Lý Trần
Ai đã từng trên sân ga trước một chuyến đi, đều có chung những cảm xúc: Cảm xúc của người chờ tàu. Họ có thể nóng lòng, buồn rầu hay háo hức đợi sự xuất hiện của đoàn tàu rồi bước chân lên đó để lại phía sau nơi mình vừa tạm đứng.
Nhưng đó chính là tâm trạng người Việt trong nước hiện nay. Dường như họ đang ngóng đợi để đi đâu đó vì cảm thấy nơi họ đang sống dường như chỉ là chốn tạm, dù chẳng biết mình phải đi đâu.
Người chờ tàu không chỉ là những người có tiền và “sính ngoại”, mà có cả những người có chức quyền đang ngự trong bộ máy cai trị của ĐCSVN. Chưa biết thực hư về tài sản của họ bên trời Tây ra sao, nhưng một thực tế là con cháu những quan chức CS phần nhiều đều du học ở những nước “Tư bản giãy chết”. Các cháu có khả năng học được hay chỉ đi để giải ngân cho cha mẹ là chuyện khác.
Bằng tham nhũng và hủy hoại môi trường, … cha mẹ chúng để lại cho nhân dân một đất nước bị tàn phá trên mọi phương diện, từ kinh tế, xã hội đến giáo dục và đạo đức.
Du học, định cứ ở nước ngoài là cái đích cuối cùng?
Có thể nói người châu Á nói chung và người Việt nói riêng, khó có thể tìm thấy hạnh phúc thật sự khi không sống trên quê hương mình. Họ không thật sự cảm thấy hạnh phúc trong thế giới mà người “mũi tẹt da vàng” vẫn ở vế lép.
Tôi có cơ hội tâm sự với những Việt kiều định cư ở nước ngoài, nhiều người ở đó 30-40 năm. Hầu hết trong số đó là những người có học và có cuộc sống vật chất khá đầy đủ. Cho dù thời gian sống ở đó quá nửa đời người, nhiều người vẫn có cảm giác mình là dân “ngụ cư”, ít người dám nhận nước sở tại là “quê hương thứ hai” (trừ ông Lê Duẩn coi Nga Xô là quê hương thứ hai).
Sự rời bỏ quê hương ra đi, đến những chân trời xa lạ là một việc bất đắc dĩ với nhiều người.
Sống và cống hiến tại quê hương
Họ mong ước đất nước Việt cũng có chế độ tử tế như nhiều nước văn minh nơi họ đang ngụ cư để được về quê hương sống và cống hiến cho đất nước, cho dù có người ngụ cư gần như hết cuộc đời mình ở xứ người.
Vẫn chưa quên có những người bỏ ra hàng chục lượng vàng để được ra đi. Họ không nghèo, không bỏ quê hương ra đi vì miếng cơm manh áo. Họ cần được hít thở.
Tương lai nào cho con trẻ Việt Nam?
Mỗi khi nhìn thấy các cháu học sinh mẫu giáo, tiểu học hồn nhiên hò hát chơi đùa, tôi lại thấy xót xa vì biết rằng với tình trạng đất nước ngày càng suy tàn như thế này, trước mặt các cháu chỉ là một ‘bầu trời bao la’, một tương lai mờ mịt và vô định.
Các cháu hồn nhiên mơ ước, học tập và lao động giỏi để có chỗ đứng trong xã hội, … Nhưng những chỗ đứng xứng đáng với lao động hay trí tuệ của các cháu đã bị những kẻ trong bộ máy cai trị của ĐCSVN như những Triệu Tài Vinh, Phạm Quang Nghị, … cướp hết cho con cái chúng. Những Hoài Bảo, Xuân Anh, Thanh Nghị, … và hàng ngàn đứa con quan khác không xứng, chiếm hết chỗ rồi. Còn lại chỉ là những chỗ hầu hạ cho lũ mafia và trộm cắp đang nắm quyền cai trị đất nước.
Dù học giỏi đến đâu chăng nữa, các cháu cũng khó có chỗ trong hệ thống tham nhũng, mafia này. Hãy nhìn những gương tài năng du học nước ngoài rồi cuối cùng cũng phải ra đi.
Khi các cháu lớn lên, bước chân vào đời sống thực, tất cả sẽ lại bị cuốn vào cái vòng luẩn quẩn như cha anh các cháu đang bị kẹt cứng ở đó: “Chạy”, hối lộ, CA đàn áp, mafia, giáo dục nhồi sọ, ngu dân, nạn cường hào, mất nhà, mất đất, v.v…
Khi ấy, mơ ước của các cháu chỉ là làm sao ấm cái dạ dày và giữ được mạng sống.
Ở lại sân ga đầy khói bụi, bệnh tật và rác, … ngơ ngác và mất phương hướng chỉ còn giới Công-Nông và con cháu họ, những người từng đổ máu để xây dựng chế độ CS này.
Người Việt ước mơ rằng đất nước mình là nơi chính người Việt tìm thấy cuộc sống an bình, chứ không phải cái ga tàu.