Người tốt

Du Uyên

Hôm rồi, khi đi nhổ răng khôn (hay còn gọi là răng ngu) về, tôi ghé tiệm bên đường mua đồ. Về nhà, tôi mới biết người ta tính tiền lộn, nên tôi chạy ra trả lại tiền cho người ta. Miệng mới nhổ răng, vừa sưng vừa đau quá nên tôi không nói chuyện, đến nỗi chú tài xế xe ôm còn phải xin lỗi vì không biết tôi bị… tật – khi ông cứ liên tục gợi chuyện mà không thấy tôi trả lời, chỉ ra hiệu bằng tay. Cũng bởi vậy mà khi tôi trả lại tiền thối lộn cho cô chủ tiệm (cả hai giao tiếp bằng chữ trên điện thoại), cô thở dài nói với chồng: “Con bé này câm mà thật thà, tốt bụng ghê ha ông?” Rồi cô kêu chồng cô chở tôi về…

Thư viện người – Nguồn ảnh: mymodernmet.com

Về nhà, tôi cũng hí hửng lắm. Vì từ nhỏ giờ, tôi trả lại tiền người ta khi họ thối lộn không biết bao nhiêu lần, chưa được ai khen “thật thà, tốt bụng” bao giờ, chắc tại mấy lần trước tôi biết… nói.

Nhiều khi tôi cũng nằm gác chân lên trán suy nghĩ coi mình có phải là người tốt không? Chắc cũng có lúc tốt lúc không. Tóm lại, tôi tin bản thân không phải là người xấu, ít nhất là tốt hơn những gì mà mấy đứa ghét tôi nghĩ về tôi (mấy người ghét tôi mới là người xấu). Dĩ nhiên là so với những người tốt tôi biết và ngưỡng mộ thì tôi chẳng là gì, tôi không tự tin mình làm được như họ nếu rơi vào cùng hoàn cảnh. Như trong vụ đắm tàu RMS Titanic, rất nhiều người giàu có, giỏi giang đã sẵn sàng hy sinh mạng sống để nhường cơ hội cho người khác. Hay như những người từng giúp đỡ, bao dung để tôi có thể trưởng thành hơn những ngày hôm qua, chắc họ mệt mỏi lắm. Hoặc như ông Kao Siêu Lực, “thần tượng” hiếm hoi của tôi trong giới kinh doanh Việt, bởi những việc cụ thể ông làm.

Trong “nồi canh” đầy những con sâu vui vẻ trục lợi trên việc giá xăng tăng, xăng giảm giá – giá hàng hóa vẫn đứng yên y như lúc đầu. Thì bỗng dưng có một ông Kao Siêu Lực (Tổng Giám đốc Công ty Bánh kẹo Á Châu – ABC) nói lời khẳng khái, chắc bất cứ người buôn bán nào ở Việt Nam nghe qua cũng nhột. Trích các phát biểu của ông trên baochinhphu.vn ngày 5-8-2022:

“Chúng tôi gần như độc quyền cung cấp hamburger cho các hệ thống thức ăn nhanh trên địa bàn thành phố. Với lợi thế này, chúng tôi hoàn toàn có thể tăng giá bán với lý do nguyên liệu nhập cảng tăng giá. Nhưng mình không thoải mái khi lợi dụng tình hình như thế”.

Ông Kao Siêu Lực cho biết những nguyên liệu quan trọng nhất với phía ông để làm bánh là bột mì và bơ dù nhập cảng nhưng không có tình trạng mỗi ngày một giá như trên thị trường VN hiện nay.

Ông Kao Siêu Lực – Nguồn ảnh: vietnambusinessinsider.vn

“Mình ký hợp đồng ít nhất 6 tháng thì nhà nhập cảng đã đưa bột mì về kho đủ cho mình sản xuất trong thời gian đó. Cho nên nói đứt gãy nguồn cung, nói ảnh hưởng xung đột mà tăng giá là hành vi lợi dụng tình hình tạo khan hiếm ảo để tăng giá”. – Hết trích.

Hồi tháng 2 năm 2020, Trung Quốc lấy lý do ảnh hưởng của cúm Vũ Hán, mà chặn hết nông sản Việt Nam một cách đột ngột ở biên giới (đây là trò quen thuộc của Tàu dành cho hàng hóa Việt, vậy mà không ai – từ nông dân tới bộ trưởng Nông nghiệp VN – rút kinh nghiệm). Ông Kao Siêu Lực cũng đã cứu bà con nông dân bằng cách nghiên cứu ra bánh mì thanh long, bánh mì dưa hấu… rồi tung công thức rộng rãi để mọi người cùng làm, cùng bán, cùng “giải cứu nông sản”. Thời gian đó, món “bánh mì thanh long” trở thành phong trào chung trên mọi mạng xã hội.

Khi được hỏi (từ kenh14.vn) “Danh tiếng của bánh mì thanh long đang lên như diều gặp gió thì bất ngờ ABC Bakery chia sẻ rộng rãi công thức làm bánh cho tất cả mọi người, điều này được xem là tối kỵ trong kinh doanh, vì “thà cho vàng còn hơn chỉ đàng đi buôn”?”

Ông Kao Siêu Lực trả lời: “Nếu mình cứ âm thầm làm, giữ cho riêng mình thì không phát triển được. Bản thân tôi là Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì Quốc tế Khu vực Ðông Nam Á, kể cả nước ngoài còn chia sẻ, vậy sao trong nước lại không chia sẻ được. Vì vậy tôi quyết định chia sẻ rộng rãi công thức làm bánh mì thanh long, đặc biệt nếu ai làm chưa thành công thì có thể trực tiếp gọi cho tôi. Tôi mong muốn cả nước cùng làm bánh mì thanh long, cùng san sẻ với người nông dân, chứ không riêng ABC. Một mình ABC sức nhỏ thôi, nhưng nếu cả nước thì sức mạnh sẽ rất lớn.” – Nhờ ông Kao Siêu Lực, rất nhanh sau đó giá thanh long đã tăng trở lại, từ 4,000 VND/ký lên 25,000 VND/ký, dẫu bên Tàu vẫn chưa mở cửa cảng.

Ông Kao Siêu Lực sinh ra trong một gia đình gốc Hoa tại Campuchia. Ông phải vượt biên qua Việt Nam, để tránh nạn diệt chủng của Pol Pot – Khmer Ðỏ lúc bấy giờ. Từ một cậu bé di cư “3 không – Không vốn, không biết tiếng Việt, không người thân”, ông trở thành “vua bánh mì” tại Việt Nam, sau khi sáng lập 2 thương hiệu bánh mì thành công, nức tiếng, đó là Ðức Phát (khi ly hôn đã nhường lại cho vợ) và ABC (gầy dựng sau ly hôn).

“Nhiều thí sinh bị hư xe, ngủ quên được CSGT chở giúp đến phòng thi” – tựa bài báo ngày 8-7-2022 và hình ảnh của tuoitre.

Người ta hay nói “con sâu làm rầu nồi canh”, để chỉ những kẻ xấu hiếm hoi làm tai tiếng xã hội, nhưng ở Việt Nam, có lẽ xấu riết thành… quen, nên tìm hoài trong nồi canh, hên dữ lắm mới thấy được một “con sâu” tốt. Tiếng xấu thì lan xa, tiếng lành không ai đồn, nên “con sâu xấu” có thể “làm rầu nồi canh”, chứ “con sâu tốt” thì không thể làm nồi canh hết rầu.

Không phải vì người Việt không có trái tim đồng cảm, mà do người Việt mất hết lòng tin lẫn nhau. Như mới đây, người ta chia sẻ tin ở Ðan Mạch có một “thư viện người”. Ở đây, những “độc giả” tới được mượn một người trong 30 phút để trò chuyện cùng họ, kể hoặc lắng nghe những câu chuyện trong đời sống từ những người hoàn toàn xa lạ, thay vì mượn một cuốn sách. Ðộc giả được khuyến khích “đặt các câu hỏi khó” mà họ luôn thắc mắc từ trước đến nay. Và họ sẽ được trả lời từ bất kỳ ai đến từ mọi ngành nghề, từ các nhà tổ chức tang lễ, những cựu chiến binh, diễn viên, diễn giả cho đến những đứa trẻ… Tất nhiên, không một “cuốn sách người” nào có thể nghiệm giống hệt nhau, nhưng họ đều có sự kiên nhẫn và lịch sự. Rất nhiều bình luận bên dưới cho rằng, “thư viện người” sẽ không thể có ở Việt Nam, dầu ý tưởng này rất tốt. Hoặc khi về Việt Nam, chẳng bao lâu, “thư viện người” sẽ bị “biến tướng” thành một nơi không tốt. Vì rất nhiều mô hình kinh doanh/thói quen/điều luật… tốt ở nhiều nước trên thế giới, về Việt Nam một thời gian đều trở nên kỳ cục. Ngoài ra, phần nhiều người Việt không tin là đồng bào mình có thể làm việc tốt bất vụ lợi, không mục đích xấu. Có người thì nói rằng, “thư viện người” ở Việt Nam đã có từ lâu, nhưng có tính phí, đó là mấy… quán cà phê ôm/bia ôm… ở khắp Bắc, Trung, Nam – Nơi luôn có nhiều người đẹp sẵn sàng ngồi chờ “tâm sự” với bạn.

“Nam sinh ngủ quên được CSGT đến nhà phá cửa chở đi thi: Do điện thoại hết pin” – tựa bài báo ngày 10-8-2020 và hình ảnh của tuoitre.vn

Người lạnh lùng thì cho rằng học sinh này đáng đời, đi thi mà ngủ gục, 18 tuổi đầu rồi còn không tự lo cho tương lai bản thân. Người nguyên tắc như ông Tạ Thanh Vũ (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Cà Mau) khẳng định: “Cán bộ coi thi đã làm đúng quy chế”.

Người tình cảm thì cho rằng Giám thị coi thi quá vô cảm, lỡ thí sinh đó có vấn đề sức khỏe, thậm chí đột quỵ (rất nhiều người trẻ VN ra đi vì lý do này gần đây) thì sao? Không hề có quy định nào cấm giám thị đánh thức học sinh ngủ trong phòng thi, có chăng là cấm nhắc bài, gợi ý bài cho cá nhân nào đó. Ngồi xa thấy học sinh ngủ, cũng nhắc đánh thức học sinh được, chẳng cần đến gần đụng chạm…

Người hay đọc báo nhà nước thì đề nghị: Từ kỳ thi sau trở đi, xin Bộ giáo dục VN hãy cử các chiến sĩ Cảnh sát làm nhiệm vụ coi thi thay cho các giáo viên coi thi, vì nếu có học sinh nào ngủ quên các chiến sĩ Cảnh sát sẽ gọi dậy, chứ các giám thị vô cảm quá! Cũng là thí sinh dự thi tốt nghiệp cả, nhưng năm nào cũng có người ngủ quên ở nhà được Cảnh sát đến đón đi thi, người ngủ trong phòng thi thì không ai gọi dậy. Như vậy là rất bất công! Không thể chấp nhận.

Người thích bàn chính sự thì cho rằng: Thay vì để cho cậu học trò ngủ quên trong phòng thi phải chờ 1 năm để thi lại, đề nghị nên tuyển thẳng cậu ấy vô Quốc hội. Vì kỳ họp quốc hội nào cũng thấy vài ông “nghị gật” ngủ quên, cựu Bộ trưởng Bộ giáo dục VN – ông Phùng Xuân Nhạ là một ví dụ, hình vẫn còn tràn lan trên cõi mạng.

Tài xế ngủ quên được kêu dậy ở Hưng Yên – Nguồn ảnh: vietnamnet.vn

Tôi tin, những người bàn luận ở trên, không ai có ý xấu cả, họ chỉ tốt với một trong hai “phe” thí sinh ngủ quên hoặc giám thị coi thi trong câu chuyện mà thôi. Cuộc sống mà, mỗi người mỗi suy nghĩ. Riêng tôi, không biết nếu câu chuyện này xảy ra ở Ðan Mạch – nơi có “thư viện người” thì sẽ diễn biến như thế nào? Nhưng tôi tin, nếu tôi hay ông Kao Siêu Lực là giám thị coi thi hôm đó, tôi tin rằng em thí sinh kia sẽ được gọi dậy, bất kể quy định thi là gì. Tuy nhiên, nếu câu chuyện đã xảy ra rồi, thì chúng ta hoàn toàn có thể cho em thi lại bằng một đề khác, chẳng lẽ Bộ giáo dục VN không có phương án dự phòng? (Mà có khi không có thật!)

Ngay trong khoảng thời gian song song, tại Hưng Yên, người ta thấy một bác tài nằm gục trong xe hơi bên đường, kêu hoài không dậy. Nhiều dân làng cùng nhau phá cửa “giải cứu” vị tài xế này, phá cửa xong, chàng ta mới tỉnh dậy, cho biết mình đang… ngủ quên. Tuy nhiều người thương cho chàng trai mất một cánh cửa xe hơi sau giấc ngủ trưa, nếu là xe thuê thì càng bi đát. Nhưng người ta mừng cho chàng nhiều hơn, với thời tiết nóng như hiện nay tại VN – ngủ trong xe là điều nguy hiểm. Cũng may chàng trai không phải là người ngang ngược hoặc cùng khổ, đòi người đập cửa bồi thường cái cửa kính xe hơi.

Có người nói “Thông minh là một món quà, còn lòng tốt là một sự lựa chọn”, xin kết bài bằng một “lòng tốt”:

Thẩm phán bước vào phòng xử án, gõ búa và nói: “Trước khi tôi bắt đầu tuyên án, tôi muốn thông báo rằng, luật sư của bị cáo đã đưa cho tôi 15 ngàn USD để tôi lái vụ án theo cách của ông ấy”.

Hàng chục người trong phòng xét xử xôn xao.

Vị thẩm phán tiếp lời: Còn luật sư của bên nguyên đơn lại đưa cho tôi 10 ngàn USD để lái theo cách của cô ta.

Phòng xử im lặng lắng nghe.

– Vì vậy, để tránh trường hợp đưa ra những phán quyết không đúng và bảo đảm sự công bằng trong việc xét xử, tôi xin phép được trả lại 5 ngàn USD cho bên bị cáo.

Du Uyên

Related posts