Những cuộc đụng độ mới đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã khiến mối quan hệ hai nước vốn có lịch sử nhiều giao tranh nay thêm phần nảy lửa, dẫn đến những tín hiệu cho thấy Ấn Độ và Hoa Kỳ đang xích lại gần nhau.
Xung đột Bắc Kinh – New Delhi trong những tuần gần đây xảy ra sau nhiều năm hai bên đã tồn tại vấn đề tranh chấp biên giới, nhưng sự leo thang mới nhất có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng xoay trục Hoa Kỳ – Trung Quốc – Ấn Độ, mối quan hệ ba bên được cho là có vai trò lớn trong định hình cảnh quan chiến lược của thế kỷ 21.
Khi cạnh tranh giữa Mỹ – Trung đang diễn ra ráo riết trên khắp toàn cầu ở nhiều phương diện, Ấn Độ dường như là nước duy nhất không ngả về bên nào bởi Ấn Độ là một quốc gia có trường phái “không liên kết” (non-aligned) – có nghĩa là không thuộc hoặc chống các khối cường quốc – và điều này tạo nên một sự khác biệt lớn cho Ấn Độ trong việc cân bằng các ảnh hưởng cũng như sở hữu các lợi thế khác.
Tin tốt là các vấn đề địa chính trị đó của tam giác này đang làm cho mối quan hệ đối tác Mỹ – Ấn Độ thêm phần gắn bó. Tin xấu là những xung đột thương mại và các vấn đề chính trị nội bộ của Ấn Độ đang gây cản trở cho mối quan hệ giữa Washington và New Delhi.
Chi tiết của cuộc khủng hoảng biên giới Trung – Ấn vẫn chưa rõ, một phần bởi vì cả hai chính phủ đều kín tiếng về vụ việc. Nhưng nó rõ ràng rằng Trung Quốc và Ấn Độ đang ở giữa một trong những trận so găng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên qua, ở đấu trường có độ cao hơn 4.260 km so với mực nước biển, trên dãy Hy Mã Lạp Sơn quanh năm phủ tuyết trắng.
Mối quan hệ ngoại giao màu hồng nay có phần ảm đạm
Vào năm 2019, tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Mamallapuram, Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình đã quyết định kỷ niệm 70 năm quan hệ song phương vào năm 2020 bằng cách tăng cường trao đổi ở tất cả các cấp. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tổ chức 70 hoạt động, bao gồm một hội nghị trên một con tàu để gợi nhớ về mối liên hệ giữa hai nền văn minh từ thời cổ đại. Nào ngờ, bức tranh ngoại giao màu hồng hồi tháng 10 năm ngoái lại nhuốm màu ảm đạm vào giữa năm nay.
Nhiều phương tiện truyền thông quốc tế đã có những báo cáo về những “cuộc xâm lăng” của Trung Quốc vào vùng đất mà Ấn Độ kiểm soát, thậm chí tràn qua cả ranh giới lãnh thổ, như những gì Bắc Kinh thường làm đối với các đối thủ của nó. Trung Quốc đã gửi hàng ngàn binh sĩ để tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực, trong những gì được xem là một cuộc xâm lược quy mô nhỏ; cả hai bên đều đang triển khai vũ khí hạng nặng đến các căn cứ quân sự gần khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, tới nay chưa thấy bên nào thể hiện ý định leo thang một cuộc chiến tranh nóng – có nghĩa là một cuộc chiến tranh thật sự.
Những tờ báo thuộc phái dân tộc chủ nghĩa ở Ấn Độ đã ồ ạt yêu cầu Bắc Kinh rút lui. Nhưng dường như những yêu cầu đó đã sớm chết yểu. Bắc Kinh đã thành công trong việc răn đe Ấn Độ rằng họ có khả năng cưỡng chế vũ lực dọc theo biên giới chung hai nước.
Mỹ từ lâu đã coi Ấn Độ như một đối trọng chiến lược
Kể từ khi các quan chức Mỹ bắt đầu lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc vào những năm 1990, họ đã nhìn thấy Ấn Độ như một đối trọng. Vụ thử hạt nhân năm 1998 của Ấn Độ nhất thời làm hỏng mối quan hệ giữa Washington và New Delhi, nhưng sau đó các cựu tổng thống Mỹ đã tới thăm Ấn Độ và các chính quyền Washington đều nuôi dưỡng mối quan hệ chiến lược với New Delhi và xem đó là một ưu tiên về đối ngoại.
Tuy vậy, các thời chính phủ Ấn Độ hiếm khi đi nhanh như cách mà các đối tác Mỹ của họ dường như muốn vậy, một phần vì bộ máy quan liêu rề rà ngay cả khi ở đó có một cuộc họp đầu não của các nhà lãnh đạo chính trị, và một phần do truyền thống “không liên kết” của Ấn Độ có từ thời chiến tranh Lạnh. Chưa kể, việc Mỹ hợp tác với Pakistan về chống khủng bố sau ngày 11/9/2001 cũng là một nút thắt, bởi Ấn Độ và Pakistan có mối bất hòa từ những xung đột quân sự nhằm tranh quyền kiểm soát vùng Kashmir ở khu vực biên giới hai nước này.
Gần đây, các quan chức Ấn Độ thể hiện họ đã làm những điều được cho là có nguy cơ biến Ấn Độ thành một kẻ thù hoàn toàn với Trung Quốc – vốn là một kẻ thù về bản chất mà dù sao Ấn Độ cũng phải tìm cách sống chung.
Tuy nhiên, đối với Ấn Độ, hợp tác với Mỹ là điều tất yếu, phần lớn là do Trung Quốc đã quyết liệt hơn xưa. Các chiến lược gia Ấn Độ có thể đã quên lãng những mối nghi ngờ xoay quanh việc liệu Vành đai và Con đường của Bắc Kinh có phải là một chiến dịch vòng vây bao quanh Nam Á, vì Trung Quốc đã xây lên sự hiện diện của họ ở Pakistan, Sri Lanka và các chốt điểm khác dọc theo Ấn Độ Dương. Nhưng việc Trung Quốc tiến hành một “cuộc xâm nhập” vào lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát – chưa đầy 3 năm sau khi bế tắc căng thẳng vào năm 2017 – đã nhắc nhở các quan chức Ấn Độ nhớ rằng việc sống bên cạnh một nước lớn hung hăng, chuyên quyền là có nghĩa gì.
Ấn Độ hợp tác với Mỹ là điều tất yếu
Nhịp độ tiến triển các vấn đề Mỹ – Ấn Độ trong những năm gần đây đã tăng tốc. Chính sách Hành động Hướng Đông của Thủ tướng Modi là một nỗ lực phát triển để tăng cường mối quan hệ với các nước ở Đông và Đông Nam Á; và Mỹ ngày càng có thêm nhiều động thái củng cố khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) để tạo ra một khung hợp tác an ninh tốt hơn.
Ngoài ra, bộ tứ Kim cương (Nhóm QUAD) – quan hệ đối tác chiến lược không chính thức giữa Mỹ, Ấn, Úc, Nhật – đã tạo thành một liên minh dân chủ ngầm chống Trung Quốc.
Vào năm 2019 và 2020, Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Donald Trump đã có các chuyến thăm đối ứng, khi ông Modi tới thăm Mỹ, có mít tinh “Howdy, Modi” chào mừng ông ở Houston rầm rộ đến mức các nhà quan sát ví như “đón siêu sao”; còn trong chuyến thăm của ông Trump tới Ấn Độ hồi tháng Hai năm nay có mít tinh “Namaste, Trump” nồng nhiệt ở Gujarat – quê của ông Modi.
Doanh số quốc phòng và các mối quan hệ quân sự khác giữa Mỹ – Ấn Độ đã tăng, với việc ông Trump trong chuyến thăm tháng Hai đã tuyên bố thỏa thuận quốc phòng trị giá 3 tỷ USD, theo đó Washington bán các vũ khí quân sự tiên tiến cho New Delhi. Ấn Độ cũng đang nóng lòng thay thế Trung Quốc trong một số chuỗi cung ứng toàn cầu – một sáng kiến đáng hoan nghênh được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ lo ngại về sự phụ thuộc Bắc Kinh.
Về mặt khu vực, hợp tác Hoa Kỳ – Ấn Độ là rất quan trọng để đảm bảo an ninh của Ấn Độ Dương và mang lại đòn bẩy lớn hơn cho Thái Bình Dương.
Xét về mặt dân số, Ấn Độ sẽ là một anh bạn trẻ và sôi nổi tại thời điểm nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ tóc nay ngả bạc. Về mặt biểu tượng và địa chính trị, Ấn Độ là một nền dân chủ với hơn một tỷ người có thể cân bằng với chế độ chuyên chế Trung Quốc cũng hơn một tỷ người.
Giả dụ lúc nào đó Washington muốn thực hiện một cuộc phong tỏa xa bờ chống Trung Quốc, thì với sự hợp tác với New Delhi, Mỹ sẽ được hưởng lợi vô kể từ quyền lui tới các đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, một mối quan hệ đối tác giữa Mỹ – Ấn Độ có thể đương đầu với Trung Quốc trong trường hợp giả dụ nổ ra một cuộc chiến tranh ở Đông Á.
Tuy nhiên vẫn còn có những rào cản giữa Ấn Độ và Mỹ, mối quan hệ thương mại đang gặp khúc mắc khi cả hai đều áp thuế đối với hàng hóa lẫn nhau khi chính quyền Trump chấm dứt cho phép Ấn Độ xuất khẩu một số hàng hóa miễn thuế thông qua Hệ thống Ưu đãi phổ cập (Generalized System of Preferences viết tắt là GPS), hệ thống mà theo đó các nước phát triển cho các nước đang phát triển hưởng chế độ ưu đãi bằng cách giảm hoặc miễn thuế.
Nhưng xét cho cùng, các tranh chấp kinh tế chỉ là một vấn đề nhỏ so với các hợp tác chiến lược khi Trung Quốc đều là vấn đề cần xử lý của cả hai nước.