Phạm Văn Tuấn
1/ Phong Trào Phục Hưng Tại Nước Ý.
Ngày 25 tháng 3 năm 1436, dân chúng miền Florence hân hoan đón mừng buổi lễ khánh thành ngôi giáo đường được đặt tên là Santa Maria del Fiore, hay Nữ Thánh Mary của loài Hoa. Việc xây dựng ngôi nhà thờ này được bắt đầu vào cuối thế kỷ 13 và công tác đã kéo dài cho tới ngày hôm nay. Cả thành phố Florence đã hãnh diện về kiến trúc rực rỡ này.
Đi dọc theo đường phố hai bên có treo cờ xí đủ màu là đoàn diễn hành gồm các nhạc công dẫn đầu, với quần áo sặc sỡ, với tiếng đàn hát có âm điệu tuyệt vời khiến cho người dân tưởng chừng như nghe được những âm thanh của các thiên thần ở trên tầng cao.
Trong đoàn diễn hành còn có các nhạc sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ, các chính khách rồi tới vị Giáo Hoàng trong áo choàng trắng và vương niệm, 7 vị hồng y với áo gấm đỏ, 37 vị tổng giám mục trong y phục màu tím rồi sau cùng là các viên chức thành phố và các lãnh tụ nghiệp đoàn. Ngôi giáo đường mới Santa Maria del Fiore là một biểu tượng mới về uy tín của thành phố Florence.
Florence quả thực rất rực rỡ cũng như một số thành phố khác nằm tại miền bắc nước Ý. Những nơi này đã phát triển rất nhanh nhờ vào kỹ nnghệ và mậu dịch, rồi nhờ vào các tài sản kiếm được do hai phạm vi kể trên, các bộ môn học thuật khác cũng đổi mới: văn chương, nghệ thuật, kiến trúc… Một nền văn hóa mới đã thành hình tại các thành phố của nước Ý vào hai thế kỷ 14 và 15. Loại văn hóa mới này được gọi là phong trào “Phục Hưng“ (Renaissance) theo danh từ tiếng Pháp là “sống lại“. Các ý tưởng mới, các sáng tạo mới của phong trào Phục Hưng đã tỏa rộng khắp nơi, lan tới các xứ sở khác của châu Âu.
Phong trào Phục Hưng không nằm trong phạm vi tôn giáo mà là một phong trào thế tục qua đó nhiều học giả đã quan tâm tới văn chương, nghệ thuật, khoa học… họ xét lại các tư tưởng cổ điển của thời Cổ Hy Lạp và Cổ La Mã với nền văn hóa chú trọng tới cá nhân con người và đời sống của con người trên mặt đất. Các nhà tư tưởng của thời kỳ này tin rằng con người có thể cải thiện qua học hỏi và sau đó xã hội có thể trở nên hoàn hảo.
Nền văn hóa Phục Hưng như vậy đã được sinh ra tại một nơi đặc biệt, vào một thời điểm đặc biệt. Có nhiều lý do làm nẩy sinh sự phát triển này. Một trong các lý do quan trọng là nền mậu dịch đang bành trướng tại các thành phố của nước Ý. Vào giữa thế kỷ 14, phần lớn các con đường mậu dịch đều gặp nhau tại phần phía đông của Địa Trung Hải. Các nhà buôn người Ý đã mua hàng hóa tại vùng biển này, với các mặt hàng có giá trị tại châu Âu vào thời bấy giờ là tiêu, gừng, quế, thảm dệt… và nữ trang, sau đó bán lại tại các hải cảng của miền bắc nước Ý rồi từ những nơi này, hàng hóa được chuyên chở qua rặng núi Alps, tới các xứ Bắc Âu, hay bằng đường biển để đến các miền tây của châu Âu.
Đóng góp vào việc giàu có do nền mậu dịch mang lại là cấu trúc chính trị của miền bắc nước Ý. Miền này được chia thành các quốc gia-thành phố (city-state) với lãnh thổ riêng, chủ quyền riêng. Nền mậu dịch đã mang lại sự giàu sang cho các thành phố Venice, Florence, Milan và Genoa. Mạnh nhất trong 4 thành phố này là Venice, nơi được gọi là “Nữ Hoàng của vùng biển Adriatic“. Venice nằm tại trung tâm của các con đường mậu dịch đông tây. Vào thế kỷ 15, các thương gia Venetian đã có đội thương thuyền gồm 3.000 chiếc và chính quyền của thành phố đã kiểm soát phần lớn nền mậu dịch của hai miền biển Adriatic và Địa Trung Hải.
Kế tiếp thành phố Venice là Florence, nơi có các hoạt động kỹ nghệ và ngân hàng. Vào năm 1500, Florence là thành phố rộng lớn thứ 5 của châu Âu, với dân số 130.000 người và trong số này, có lẽ 3.000 dân đã làm việc trong kỹ nghệ vải sợi, loại mặt hàng được trao đổi khắp châu Âu. Florence còn nổi danh vì nghệ thuật và nhiều hoạt động sáng tạo đã được trợ giúp tại nơi này.
2/ Chế Độ Tư Bản Xuất Hiện.
Nền văn hóa Phục Hưng phát triển được là nhờ những tài sản tích lũy tại các thành phố của miền bắc nước Ý. Do các phương pháp thương mại mới, tiền bạc đã đổ về đây khiến cho đã ra đời chế độ tư bản. Chế độ tư bản có thể được định nghĩa là một hệ thống kinh tế trong đó các cá nhân và các công ty – chứ không phải là chính quyền – sở hữu các thương mại. Mục đích của các nhà tư bản là làm ra càng nhiều lợi nhuận càng tốt rồi sau đó, lại đầu tư tiền bạc vào các thương mại để làm thêm ra các lợi nhuận khác. Một trong các hình thức mới của cách khai thác tư bản là ngành ngân hàng (banking).
Vào hai thế kỷ 14 và 15, các nhà buôn của châu Âu đã trở nên giàu có, họ tìm cách bảo vệ tiền bạc của họ, mượn thêm tiền và đầu tư vào các công việc làm ăn. Do địa điểm thuận tiện đối với các công cuộc mậu dịch, nhiều người Ý đã trở nên chủ ngân hàng đầu tiên và ngành ngân hàng là một kỹ nghệ chính của nước Ý trong hai thế kỷ này. Chính nhờ các giấy tờ, chứng thư của ngân hàng, hàng hóa được nhận tại một nơi này, trả tiền tại một nơi khác. Nhiều loại tín dụng đã được thực hiện rồi trở nên rất phổ thông. Đã có các gia đình có tư bản lớn cho nhiều giới vay tiền với lãi xuất cao: thương nhân, quý tộc, vua chúa.
Trong số các gia đình tư bản này, đáng kể là giòng họ Medici của miền Florence. Gia đình này đã làm chủ các nhà máy sản xuất lụa và len, điều hành tiền bạc cho Giáo Hoàng và sở hữu một hệ thống ngân hàng lớn nhất châu Âu. Gia đình này cũng cai trị thành phố Florence trong thời kỳ Phục Hưng. Với tính cách hoạt động ban đầu như vậy, chế độ tư bản đã phát triển thành một hệ thống kinh tế chính của châu Âu.
Đồng thời với nền kinh tế, hoàn cảnh chính trị của nước Ý cũng là một cơ sở cho thời kỳ Phục Hưng. Trong thời Trung Cổ, các vua chúa của xứ Đức đã muốn hợp nhất xứ Đức với các xứ Ý lại thành Đế Quốc Thần Thánh La Mã (the Holy Roman Empire), giống như công việc mà Hoàng Đế Charlemagne đã làm trước kia. Ý tưởng chính trị này đã bị Giáo Hoàng phản đối rất mạnh vì e ngại bị mất uy quyền. Do cả Giáo Hoàng và Hoàng Đế Đức đều không đủ sức mạnh để chinh phục nước Ý, nên họ đã hợp tác lại với nhau.
Nước Ý vào thời kỳ đó gồm có các quốc gia thành phố với các đặc quyền, chẳng hạn như quyền làm ra luật lệ riêng, quyền bầu cử các viên chức, quyền đánh thuế và tăng thuế, tức là tại mỗi khu vực đã có một hình thức chính thể cộng hòa. Với cách tổ chức chính quyền này, các công dân tham dự vào cuộc sinh hoạt của thành phố và người dân các xứ Ý đã không muốn chấp nhận thẩm quyền của cả Giáo Hoàng lẫn của Hoàng Đế Đức và như vậy, vào lúc đầu của thời Phục Hưng, cá nhân đã trở nên quan trọng. Các giới hạn đặt lên cá nhân của thời kỳ Trung Cổ khiến cho con người bị mất tự do về tư tưởng và hành động đã bị đảo ngược, và cá nhân bắt đầu diễn tả các ý tưởng riêng của họ về đời sống và nghệ thuật. Các niềm tin và tập tục cũ đã bị phê phán, các tư tưởng chính trị mới bắt đầu thành hình tại các thành phố của nước Ý, đặt căn bản cho thời Phục Hưng.
Vào thời kỳ Phục Hưng, các quốc gia thành phố của nước Ý đã duy trì các tinh thần độc lập và bởi vì trên lãnh thổ Ý đã không có một chính quyền trung ương, mỗi thành phố tự làm ra luậỉt pháp và luật pháp cũng không đủ. Trong thành phố thường xẩy ra các xung đột giữa các nhà buôn giàu có và các gia đình quý tộc, và một mối oán thù giữa hai giòng họ đã được Đại Văn Hào William Shakepeare mô tả trong vở kịch Roméo và Juliette, sáng tác vào thập niên 1590.
Trong hoàn cảnh xã hội thiếu trật tự và luật pháp của thế kỷ 15, đã xuất hiện một loại nhà lãnh đạo được gọi là “bạo chúa” (despot). Đây là các chính khách táo bạo, đã nắm quyền lực bằng sức mạnh và lường gạt, nhưng họ cũng cố gắng làm vừa lòng người dân. Họ giúp đỡ thương mại, duy trì sự bảo vệ an ninh, điều khiển một chính quyền hữu hiệu, mang lại vinh quang cho thành phố bằng các nghệ thuật và kiến trúc rực rỡ. Các bạo chúa này có thể từ gốc nhà buôn và ngân hàng như gia đình Medici ở Florence, hay lãnh tụ của một nhóm quân đội như gia đình Sforzas của thành phố Milan.
Các bạo chúa của nước Ý vào thời Phục Hưng đã nắm quyền lực vì họ khéo léo, có khả năng và có sức mạnh. Một khi đã chiếm được quyền hành rồi, họ cố gắng dùng tài năng và quyền lực để canh chừng các âm mưu lật đổ. Các chính khách này rất thành thạo cách xử dụng nhiều phương tiện ám muội: dao găm, thuốc độc và các tai nạn có tính toán. Việc dùng bạo lực và dối trá trong chính trị đã được một học giả nhận xét, phê phán rồi phản ảnh qua tác phẩm “Quân Vương”: đó là nhà ngoại giao Niccolo Machiavelli.
3/ Tiểu Sử Của Niccolo Machiavelli.
Niccolo Machiavelli chào đời vào ngày 03 tháng 5 năm 1469 tại thành phố Florence, nước Ý. Cha của Niccolo là ông Bernado, một luật sư, đã sinh sống phần lớn nhờ vào tài sản của gia đình hơn là nhờ vào văn phòng luật sư và ông Bernado đã tham gia vào nghiệp đoàn luật gia bởi vì nghiệp đoàn này có ảnh hưởng tới nền chính trị của xứ Florence. Do là một người vừa hành nghề luật pháp, vừa ham thích văn chương, ông Bernado quen với các nhân vật chính trị nhờ vậy cậu Niccolo cũng có sở thích văn chương như cha và đã có các cơ hội tham gia vào các công việc công quyền.
Không có tài liệu nào nói về thời niên thiếu của Niccolo Machiavelli nhưng chắc chắn cậu bé này đã theo học chương trình học dành cho giới trẻ trung lưu, gồm có việc học tiếng La Tinh, đọc các sách cổ điển của các tác giả Hy Lạp và La Mã, nhất là học về môn Lịch Sử.
Vào thời gian này, xứ Florence tuy là một nước Cộng Hòa, nhưng lại do một gia đình rất giàu có cai trị với nhân vật đứng đầu tên là Lorenzo de Medici, còn được người đương thời ca tụng là “Người Rực Rỡ” (the Magnificent). Xứ Florence cũng là nơi giàu có, là trung tâm của nghệ thuật và của các hoạt động trí thức, trong khi ông Lorenzo là người bảo trợ tích cực các sinh hoạt nghệ thuật.
Xứ Florence cũng có một trường đại học rất tốt và Niccolo Machiavelli có thể đã được nghe các bài giảng huấn và tiếp xúc với người con trai của ông Lorenzo, tên là Giuliano.
Có thể do các bảo trợ nghệ thuật đã làm hao tổn tài sản nên gia đình Medici bị suy sụp vào năm 1494 và bị thay thế bởi Girolamo Savonarola, một sư huynh dòng Dominican, người đứng đầu một chính quyền tôn giáo.
Đã không có tài liệu nào cho biết về cuộc đời của Niccolo Machiavelli cho tới năm 1498, khi chính quyền của Savonarola sụp đổ. Lúc này, nền Cộng Hòa được phục hồi trên xứ Florence và Niccolo, vào tuổi 29, được chỉ định làm thư ký cho Tòa Văn Khố thứ hai (the Second Chancery), một chức vụ phải giao tiếp với các người có bất động sản rộng lớn trong xứ Florence.
Tại sao Niccolo Machiavelli có được chức vụ này thì không có tài liệu nào cho biết rõ, nhưng được tham dự vào chính quyền địa phương là một điều mà nhiều người mong ước. Niccolo lại là một con người thông minh và có nhiều năng lực, nên được các nhà chính trị chú ý, rồi một tháng sau, ông ta lãnh chức vụ làm Thư Ký cho Hội Đồng Chiến Tranh gồm 10 nhân vật (the Council of Ten of War). Đây là hội đồng quyết định các chính sách ngoại giao của xứ Florence, và vì Niccolo Machiavelli là thư ký, ông ta đã được cử đi tới các nơi trên nước Ý và nhiều quốc gia tại châu Âu để thu lượm các tin tức, thương nghị với các đồng minh và làm việc theo ý muốn của các nhân vật điều hành. Mặc dù không chính thức là một đại sứ, là một chức vụ dành cho gia đình quý tộc, nhưng Niccolo Machiavelli đã hoạt động như một nhà ngoại giao chuyên nghiệp.
Vào năm 1501, Niccolo Machiavelli đã kết hôn với cô Marietta Corsini, họ có 7 người con.
Machiavelli đã trải qua 14 năm làm thư ký cho xứ Florence, trong thời gian này, ông đã có cơ hội gặp mặt rất nhiều các nhân vật chính trị của thời đại. Do thương thuyết cho nước Cộng Hòa Florence, Machiavelli đã tiếp xúc với các triều đình của Caterina Sforza (1499), của Vua Louis 12 của nước Pháp (vào các năm 1500, 1504, 1510 và 1511), của Cesare Borgia (vào năm 1502 và 1503), của Pandolfo Petrucci (vào năm 1503 và 1504), Giáo Hoàng Julius II (vào năm 1503 và 1504) và Hoàng Đế Maximilian II (từ năm 1507 tới 1508).
Do các cuộc thăm viếng, tiếp xúc với các nhân vật kể trên, với các kinh nghiệm và các bài học rút ra được từ các chính sách ngoại giao, Machiavelli đã có thể tạo nên được các nguyên tắc mà ông diễn tả trong cuốn “Quân Vương” (The Prince).
Năm 1502, Piero Soderini trở nên người đứng đầu của chính quyền Florence. Do là bạn của Soderini và do không tin tưởng vào loại lính đánh thuê (mercenaries troops) mà Machiavelli đã khuyên Soderini không nên dùng loại lính này mà nên thành lập ra các đạo dân quân địa phương, đây là điều trái ngược với ý muốn của các nhà quý tộc xứ Florence. Machiavelli đã trực tiếp trông coi dự án kể trên, chọn lựa y phục, giám sát việc huấn luyện và tập dượt. Machiavelli đã chứng minh được chính sách này là đúng khi vào năm 1509, dân quân xứ Florence đã chiến thắng tại thành phố Pisa bên cạnh, sau các vụ xung đột kéo dài trong 15 năm. Đây là thành công lớn lao nhất của Machiavelli.
Vào thời gian này, xứ Florence là đồng minh trung thành của nước Pháp trong khi Giáo Hoàng Julius II cùng với đồng minh Tây Ban Nha lại muốn đẩy người Pháp ra khỏi xứ Ý Đại Lợi. Giáo Hoàng Julius II đã phái quân đội tới xứ Florence để tấn công chính quyền của ông Soderini. Năm 1502, dân quân xứ Florence đã thua đạo quân Tây Ban Nha tinh nhuệ và có nhiều kinh nghiệm hơn tại thành phố Prato, rồi sau đó, ông Soderini bị bắt buộc phải từ chức và đi lưu đầy. Gia đình Medici trở lại chính quyền. Vì là người ủng hộ ông Soderini, Machiavelli bị loại khỏi công vụ và bị cấm ra khỏi xứ Florence.
Sau đó vài tháng, hai kẻ chống đối gia đình Medici bị bắt với một danh sách các người âm mưu và trong danh sách này có tên Machiavelli. Mặc dù không có bằng cớ nào chứng minh rằng Machiavelli đã liên hệ tới cuộc mưu phản ông vẫn bị tống giam và bị tra khảo. Trong nhà tù, Machiavelli đã viết hai bài thơ Sonnets gửi cho Giuliano de Medici xin giúp đỡ, nhưng dù vậy, ông vẫn bị kết án tù.
Sau đó khi người chú của Giuliano là Giovianni được bầu làm Giáo Hoàng Leo 10 vào tháng 3 năm 1513, một lệnh ân xá tổng quát được công bố và Machivavelli được thả ra khỏi nhà tù. Machiavielli rút lui về sống ẩn dật tại miền quê, bên ngoài kinh thành Florence. Trong thời gian này, ông đã viết nhiều bức thư gửi cho ông Francesco Vettori, lúc này được cử làm đại sứ tại kinh thành Rome, để hỏi thăm về nhiều tin tức của thế giới bên ngoài và yêu cầu ông Vettori viết thư gửi gấm Machiavelli cho gia đình Medici.
Chính trong hoàn cảnh bị lưu đầy một phần này, Machiavelli đã viết ra tác phẩm “Quân Vương” (The Prince). Đây là tác phẩm đã lọc lựa các điều quan sát và nhận xét của ông trước các hành vi của mọi người, bàn luận về sự lãnh đạo và chính sách ngoại giao.
Niccolo Machiavelli đã đề tặng tác phẩm “Quân Vương” cho gia đình Medici để chứng tỏ tấm lòng ủng hộ gia đình này nhưng không có kết quả. Cho tới năm 1515, gia đình Medici đã không ban cho Machiavelli môt đặc ân nào và nghề ngoại giao của ông bị coi như chấm dứt.
Trong 10 năm tiếp theo, Machiavelli đã không theo ngành Ngoại Giao nên ông đành chuyên tâm vào công việc viết văn. Trong thời gian này, ông đã soạn xong cuốn “Khảo Sát về Nghệ Thuật Chiến Tranh” (On the Art of War, 1519-20), đây là tác phẩm rút ra từ các kinh nghiệm khi Machiavelli tổ chức lực lượng dân quân (militia) cho xứ Florence trong nhiều năm về trước. Machiavelli cũng viết các lời bàn luận về các bài viết của nhà sử học La Mã cổ điển Levy. Khi cứu xét các sự mô tả của Livy về nước Cộng Hòa La Mã (the Roman Republic), Machiavelli đã thảo luận khá dài về chính quyền Cộng Hòa.
Trái ngược với tác phẩm “Quân Vương” với các lý lẽ ủng hộ chế độ Quân Chủ và đôi khi ca tụng chế độ chuyên chế (tyranny), trong tác phẩm “Các đàm luận về Livy” (Discourses on Livy), Niccolo Machiavelli đã tỏ ra có cảm tình với thể chế Cộng Hòa. Ông còn sáng tác nhiều bài thơ và ba vở kịch.
Các tác phẩm của Machiavelli đã khiến cho Hồng Y Giulio de Medici chú ý, đây là nhân vật đang kiểm soát xứ Florence trong nhiều năm. Hồng Y Giulio bèn mướn Machiavelli viết một cuốn sách về lịch sử xứ Florence và Niccolo Machiavelli đã biên soạn tác phẩm này từ năm 1520 tới năm 1524.
Năm 1523, Hồng Y Giulio trở thành Giáo Hoàng Clement VII rồi hai năm sau, Machiavelli trình lên vị Giáo Hoàng này cuốn “Lịch Sử Xứ Florence” (Florentine History). Nhờ sự hòa giải với gia đình Medici, Machiavelli được phép trở lại công quyền. Ông phụ trách việc bố trí quân sự cho Giáo Hoàng Clement nhưng không lâu sau đó, các kẻ thù là các đạo quân người Đức theo đạo Tin Lành đã tấn công xứ Florence, cướp phá lâu đài của Giáo Hoàng và Giáo Đường Saint Peter. Sự sụp đổ đột ngột này đã khiến cho người dân xứ Florence loại gia đình Medici ra khỏi chính quyền. Niccolo Machiavelli lại ở vào vị thế thua trận, bị các người cộng hòa mới nghi ngờ vì đã cộng tác với gia đình Medici. Niccolo Machiavelli đã không sống lâu trong nghịch cảnh bởi vì không lâu sau đó, ông qua đời vào ngày 21 tháng 6 năm 1527.
Tác phẩm danh tiếng nhất của Niccolo Machiavelli đã không được chính thức xuất bản trong thời gian ông còn sinh sống, mặc dù một số bản thảo đã được lưu truyền. Tác phẩm “Quân Vương” này đã được phổ biến lần đầu tiên vào năm 1532 với sự cho phép của Giáo Hoàng Clement VII. Trong 20 năm kế tiếp, tác phẩm này được rất nhiều người biết tới và được tái bản 7 lần bằng tiếng Ý.
Năm 1559, tất cả các tác phẩm của Niccolo Machiavelli đã bị Nhà Thờ Thiên Chúa La Mã (the Catholic Church) liệt vào “Danh Sách các Sách bị cấm phổ biến” (the Index of Prohibited Books) vì tính chất tà giáo (heresy) và vô luân (immorality). Mặc dù sự cấm đoán này, tác phẩm “Quân Vương” đã được phiên dịch sang các ngôn ngữ chính của châu Âu.
Ngày nay, Niccolo Machiavelli vẫn được coi là một trong các nhà tư tưởng đầu tiên của nền Chính Trị hiện đại và cũng là một nhà bình luận khôn ngoan về tâm lý của nghệ thuật Lãnh Đạo.
4/ Các Chi Tiết Về Tác Phẩm Quân Vương.
Thời gian và nơi viết: 1513-14, tại xứ Florence.
Ngày xuất bản đầu tiên: 1532, sau khi tác giả đã qua đời, bản dịch sang tiếng Anh đầu tiên: 1640.
Loại tác phẩm: khảo sát về chính trị, là tác phẩm thực tế.
Ngôn ngữ của tác phẩm: tiếng Ý (Italian).
Giọng văn: thẳng thắn, thực tề, lời văn đơn giản, lý luận giản dị.
5/ Các Nhân Vật Lịch Sử Được Đề Cập Trong Tác Phẩm:
Agathocles: nhà cai trị xứ Syracuse (317-310 trước Công Nguyên CN), là người đã chinh phục tất cả xứ Sicily ngoại trừ miền đất do xứ Carthage thống trị. Về sau ông ta bị thua lực lượng Carthage.
Đại Đế Alexander: Vua của xứ Macedonia (336-323 trước CN), là người đã chinh phục xứ Hy Lạp, Ba Tư (Persia) và một phần châu Á.
Giáo Hoàng Alexander VI: được bầu vào chức Giáo Hoàng năm 1492, phải đối dầu với cuộc xâm lăng của quân Pháp váo nước Ý và cuộc chiến tranh giữa nước Pháp và Tây Ban Nha. Là cha của Cesare Borgia.
Cesare Borgia: là bá tước của miền Valentino of Bomagna (1476-1507), được phong chức Bá Tước của miền Bomagna vào năm 1501 do người cha, bị mất quyền hành sau khi vị Giáo Hoàng Alexander II qua đời. Cesare Borgia là quân vương ưu tiên được Machiavelli dẫn chứng về sức mạnh, về thành công khi nắm quyền lực và duy trì xứ sở.
Cyrus: vị vua lập ra Đế Quốc Ba Tư (Persian Empire).
Giáo Hoàng Julius II (1503-1513): làm vững mạnh quyền lực của Nhà Thờ do tài lãnh đạo cứng rắn và tài ngoại giao khôn ngoan. Vị Giáo Hoàng này đã thắng các bá tước La Mã (Roman barons) và thương thuyết liên minh thành công chống lại nước Pháp.
Giáo Hoàng Leo 10: được bầu vào chức vụ Giáo Hoàng năm 1513, là người đã ủng hộ gia đình Medici.
Romulus: là người sáng lập và vị vua dầu tiên của La Mã (Rome).
Septimius Severus: Hoàng Đế La Mã (193-211).
Theseus: vua của xứ Athens, vị anh hùng của miền Attica. Theo truyền thuyết Hy Lạp, Theseus đã giết chết con quái vật Minotaur bên trong mê cung Cretan.
6/ Tác Phẩm “Quân Vương” Và Đường Lối “Chính Trị Dối Trá”.
Vào thời Trung Cổ, các sách vở viết về chính quyền rất hiếm, nếu có chăng thì các công trình đó chỉ mô tả các vua chúa, các nhà cai trị là những nhân vật tốt đẹp, trọng đạo đức. Trái ngược hẳn với thường lệ, Machiavelli lại nói thực về chính quyền đã được chiếm đoạt ra sao và duy trì ra sao vào thời đại của ông.
Niccolo Machiavelli sinh tại Florence ngày 3/5/1469 trong một gia đình quý tộc đã phá sản. Cha ông là một luật sư, có được một chức vụ và địa vị trung lưu. Do không giàu có, Niccolo được giáo dục phần lớn tại gia đình rồi vào năm 1498, ông kiếm được một chức vụ trong chính quyền địa phương và đã phục vụ tại Florence trong 14 năm. Vào thời kỳ này, xứ Florence đã phát triển rực rỡ dưới quyền lực của gia đình ngân hàng rất có thế lực: Lorenzo de Medici.
Nhưng nước Ý hay các quốc gia thành phố đã không ổn định với năm quyền lực tranh chấp nhau vào cuối thế kỷ 15: Florence, Venice, Milan, Naples và quyền vị của Giáo Hoàng (the Papacy). Vào thập niên 1490, nước Pháp và nước Tây Ban Nha đều giành chiếm xứ Naples và trước các kẻ ngoại xâm, các vương quốc Ý đã đoàn kết lại để bảo vệ quyền lợi, nhưng sự chống trả của họ đã bị giới hạn và cuốí cùng, nước Tây Ban Nha đã kiểm loát được phần lớn nước Ý, đặc biệt là miền nam, bao gồm cả hai xứ Milan và Florence.
Trong thời gian gia đình Medici vắng mặt khỏi chính quyền từ 1502 tới 1512, Piero Soderini đã là nhà lãnh đạo của quốc gia thành phố Florence và Machiavelli trở nên một nhà ngoại giao, từng đi khắp nơi từ các vương triều này sang các chính quyền khác của nước Ý và của châu Âu: nước Pháp, Đế Quốc Thần Thánh La Mã và Nhà Thờ Công Giáo La Mã, nhờ đó ông đã có các nhận xét sắc bén về quyền lực và thành công tại các xứ sở mà ông đã viếng thăm.
Công việc phải thi hành đã cho Machiavelli các hiểu biết và kinh nghiệm mà ông diễn tả trong các cuốn sách nói về chính quyền sau khi nền cộng hòa Florence đã sụp đổ và sau lần phục hồi địa vị của gia đình Medici vào năm 1512, với Giuliano de Medici trở nên nhà cai trị xứ sở này. Chính vào thời gian bị cho nghỉ việc, Machiavelli đã sống bằng tài sản riêng, ở bên ngoài thành phố và đã dành thời giờ để viết nên hai tác phẩm là “Quân Vương” (the Prince) và “Các Đàm Luận về Livy” (Discourses on Livy) cũng như cuốn hài kịch “the Mandrake” (1518).
Khi Hồng Y Giulio de Medici, người mà sau này trở thành Giáo Hoàng Clement VII, cai trị xứ Florence vào năm 1520, Machiavelli được phục hồi chức vụ cao cấp trong chính quyền. Để vinh danh nhân vật bảo trợ là Lorenzo Strozzi, Machiavelli đã soạn ra vào năm 1521 tác phẩm “Về Nghệ Thuật Chiến Tranh“ (On the Art of War), một cuốn sách khảo sát, đặt nền móng cho các chiến thuật quân sự mới. Tới năm 1527, gia đình Medici bị loại khỏi chính quyền thì Machiavelli cũng mất việc vì đã là người phục vụ cho gia đình quyền thế này. Niccolo Machiavelli qua đời vào ngày 21/6/1527.
Người thời trước và ngay cả thời nay có thể hiểu nhầm về Machiavelli vì ngôn từ xử dụng và các động lực đã khiến ông viết ra các tác phẩm, nhưng sự hoài nghi của ông đã khiến ông nhận biết nỗi bi quan của con người trước sự yếu đuối của tâm hồn, trước sự thất vọng khi nhìn thấy đạo đức không chiến thắng.
Qua tác phẩm “Quân vương” (the Prince), Machiavelli đã tóm lược tất cả các kiến thức và ý kiến của ông về nghệ thuật làm vua (kingship). Ngày nay có thể xem đây là một văn bản nói tới sự tàn nhẫn, nhưng mục đích chính của tác phẩm là trình bày sự việc làm sao một vị quân vương (the prince) có thể chiếm được chính quyền, kiểm soát lãnh thổ theo ý muốn và duy trì công việc kiểm soát đó. Đây là điều mô tả một nhà cai trị của thời kỳ Phục Hưng phải hành động ra sao để thành công. Phần lớn các lời khuyên dùng cho vị quân vương hoàn toàn thực tế.
Đầu tiên vị Quân Vương phải là một chiến sĩ có tài, vừa thành công trong việc tổ chức quân đội, vừa biết tạo ra các cơ hội để bành trướng lãnh thổ và duy trì nền cai trị.Tác phẩm “Quân vương” đã xét lại từ sự sụp đổ của Đế Quốc La Mã tới việc các hoàng đế xử dụng các đạo quân man rợ làm lính đánh thuê. Nhiều loại xứ sở (states) đã được đề cập tới, các xứ sở này vì sao đã thành công hay thất bại và Machiavelli cũng nói tới các phương pháp mà các quân vương phải dùng để chiếm quyền và giữ quyền, cũng như làm sao các xứ sở có thể tổ chức để tự bảo vệ và chống lại các kẻ ngoại xâm.
Đối với Machiavelli, đầu tiên vị Quân Vương phải là một chiến sĩ có tài, vừa thành công trong việc tổ chức quân đội, vừa biết tạo ra các cơ hội để bành trướng lãnh thổ và duy trì nền cai trị. Cũng theo Machiavelli, không nên dùng các binh lính đánh thuê (mercenary troops) bởi vì lòng trung thành của họ đã bị chia xẻ và quan điểm này đã đúng khi dân quân của ông chiếm được miền Pisa vào năm 1509.
Tác phẩm “Quân Vương” cũng khuyên vị vua chúa nên tuyển chọn một cách khôn ngoan các viên chức trong thời bình, nói rõ sự quan trọng của việc phân quyền và việc cảnh giác trước những lời tán dương, tâng bốc. Machiavelli cho rằng sự thành công không phải chỉ do việc dùng sức mạnh. Đối với các miền đất bị xâm chiếm, rất cần phải lấy lòng các dân tộc mới bị đô hộ và sự kiện này nên được thực hiện do lừa dối: một nhà cai trị giỏi phải làm ra vẻ muốn thực hiện điều này trong khi thực sự lại đang làm một việc khác.
Tác phẩm “Quân Vương” đã cứu xét tới các đức tính cá nhân của vị quân vương lý tưởng, cùng các phẩm chất cần thiết cho một nhà cai trị giỏi. Những điều này được rút từ các nhận xét về một người: Cesare Borgia.
Trong các gia đình vương giả của thời Phục Hưng của nước Ý, ít có giòng họ nào có quyền lực hơn gia đình Borgia, với hai người đã làm tới chức giáo hoàng, một người là nhà lãnh đạo quân đội nổi danh và một người khác nổi tiếng về bảo trợ văn chương và nghệ thuật. Thế nhưng, gia đình Borgia này còn được người đời nhớ đến vì các hành động độc ác và các cách lừa dối của họ.
Vốn giòng dõi quý tộc với tổ tiên cư ngụ gần Valencia, Tây Ban Nha, người đầu tiên của gia đình này nắm giữ chức vụ quan trọng là Alfonso Borgia (1378 -1458). Ông này được bầu làm Giáo Hoàng của Nhà Thờ La Mã năm 1455 và có danh hiệu Calixtus III. Giáo Hoàng Calixtus đã đưa người cháu Rodrigo (1431-1503) tới La Mã rồi không lâu, Rodrigo đã được phong chức tổng giám mục bởi người chú. Là một con người rất khôn khéo và tham vọng, Rodrigo đã trở thành một vị hồng y (cardinal) khi 25 tuổi.
Năm 1492, Rodrigo Borgia được bầu làm Giáo Hoàng mang danh hiệu Alexander VI rồi liền sau đó, đã dùng chức vụ và uy quyền của mình để củng cố tài sản và địa vị cho 3 người con: người con lớn là Giovanni (1476 -97) lãnh chức hầu tước Gandia, cai quản đội quân của giáo hoàng, người con thứ hai được cha yêu thích nhất là Cesare (1476 -1507) được phong tổng giám mục Valencia rồi năm 1493, trở thành hồng y. Cesare đã từ chức để lãnh đạo quân đội khi Giovanni bị giết vào năm 1497.
Cesare Borgia được đồng minh người Pháp giúp đỡ, chiếm được vùng Romagna của nước Ý rồi sau đó, đã tấn công các thành phố và thị trấn của nước Ý nào không công nhận thẩm quyền tối thượng của giáo hoàng, và chính nhờ các công lao của Cesare, từ các vùng đất rời rạc, vương quốc của giáo hoàng đã được thống nhất. Năm 1503, khi Giáo Hoàng Alexander VI bị giết trong hoàn cảnh bí mật thì các kẻ thù của gia đình Borgia đã hợp nhất để chống Cesare. Bị thua trận, Cesare bị bắt làm tù binh và mặc dù lần vuợt thoát về sau, ông ta đã bị giết trong trận đánh vào ngày 12/3/1507 tại xứ Tây Ban Nha.
Trong tác phẩm “Quân Vương”, đôi khi Machiavelli đã khâm phục Cesare Borgia một cách công khai và khi thảo luận về các đức tính của một nhà cai trị, ông đã cho rằng sự tàn ác đôi khi được coi là cần thiết. Sự tàn ác của Cesare rõ ràng đã làm thống nhất lại xứ Romagna cũng như thiết lập lại trật tự và luật pháp cho xứ sở này và như vậy, sự tàn ác có thể coi là lòng trắc ẩn bị che dấu đối với dân chúng của một xứ sở, và chính loại dân chúng này đã được hưởng lợi từ một chính quyền ổn định. Machiavelli dẫn chứng nhiều về Cesare Borgia với tài năng điều khiển quân đội và ông cũng cho rằng nhà cai trị có vẻ như có hào quang từ Thượng Đế để phục hồi lại một xứ sở.
Không chỉ kính phục một nhân vật, Machiavelli còn mô tả và bình luận về nhiều loại nghệ thuật làm vua, thứ nào thích hợp với các nhu cầu của thời đại. Cuốn “Quân Vương” đã tập trung, nói về một xứ sở (state) thay vì đề cập tới các đế quốc rộng lớn của châu Âu bởi vì xứ sở hay quốc gia thành phố là đơn vị chính trị mà người dân nước Ý vào thời đại đó phải đối phó.
với Machiavelli, ông đã tách rời tôn giáo khỏi chính trị, tách đạo đức ra khỏi sự thành công và đã cứu xét các vấn đề của quốc gia trên sự liên hệ với các đồng minh và các kẻ thù.Và có lẽ cũng do nhu cầu của nước Ý mà Machiavelli đề cao sự giảo quyệt, độc đoán, coi đó là một cách đạt tới sự ổn định xứ sở. Các sách vở của các thời đại trước thường cứu xét việc cai trị các quốc gia và các thành công chính trị trên căn bản đạo đức Thiên Chúa Giáo (christian ethics) và tư cách đức độ của các nhà cai trị được gắn liền với các thành công. Nhưng với Machiavelli, ông đã tách rời tôn giáo khỏi chính trị, tách đạo đức ra khỏi sự thành công và đã cứu xét các vấn đề của quốc gia trên sự liên hệ với các đồng minh và các kẻ thù.
Tác phẩm “Quân Vương” như vậy đã gắn liền với các thực tại chính trị của thời đại, nơi mà các nghệ thuật của nền ngoại giao và các quyết định cai trị có tính quỷ quyệt bị coi là cần thiết cho sự sinh tồn của quốc gia. Đây là lý do khi chính quyền làm việc này mà thực ra là việc khác, khi vị quân vương che dấu tư tưởng của mình bằng nhiều mặt nạ để có thể đi trước những người chung quanh, khi các mục tiêu được dùng để biện minh cho các phương tiện xử dụng.
Từ khi được xuất bản vào năm 1532, tác phẩm Quân Vương đã được nhiều người nghiên cứu kỹ càng và tranh luận. Một số người đã cho rằng Machiavelli đã vô luân (immoral) khi không chú trọng đến tôn giáo và các tiêu chuẩn đạo đức của hành vi con người. Một số khác lại khen ngợi Machiavelli đã khéo léo cứu xét người đời, tại sao họ đã hành xử, tại sao họ thiếu đi một số đức tính. Theo ý Machiavelli, xứ sở phải tồn tại bằng mọi giá, điều mà một số nhà cai trị đã theo đuổi để xây dựng các quốc gia mạnh, đoàn kết.
Sau đây là sơ lược vài tư tưởng của Niccolo Machiavelli:
- “Nhu cầu quan trọng nhất của một quân vương là quyền lực. Vị quân vương phải theo các quy tắc thực tế để nắm giữ quyền lực này. Có hai cách duy trì quyền lực: luật pháp và sức mạnh. Cách thứ nhất thì tốt nhưng luôn luôn không đủ. Vị quân vương giỏi phải dùng cách thứ hai, cách của sức mạnh. Ông ta phải vừa là một con sư tử, vừa là một con cáo, phải đủ mạnh để làm run sợ các con chó sói và phải đủ khôn ngoan để nhận biết ra các cạm bẫy. Quân Vương không cần giữ lời hứa nếu có điều gì chạm vào quyền lợi của ông ta. Phần lớn con người thì bất lương, vô ơn, lường gạt, nói dối, sợ nguy hiểm và tham lợi, cho nên tại sao vị Quân Vương phải lương thiện với họ”.
- “Một quân vương nên để cho người dân yêu mến hay sợ hãi? Có thể ông ta cần cả hai. Nhưng nếu phải chọn một trong hai thì an toàn hơn là để cho người dân khiếp sợ. Tuy nhiên tôi cho rằng vị Quân Vương nên làm ra vẻ bác ái và trọng danh dự, vì dù sao phần lớn con người thường bị lường gạt bởi sự phô trương và tôi đồng ý rằng một Quân Vương không kiểm soát được mình thì giống như một kẻ điên, và không còn điều nghi ngờ về một chính quyền được điều hành bằng Luật Pháp”.
Niccolo Machiavelli đã bị hiểu lầm về lý thuyết của ông vì thực ra, ông là một người thực tế, hiểu rõ một số bản chất xấu của con người. Các suy tưởng của Machiavelli về nhân loại đã khiến cho một số học giả coi ông là nhà sáng lập ra môn Triết Học của Lịch Sử.
7/ Tác Phẩm “Quân Vương” Bị Cấm Đọc.
Vào năm 1559, không chỉ riêng cuốn “Quân Vương” mà tất cả các tác phẩm của Niccolo Machiavelli đã bị Nhà Thờ Thiên Chúa La Mã liệt vào “Danh sách các Sách bị cấm đọc và phổ biến” (The Index of Prohibited Books) bởi vì Nhà Thờ này cho rằng các ý kiến của Machiavelli đã xúc phạm vào nền đạo đức Thiên Chúa giáo (Christian ethics). Machiavelli thường bị người đời tố cáo là một kẻ vô thần, một người chống Thiên Chúa Giáo (anti-christian). Có người còn cho rằng Niccolo Machiavelli đã tìm cách thay thế các tiêu chuẩn đạo đức mà trung tâm là Thượng Đế, bằng thứ trung tâm là Quốc Gia hay Đất Nước (state).
Trong tác phẩm “Quân Vương”, Machiavelli đã không che dấu sự khinh miệt đối với thể chế giáo hoàng và các tham vọng của Nhà Thờ Cơ Đốc (Catholic Church), còn trong cuốn “Đàm Luận về Livy”, Machiavelli còn xác nhận rằng lòng tin tưởng vào Thiên Chúa giáo đã làm cho các người theo đạo mất đi thứ năng lực cần thiết cho việc tạo dựng một xã hội tốt đẹp.
Niccolo Machiavelli còn bị người đời kết án là kẻ bào chữa cho chế độ bạo quyền (tyranny), một người không thờ Thượng Đế và ủng hộ sự vô đạo đức bởi vì cuốn “Quân Vương” đã đề cao các thủ đoạn, các mánh lới lường gạt…
Vào tháng 8 năm 1572, nhân ngày Thánh Bartholomew, Hoàng Hậu của nước Pháp là Catherine de Medici, một người gốc Ý và theo đạo Cơ Đốc (Catholic), đã ra lệnh giết 50,000 người Huguenots theo đạo Tin Lành. Có thể bà hoàng hậu này đã theo chủ thuyết của Machiavelli khi dự trù việc tàn sát tập thể kể trên.
Tới năm 1740, Đại Đế Frederick (Frederick the Great) của nước Phổ, đã nhờ nhà Triết Học Voltaire người Pháp viết ra các lời lẽ lên án các nguyên tắc trong cuốn “Quân Vương”, nhưng chính Đại Đế này lại là một đệ tử của Machiavelli bởi vì nhà vua vừa giảo quyệt, vừa nhiều thủ đoạn và sẵn sàng thi hành mọi biện pháp để theo đuổi quyền lực.
Qua thế kỷ 20, tác phẩm “Quân Vương” là bản sơ đồ của chế độ toàn trị (totalitarianism) mà kết quả là chế độ Quốc Xã Đức của Adolf Hitler và chế độ Cộng Sản cực quyền của Joseph Stalin. Nhà văn người Anh Bertrand Russel đã gọi cuốn “Quân Vương” là “Sách hướng dẫn của các kẻ cướp” (a Handbook for Gangsters) còn nhà văn Leo Strauss đã coi Niccolo Machiavelli là một “người thầy của điều ác” (a teacher of evil).
8/ Tóm Tắt Nội Dung Của Tác Phẩm “Quân Vương”.
Tác phẩm “Quân Vương” là cuốn sách phân tích một cách rộng rãi làm sao có thể chiếm được và duy trì được quyền lực chính trị (political power). Cuốn sách này phần mở đầu, đề tặng cho ông Lorenzo de Medici và 26 chương tiếp theo. Trong phần đề tặng, Machiavelli đã thảo luận về hành vi của các vĩ nhân và các nguyên tắc quản trị loại chính quyền của vương quốc. Machiavelli đã viết như vậy với ý muốn làm vừa lòng và ca tụng gia đình Medici.
26 chương của tác phẩm “Quân Vương” được chia làm 4 phần:
Từ chương 1 tới chương 11: thảo luận về các loại vương quốc (principalities) hay quốc gia (states).
Chương 12 tới chương 14: bàn về các loại quân đội và hành vi đúng đắn của một ông hoàng (a prince) hay một lãnh tụ quân sự.
Chương 15 tới chương 23: thảo luận về các đặc tính và hành vi của vị “quân vương” (the prince) và sau cùng,
Chương 24 tới chương 26: bàn về hoàn cảnh chính trị đáng tuyệt vọng của nước Ý. Trong chương cuối cùng, có lời yêu cầu gia đình Medici hãy cung cấp cho nước Ý một quân vương sau này có thể đưa nước Ý ra khỏi hoàn cảnh tủi nhục.
Niccolo Machiavelli cũng liệt kê ra 4 loại vương quốc (principalities):
Vương quốc (Principality): là miền đất được cai trị do một quân vương độc quyền, khác với một nước cộng hòa (a republic). Phần lớn các lời khuyên bên trong tác phẩm Quân Vương thì đều đề cập tới loại vương quốc này.
Vương quốc tạp kết (Composite principality): là miền đất mới được tạo dựng nên hay mới được sát nhập từ một quyền lực khác. Loại vương quốc này thì khó cai trị bởi vì người dân khác nhau về văn hóa, ngôn ngữ và thái độ đối với quân vương.
Vương quốc giáo phái (Ecclesiastical principalities): là miền đất cai trị do một quân vương (a prince) nhưng lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi Nhà Thờ (the Church).
Vương quốc thừa kế (Hereditary principality): là vương quốc cai trị do gia đình của một quân vương trong nhiều thế hệ. Theo Machiavelli, loại vương quốc này thì dễ cai trị và duy trì.
Nước Cộng Hòa (Republic): là xứ sở đứng đầu không phải là một vị vua hay một quân vương mà do các viên chức được bầu lên từ một số đông dân chúng.
Niccolo Machiavelli cho rằng một quân vương phải chú ý thật kỹ càng vào các công tác quân sự nếu ông ta muốn duy trì quyền lực và Machiavelli đã liệt kê 4 loại quân đội:
1) Quân lính đánh thuê (mercenaries troops): loại lính này được trả tiền để đi chiến đấu. Do bởi họ không trung thành với quân vương nên loại lính này nguy hiểm và không đáng tin cậy khi cần phải phòng thủ, họ không muốn chết ngoài mặt trận vì vậy họ không chiến đấu mạnh mẽ.
2) Quân lính phụ (auxiliaries troops): loại quân lính do nhà cai trị khác cho mượn, cũng nguy hiểm và không đáng tin cậy bởi vì họ chỉ trung thành với miền đất quê hương của họ.
3) Quân lính gốc (native troops): gồm các công dân của chính đất nước, là loại nên có.
4) Quân lính hỗn hợp (mixed troops): là đạo quân phối hợp quân lính gốc với quân lính phụ hay lính đánh thuê, loại này không được đánh giá cao bằng quân lính gốc.
Tác phẩm Quân Vương là quyển sách mang tính cách mạng nhất bởi vì nó đã phân cách chính trị (politics) khác với đạo đức (ethics). Lý thuyết chính trị cổ điển đã liên kết luật chính trị với luật đạo đức trong khi Machiavelli lý luận rằng các hành động chính trị phải được cứu xét về các hệ quả thực tế hơn là về các lý tưởng cao xa.
9/ Các Tác Phẩm Chính Của Niccolo Machiavelli.
1- Các tập thơ Decennali: tập thơ dài gồm 2 phần, nói về lịch sự hiện đại của xứ Florence, tập thơ Decennale thứ nhất năm 1504 và tập thơ Decennale thứ hai năm 1509.
2- Quân Vương (The Prince): khảo sát về tài lãnh đạo và quyền lực chính trị, 1513.
3- Vở kịch Mandrake (The Mandrake Root = Mandragola), viết ra vào khoảng năm 1516, kể về câu chuyện của một nàng trẻ và đẹp tên là Lucrezia, kết hôn với một ông già điên khùng Nicia. Chàng Callimaco đã yêu nàng Lucrezia nên đã lường gạt ông già Nicia để khiên cho ông già này chấp thuận cho họ yêu nhau. Tác phẩm này được coi là một trong các vở kịch hay nhất của thời đại đó.
4- Thảo Luận về Livy (Discourses on Livy = Discorsi sopra la prima deca ldi Tito Livio): đã phân tích nước Cộng Hòa La Mã (the Roman Republic), từ năm 1514 tới năm 1518.
5- Vở kịch Andria, vào khoảng năm 1517, là bản phiên dịch của bản chính do nhà viết kịch người La Mã Terence.
6- Về Nghệ Thuật Chiến Tranh (On the Art of War = Dell’ Arte della guerra): khảo sát về chiến thuật quân sự, từ năm 1519 tới năm 1520.
7- Cuộc đời của Castruccio Castracani (Vita di Castruccio Castracani), tiểu sử của một nhà lãnh đạo quân sự, là nhà cai trị của miền Luca, sách viết năm 1520.
8- Lịch sử của Xứ Florence (Florentine History = Istorie fiorentine), từ 1520 tới 1524.
9- Kịch Clizia, viết vào khoảng năm 1525. Vở kịch này bị coi là kém hơn vở kịch Mandragola, được viết căn cứ vào vở kịch Casina của nhà viết kịch người La Mã Plautus.
10- Tiểu thuyết ngắn Belfagor, năm viết không rõ. Belfagor là một con quỷ xuất hiện để lấy vợ, để thử xem người vợ sẽ gây đau khổ cho người chồng hơn là ở dưới địa ngục.
Phạm Văn Tuấn
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia. Cliffsnotes, Sparknotes.
Niccolo Machiavelli
https://en.wikipedia.org/wiki/Niccol%C3%B2_Machiavelli
The Prince
https://en.wikipedia.org/wiki/The_Prince