- Nguyên Nguyên
Cách đây khoảng chừng 5 năm, nhân một buổi trà dư tửu hậu tại nhà một người bạn, chủ khách chuyện trò lòng vòng rồi dẫn đến Kim Dung và các quyển tiểu thuyết kiếm hiệp lừng danh của ông. Một anh bạn (nếu không lầm, giáo sư Phạm ở New South Wales) chợt nhắc đến nhân vật Trần Hữu Lượng trong ‘Cô Gái Đồ Long’ và nói anh vừa đọc được ở đâu đó có viết Trần Hữu Lượng là một người Việt.
Người viết cố gắng moi óc với giúp đỡ của anh bạn đó mới nhớ rằng trong Cô Gái Đồ Long ấn bản đầu tiên của Kim Dung có một nhân vật tên Trần Hữu Lượng lớn tuổi hơn Trương Vô Kỵ một chút. Anh này xuất hiện lúc Trương Tam Phong dẫn Vô Kỵ lên Thiếu Lâm Tự để xin phép dùng Cửu Dương Chân Kinh chữa trị bệnh cho Vô Kỵ. Bệnh của Vô Kỵ có vẻ rất nan y vì Vô Kỵ đã bị một cú Huyền Minh thần chưởng từ một cao thủ Mông Cổ khi được thả lại tại chùa Võ Đang. Sau khi thử trị bệnh cho Vô Kỵ bằng nhiều cách theo kiến thức uyên bác của ông, Trương Tam Phong mới nghĩ rằng chỉ có Cửu Dương Chân Kinh mới có thể cứu Vô Kỵ khỏi cơn bệnh ngặt nghèo do thứ băng hàn chưởng kịch độc mang tên Huyền Minh thần chưởng gây nên. Khổ một nỗi Trương Tam Phong trong thuở thiếu thời chạy trốn khỏi chùa Thiếu Lâm với sư phụ Giác Viễn chỉ học được chừng phân nửa quyển Cửu Dương Chân Kinh do Giác Viễn trước khi viên tịch đã đọc lại. Phân nửa kia hiện có ở chùa Thiếu Lâm. Bởi vậy mấy mươi năm sau khi cần phải thấu triệt hết Cửu Dương Chân Kinh hầu chữa trị bệnh cho Vô Kỵ, Trương Tam Phong, một chưởng môn phái Võ Đang đang lên, đã không quản ngại nhục nhằn dẫn Vô Kỵ lên Thiếu Lâm Tự xin trao đổi kiến thức về Cửu Dương Chân Kinh của đôi bên để cả hai đều được trọn vẹn toàn bộ quyển kinh bí kiếp này. Nếu được vậy Trương Tam Phong sẽ dùng trọn bộ Cửu Dương Chân Kinh chữa trị cho cậu bé Trương Vô Kỵ.
Đến chùa Thiếu Lâm sau khi trình bày mục đích từ bi cứu khổ của mình Trương Tam Phong được đưa đến gặp một thiếu niên đang ở trong chùa tên Trần Hữu Lượng. Hai bên dàn xếp sao đó để Trương Tam Phong đọc ra phần Cửu Dương Chân Kinh của mình trước và sau đó phe Thiếu Lâm sẽ đưa ra phần Cửu Dương Chân Kinh của họ sau. Trương Tam Phong tình thật đọc hết nửa phần của quyển võ kinh bí kiếp ông còn nhớ cho Trần Hữu Lượng nghe. Sau khi đọc xong Trương lão nhân mới hỏi xin được lãnh giáo phần Cửu Dương của bên Thiếu Lâm. Trần Hữu Lượng thay mặt cho bên Thiếu Lâm đáp rằng tưởng gì lạ chứ những gì Trương Tam Phong vừa đọc Thiếu Lâm đã có sẵn rồi. Và gã thiếu niên họ Trần đọc lại cho Trương Tam Phong nghe vanh vách không sót một chữ những gì Trương Tam Phong vừa mới đọc ra. Như thế phe Thiếu Lâm đã lấy cớ rằng Trương không có gì để trao đổi nên không cho Trương phần Cửu Dương họ có và đuổi khéo Trương Tam Phong cùng Vô Kỵ ra khỏi chùa.
Đoạn Trần Hữu Lượng này của Cô Gái Đồ Long đã bị Kim Dung cắt xén bỏ hết trong bản nhuận sắc sau cùng hiện nay. Trần Hữu Lượng cũng như Trương Tam Phong, Chu Nguyên Chương, Quách Tỉnh, Khâu Xứ Cơ,… là những nhân vật có thật trong lịch sử của Trung Quốc. Chu Nguyên Chương, Trần Hữu Lượng và Trương Sĩ Thành (không có trong truyện của Kim Dung) là ba lãnh tụ ‘sáng chói’ nhất trong việc nổi dậy lật đổ nhà Nguyên (Mông Cổ). Lực lượng Chu Nguyên Chương cuối cùng đã đánh đổ được nhà Nguyên, lập nên nhà Minh, và Chu Nguyên Chương lên ngôi lấy hiệu Minh Thái Tổ, một ông vua độc tài vào bực nhất của Trung Quốc.
Đời nhà Nguyên bên Tàu (1277-1367) kéo dài gần như song song với triều đại nhà Trần (1225-1400) ở Việt Nam, lúc đó còn gọi là An-Nam, một quốc hiệu được đặt ra từ đời nhà Tống bên Tàu. Nhà Nguyên và nhà Trần trước sau đã 3 lần ‘Hoa Sơn luận kiếm’ với nhau và cả ba lần quân đội nhà Trần với quyển binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo đã đánh bại quân Mông Cổ và con cháu của Thiết Mộc Chân tức Thành Cát Tư Hãn – cha của Hoa Tranh công chúa, người đã có mối tình còn trẻ dại với Kim Đao phò mã (hụt) Quách Tỉnh trong Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung. (Tiếc rằng Việt Nam không có một Kim Dung để kiếm hiệp hoá Trần Hưng Đạo như Kim Dung đã kiếm hiệp hoá tướng Nhạc Phi đời Tống trong bộ Anh Hùng Xạ Điêu). Đọc sử Việt của Trần Trọng Kim hay của Phạm Văn Sơn, ta để ý trong chiều dài của cuộc luận kiếm giữa nhà Trần với Mông Cổ nhà Nguyên, nhà Trần hàng năm phải gửi chừng năm ba nhân tài xứ An Nam (gồm những nhà ‘khoa học’, y sĩ, khoa bảng hạng nhất) sang chầu chực Nguyên Chủ và ngược lại nhà Nguyên cũng ‘bốc’ một vài hoàng thân quốc thích xứ An Nam như Trần Di Ái và Trần Ích Tắc và một lô hầu cận sang bên đó được huấn luyện để sau này xử dụng họ vào những ‘lá bài’ áp đặt làm vua (bù nhìn) cho nước Nam. Trần Hữu Lượng nếu có dòng máu Việt rất có thể là con của một trong những người này.
Họ Trần rất phổ thông ở mìền Hoa Nam bên Tàu và họ Trần dường như chỉ di dân sang nước Nam một vài thế hệ trước khi Trần Thủ Độ chiếm ngôi nhà Lý và thiết lập nhà Trần. Ở Hongkong họ Trần gọi là Chan, ở Trung Hoa lục địa gọi Chen, ở Mã Lai gọi Tan, ở In-Đô Tanoko, v.v.. Việc họ Trần từ Tàu di cư sang nước An-Nam rồi về sau lãnh đạo nước Nam chống lại Tàu không có gì lạ trong lịch sử Việt. Trước đó có Lý Bôn (hay Lý Bí) cũng gốc Tàu ở nước Nam được bảy đời vào giữa thế kỷ thứ 6 đã nổi lên đánh đuổi quân Tàu giành lại độc lập và dựng nên nhà Tiền Lý ngắn ngủi. Về sau Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ gốc họ Hồ có tổ tiên di cư sang nước Nam vào thế kỷ thứ 10 từ tỉnh Chiết Giang (quê hương của Kim Dung) bên Tàu cũng đã đánh nhà Mãn Thanh ở Bắc Phương thua xiểng liểng.
Trở lại chuyện Trần Hữu Lượng, phản ứng thông thường của bất cứ ai nghe nói Trần Hữu Lượng có thể là một người ‘An-Nam’ theo cha sang Tàu rồi ở luôn bên đó, về sau mưu đồ đại sự lật đổ nhà Nguyên, chắc sẽ cho rằng Kim Dung đúng thật một tác giả có đầu óc thương mại rất bén, vì muốn chiếm cảm tình của độc giả Việt Nam đang theo dõi những truyện kiếm hiệp của ông được dịch đăng báo hằng ngày ở Sàigòn theo kiểu ‘phơi-yơ-tông’, ông đã nhét vào đó nhân vật Trần Hữu Lượng thay vì Trương Sĩ Thành bởi Trần Hữu Lượng có liên hệ tới Việt Nam! Chắc chỉ thế thôi.
Nhưng nếu đọc lại ‘Thiên Long Bát Bộ’ và ‘Lục Mạch Thần Kiếm’ ta lại một lần nữa cảm thấy một cái gì hơi là lạ khi Kim Dung giới thiệu một nhân vật nữ mang họ Nguyễn tức Nguyễn Tinh Châu – người tình vắn số của Tiêu Phong (hay Kiều Phong) bang chủ của Cái Bang. Trong hai bộ truyện đó, ông hoàng đa tình của nước Đại Lý tên Đoàn Chính Thuần, trên danh nghĩa là cha của thái tử Đoàn Dự, có rất nhiều người tình, mỗi bà ông tặng một hai đứa con, thường thường con gái. Một trong những người tình đó mang họ Nguyễn và có hai người con gái, người chị mang tên Nguyễn Tinh Châu, người em Nguyễn Tinh Tử tức A Tử. Nguyễn Tinh Châu và Tiêu Phong gặp nhau rồi yêu nhau. Trong khi đó Tiêu Phong điều tra ra thủ phạm giết cha mẹ mình năm xưa không ai khác hơn Đoàn Chính Thuần cha ruột của Tinh Châu. (Mãi về sau này Tiêu Phong mới biết rằng điều tra đó hoàn toàn sai). Để trả thù cho cái chết thảm khốc của cha mẹ Tiêu Phong hẹn Đoàn Chính Thuần đến đấu võ sống chết với nhau vào lúc giữa đêm. Nghe lén được, Nguyễn Tinh Châu vì mang nặng chữ hiếu với cha nên mặc áo giả dạng làm Đoàn Chính Thuần đến nơi hẹn. Tiêu Phong trong đêm tối nhìn thấy người tình muôn thuở Tinh Châu lại tưởng lầm là Đoàn Chính Thuần nên đánh cho một cú Hàng Long Thập Bát Chưởng, món võ bí truyền của các Bang Chủ Cái Bang (hội đoàn của những người khất thực ăn xin) làm cho Tinh Châu bị trọng thương và chết liền sau đó trong vòng tay thống khổ của Tiêu Phong. Trong suốt khoảng đời còn lại Tiêu Phong mang nặng nổi sầu bi không thế nào giải toả được, và cưu mang người em gái của Tinh Châu là A Tử. A Tử đem lòng yêu Tiêu Phong nhưng khổ nỗi Tiêu Phong chỉ thương A Tử như người em. A Tử lại có một anh chàng khác say mê cuồng nhiệt tên Du Thản Chi có lúc đã dâng đôi mắt người xưa của mình tặng cho A Tử ‘ghép mắt’ vì chợt bị mù không thấy đường. (Ở đây, Kim Dung có vẻ xạo hết chỗ nói chắc với ngụ ý đề cao y thuật Trung Quốc hồi xưa!!). Và mối tình éo le ba chiều đó đã được Kim Dung kết thúc bằng một giải đáp không có ‘hậu’, một ‘unhappy ending’ để lại cho người đọc bao ngậm ngùi thương tiếc.
Phải nhìn nhận trong hàng trăm pho truyện Tàu chỉ có bộ Thiên Long Bát Bộ nói riêng và một số tiểu thuyết của Kim Dung nói chung đã đề cập đến họ Nguyễn và nước Đại Lý mà thôi. Họ Nguyễn mặc dù cũng xuất xứ từ miền Hoa Nam bên Tàu nhưng ngày nay còn rất ít những người mang họ này ở bên Tàu. Ngược lại ở nước Việt họ Nguyễn được rầm rộ gia tăng sau khi Trần Thủ Độ cướp ngôi nhà Lý (1010-1225) và bắt ép những người mang họ Lý phải đổi ra họ Nguyễn để thứ dân không còn nhớ đến triều đại nhà Lý xưa cũ nữa.
Họ Nguyễn lại gia tăng dữ dội hơn nữa khi Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá năm 1558 khởi đầu cho mầm mống nhà Nguyễn sau này. Họ Nguyễn giờ đây chiếm đến khoảng 40 phần trăm của các họ khác nhau của người Việt. Trong niên giám điện thoại ở các thành phố có đông người Việt định cư như ở Úc và Mỹ chẳng hạn – họ Nguyễn được sắp xếp theo thứ tự số đông có thể đứng từ hạng 5 đến hạng 10 rất dễ dàng. Thành ra nói tới họ Nguyễn trong thời đại hiện nay tức nói tới người Việt, Việt Nam. Kim Dung có ngụ ý gì chăng khi ông phải dùng đến họ Nguyễn cho nhân vật Nguyễn Tinh Châu mà không dùng các họ khác như họ Đào, họ Lý, họ Tô, họ Hoàng, họ Tiết, họ Nhâm, họ Địch và nhất là họ Phạm một họ có cả trong vùng Hoa Nam, nước An Nam và cả nước Lâm Ấp (hay Chiêm Thành) vào các thời xa xưa đó.
Thêm vào đó trong ba bốn bộ truyện liên tiếp, Kim Dung ưa đưa vào đó những nhân vật thuộc nước Đại Lý như Đoàn Nam Đế tức Nhất Đăng Đại Sư trong Xạ Điêu Anh Hùng truyện, Đoàn Chính Thuần, Đoàn Dự trong Lục Mạch Thần Kiếm và Thiên Long Bát Bộ, v.v. Nước Đại Lý đại khái nằm ở địa bàn của tỉnh Vân Nam (Yun-Nan) ngày nay. Tỉnh Vân Nam giáp giới với phía Tây Bắc ở mạn Lào Cai, Lai Châu của nước Việt Nam. Thời cổ đại khu Đại Lý có tên Điền Việt, có thể bao gồm hay giáp ranh với nước Tây Âu hay Âu Việt và nước Nam Cương của Thục Phán. Theo Trần Trọng Kim trong bộ Việt Nam Sử Lược, Thục Phán không thể xuất phát từ nước Tây Thục ở tận Tứ Xuyên xa xôi mà chỉ có thể từ một nước nhỏ nào đó trong khu vực Vân Nam ngày nay, hay vùng mang tên Đại Lý hồi cuối đời Nam Tống bên Tàu.
Gần đây Taylor dẫn cứ tài liệu các sử gia Vietnam cho rằng Thục Phán xuất quân từ nước Nam Cương nằm ở khu Cao Bằng. Thục Phán đánh dứt điểm Hùng Vương của nước Văn Lang (tức Lạc Việt) rồi sát nhập Âu Việt và Lạc Việt thành một nước mang tên Âu Lạc, xưng hiệu An Dương Vương. Sau mấy cái màn đấu võ, nhất là ngón Nhất Dương Chỉ của mấy hoàng thân quốc thích nước Đại Lý trong truyện của Kim Dung, nước Đại Lý bị quân Mông cổ thôn tính vào năm 1253 trước khi tiến đánh nhà Trần. Tiếp theo, nhà Nguyên đã cho di dân sang đó hơn 30000 quân lính và gia đình của họ cùng với một số người theo đạo Hồi ở vùng Tây Bắc. Chính sách đồng hoá này được tiếp diễn dưới triều đại nhà Minh vào năm 1381.
Thử xem lại giả thiết đơn sơ rằng Kim Dung muốn thu hút thêm độc giả Việt Nam vào thời tiểu thuyết của ông đăng báo hằng ngày ở Saigon theo lối ‘phơi-yơ-tông’ bằng cách cho vào đó một số nhân vật hay bối cảnh có dính líu sơ sơ đến Việt Nam. Kim Dung đã viết Ỷ Thiên Đồ Long Ký vào năm 1961, Thiên Long Bát Bộ vào năm 1963, và tiểu thuyết kiếm hiệp ngắn cuối cùng của ông mang tên… ‘Việt Nữ Kiếm’ vào năm 1976. Truyện Kim Dung bắt đầu đăng báo hằng ngày tại Sàigòn vào khoảng 1962 và chỉ nổi như cồn vào khoảng 1964. Trước đó Kim Dung đã nổi tiếng tại Singapore, Hongkong, Đài Loan, và cộng đồng người Hoa ở Mỹ rồi. Tức là trong lúc ông viết đầu óc ông rất khó hướng về Việt Nam trong ý đồ thương mại nhỏ nhen đó. Quyển truyện mang tựa ‘Việt Nữ Kiếm’ đã rõ ràng chứa chấp từ ‘Việt’ được viết vào năm 1976 sau khi giới độc giả Việt của ông đã không còn báo chí có ‘phơi-yơ-tông’ để đọc đã được 1 năm. Do đó yếu tố Việt hay yếu tố liên hệ đến Việt trong truyện Kim Dung trong lý do thương mại lấy lòng độc giả Việt phải được hoàn toàn gạt bỏ.
Truyện Việt Nữ Kiếm nói về thứ ‘Việt’ (hay ‘việc’) gì mà Kim Dung đã chọn làm quyển truyện ngắn kiếm hiệp cuối cùng để đóng sổ sự nghiệp viết tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình lừng danh của ông? Việt Nữ kiếm chưa được in thành sách ‘bản cứng’ tiếng Việt nhưng hiện có hai bản dịch, một tiếng Việt một tiếng Anh (hay tiếng Mỹ!), đăng trọn vẹn trên mạng internet võ hiệp ‘chùa’ ‘vietkiem dot com’ hay ‘come.to gạch chéo kimdung’. Truyện kể lại mối tình của tướng nước Việt tên Phạm Lãi và nàng mỹ nhân Tây Thi do vua Việt là Câu Tiễn đem dâng hiến cho vua nước Ngô tên Phù Sai để dùng mỹ nhân kế hầu làm suy yếu nội tình nước Ngô trước khi ‘tổng phản công’ đánh chiếm nước Ngô để trả thù xưa. Trong truyện có một cô gái chăn dê học được kiếm pháp thần sầu quỷ khốc từ một con vượn trắng (Nhắc lại màu trắng là màu của mạng Kim như trong tên Kim Dung của thuyết Ngũ Hành – xem phần 1). Việc xuất hiện của truyện ‘Việt’ Nữ Kiếm, tác phẩm kiếm hiệp cuối cùng của Kim Dung, đã tăng thêm phần tin tưởng cho giả thiết rằng các yếu tố Việt như họ Nguyễn, nước Đại Lý, Trần Hữu Lượng trong các truyện trước của Kim Dung không phải là một việc tình cờ nhưng lại là một sự sắp đặt có lớp lang bày tỏ ít nhiều ẩn ý hay ‘tâm sự riêng mang tính chất Việt’ của tác giả.
Sau đây ta thử cố gắng khảo sát và khai triển thêm để tìm hiểu về tâm sự mang ‘chất Việt’ của Kim Dung bằng cách lượt qua lịch sử Trung Quốc và sử Việt cổ. Tâm tư mang chất Việt này của Kim Dung chỉ là một sợi chỉ nhỏ – nhưng nếu dùng kính lúp của lịch sử để soi tỏ cho rõ sợi chỉ liên hệ đến ‘Việt tính’ này, có lẽ chúng ta sẽ có thể lĩnh hội được một hai điều ngồ ngộ hay hay về Kim Dung nói riêng và về giới trí thức người Hoa nói chung – đối với ‘Việt’ và Việt Nam.
Nước Việt vào cuối thời Chiến Quốc là một nước nằm ở địa đầu của vùng Hoa Nam, ven biển, ở phía Nam sông Dương Tử. Nhìn bản đồ nước Trung Quốc ta thấy sông Dương Tử (còn gọi là Trường Giang) đại khái nằm ở vĩ tuyến thứ 30 và chia nước Tàu làm hai. Ở phía Nam sông Dương Tử người Hoa thường gọi Hoa Nam hay Giang Nam (như kiểu Giang Nam Thất Quái, bảy vị sư phụ của Quách Tỉnh trong Anh Hùng Xạ Điêu). Phân nửa của nước Tàu ở phía Bắc sông Dương Tử lại có thể chia ra thành 2 phần nữa bằng con sông nổi tiếng mang tên Hoàng Hà đại khái chạy uốn mình quanh co giữa khoảng vĩ tuyến 36 đến 38. Hoàng hà có nghĩa con sông màu vàng do ở màu nước phản ảnh loại đất vàng do gió chuyên chở đến từ các sa mạc ở phía Tây nước Tàu. Đất màu vàng này tiếng Anh gọi là loess với độ dày ở mặt đất lên đến cở 300 thước tây. Bởi người Tàu thời cổ đại tập trung hai bên sông Hoàng Hà họ chỉ thấy đất loess màu vàng mà thôi nên họ dùng màu vàng để chỉ Đất và mạng Thổ như phần 1 đã trình bày. Trung Quốc trong giai đoạn khai sinh cho tới thời Xuân Thu Chiến Quốc chỉ nằm quanh quẩn các nước ở phía Bắc sông Dương Tử và phía Nam sông Hoàng Hà – đặc biệt các vùng tập trung dân cư như Lạc Dương, Trường An, Tây An, An Dương đều nằm ở lưu vực của sông Hoàng Hà. Bình minh của văn minh Trung Quốc cũng ló dạng nơi khu vực đó. Và sáu nước Tần Thuỷ Hoàng đã xoá khỏi bản đồ rồi thống nhất Trung Quốc, mang tên Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Tề, và Yên cũng chỉ nằm ở phía bắc sông Dương Tử mà thôi.
Ở phía Nam sông Dương Tử là một nhóm các bộ lạc có chủng tộc thuở khai thiên lập địa cho đến thời nhà Tần nhà Hán hơi khác với chủng tộc Tàu gốc phía Bắc sông Dương Tử. Người Trung Quốc thời xưa gọi nhóm người này Nam Man tức người còn man rợ ở phía Nam nước Tàu hồi xưa, tức phía Nam sông Dương Tử. Họ cũng gọi hàng trăm nhóm người này là Bách Việt tức một trăm thứ tộc Việt không phải Hán thuần tuý. Lý do dễ hiểu khi người Hán tộc gốc gọi các tộc Việt ở phía nam sông Dương Tử Nam Man, chỉ vì thuở đó người Tàu phía Bắc sông Dương Tử đã thiết lập được xã hội văn minh với hàng trăm nhà khoa học và tư tưởng gia, đếm không hết: Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, v.v., nhà quân sự và ‘quân sư’ – tức Cố vấn An ninh Quốc gia theo kiểu gọi bây giờ – như Tôn Tử, Trương Lương, Tô Tần, Trương Nghi, v.v. – trong khi ở phía Nam tuyệt nhiên không có nghe động đậy gì hết về những đóng góp thiết yếu kể trên cho một xã hội văn minh tiến bộ, không nghe đến một nhà tư tưởng nào hết, ngoại trừ ‘nổi tiếng’ về nghề đánh cá canh nông và đàn ông ưa có tục xâm mình. Trong các nước Việt cổ này đáng kể nhất phải kể đến: nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn nằm ở ven biển khu vực thành phố Nam Kinh và Thượng Hải ngày nay ở ngay phía Nam sông Dương Tử; nước Mân Việt tức khu vực tỉnh Phúc Kiến, ở phía nam của nước Việt của Câu Tiễn/ Tây Thi, nước Tây Việt thuộc vùng Quảng Tây ngày nay, nước Đông Việt thuộc Quảng Đông ngày nay, Nam Việt xích xuống một chút, trước thời Triệu Đà chiếm nước Âu Lạc, bao gồm khu vực bình nguyên của sông Tây Giang ở tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay.
Lân cận về phía Bắc nước Việt của Câu Tiễn là nước Ngô. Chuyện tranh chấp giữa nước Việt và nước Ngô là một chuyện dài như chuyện ‘Hoa Sơn luận kiếm’. Vào cuối thời Xuân Thu, vua nước Ngô là Hạp Lư dùng Ngũ Tử Tư, một tướng di dân từ Sở qua, đánh bại nước Sở, nhưng sau đánh với nước Việt bị thương rồi chết. Con cháu của Hạp Lư là Ngô Phù Sai trả thù cho Hạp Lư đánh nước Việt và bắt được Câu Tiễn đem về cầm tù, bắt coi ngựa trên dưới 10 năm. Câu Tiễn có tướng giỏi Phạm Lãi giúp bày mưu đem cống hiến mỹ nhân Tây Thi cho Phù Sai để Phù Sai xao lãng việc nước. Câu Tiễn chịu nhục nếm phân Phù Sai lúc Phù Sai bị bệnh nên được thả về và sau đó chiêu mộ binh hùng tướng mạnh đánh tiêu nước Ngô tạo nên uy thế vang lừng vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. Phạm Lãi, có lẽ nhìn bài học Hàn Tín và Trương Lương, sau đó rút lui về ở ẩn. Có giả thuyết nói họ Phạm khi rút lui đã cỡi ngựa với người đẹp Tây Thi đi về phía mặt trời lặn, theo kiểu phim cao-bồi Western của Hollywood (!), giống như sau này, trong truyện của Kim Dung, Trương Vô Kỵ đã giả từ vũ khí, lẳng lặng từ chức giáo chủ Minh giáo để trở về với nếp sống một phó thường dân ngày ngày lo chải tóc, kẽ chơn mày cho Triệu Minh.
Việt Vương Câu Tiễn thừa thắng xông lên đánh tiếp về phương Bắc và hùng cứ một cõi bờ rộng lớn bên cửa sông Dương Tử chảy ra biển Hoàng Hải của Thái Bình Dương. Ở phía Tây nước Việt là nước Sở lúc đó cũng rất hùng cường nhưng hơi thô bạo dã man. Thừa cơ nước Việt mỗi ngày một suy yếu sau khi Câu Tiễn qua đời nước Sở đem quân sang dứt điểm nước Việt vào năm 334 trước Công Nguyên (TCN) rồi thôn tính luôn nước Lỗ của Khổng Tử vào năm 249 TCN. Sau cùng nước Tần thôn tính luôn nước Sở (năm 221 T.C.N.) cùng với các nước khác ở miền Bắc sông Dương Tử và thống nhất được nước Tàu. Một số dân chúng nước Việt sau khi bị Sở thô bạo qua chiếm đóng chịu không nổi mới di tản về phía Bắc sông Dương Tử dọc theo bờ biển, và về phía Nam, định cư lại ở vùng Mân Việt tức tỉnh Phúc Kiến ngày nay. Mân Việt tồn tại sau đó không lâu và chính thức bị nhà Hán (tiếp nối nhà Tần) sát nhập và thôn tính vào một nước Tàu mở rộng, năm 110 TCN. Có thể nói nước Tàu dưới thời nhà Hán đã hoàn toàn xâm chiếm các nước thuộc bộ tộc Việt ở phía Nam sông Dương Tử cũng vào khoảng năm đó khi tướng Hán, Lộ Bác Đức đánh bại tướng Lữ Gia của nước Nam Việt do Triệu Đà sáng lập khi Triệu Đà dứt điểm Thục Phán (chuyện tích truyền kỳ Trọng Thủy Mị Châu) và sát nhập nước Âu Lạc của Thục Phán với phần miền Nam của Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay.
Một điểm đáng chú ý trong sự đồng hoá các nhóm ‘Nam man’ ở phía nam sông Dương Tử bởi Hán tộc trong suốt 2000 năm qua nằm ở chung quanh vấn đề danh xưng, tên gọi một hai bộ tộc lớn của các nhóm Bách Việt này. Nếu độc giả có dịp sang Tàu ngay ở thời bây giờ, vào một tiệm ăn ở miệt Thượng Hải hay Bắc Kinh, và hỏi hay nhờ người hướng dẫn du lịch hỏi chủ tiệm bằng tiếng quan thoại, ở tiệm có thức ăn Việt (Việt thái, yuế tsái) hay không. Khi chủ tiệm trả lời có hoặc không, chủ tiệm có ý muốn nói Việt-thái đó là thức ăn Quảng Đông! Tương tự khi người Tàu nói Yue ju (Việt kịch) họ muốn chỉ ca kịch cổ truyền kiểu Quảng Đông so với Jing ju (Kinh kịch) để chỉ kịch nghệ Bắc kinh. Thậm chí đôi khi người Hoa lục dùng Việt ngữ (yuế yu) để chỉ tiếng Quảng Đông. Từ Việt trong tên Việt Nam (Yuế nản) cũng phát âm y hệt Yuế như Yuế (Việt) dùng để chỉ tỉnh Quảng Đông.
Tuy nhiên chữ ‘Nho’ để chỉ Việt trong Việt Nam có nghĩa Vượt qua, quá độ (như trong ‘siêu việt’), bao gồm bộ ‘tẩu’ có nghĩa dông, chạy, đi, ‘di tản’, kẹp với một từ ‘qua’ với nghĩa cái giáo mác, hay cây thương, hoặc cái xiên dùng để đánh trận ngày xưa hay để săn thú đâm cá, và một cái móc nho nhỏ ở giữa! Đó là Việt (vượt) trong Việt Nam. Ý nghĩa tượng hình của từ ‘Việt’ do đó chỉ một giống người chuyên môn vượt đồng vượt núi (hay vượt biên để di tản?) và sống bằng nghề chăn thú đánh cá. Việt để chỉ tỉnh Quảng Đông gồm 2 phần, phần trên có dạng giống như lá cờ Anh Quốc với bốn gạch chéo, tức từ Mễ có nghĩa Hột Gạo (!) và phần dưới gồm một cái móc có hình dạng giống như lưỡi rìu, lưỡi cày, chỉ loại người Việt chuyên làm ruộng để sinh sống. Từ Việt (Yuế) trong nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn cũng như Việt trong Mân Việt (Mĩn Yuế) ở tỉnh Phúc Kiến cũng đều được viết y như Việt của Việt Nam (Yue Nan). Chỉ có Việt của Quảng Đông khác với 2 thứ Việt ở hai phía bắc và nam của Quảng Đông. Việt kiểu Quảng Đông viết khác đi với 2 thứ Việt có lẽ bắt nguồn từ cái nhìn rất chủ quan của người Tàu thời cổ đại. Đó là họ biết rằng người Việt của Câu Tiễn ở phía mạn trên sinh sống bằng nghề săn thú và đánh cá – còn người Việt ở mạn Quảng Đông (trừ Việt Nam) sinh sống chính bằng canh nông và làm ruộng (!). Họ loại trừ Việt Nam ra khỏi từ Yuế có cái móc lưỡi rìu (của Quảng Đông) mà lại gán Việt Nam vào nhóm từ Yuế có cái giáo cây thương (của Việt loại Câu Tiễn) tức họ đã không hiểu hay đã vì mặc cảm tự tôn cố tình không hiểu, như khoa sử học và khảo cổ học hiện đại đã tìm ra, rằng nước Văn Lang của Hùng Vương, tức nền văn minh Đông Sơn ở miền Bắc nước Việt Nam hiện nay có thể đã biết làm ruộng trồng lúa nước trước người Hán tộc ở Trung Quốc khá lâu (về điểm người Văn Lang biết làm ruộng trước người Hán, xin xem ‘The Birth of Vietnam – Buổi chào đời của nước Việt Nam’ của Keith Weller Taylor do nhà University of California Press xuất bản, 1983).
Lý do thứ hai khả dĩ dùng để giải thích việc dùng từ Việt có cái rìu để chặn nút Việt Nam ra khỏi nước Tàu có thể được giải thích qua việc nhà Hán tức bực và cay cú về vụ Triệu Đà xưng đế ở Nam Việt ngang hàng với Hán Đế ở Bắc phương. Hay vào thời nhà Lý nước Nam có tướng Lý Thường Kiệt bình Chiêm phạt Tống lăm le đòi Tàu trả lại nước Nam lưỡng Quảng mà nhà Lý cho rằng Tàu đã’ chôm’ của nước Nam Việt ngày xưa. Sau này vào thời Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ cũng vậy, nhưng rủi đang tính đòi lại lưỡng Quảng thì Quang Trung bị bịnh qua đời. Đến đời nhà Nguyễn, theo rất nhiều sử sách, phái đoàn đại diện triều Nguyễn do Binh Bộ Thượng Thư Lê Quang Định dẫn đầu sang Tàu (nhà Mãn Thanh) vào năm 1803 xin xỏ nhà Thanh được đổi lại quốc hiệu Nam Việt thay cho tên nước Đại Việt đã được Lê Lợi đặt ra sau khi đánh đuổi nhà Minh ra khỏi xứ Nam (năm 1428), Thanh triều từ chối tên Nam Việt – chắc còn nhớ mối loạn Triệu Đà ngót hai ngàn năm trước – và chỉ thuận với tên Việt Nam. Năm sinh của quốc hiệu Việt Nam chính là năm 1803.
Bây giờ xin trở lại với Kim Dung và xin đặt hai câu hỏi mấu chốt: Thứ nhất, với lý do thầm kín gì Kim Dung lại chọn Việt Nữ Kiếm làm tên quyển truyện kiếm hiệp cuối cùng của mình. Thứ hai: Nếu Việt trong Việt Nữ Kiếm có nhiều cơ sở luận lý, những liên chỉ đến thứ Việt khác như Việt Nam trong vài truyện hay nhất của Kim Dung – mặc dù hơi bàng bạc như một sợi chỉ nhỏ, như Trần Hữu Lượng, Nguyễn Tinh Châu, nước Đại Lý – đã mang một thông điệp hay một tâm sự nho nhỏ gì của Kim Dung?
Trả lời câu hỏi thứ nhất, ta thử xem Kim Dung thật sự sinh trưởng ở đâu? Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh tại thành phố Hải Ninh thuộc tỉnh Chiết Giang (hay Triết Giang). Chiết Giang nằm ở phía Nam sông Dương Tử bao gồm những thành phố lớn như Hàng Châu, Tô Châu và Thượng Hải (trong khi Nam Kinh thuộc tỉnh An Huy lân cận với Chiết Giang). Chiết Giang đích thị tương đương với phạm trù địa bàn nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn cách đây hơn hai ngàn năm. Ta để ý kết cuộc của Ỷ Thiên Đồ Long ký với Trương Vô Kỵ từ bỏ chức vụ ‘tổng tư lệnh’ của quân kháng chiến chống Mông Cổ thuộc cánh Ma giáo để vui cảnh sống ẩn dật với Triệu Minh cũng giống y hệt như việc từ giả vinh hoa phú quý của tướng Phạm Lãi, giả từ Việt Vương Câu Tiễn ở cuối thời Chiến Quốc tại nước Việt, tức tỉnh Chiết Giang bây giờ của Kim Dung. Vậy có vẻ rất rõ Kim Dung muốn bày tỏ cội nguồn của mình (hậu duệ của Câu Tiễn hay của Phạm Lãi!), một người Hán có gốc Việt hùng cường của nước Việt Câu Tiễn trong quyển truyện cuối cùng Việt Nữ Kiếm. Từ khám phá này ta có thể dựng lên vô số các giả thiết về tâm sự Việt tính của Kim Dung trong một số tiểu thuyết nổi danh nhất của ông. Có thêm hai điểm nổi bật cần phải để ý khi lập dựng các giả thiết chung quanh tâm sự mang chất Việt của Kim Dung. Thứ nhất, nhân vật Mộ Dung Công Tử trong Thiên Long Bát Bộ. Mộ Dung Công Tử tức Mộ Dung Phục có tổ tiên người hoàng tộc nước Tiêu Ty (tức Đại Yên). Trong truyện, Kim Dung cho Mộ Dung Phục mang giấc mơ hão huyền phục quốc lại nước Tiêu Ty (để trở về đó ‘làm vua’). Tìm đủ mọi cách để chiêu mộ binh sĩ không xong Mộ Dung Phục mới nghĩ đến chuyện lấy cho được một nàng công chuá nước nọ để anh trở thành phò mã rồi lợi dụng binh lính sẵn có của nhà vợ đem về bắc khôi phục lại nước Tiêu Ty. Giấc mơ đó trở thành mây khói khi công chuá không chọn Mộ Dung Phục mà lại chọn ông thầy tu Thiếu Lâm đã cởi áo cà sa tên Hư Trúc người nước Tây Hạ, anh em kết nghĩa với Đoàn Dự và Tiêu Phong. Phục quốc không được Mộ Dung công tử đâm ra khùng khùng điên điên vào lúc kết cục pho truyện Thiên Long Bát Bộ. Vậy điểm thứ nhất có thể suy diễn cho vui vui, Kim Dung xác nhận ông không bao giờ có giấc mơ thấy chuyện hão huyền phục quốc nước Việt của Câu Tiễn ở cái thời xa xưa. Nhất là phục quốc để mình về đó làm vua!. Thứ hai, nhân vật Nguyễn Tinh Châu tức A Châu. A Châu xuất thân từ vùng Giang Nam, dĩ nhiên dưới mắt Kim Dung tất cả đều đã trở thành Hán tộc, đã thốt lên một câu nhân vụ giới giang hồ bắt đầu kỳ thị và ‘bề hội đồng’ Tiêu Phong, sau khi khám phá ra Tiêu Phong mang dòng máu Khất Đan, đại khái rằng: ‘Làm người Trung Quốc chưa chắc đã là tốt và làm người Khất Đan chưa chắc đã là xấu’. Điểm thứ hai do đó có thể liên chỉ đến niềm hãnh diện sâu xa của các sắc tộc xa xưa của miền Hoa Nam sau vài thế kỷ đã trở thành Hán tộc. Một niềm tự hào của người Hán tộc thật sự không kể đến gốc gác.
Kim Dung có tâm sự gì nữa không khi ông liên tiếp cho vào các tiểu thuyết nổi danh nhất của ông những nhân vật và bối cảnh liên hệ gần gũi với nước Việt Nam? Nói cách khác trong đầu của Kim Dung có những hiểu biết gì về liên hệ dân tộc của người Việt Nam với người Việt Câu Tiễn? Câu trả lời giản đơn là CÓ. Đó là sự hiểu biết truyền tụng qua ngàn đời trong sách vở và dân gian ở Trung Quốc rằng dân Việt Nam đã là 1 trong các nhóm Việt tộc ở phía nam sông Dương Tử và sau này trước khi bị nhà Hán đô hộ đã đón nhận và cho ‘thẻ xanh’ vô số dân ‘tị nạn’ kéo nhau xuống định cư từ nước Việt Câu Tiễn hoặc nước Mân Việt (Có lẽ bởi vậy người Tàu cổ đại đã dùng từ Việt có cây giáo dùng để chỉ chung cho người Việt Nam, người Việt Câu Tiễn và người Mân Việt?).
Một trong những học giả nổi tiếng về sử học và nhân chủng học Việt Nam vào ‘thời tiền chiến’ Leonard Aurousseau, dựa trên sách vở của mấy sử gia Tàu từ thời cổ đại, đưa ra giả thuyết rằng giai cấp lãnh đạo của nước Việt Câu Tiễn sau khi bị quân nước Sở xâm chiếm vào năm 333 TCN đã di tản sang các miền lân cận như Mân Việt rồi chạy tuốt xuống miền Bắc đất Việt Nam ngày nay, lập ra nước Văn Lang. Câu Tiễn chính là 1 trong 18 Hùng Vương, và thuyết này có sự hưởng ứng của một số sử gia Việt Nam – trong đó có Phạm Văn Sơn. Taylor gọi giả thuyết này một giả thuyết chết yểu bởi có rất nhiều chống đối chỉ trích kịch liệt từ những học giả khác như Maspero và Madrolle. Madrolle gạt bỏ thuyết này và cho rằng thuyết này không để ý đến đoạn đường dài đầy chông gai hiểm trở từ nước Việt- Câu Tiễn đến Văn Lang trong khoảng cuối thời đại Hùng Vương, nếu không kể đến việc gặp sự chống đối của dân địa phương của nước Mân Việt, hay nhiều sắc tộc khác trên đường di tản ‘chiến lược’ đó. Madrolle sau đó ấm ức tung ra lý thuyết của riêng mình cho rằng có lẽ người Lạc Việt cổ xuất phát từ Phúc Kiến và đến xứ Văn Lang bằng đường biển như là những thuyền nhân đầu tiên! Theo Taylor, Madrolle đã dựa vào một số cơ sở mơ hồ, và so sánh họ của một số bộ tộc ở Mân Việt (Phúc Kiến) với họ của người Việt cổ ở Lạc Việt để đi đến giả thuyết này. Tuy nhiên Taylor lại đưa ra một dẫn chứng lịch sử khác cho rằng một đám người thuộc giai cấp lãnh đạo của một nước vừa bị thôn tính đang trên đường đào tẩu có thể đến một nước khác ‘làm cha’ người ta như thường và sau đó đổi tên nước mới di cư đến thành tên nước cũ của mình! Taylor viện dẫn thí dụ dân Croats gốc Iran và dân Serbs đã sang cai trị giống người Slavic ở bán đảo Balkan (khu Hy Lạp) vào thế kỷ thứ 7. Từ dẫn chứng thí dụ này Taylor trở lại cho rằng không thể hoàn toàn bác bỏ thuyết của Aurousseau!
Sợi chỉ nối liên hệ Việt của Câu Tiễn với Việt ở Việt Nam nếu có trong tiểu thuyết Kim Dung chắc chắn dựa phần lớn vào thuyết của Aurousseau và chính nó lại dựa vào sử sách của người Trung Hoa. Theo thiển ý ta có thể trả lại giả thuyết của Aurousseau cho lớp bụi của dòng thời gian che lấp, và tạm chối bỏ những lý thuyết cho rằng người Lạc Việt thời Hùng Vương có gốc là người Việt Câu Tiễn, người Sở (ở miền Động Đình Hồ, và phía trên), người Mân Việt (Phúc Kiến) – khi những sắc dân này đã ‘di tản chiến lược’ sang miền nước Văn Lang rồi lập ra nước đó, khi bóng tối hãy còn bao trùm khoa sử học – bởi những lý do sau đây:
Lý do thứ nhất: Những gì xảy ra ở nước Ngô, nước Việt-Câu Tiễn, nước Sở vào cuối thời Chiến Quốc bên Tàu hoàn toàn vắng bóng trong kho tàng truyện cổ tích, thần thoại và truyền thuyết của dân gian bên nước Văn Lang hay Âu Lạc hoặc Nam Việt! Thử hỏi nếu Việt Nam có liên hệ chút đỉnh gì với Việt-Câu Tiễn thì với một nước sản xuất một mỹ nhân như Tây Thi đã làm ‘nghiêng thành đổ nước’ cho nước Ngô, chắc chắn tiền nhân Việt Nam sẽ hãnh diện thuộc nằm lòng chuyện đó rồi truyền tụng cho con cháu từ đời này sang đời khác. Nước Văn Lang hay Âu Lạc nếu có nhận những người di tản như con cháu cuả Câu Tiễn hay Phạm Lãi rồi cho họ ‘thẻ xanh’ thường trú sẽ rất lấy làm hãnh diện và chắc không bao giờ quên nhét nó vào kho tàng các truyện truyền kỳ của dân tộc mình. Truyền tích đầu tiên của dân Việt, chuyện bà Âu Cơ lấy Lạc Long Quân đẻ con trăm trứng, cũng có chút cơ sở qua việc Thục Phán thống nhất hai nước Âu Việt và Lạc Việt rồi đặt tên Âu Lạc vào cuối thế kỷ 3 TCN. Những truyền tích quan trọng sau đó như Phù Đổng Thiên Vương tức Thánh Gióng, lớn lên như thổi chống giặc bắc phương, Trọng Thủy Mỵ Châu – với chiếc nỏ thần một bí mật quân sự của Thục Phán bị Triệu Đà ăn cắp được nhờ con Trọng Thủy dụ được vợ Mỵ Châu (con Thục Phán) trao cho, đều có thể xác nhận với những chứng tích lịch sử ở ngay tại điạ bàn nước Văn Lang xưa hay Bắc Bộ ngày nay.
Có hai điểm cần lưu ý. Điểm thứ nhất nước Việt của Câu Tiễn bị quân nước Sở xâm chiếm vào năm 333 TCN tức là trước thời Thục Phán sát nhập nước Âu với nước Lạc (năm 208 TCN) trên 100 năm. Nếu dân Việt Câu Tiễn có di tản xuống Văn Lang thì họ phải di tản trong thế hệ 100 năm đó. Và chắc chắn sẽ có thêm cổ tích Tây Thi do dân ‘Việt mới’ đem sang, nằm ở phía trước truyện Trọng Thủy Mỵ Châu! Điểm thứ hai, theo nhiều học giả truyện Thánh Gióng có thể tìm thấy trong các cộng đồng dân tộc ở miền thượng du Bắc bộ, như người Mường, và ngay cả tại đảo Java thuộc nước In-Đô (Nam Dương) ngày nay! Người ta cũng đã tìm thấy một truyện rất giống chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh dâng nước dâng núi, ở một dân tộc tại phía bắc Borneo cũng ở In-Đô. Chuyện Nhất Dạ Trạch cũng tìm thấy bản sao ở tận nước Phù Nam ngày xưa nằm ở Nam Bộ Việt Nam hiện nay (xem Taylor). Ngược lại không học giả nào tìm thấy truyền thuyết Tây Thi và Phạm Lãi hay giống giống một chút, từ phía nam khu Quảng Đông, Quảng Tây kéo sang Văn Lang rồi xuống tận các đảo phía Nam.
Lý do thứ hai: Các đền thờ hay di tích lịch sử như đền thờ An Dương Vương Thục Phán, đền thờ Thánh Gióng, thành Cổ Loa của Thục Phán đều nằm trọn trong địa phận Việt Nam. Ở núi Mộ Dạ tỉnh Nghệ An có đền thờ An Dương Vương. Đền thờ thánh Gióng có ở làng Phù Đổng tỉnh Bắc ninh. Thành Cổ Loa nằm ở huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên. Và tuyệt nhiên không có di tích lịch sử cổ nào của Văn Lang hay Âu Lạc nằm ở nước Sở tận miệt Động Đình Hồ hay bên tỉnh Chiết Giang của Kim Dung tức nước Việt cũ của Câu Tiễn hết. Ngay như tại thành phố Quảng Châu ngày nay, tức thành Phiên Ngung kinh đô nước Nam Việt ngày xưa, còn có đền thờ Triệu Đà chứ không có cái nào để tưởng niệm Câu Tiễn cả.
Lý do thứ ba: Có ít nhất hai lần trong lịch sử Việt Nam về sau, những nhà lãnh đạo phía Việt Nam đánh được quân Bắc phương lại thừa thắng xông lên đòi hỏi triều đình Trung Hoa phải trả lại hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây họ cho là Trung Hoa đã ‘chôm’ từ nước Nam Việt do Triệu Đà sáng lập sau khi đánh thắng Thục Phán. Đó là Lý Thường Kiệt thời nhà Lý đối chọi với nhà Tống và Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đánh quân nhà Mãn Thanh. Điểm rõ ràng, hai nhà quân sự lỗi lạc này chỉ đòi đất tới Quảng Đông Quảng Tây và không hề có tham vọng quá trớn đòi tới Động Đình Hồ hay sát bên phía nam sông Dương Tử như nước Việt cũ của Câu Tiễn, bởi hơn ai hết họ biết rõ ranh giới phía bắc của địa bàn dân Âu Lạc hay Nam Việt chỉ đến khoảng phía nam của Lưỡng Quảng mà thôi.
Lý do thứ tư: Tổ chức và cơ cấu chính trị của nước Văn Lang hay Âu Lạc hoặc Nam Việt vẫn không thay đổi cho đến hết đời nhà Triệu khi quân Hán đem quân xâm chiếm Nam Việt vào năm 111 trước Công Nguyên. Chế độ chính trị thời Hùng Vương vẫn là một vấn đề từng được bàn cãi sôi nổi giữa các sử gia nghiên cứu về Việt Nam. Nhìn sơ đó là một chế độ gồm Lạc Vương (tức Hùng Vương) với sự phụ tá của các Lạc Hầu, Lạc Tướng và phương tiện kinh tế sinh sống là Lạc điền (ruộng) và Lạc dân. Nhiều sử gia gọi đó là nền quân chủ thế tập hay quân chủ quân sự. Xã hội đã ra khỏi thời kỳ thị tộc tức tập hợp những người cùng trong họ trong gia đình lớn với nhau, và đang ở thời kỳ bộ tộc. Khi Thục Phán dứt điểm Hùng Vương thành lập nước Âu Lạc vào khoảng cuối thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, sách sử chép rõ, Thục Phán vẫn giữ vững hệ thống Lạc Hầu Lạc Tướng của nước Văn Lang cũ. Đến thời Triệu Đà dứt điểm Thục Phán nhờ chiếm được chiếc nỏ thần lập ra nước Nam Việt lớn hơn, Triệu Đà tiếp tục giao cho các ‘đại biểu’ của mình cai trị Giao Chỉ và Cửu Chân (tức Bắc bộ và bắc Trung bộ ngày nay, hay nước Văn Lang cũ) theo kiểu Lạc hầu Lạc tướng như xưa – còn Triệu Đà ngồi ở ‘trung ương’ là thành Phiên Ngung lo cai trị phần Nam Việt bên Lưỡng Quảng.
Trong thời Xuân thu Chiến quốc ở phía bắc sông Dương Tử, vài trăm năm trước Công Nguyên, thể chế chính trị của Tàu hay các nước như Sở, Ngô, Việt đã là chế độ quân chủ phong kiến (phong điền kiến địa, cho ruộng cấp đất). Ta thấy Ngô Phù Sai đã có cả một triều đình và các cung tần mỹ nữ bao chung quanh (trong khi ta không hề nghe đến vụ này đối với Hùng Vương). Các nước lớn mạnh đều có các nước nhỏ chư hầu bắt nguồn từ việc phong điền kiến địa của kiểu quân chủ đó. Do đó ta xác định rằng tất cả những người thuộc giai cấp lãnh đạo, hay ngay cả thứ dân có hiểu biết, của nước Việt Câu Tiễn, hay Sở, đều đã thấm nhuần lề lối tổ chức chính trị của quân chủ phong kiến. Ta cũng biết rõ rằng, người di tản sang một quốc gia mới thường mang theo cả thói xấu và tính hay của xã hội cũ của mình. Như vậy nếu mấy người Việt từ Sở, hay Việt-Câu Tiễn, hay ngay cả Mân Việt sang Văn Lang hay Âu Lạc trước thời Triệu Đà, và đi với số đông hay đến với giai cấp lãnh đạo tàn quân, chắc chắn họ sẽ ‘quậy’ cái nước Văn Lang và biến nó sang chế độ quân chủ phong kiến từ khuya rồi. Sau đó khi Triệu Đà chiếm Âu Lạc Triệu Đà chỉ việc áp dụng nền quân chủ phong kiến cho nước Nam Việt (Việt, tiếng Hoa gọi là Yuế, Mường gọi Yịt, tiếng Việt thế kỷ 17 chắc hẳn là Yiệt) suốt từ nam chí bắc! Thực tế cho thấy Triệu Đà vẫn tiếp tục giữ thể chế Lạc Hầu – Lạc Tướng của thời Hùng Vương như xưa.
Lý do thứ năm: Ở xã hội Văn Lang địa vị người phụ nữ rất cao, có khi còn cao hơn ở thời đại thế kỷ 21 này, và chắc chắn cao hơn địa vị người phụ nữ ở nước Việt của Câu Tiễn! Văn Lang lúc đó là một xã hội vừa từ chế độ mẫu hệ bước sang phụ hệ. Nước Nam là nước sản xuất đầu tiên trên thế giới các nhà lãnh đạo chính trị quân sự thuộc phái nữ, như hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, bà Triệu Thị Trinh (mà người Hán gọi xỏ lá là bà Triệu Ẩu tức mụ Triệu) trước Võ Tắc Thiên bên Tàu cả mấy trăm năm! Trong thời đại Hùng Vương, tại nước Việt-Câu Tiễn đã có cái màn dùng mỹ nhân kế đưa Tây Thi sang cống hiến Ngô Phù Sai để làm suy giảm tiềm năng ‘quân sự’ của Phù Sai và nước Ngô. Nếu người Việt từ phương bắc đã di dân sang và giúp hay lập ra nước Văn Lang, chắc chắn họ nhanh chóng truyền lại đòn mỹ nhân kế này vào xã hội Văn Lang hay Âu Lạc từ lâu. Phải nói dân Văn Lang, Âu Lạc, Nam Việt, hay Giao Chỉ có vẻ vẫn chưa thấm nhuần việc áp dụng loại ‘độc chưởng’ này của Bắc phương trong suốt ngàn năm đô hộ. Và mãi cho đến đời nhà Trần sau khi chống trả sức ép của quân Mông Cổ, vua Trần Anh Tông mới bắt đầu áp dụng thứ độc chưởng mà người Việt (đọc theo kiểu cổ: Bdiệt, như người Nhật bây giờ hãy còn gọi Vietnam là Beto-namu) đã học được ở người Hán tộc qua việc gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chăm là Chế Mân để bắt đầu mở mang bờ cõi nước Nam.
Tác giả: Nguyên Nguyên
Theo loạt bài: “Thử đọc lại Kim Dung”
Đăng trên Nguyệt san văn hóa dân tộc Hồn Quê (Honque.net)