giúp của các Nhà nước.
Nay những hãng này còn phải tuân thủ những quy định mới về an toàn dịch tễ do nhân loại sẽ phải « sống chung » với virus corona trong một thời gian dài. Nhưng so với những phương tiện giao thông công cộng khác, các hãng hàng không khó mà tuân thủ được quy định về “giãn cách xã hội”.
Cũng giống như hệ thống metro và xe lửa, các công ty hàng không được yêu cầu phải bảo đảm giãn cách xã hội trên các máy bay, ví dụ như hàng ghế có 3 chỗ thì phải để trống ghế ở giữa, để cho giữa hai hành khách có một khoảng cách toàn.
Nhưng hôm thứ Ba, 05/05/2020, Hiệp hội Giao thông Hàng thông Quốc tế (IATA), một tổ chức tập hợp 290 hãng hàng không, cho biết là các công ty trong ngành này không chấp nhận quy định đó. Theo IATA, nếu yêu cầu các hãng hàng không để trống ghế ở giữa, thì tỷ lệ lắp đầy tối đa máy bay sẽ rơi xuống còn 62%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 77%, tức là mức tối thiểu để một chuyến bay có lãi.
Hiện giờ ngành giao thông hàng không đã gặp rất nhiều khó khăn. Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, so với một năm bình thường, dịch Covid-19 có thể sẽ làm giảm đi 1,2 tỷ hành khách trên thế giới từ đây đến tháng 9.
Riêng tại Hoa Kỳ, theo tờ Air Journal (10/04/2020), số hành khách đi máy bay sụt giảm đến mức giao thông hàng không coi như đã lùi lại 70 năm. Ví dụ như ngày 07/04 vừa qua, chỉ có chưa tới 100.000 hành khách đăng ký ở các sân bay, giảm đến 95% so với cùng thời kỳ năm 2019, tức là bằng của mức của năm 1954, năm mà tổng số hành khách đi máy bay ở Mỹ là vào khoảng 97 000 người. Trước tình hình đó, vào đầu tháng 4, các hãng không của Hoa Kỳ cũng đã xin chính phủ liên bang trợ giúp 50 tỷ đô la để có tiền trả lương cho các nhân viên, tránh phải sa thải hàng loạt từ đây đến cuối tháng 9.
Tại Pháp, theo AFP, Air France – KLM hôm 07/5 vừa thông báo bị lỗ 1.8 tỷ euro trong quý 1/2020 do tác động của dịch bệnh. Mặc dù được Nhà nước hứa cho vay 7 tỷ, tập đoàn cho biết sẽ thảo luận với các công đoàn về khả năng cắt giảm nhiều việc làm.
IATA cảnh báo rằng, đã gặp khó khăn như vậy rồi mà còn phải tuân thủ « giãn cách xã hội » thì rất nhiều hãng hàng không sẽ bị phá sản. Một lý do khác để IATA không thể tuân thủ giãn cách xã hội đó là, theo dự báo của tổ chức này, giá vé máy bay có thể sẽ tăng thêm từ 43 đến 54% tùy theo vùng, và mức tăng này cũng sẽ chỉ vừa đủ để bù đắp cho các chi phí vận hành phát sinh thêm từ việc tuân thủ giãn cách xã hội.
Đeo khẩu trang trên máy bay
Để tạm thời bảo đảm an toàn dịch tễ khi giao thông hàng không được phục hồi, thay cho giãn cách xã hội, IATA đề nghị là toàn bộ các hành khách và nhân viên phi hành đoàn phải đeo khẩu trang bảo hộ y tế. Đối với IATA, biện pháp này sẽ giảm bớt « nguy cơ vốn đã rất thấp » của sự lây nhiễm Covid-19 trên máy bay.
Ngoài ra, IATA đề nghị đo thân nhiệt hành khách đi máy bay, sắp xếp lại các thủ tục lên máy bay để tránh các tiếp xúc, hạn chế di chuyển trong khi bay, đơn giản hóa việc phục vụ ăn uống, và tẩy rửa khoang máy bay thường xuyên hơn và kỹ lưỡng hơn. Về lâu dài, IATA dự kiến là các hành khách sẽ phải được chích ngừa Covid-19, hoặc phải mang theo « hộ chiếu y tế », một loại giấy chứng nhận không nhiễm virus corona, hoặc sẽ được xét nghiệm nhanh để phát hiện ngay tại chỗ các ca nhiễm bệnh.
Riêng tại Pháp, chính phủ đã quyết định là trong vòng ít nhất là 3 tuần sau khi hết phong tỏa ngày 11/05, việc đeo khẩu trang là bắt buộc trong mọi phương tiện giao thông công cộng, kể cả trong máy bay.
Theo hãng tin AFP, hôm thứ Hai 04/5, hãng Air France vừa thông báo là kể từ ngày 11/05, toàn bộ các hành khách của hãng này đều phải mang khẩu trang tự mang theo trước khi lên máy bay. Toàn bộ nhân viên phi hành đoàn và nhân viên làm việc ở sân bay cũng đều phải đeo khẩu trang. Việc phục vụ ăn uống trên máy bay cũng sẽ thay đổi để thích ứng với yêu cầu phòng ngừa dịch Covid-19.
Air France cũng trấn an hành khách là sẽ cố gắng bảo đảm giãn cách xã hội trên máy bay mỗi khi có thể. Trước mắt, trên phần lớn các chuyến bay, do tỷ lệ lấp đầy khoang còn thấp, cho nên hãng có thể bảo đảm khoảng cách an toàn giữa các hành khách. Hãng hàng không Pháp còn trấn an hành khách là sẽ tăng cường tẩy rửa máy bay mỗi ngày và sẽ phun định kỳ một chất diệt virus với tác dụng kéo dài đến 10 ngày. Không khí trong khoang máy bay cứ mỗi 3 phút sẽ được lọc sạch một lần, bằng một bộ lọc « tương tự như loại sử dụng trong các phòng phẫu thuật, virus không thể lọt qua được ».
Trong khi đó một hãng hàng không của Mỹ Frontier đề nghị hành khách nào muốn được « giãn cách xã hội » thì đóng thêm 39 đôla cho dịch vụ « More Room (Thêm chỗ), có nghĩa là bảo đảm ghế kế bên sẽ không có ai ngồi.
Đi máy bay dễ bị lây nhiễm?
Virus corona thường lây lan qua các hạt nước li ti bắn ra khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc nói chuyện. Như vậy trong không gian chật hẹp của khoang máy bay, hành khách có dễ bị lây nhiễm hay không?
IATA khẳng định virus corona không lan truyền trên máy bay nhiều hơn những môi trường khác. Lập luận của IATA là trên máy bay, hành khách thường nhìn về phía trước, ít có dịp đối mặt với nhau, hơn nữa các hàng ghế coi như là những vật chắn, hệ thống thông gió thì thổi từ trên xuống dưới, cho nên làm giảm đi khả năng virus lan truyền từ phía trước ra phía sau máy bay. Đồng thời, trên những máy bay đời mới nhất, các bộ lọc không khí có chất lượng không kém gì trong phòng giải phẫu của bệnh viện.
Nhưng những lập luận của AITA có đủ cơ sở khoa học để làm an lòng các hành khách tương lai hay không? Không thể nào khẳng định có 100%, vì cho tới nay virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều bí ẩn đối với các nhà khoa học.
Bình thường các khoang máy bay đã là nơi chứa nhiều nguy cơ lây lan đủ loại vi khuẩn, do việc hành khách ngồi sát cạnh nhau trong một không gian chật hẹp, trong một thời gian dài có khi lên đến hơn 10 tiếng. Một cách lôgic, trong mùa dịch Covid-19, nguy cơ lây nhiễm đương nhiên càng lớn hơn.
Một nghiên cứu của Mỹ được thực hiện trên một chiếc Boeing 767, cho thấy không nên xem thường nguy cơ lây nhiễm virus corona trên máy bay. Trong nghiên cứu này, Qingyan Chen, giáo sư kỹ thuật cơ khí đại học Purdue, Hoa Kỳ, đã chứng minh khi một hành khách ho trong một máy bay thì sẽ có hậu quả như thế nào đối với các hành khách khác.
Phối hợp với các kỹ sư của Boeing, vị giáo sư này đã nghiên cứu xem việc điều chỉnh hệ thống thông gió của máy bay có giúp giảm bớt nguy cơ lây nhiễm Covid-19 hay không. Cuối cùng, họ phát hiện rằng, các hành khách ngồi cách một bệnh nhân 7 hàng ghế trong một chiếc Boeing 767 có một phần ba nguy cơ bị lây nhiễm sau 5 giờ bay.
Tuy nhiên, họ cũng thấy rằng nếu điều chỉnh hệ thống thông gió sao cho không khí được thổi dưới sàn máy bay hơn là từ trên cao, thì sẽ giúp giảm phân nửa nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Nhưng điều chỉnh hệ thống thông gió của toàn bộ máy bay sẽ rất tốn kém đối với các hãng hàng không, hiện đang đứng trước nguy cơ phá sản do hậu quả của dịch virus corona.
Đó là cái vòng luẩn quẩn mà các hãng hàng không đang cố thoát ra : Làm sao trấn an hành khách để họ yên tâm sử dụng trở lại phương tiện máy bay, mà không làm gia tăng gánh nặng tài chính ?
Trước mắt, theo một điều tra của IATA, trong số những hành khách cuối cùng đi máy bay, chỉ có 60% cho biết họ sẽ trở lại với phương tiện vận chuyển này trong khoảng 1 đến 2 tháng sau khi lệnh phong tỏa ở nước họ được dỡ bỏ. Nhưng 40% thì nói là họ sẽ chờ ít nhất là 6 tháng mới leo trở lại lên máy bay.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (OACI) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang thảo luận với IATA và Tổ chức các sân bay (ACI) để quyết định các biện pháp phòng ngừa Covid-19 trong giao thông hàng không trên thế giới.
Covid-19 : Oktoberfest bị hủy, ngành làm bia Đức lao đao
Tuấn Thảo
Mười triệu lít bia sẽ bị tiêu hủy do hết hạn sử dụng, theo thông cáo hôm 06/05 của nghiệp đoàn các nhà sản xuất bia Pháp Brasseurs de France. Một dấu hiệu khác cho thấy dịch Covid-19 đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành làm bia, Lễ hội tháng Mười Oktoberfest tại Đức cũng bị hủy bỏ, khiến cho thành phố München bị thất thu khoảng 1,2 tỷ euro.
Được tổ chức hàng năm trong vòng hai tuần lễ vào đầu mùa thu, ‘‘Lễ hội tháng Mười’’ Oktoberfest là liên hoan bia của vùng Bayern, có từ hơn hai thế kỷ qua. Đây là lần thứ nhì Oktoberfest bị hủy kể từ khi được thành lập cách đây hơn 200 năm. Lần đầu tiên lễ hội này không được tổ chức là vào năm 1854, vào thời mà nạn dịch tả đang hoành hành tại châu Âu. Cũng cần biết rằng, Lễ hội tháng Mười thu hút mỗi năm khoảng 6 triệu lượt người tham dự, trong đó có nhiều du khách nước ngoài. Họ tụ họp lại dưới những chiếc lều khổng lồ, ngồi xung quanh những chiếc bàn gỗ thật dài, cụng ly hát hò và thưởng thức bia với các món ăn truyền thống của München vùng Bayern (trong tiếng Pháp là Munich vùng Bavière). Nhân dịp này, các hãng bia trong vùng chế biến một loại bia có độ cồn cao hơn mức bình thường, nồng hương mạch nha đậm mùi hoa bia.
Tuy nhiên, đối với hội đồng thành phố München cũng như chính quyền cấp vùng, sự kiện có đến 6 triệu người cùng tập hợp với nhau trong vòng hơn hai tuần là một tình huống đầy bất trắc. Theo lãnh đạo bang Bayern Markus Söder, Lễ hội tháng Mười thể hiện tinh thần chung vui và sự gần gũi, vì thế cho nên ban tổ chức Oktoberfest không thể nào mà áp dụng được các quy tắc giữ khoảng cách an toàn tối thiểu giữa những người tham dự. Cũng theo ông Markus Söder, việc mở lại Lễ hội tháng Mười chỉ có thể được thực hiện chừng nào giới khoa học tìm ra vắc-xin chống lại virus corona. Đó là biện pháp duy nhất phòng chống dịch bệnh hữu hiệu nhất.
Về phần mình, thị trưởng München Dieter Reiter cho biết quyết định hủy bỏ Oktoberfest là một điều đáng buồn. Về mặt kinh tế, đó cũng là một đòn rất đau vì thủ phủ vùng Bayern bị thất thu hơn 1.2 tỷ euro. Lễ hội tháng Mười là một sự kiện có lợi cho rất nhiều ngành nghề, từ khách sạn nhà hàng cho đến hàng loạt dịch vụ khác như chuyên chở tiếp đón tham quan thành phố, tất cả các ngành có liên quan đều bị ngưng hẳn lại. Để thấu hiểu tầm vóc của lễ hội Oktoberfest, thì 9 tháng trước ngày khai mạc sự kiện, các khách sạn xung quanh khu vực Theresienwiese đã không còn chỗ.
Việc hủy bỏ Oktoberfest chỉ là phần nổi của tảng băng, và khá nhiều công ty cỡ nhỏ và trung bình trong ngành sản xuất bia đang hứng chịu hậu quả trực tiếp của dịch Covid-19. Song song với việc đóng cửa các hàng quán kể từ tháng 03/2020, hàng loạt trận đấu thể thao cũng như các sự kiện văn hóa, hội chợ chuyên đề cũng như liên hoan ẩm thực đều bị hủy bỏ, trong khi bia lại là thức uống phổ biến nhất (so với rượu vang hay champagne) do có giá mềm và thích hợp hơn với các sinh hoạt mang tính cộng đồng và lễ hội.
Không chỉ riêng gì nước Đức, mà đa số các công ty chuyên sản xuất bia tại Bỉ, Pháp hay Hà Lan đều đang lo lắng khi thấy doanh thu của họ bị sút giảm khá mạnh. Theo ông Jacques Lebel, giám đốc chi nhánh Pháp của tập đoàn hàng đầu thế giới Anheuser-Busch InBev bao gồm các thương hiệu quốc tế nổi tiếng như Budweiser, Leffe, Hoegaarden, Labatt, Spaten, Lowenbrau, 4 Pines, Stella Artois …..
bia không phải là một trong những sản phẩm ‘‘hưởng lợi’’ từ khi có lệnh phong tỏa. Người tiêu dùng châu Âu đã mua khá nhiều hàng để dự trữ, nhưng người ta có thể sợ thiếu nhiều thứ khác chứ chẳng ai sợ thiếu bia. Riêng thương hiệu bia Corona của tập đoàn này đã bị thất thu khoảng 170 triệu đô la vào đầu tháng Ba chỉ vì hiệu bia có tên gọi trùng hợp với virus corona.
Còn theo ông Mathias Fekl, chủ tịch nghiệp đoàn các nhà sản xuất bia Pháp Brasseurs de France, tình hình còn nghiêm trọng hơn vì dịch Covid-19 đã bùng phát vào thời điểm tồi tệ nhất trong năm đối với giới chuyên ngành. Tháng Ba thường là thời kỳ các nhà sản xuất bia bị hạn chế về nguồn tiền mặt. Tại châu Âu, các nhà làm bia dành trọn mùa đông để sản xuất bia để bán vào mùa hè khi thời tiết thuận lợi hơn, các nhà sản xuất mua nguyên liệu và các thành phần chế biến chủ yếu là vào thời điểm mùa đông. Bình thường thì những ‘‘thùng bia’’ đầu tiên được bán trên thị trường vào cuối tháng Tư khi trời nắng đẹp trở lại, nhưng do tất cả các hàng quán đều đóng cửa, các liên hoan lễ hội đều bị hủy bỏ, cho nên các nhà sản xuất đã chi thì nhiều, nhưng thu lại chẳng được bao nhiêu.
Tại Đức, bia là thành phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực quốc gia, các nhà sản xuất cũng khá bi quan. Theo ông Holger Eichele, chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất bia Đức, dịch Covid-19 đã làm cho nhiều công ty chuyên sản xuất để phục vụ cho các hàng quán, các liên hoan thường niên mất đến 90% doanh thu. Còn theo chuyên gia Marc-Oliver Huhnholz, cứ trên 5 nhà máy sản xuất bia tại Đức là có một công ty có nguy cơ sa thải nhân viên, hiện giờ 87% công ty đã áp dụng chế độ làm việc bán thời gian đối với giới nhân viên của họ. Vào đầu tháng 04/2020, mức xuất khẩu bia của Đức đã giảm đến 58%, đặc biệt là khối lượng xuất sang Trung Quốc và Ý, vốn là hai thị trường nước ngoài tiêu thụ bia Đức nhiều nhất.
Về phần mình, tập đoàn sản xuất bia Hà Lan Heineken, đứng hạng nhì trên thế giới, cho biết là khối lượng bia được sản xuất sẽ giảm liên tục trong hai quý đầu của năm 2020. Tập đoàn này với hơn 165 nhà máy bia tại hơn 70 quốc gia, dự báo là tình hình tại châu Âu sẽ vẫn khó khăn vào mùa hè này, cho dù lệnh phong tỏa có được dỡ bỏ kê từ tháng 5/2020, nhưng mọi hình thức tụ tập còn lâu nữa, mới trở lại mức bình thường.