Nhân sự đại hội 13 – Thất bại hay bịp bợp?

Người Buôn Gió

Ở đại hội 12 , ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra nghị quyết 244 loại hết các đối thủ quá tuổi và chỉ để lại một trường hợp đặc biệt quá tuổi làm tổng bí thư chính là ông.

Theo quy định này thì BCT chỉ giới thiệu 1 người, các người khác nếu đại hội giới thiệu, sẽ phải qua mấy vòng xét loại. Đương nhiên ông đang là tổng bí thư thì BCT thuộc quyền ông, việc ông là người do BCT giới thiệu là đương nhiên.

Lý do phải để một người ở lại là để giữ sự ổn định nội bộ và sắp xếp nhân sự kế thừa cho đại hội sau, đại hội 13.

Nhưng sắp đến đại hội 13, ông Trọng đưa ra nghị quyết 214 thay thế. Nghị quyết 214 này khiến cho những ai quá tuổi đều có cơ hội ở lại BCT.

Vậy thì cái lý do mà ông Trọng ở lại khoá trước để làm nhân sự là sự bịp bợp hay là sự thất bại của ông?

Rõ ràng nếu cứ bê nguyên các ông quá tuổi ở lại khoá sau như thế này, còn gì là làm nhân sự nữa, tức ông Trọng chả làm gì mới. Vậy mà mấy năm trời ở khoá 12 ông cứ luôn nhấn mạnh rằng phải lựa chọn thế này, phải sàng lọc thế kia, tìm người phải tinh mắt… rút cục là những gương mặt cũ mèm như Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hoà Bình, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Quốc Vượng là ứng cử viên của các chức vụ chủ chốt.

Nếu những gương mặt cũ quá tuổi ấy là ứng cử viên, rõ là ông Trọng đã thất bại ở trách nhiệm lớn nhất của tổng bí thứ, không xây dựng được đội ngũ mới, mà phải lần nữa phá luật đưa hết nhân sự quá tuổi ra ứng cử chức vụ chủ chốt.

Hoặc ông đã lừa bịp, hứa hẹn mình ở lại để lo việc đó, nhưng ông chẳng làm gì, kệ cho mọi thứ nó diễn ra đến đâu thì đến.

Đào tạo đội ngũ kế cận, cụm từ thường được nhấn mạnh này mang lại kết quả ra sao?

Chẳng có gì cả, kế cận tổng bí thư là ông Trần Quốc Vượng ngót 70 tuổi. Kế cận thủ tướng chính là ông thủ tướng đương nhiệm và ông phó thủ tướng Trương Hoà Bình, hai ông đều quá tuổi và thậm chí ông Trương Hoà Bình chỉ giỏi về chuyên chính, bắt bớ… không một chút nào hiểu biết về ngoại giao, kinh tế. Đào tạo kế cận chức thủ tướng mà hai phó thủ tướng chuyên về kinh tế như Vương Đình Huệ, Hoàng Trung Hải đều bị đẩy biến đi, để lại đúng ông Trương Hoà Bình ở vai trò phó thủ tướng thường trực. Như thế là chuẩn bị cái gì, hay là chuẩn bị kiểu ép vào thế không có ai khác thì ông Trương Hoà Bình là ứng cử duy nhất. Không được chức thủ tướng thì cũng phải được chức chủ tịch nước?

Thực sự ông Trọng lần này về hưu, ông đưa cả lớp quá tuổi về theo, xây dựng một đội ngũ chủ chốt là những người còn độ tuổi trong bộ chính trị. Đó mới là thành công của ông, như thế vừa giữ được vai trò ” người đặc biệt ” vừa giữ được truyền thống , điều lệ của đảng. Người ta thấy ông nói được và làm được, giữ đúng lời.

Uy tín của ông Trọng xuống đến mức, ông Trương Tấn Sang đã về hưu, nhưng ông Sang hiên ngang đưa một danh sách 19 uỷ viên bộ chính trị, kèm theo luôn cả chức vụ cho các vị này ở khoá 13. Hành động của ông Sang khác nào nói ông Trọng đã quá kém, quá lúng túng, không biết sắp nhân sự, buộc lòng người khác phải đưa ra danh sách định hướng cho ông Trọng dựa theo.

Ông Trọng có thể không nghe theo ông Sang được không?

Cái này khó, bởi ông Tư Sang có một đội ngũ đàn em rất đông người Hà Tĩnh mà ông đã cài được vào trung ương khoá 12, cùng với lực lượng truyền thông hùng hậu có thể gây áp lực dư luận, ông Tư Sang còn có mối quan hệ rất sâu với Trung Quốc và đảng Dân Chủ ở Hoa Kỳ. Nếu kỳ bầu cử ở Mỹ tháng 11 này mà chính quyền Hoa Kỳ rơi vào tay đảng Dân Chủ, mối quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc nồng ấm trở lại. Chắc chắn Tư Sang sẽ không chỉ có lợi thế từ đám đàn em trong nước, mà còn có cả trợ lực từ đảng Dân Chủ Hoa Kỳ và Đảng CS Trung Quốc.

Nhưng nếu vẫn ông Trump tái cử, thì phe Tư Sang sẽ mất đi sự trợ giúp từ đảng Dân Chủ, cũng như sự trợ giúp của Trung Cộng cũng kém đi, vì Trung Cộng còn phải lo đối phó với những chiêu thức quái đản , khó lường từ ông Trump.

Lúc ấy Nguyễn Xuân Phúc là người dễ dàng thuận lợi hơn, qua những thái độ khi Phúc gặp Trump và Tập trước kia, người ta dễ thấy thái độ của Phúc đã thế nào và thái độ đó đem lại gì.

Tuy nhiên thì đợi đến tận lúc Hoa Kỳ có kết quả bầu cử tổng thống, rồi dựa đó chọn ai trong số các vị quá tuổi để phù hợp tình hình, có lẽ muộn để chuẩn bị cho đại hội CSVN khoá 13.

Để thoát khỏi mang tiếng là bịp bợp mượn tiếng làm nhân sự rồi ở lại, hoặc tiếng yếu kém dẫn đến thất bại không biết chọn nhân sự thế nào, khiến người khác phải gà bài đưa cho. Thiết nghĩ ông Nguyễn Phú Trọng mạnh dạn thẳng tay theo điều lệ đảng, tất cả những ai quá tuổi đều về hết. Những nhân sự còn trong độ tuổi sẽ là ứng cử viên cho các chức chủ chốt cho khoá 13, tuỳ thuộc vào tình hình quốc tế, những người này sẽ đưa ra quyết sách, đường lối phù hợp ứng phó với tình hình quốc tế diễn ra sau này. Những người ở độ tuổi trong quy định khi đảm nhhiệm vào vị trí chủ chốt, chắc chắn họ sẽ nhớ đến ông hơn, những người kế cận họ cũng cảm thấy yêu mến ông, vì họ còn thấy được tương lai mà phấn đấu.

Còn cứ để ba ông Vượng, Phúc, Trương Hoà Bình đảm nhiệm tiếp khi quá tuổi, thì trường hợp đặc biệt quá tuổi khoá trước chả còn gì là đặc biệt, đó chỉ là sự khôi hài vì làm tiền lệ cho khoá sau đẻ ra mấy trường hợp đặc biệt quá tuổi nữa. Chưa kể với thực lực sân sau thì ông Trần Quốc Vượng khó có thể tạo được thế lực gì ở khoá 13 nếu ông này làm tổng bí thư. Trái lại những kẻ quyền biến, tham vọng và mạnh mẽ như Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hoà Bình mới là những kẻ tạo được ảnh hưởng và thế lực cho họ ở khoá 13.

Những yêu sách, đề nghị của Trương Tấn Sang về nhân sự chủ chốt lần này và những yêu cầu chuyển người này, đưa người kia, xử người nọ ở những lần trước là quá tự tin và ngạo mạn. Tổng bí thư còn đó, không biết làm gì hay sao, mà phải để cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang hướng dẫn?

Đến trung ương 12 vừa qua, người ta đã hoài nghi về khả năng của ông Trọng. Có lẽ cùng với sự hoài nghi về năng lực kiểm soát tình hình của ông Trọng về sắp đặt nhân sự khoá 13, họ phải tìm tới một chỗ dựa mới là ngài cựu chủ tịch đầy năng động Trương Tấn Sang.

Related posts