Vũ Quý Hạo Nhiên
Tại sao vị bác sĩ đứng đầu ngành Y chính phủ liên bang Hoa Kỳ, một nhân vật cấp cao từng đứng chung sân khấu với TT Trump trong những buổi họp báo về coronavirus, lại tự so sánh mình với Floyd, một người tiền án tiền sự đầy một danh sách?
Vì Bác sĩ Adams biết một điều mà người da đen nào cũng biết nhưng nhiều người Việt Nam có vẻ không biết, đó là xã hội Mỹ, trong đó có cảnh sát, đối xử với người da đen bất công, không như với các sắc dân khác, bất kể người da đen đó là ai, giàu nghèo ra sao.
Kenneth Frazier cũng nói tương tự. George Floyd “đã có thể là tôi.”
Kenneth Frazier là ai? Frazier là triệu phú, luật sư, CEO công ty dược phẩm Merck (ở nước khác như VN được gọi tên là MSD). Merck là công ty dược phẩm lớn thứ nhì ở Mỹ. Trong 500 công ty lớn nhất nước Mỹ, chỉ có 4 CEO người da đen và Kenneth Frazier là một.
Cũng như Bác sĩ Adams, tại sao ông Frazier tại tự so sánh mình với một người có tiền án tiền sự?
Cùng một lý do. Vì họ biết xã hội này bất công với mọi người da đen chứ không chỉ một mình George Floyd.
Ông Frazier nói cộng đồng người gốc Phi Châu xem video đó và nhìn thấy “người đàn ông gốc Phi Châu đó, đã có thể là tôi hay bất kỳ một người đàn ông Mỹ gốc Phi Châu nào, bị đối xử không như một con người.”
Bác sĩ Adams kể ông nhiều lần bị cảnh sát hay bảo vệ chặn lại trong siêu thị, trong các cửa hàng, bị vu cáo những điều ông không hề làm.
Ông nói thêm, “Người đó đã có thể là tôi, bị cảnh sát chặn lại vì lái quá tốc độ chỉ có 5 miles. Người đó đã có thể là tôi với đèn sau xe bị cháy bóng. Người đó đã có thể là tôi khi họ chỉ thấy một người đàn ông da đen và không phải Y sĩ trưởng Hoa Kỳ, nhất là nếu tôi không mặc đồng phục và chỉ mặc bình thường với áo có mũ, giày tennis, đồ thể thao, và người đó đã có thể là tôi bên vệ đường với đầu gối đè lên cổ tôi.”
Tôi có ông bạn cùng lớp. Ông này da đen nhà khá giả, bố là bác sĩ, cá nhân bạn tôi học trung học Beverly Hills High School trong khu tài tử nhà giàu, ông hiện làm luật sư và giáo sư Luật đại học UC Irvine.
Ông cho biết trong một group Facebook dành cho các ông bố người Mỹ gốc Phi Châu, gần như tất cả, trên 90%, cho biết đã từng bị cảnh sát rút súng doạ bắn. Cá nhân ông cũng từng bị cảnh sát rút súng doạ bắn, lần đầu tiên là năm 15 tuổi.
Ai trong chúng ta đã từng bị cảnh sát chĩa súng vào mình? Tôi ở Mỹ gần 40 năm, bị cảnh sát hú còi chặn lại nhiều lần, chưa lần nào bị rút súng ra dọa. Cảnh sát nào nói chuyện với tôi cũng tử tế.
Đó là cái bất công mà có thể không phải ai cũng nhìn thấy, vì không phải ai cũng đã kinh qua. Nếu cảnh sát nào đối xử với bạn cũng tử tế, bạn sẽ không ngờ là có thể chính viên cảnh sát đó, khi đối diện với ngưòi da đen, không tử tế như vậy.
George Floyd bị cảnh sát bắt vì tình nghi dùng tiền $20 giả. Thời tôi còn làm trong một toà soạn ở Bolsa, khách hàng 100% người VN, thì khoảng 1-2 tháng lại phát hiện tờ tiền giả, thông dụng nhất là tờ $10, thứ nhì tới tờ $20. Mà đó là tiền giả phát hiện lúc đếm tiền vào cuối ngày, chứ tờ nào đã thu vào rồi lại thối ra cho khách hàng khác thì không biết luôn.
Tiền giả ở Mỹ được ước lượng khoảng 1% giấy bạc. Tức là trung bình cứ 100 tờ giấy bạc Mỹ thì 1 tờ là giả. Nói cách khác, hầu hết chúng ta đều đã ít nhất một lần cầm và tiêu một tờ giấy bạc giả mà không biết.
Nếu một người VN trong chúng ta lỡ dùng một tờ $20 giả, cùng lắm là bị cảnh sát thẩm vấn rồi thả về. Trên Twitter có người đã nói đúng điều đó. Họ bị cảnh sát thẩm vấn vì đã dùng tiền giả, để rồi bây giờ có chuyện để kể cho bạn bè. Nhưng với George Floyd thì tờ giấy $20 đã trở thành bản án tử hình.
Vì sao? Có phải vì ông có tiền án tiền sự? Hoàn toàn không; thu ngân cửa hàng làm gì mà biết tiền án tiền sự của khách!
Không phải. Mà vì ông là người da đen.
Những người như BS Adams, LS Frazier, ông bạn tôi, họ biết điều đó. Họ biết người da đen ở Mỹ không có được cái presumption of innocence, suy đoán vô tội, như người da trắng. Họ biết xã hội nhìn mọi người da đen bất kể giàu nghèo giỏi dở ngành nghề nào chức vụ gì, không như nhìn những người khác.
Cho nên mới có tang lễ lớn diễn hành rồng rắn.
Không phải họ đưa tang một kẻ cựu tội phạm. Mà họ đưa tang cho một nền công lý không cân bằng. Họ đưa tang cho cả một cộng đồng bị đối xử bất công. Họ đưa tang cho cả lý tưởng bình đẳng của nước Mỹ vẫn còn chưa đạt được.