- Xuân Lan
Trong những năm gần đây Moscow và Bắc Kinh dường như ngày càng trở nên thân cận hơn, nhưng việc đóng cửa biên giới do đại dịch và các bệnh nhân COVID-19 ‘nhập khẩu’ đã phủ bóng đen lên quan hệ của giữa hai nước.
Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang được soi xét kỹ càng khi đại dịch COVID-19 đe doạ làm căng thẳng mối quan hệ đang ngày càng thân thiết giữa hai nước.
Nga và Trung Quốc đã hứa hẹn cùng đấu tranh chống dịch bệnh và cả hai đều phản đối kịch liệt khi Mỹ đổ lỗi cho Bắc Kinh về đại dịch. Tuy vậy, việc ngày càng có nhiều người Nga nhiễm virus corona ‘nhập khẩu’ đang đe dọa phá hoại nỗ lực ngăn chặn dịch lan truyền của Trung Quốc, đặc biệt tại tỉnh biên giới Hắc Long Giang.
Nền kinh tế của Nga cũng đang bị ảnh hưởng từ việc phong tỏa và giá dầu lao dốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng sự Vladimir Putin đã cam kết duy trì một mặt trận thống nhất trong cuộc đấu tranh chống căn bệnh và đã trao đổi 3 cuộc điện đàm kể từ tháng Ba.
Nhưng một số nhà quan sát tin rằng Nga đang tiến gần hơn tới Mỹ, lưu ý rằng ông Putin đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump 6 lần trong cùng giai đoạn.
Hai lãnh đạo Mỹ – Nga đã đưa ra một tuyên bố hôm 26/4 để kỷ niệm 75 năm cuộc gặp lần đầu giữa quân đội Mỹ và Xô viết trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai bên bờ sông Elbe.
Bản tuyên bố nêu rõ “Tinh thần của sông Elbe” là một “minh chứng về việc hai nước chúng ta có thể gạt những khác biệt sang một bên, xây dựng lòng tin, và hợp tác cùng theo đuổi một sự nghiệp lớn lao hơn.”
“Hôm nay khi chúng ta đang cùng phải đối đầu với những thách thức quan trọng nhất trong thế kỷ 21, chúng ta tri ân lòng dũng cảm và can đảm của tất cả những ai đã cùng đấu tranh đánh bại chủ nghĩa phát xít. Chiến công anh hùng của họ sẽ không bao giờ bị quên lãng,” tuyên bố nói.
Tờ The Wall Street Journal nói rằng tuyên bố đã làm nhiều quan chức Mỹ sửng sốt vì sự khác biệt về chính trị giữa hai quốc gia. Tại Trung Quốc, một số nhà quan sát coi đó như một dấu hiệu cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Nga.
“Tuyên bố ngày 26/4 có nghĩa là Nga và Mỹ có thể làm việc cùng nhau,” ông Shi Yinhong, một giáo sư về quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân nói. “Trong khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng xấu đi, các mối quan hệ cá nhân giữa Putin và Trump vẫn được duy trì.”
Tại Nga, dịch COVID-19 đã lây nhiễm cho hơn 330.000 người và khiến 3.300 người thiệt mạng, trong đó, tỉnh Hắc Long Giang báo cáo hơn 380 ca bệnh nhập cảnh từ nước ngoài, phần lớn là từ Nga.
Ông Shi nói đại dịch đã phủ bóng đen lên quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, môt phần vì động thái đóng cửa biên giới trước đó của Nga vào cuối tháng Một bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.
“Nga đóng biên giới với Trung Quốc rất sớm, gây ra nhiều vấn đề cho các công dân Trung Quốc ở nước này,” ông Shi nói.
Ông cũng nói Nga đã không xử lý đúng đắn vụ dịch bùng phát bên trong biên giới của chính họ. “Ngay từ đầu dịch, chính sách ngăn chặn của Nga là quá lơi lỏng, và hiện nay tình hình trở nên rất nghiêm trọng. Do hậu quả như vậy, Putin đường như đang tự ẩn náu. Cách xử lý này không làm Trung Quốc hài lòng… và hiện nay tình trạng nhiễm bệnh của họ tăng đột biến, điều này tạo nên mối nguy cơ to lớn cho Trung Quốc.”
Tuy vậy, ông Dmitri Trenin, giám đốc Trung Tâm Carnegie tại Moscow về chính sách đối ngoại, nói mặc dù đại dịch đã làm quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng “tới nay, cả hai nước đã vượt qua thử nghiệm này.”
Trong cuộc điện đàm với ông Tập hôm 26/4, ông Putin nói rằng Nga lên án bất cứ sự bôi nhọ chống Trung Quốc nào về cách họ xử lý đại dịch, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Cả hai quốc gia không nêu ra nước thứ ba nào trong tuyên bố của họ, nhưng nó đều được hiểu là đề cập đến Mỹ, quốc gia thường xuyên tố cáo Trung Quốc thất bại trong kiểm soát dịch bệnh.
Trong một cuộc điện đàm khác hôm 8/5, ông Tập so sánh những nỗ lực đánh bại virus corona như cuộc đấu tranh chống Chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trung Quốc cũng đã gửi các nhóm y tế và vật dụng y tế cho Nga.
Việc áp đặt lệnh phong toả để ngăn chặn sự lây lan của virus đã làm tổn hại nền kinh tế cả hai nước, nhưng Nga bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi sự tuột dốc của giá dầu gần đây.
Một số nhà quan sát đã cảnh báo rằng xuất khẩu dầu dầu mỏ của Nga sang Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng sau khi một nhà thầu làm việc cho Gazprom, nhà sản xuất khí tự nhiên lớn của Nga, nói họ sẽ dừng hoạt động tại một mỏ dầu ở Siberi, nơi thường cung cấp cho Trung Quốc, sau khi một số công nhân bị lây nhiễm.
Nhưng ông Alexander Gabuev, nhà nghiên cứu cao cấp tại viện Carnegie Moscow, nói cuộc khủng hoảng có thể cho phép Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của họ và những nỗ lực phục hồi lại nền kinh tế của Bắc Kinh có thể thúc đẩy nhu cầu đối với năng lượng của Nga.
Nhập khẩu dầu thô trong tháng Ba của Trung Quốc từ Ả Rập Xê Út giảm 1,6% từ một năm trước, trong khi việc mua từ các nhà cung cấp Nga tăng 31%, theo tính toán của hãng Reuters.
Đầu tháng này, Gazprom nói họ vẫn cấp khí tự nhiên cho Trung Quốc như kế hoạch.
“Đối với dầu và khí, những mặt hàng có lẽ có ý nghĩa nhất đối với Nga, Trung Quốc đang ở trong một vị trí thuận lợi để lựa chọn liệu có giảm lượng mua từ vùng Vịnh hay từ châu Mỹ La tinh hay không,” ông nói.
“Các nước khác ở vùng Vịnh là những đồng minh hiệp ước với Mỹ, hoặc họ bị ảnh hưởng sâu sắc từ Mỹ, như Ả Rập Xê Út.”
“Nếu Trung Quốc muốn biến khủng hoảng thành cơ hội và nắm chắc một số tài sản chủ yếu, Nga và Trung Á nhất định là một điểm đến tự nhiên. Tôi cho rằng điều đó sẽ là một trong những xu hướng chủ đạo trong năm 2020.”
Ông Gabuev cũng lập luận rằng nếu Nga muốn bán nhiều dầu hơn cho Trung Quốc, Bắc Kinh có thể yêu cầu các doanh nghiệp của họ được tiếp cận thuận lợi hơn tới các mỏ dầu chủ chốt của Nga.
Ông Li Lifan, một nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Thượng Hải, nói nhu cầu năng lượng của Trung Quốc còn rất cao và Nga vẫn là nhà cung cấp năng lượng ổn định nhất.
“Thương mại song phương có thể bị ảnh hưởng trong ít quý đầu vì đại dịch, và những luận điệu [từ tháng Ba] rằng cảnh sát ở Moscow rất bạo lực và các công dân Trung Quốc bị giam giữ không vì lý do gì có thể làm bùng lên phản ứng dữ dội trên mạng xã hội, nhưng tôi cho rằng đó chỉ là những nhân tố nhỏ bé, khó có thể làm trệch hướng quan hệ song phương.”
Ông Li nói Nga đã xây dựng quỹ dự trữ vàng và ngoại tệ để chống lại ảnh hưởng do lệnh phong toả của phương Tây sau việc xâm lược Crimea, và điều này đã khiến họ ở một vị trí tốt hơn để đối phó với ảnh hưởng kinh tế của đại dịch.
Theo dữ liệu từ ngân hàng trung ương, dự trữ vàng và ngoại tệ đã đạt tới 566 tỷ USD tính đến ngày 1/5.
“Nền kinh tế của Nga có khả năng phục hồi hơn nhiều nước khác trên thế giới vì kinh nghiệm của họ trong đấu tranh với các lệnh cấm vận của phương Tây từ năm 2014, và Nga đã học được cách đối phó với một cuộc khủng hoảng như vậy,” ông Li nói.
Xuân Lan (theo SCMP)