Sống dưới bóng của Hoàng Đế Trung Quốc

Ls Lê Đức Minh

Trung Quốc trên thực tế đã kiểm soát được Biển Đông qua việc xây nhiều đảo nhân tạo kiên cố trên quần đảo Trường Sa và những nơi khác. Các chính phủ của Đảng Dân Chủ Hoa Kỳ từ Bill Clinton đến Barrack Obama đều tỏ ý không quan tâm. Hiện nay nhiều người hy vọng tổng thống Donald Trump sẽ chận được Trung Quốc trên biển Đông.

Nhiều nhà phân tích cơ bản đồng ý rằng Trung Quốc đang tiến hành các hành vi mang tính khiêu khích, nhưng có đánh giá khác nhau về mục đích của Trung Quốc. Các chính khách Hoa Kỳ và phương Tây dựa vào những lời khuyên khác nhau và do đó đã có những phản ứng khác nhau trước những hành vi được cho là tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.

Tuy nhiên có một quan điểm được đa số các chính trị gia quốc tế chấp nhận. Đó là cho dù Trung Quốc có mục đích gì đi nữa, mục đích ngắn hạn hay mục đích dài hạn, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là những hành vi của Trung Quốc trên biển Đông sẽ dần dần thay đổi hiện trạng của biển Đông và từ đó sẽ dẫn đến việc thay đổi quyền được sử dụng vùng biển này. Tiếp đó thay đổi hiện trạng biển Đông cuối cùng sẽ dẫn đến việc thay đổi trật tự thế giới mới, cho dù Trung Quốc có cố tâm thay đổi trật tự thế giới cũ hay không.

Cùng với việc nền kinh tế phát triển ngoạn mục trong 30 na8mm qua, Trung Quốc nhận thức về cơ hội của quốc gia mình trong tương lai trong đó biển Đông sẽ là cửa mở Trung Quốc ra với thế giới, và cũng là vùng đệm an ninh cho Trung Quốc. Khi nhận thức như thế Trung Quốc thấy rõ sự suy yếu của Mỹ trong vài thập niên qua. Đồng thời Trung Quốc cũng vội vã tiến hành các tham vọng trên biển Đông vì nhiều quốc gia đã và đang lăm le làm dữ về vấn đề chủ quyền bằng cách đưa sự vụ ra tòa án quốc tế. Dĩ nhiên để bảo vệ những hoạt động đầy tham vọng của Trung quốc trên biển Đông, đảng cộng sản Trung Quốc phải sử dụng lực lượng quân sự của họ.

Không bao lâu nữa, nền kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ trên tất cả mọi phương diện và vì thế tương quan quyền lực giữa Trung quốc và Hoa Kỳ sẽ phải tay đổi theo chiều hướng Hoa Kỳ phải nhường quyền lãnh đạo thế giới lại cho Trung Quốc, nếu Trung Quốc muốn thách thức vị trí số một của Hoa Kỳ.

Từ thực tế lịch sử, việc các nước hùng mạnh mới nổi lên thách thức quyền lực của những quốc gia hùng mạnh trong quá khứ là không tránh khỏi. Vấn đề là việc thách thức đó diễn ra như thế nào, bằng các giải pháp hòa bình tự nguyện nhường bước hay trực diện thách thức bằng cách dùng vũ lực.

Hiện tại bây giờ Trung Quốc vẫn luôn khăng khăng rằng họ sẽ trỗi dậy trong hòa bình và không có ý đồ xâm lược ai hay bá chủ thế giới. Tuy nhiên cả thế giới dường như không tin vào lời giải thích này. Và những hành vi của Trung Quốc trên biển Đông cho đến nay đã và đang làm cho cả thế giới tin rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ dùng vũ lực để cướp lấy cái mà họ cho là thuộc về họ. Và như thế Trung Quốc phải cướp lấy quyền khống chế biển Đông từ Hoa Kỳ. Nếu Trung quốc muốn sử dụng vũ lực với Hoa Kỳ thì chắc chắn rằng Hoa Kỳ sẽ không chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Mà cho dù không muốn thống trị thế giới đi nữa, rõ ràng theo Tập Cận Bình, Trung Quốc vẫn muốn họ là quốc gia hùng cường số một. Họ có ước vọng là phải trở thành cường quốc vô địch thế giới vào năm 2049 nhân dịp kỷ niệm 100 ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc. Những kế hoạch đầy tham vọng như “Một vành đai, một con đường”, “Giấc mơ Trung Hoa” “Made in China 2025” đều thể hiện rõ tham vọng trở thành vô địch độc tôn trên thế giới vào năm 2049. Chính Tập Cận Bình đã quyết đoán rằng thời cơ của Trung Quốc đã đến và không cần phải ẩn mình chờ đợi gì thêm nữa.

Tập Cận Bình tin rằng vị tr1i của Mỹ tại Châu Á, Thái Bình Dương phải thay đổi theo hướng không đụng chạm lợi ích của Trung Quốc. Theo Tập thì không có nghĩa các lợi ích của Hoa kỳ sẽ bị Trung Quốc chiếm đoạt. Nhưng vấn đề là liệu Hoa Kỳ có đồng ý thay đổi vị trí mà họ đã nắm giữ từ năm 1945 đến nay hay không.

Trước thái độ bất nhất của tổng thống Donald Trump, Tâp Cận Bình rõ ràng là mất kiên nhẫn. Trung Quốc luôn lên giọng nhắc nhở các nước về vị trí đang lên của mình và yêu cầu họ công nhận biển Đông là lợi ích sống còn của Trung Quốc. Trong khi đó Hoa Kỳ nhiều lúc đã lớn tiếng cho rằng an ninh khu vực biển Đông cũng là an ninh thế giới và lợi ích của Hoa Kỳ trên biển Đông cần phải được bảo vệ. Nói như thế có nghĩa là trong thâm tâm của cả Tập và Trump, việc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là không thể tránh khỏi.

Trung thúc đẩy hiện đại hoá và tăng trưởng kinh tế không loại trừ việc dùng sức mạnh quân sự vươn ra nước ngoài để độc chiếm thế giới. Trung Quốc không có quan hệ tốt đẹp với nhiều quốc gia và họ không hài lòng với trật tự thế giới tự do hiện tại và điều đó được thể hiện qua hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc thường xuyên quấy rối các nước khác trên Biển Đông. Trung Quốc thực hiện các động thái cho vay mafia với mục đích chiếm đoạt những tài sản chiến lược của các nước khác chứ không chỉ đơn thuần giúp các nước nhận khác vì thiện chí hòa bình.

Nhiều người cho rằng bất ổn trong nước ngăn cản Trung Quốc tiến hành các tham vọng ở nước ngoài và theo đuổi tham vọng độc chiếm thế giới. Nhưng thực tế cho thấy khi tình hình trong nước rối ren các thể chế độc tài thường gây chiến tranh với các nước khác.

Trong khi sách Trắng của Trung Quốc không nhấn mạnh về các chiến dịch quân sự ở nước ngoài của Trung Quốc, nhưng ai có thể tin vào cái Sách Trắng vớ vẫn đó trong khi thực tế người ta thấy rõ Trung Quốc đã bí mật phát triển quân đội của họ như là chuẩn bị cho một cuộc đại chiến chứ không phải để bảo vệ đất nước. Những khoản chi tiêu cho quân đội không minh bạch. Đặc biệt Sách Trắng hiện tại của Trung Quốc đã tự cho rằng Trung Quốc là một cường quốc biển. Thái độ lời nói hung hăng của nhiều tướng lĩnh Trung Quốc được coi là một hình thức bắn tiếng với thế giới rằng Trung Quốc đã hùng mạnh lắm rồi và có thể đánh bại bất cứ kẻ thù nào dám cản đường của Trung Quốc.

Trung Quốc mở rộng quyền kiểm soát của họ trên biển Đông rõ ràng sẽ làm giảm đi quyền kiểm soát hải phận của những quốc gia khác ven bờ. Những hoạt động độc quyền thăm dò khai thác biển Đông là những hành vi cướp bóc tài nguyên của các quốc gia ven bờ. Trung Quốc thành lập các căn cứ quân sự trên biển Đông rõ ràng để xua đuổi lực lượng q uân sự của các nước khác và công khai vi phạm Công Ước Biển, vi phạm nguyên tắc tự do hàng hải. Dĩ nhiên khi Trung Quốc làm như vậy, họ biết rõ rằng quyền lực của Hoa Kỳ bị thách thức nghiêm trọng. Nhưng Trung Quốc vẫn làm. Và nếu thái độ của Hoa Kỳ cứ lừng chừng thăm dò như hiện nay, thì Trung Quốc sẽ càng làm mạnh hơn nữa. Một lúc nào đó Hoa kỳ tự cảm thấy rằng biển Đông đã là nhà của Trung Quốc và tự nguyện êm thắm rút lui, bàn giao lãnh thổ.

Trong khi đó Trung Quốc gây hấn với tất cả những quốc gia ven bờ và tìm cách hăm dọa từng nước một, không cho các nước kết hợp lại với nhau để chống Trung Quốc. Trung Quốc ưu tiên phương pháp này hơn bởi vì điều này sẽ làm cho sự phản đối của từng nước láng giềng riêng lẻ trở nên khó khăn hơn. Việc này dẫn đến thái độ chia rẽ giữa các quốc gia ven bờ, ngay cả với các thành viên của khối ASEAN.

Xuất phát từ sự trỗi dậy dường như tất yếu của Trung Quốc, rất đáng để tìm hiểu lý do tại sao Trung Quốc lại rất muốn kiểm soát Biển Đông và tại sao lại ở thời điểm này.

Một số người lập luận rằng hành vi của Trung Quốc bị thúc ép bởi hành vi của các bên yêu sách, rằng Trung Quốc buộc phải đáp trả lại hoặc vĩnh viễn mất Biển Đông (viện cớ để biện minh cho các hành động Trung Quốc). Việc giải thích như thế là vô lý. Đầu tiên, luật quốc tế hiện nay mang lại sự phân chia đồng đều các phần trên Biển Đông cho Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc đã tham dự trọn vẹn các cuộc đàm phán để xây dựng UNCLOS. Thứ hai, nếu Trung Quốc đã định chờ đợi, sẽ đến lúc Trung Quốc có thể mang sức mạnh kinh tế và địa lý áp đảo của mình để kiểm soát Biển Đông một cách hiệu quả như cách Mỹ đang thống trị Vịnh Mexico. Cuối cùng, Trung Quốc đã chịu đựng những nước yêu sách khoảng hơn 40 năm. Không có lý do gì mà Trung Quốc không thể trì hoãn các hoạt động của mình. Thực tế, sự hội tụ của nhiều lý do về chiến lược, nội trị, cơ hội, hệ thống quan liêu và cá tính lãnh đạo đã khiến Trung Quốc hành động ngay lúc này. Chiến lược xây dựng các đảo của Trung Quốc có những động cơ quân sự, nhận thức và kinh tế.

Theo đó, Trung Quốc cần phải chiếm giữ và kiểm soát Biển Đông ngay bây giờ vì đây chính là thời cơ có một không hai theo quan điểm của Tập Cận Bình. Trung Quốc không thể trở thành cường quốc số một vào năm 2049 nếu Trung Quốc không thực hiện được tham vọng độc chiếm biển Đông càng sớm càng tốt. Và biển Đông phải là mục tiêu đầu tiên cần phải chiếm giữ trước khi cả thế giới sẽ sống dưới cái bóng của các vị hoàng đế Trung Hoa.

Related posts