35% doanh nghiệp Hồng Kông cân nhắc rời thành phố

Hương Thảo

35% doanh nghiệp Hồng Kông cân nhắc rời thành phố
Trái: (ảnh: Smooth O/Wikimedia Commons), Phải: Hồng Kông về đêm (ảnh: Jim Trodel/Wikimedia Commons).

So với một tháng trước, đã có thêm nhiều công ty hiện đang xem xét di dời ra khỏi Hồng Kông khi Luật An ninh quốc gia được chính quyền Bắc Kinh chính thức thi hành, theo một cuộc khảo sát kinh doanh được công bố ngày 13/7.

Luật An ninh quốc gia, được Bắc Kinh chính thức ban hành vào ngày 13/6, sẽ hình sự hóa các cá nhân có các hành vi lật đổ, ly khai, khủng bố và thông đồng với các thế lực nước ngoài chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), với hình phạt tối đa là tù chung thân, theo The Epoch Times.

Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hồng Kông đã khảo sát 183 công ty, tương đương 15% tổng số các thành viên của họ từ ngày 6/7 đến ngày 9/7. Trong số những công ty được hỏi, 98 công ty có trụ sở chính đặt tại Hoa Kỳ, 65 tại Hồng Kông và 13 tại Châu Âu.

Khoảng 30% cho biết họ đã cân nhắc việc di chuyển tài sản hoặc hoạt động kinh doanh ra khỏi đặc khu trong trung và dài hạn, trong khi khoảng 5% cho biết họ đang xem xét thực hiện điều đó trong ngắn hạn. Tỷ lệ cộng lại cao hơn khoảng 6 điểm so với khảo sát trước đó của AmCham, được công bố hôm 3/6, trong khi khoảng 29% trong số 180 công ty được hỏi cho biết họ đang xem xét di dời.

Trong cuộc khảo sát hiện tại, một thành viên giấu tên cho biết ông “lo ngại về sự lưu thông tự do và toàn vẹn của thông tin và dữ liệu, cũng như bảo mật cá nhân”.

Một thành viên giấu tên khác viện dẫn một “rủi ro chính trị gia tăng” là một nguyên nhân để cân nhắc cắt giảm hoạt động kinh doanh trong thành phố.

Khi được hỏi liệu họ có xem xét rời khỏi Hồng Kông với tư cách cá nhân do Luật An ninh quốc gia hay không, 48% cho biết họ sẽ làm vậy trong trung hạn và dài hạn, trong khi gần 4% cho biết họ sẽ rời đi trong ngắn hạn. Trong cuộc khảo sát vào tháng 6, khoảng 38% cho biết cá nhân họ đang cân nhắc rời thành phố.

Cuộc điều tra tháng 6 được thực hiện chỉ vài ngày sau khi Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc – cơ quan lập pháp của nước này – cho biết họ sẽ thông qua luật này khi bỏ phiếu vào ngày 28/5.

Hơn một nửa (56%) trong số những người được khảo sát cho biết họ cảm thấy luật này hà khắc hơn những gì họ nghĩ, trong khi khoảng 40% cho biết luật đúng như những gì họ dự đoán. 

“Hầu như mọi điều khoản [của Luật An ninh] đều quá chung chung, như vậy đã trao cho ĐCSTQ một thứ quyền lực vượt ngoài tầm kiểm soát”, một người được hỏi cho biết.

Khoảng 78% số người được hỏi cho biết họ rất quan ngại về luật này. Khi được yêu cầu kể tên những lo ngại này, 65% cho biết họ lo ngại về “sự mơ hồ về phạm vi và quyền hạn thực thi pháp luật”, gần 61% cho biết họ lo lắng về ảnh hưởng của luật đối với sự độc lập của nền tư pháp Hồng Kông, và 51% cho biết luật này “đe dọa vị thế của Hồng Kông như một trung tâm kinh doanh quốc tế”.

Một thành viên giấu tên đã khá cụ thể khi đưa ra mối lo ngại của ông trước “việc bị mất quyền tự do ngôn luận và phát biểu”, trong khi một người khác nói luật này “sẽ thúc đẩy việc biến đổi Hồng Kông từ một trung tâm kinh doanh quốc tế sang một trung tâm kinh doanh của đại lục”.

Hơn một nửa (51%) cho biết việc thực thi luật khiến họ cảm thấy bất an khi sống và làm việc ở Hồng Kông, trong khi chỉ có 26% cho rằng luật này khiến họ cảm thấy an toàn hơn.

“Quá bất an. Tính pháp quyền đang dần biến mất”, một thành viên giấu tên nêu rõ.

“Dù là một người giữ hộ chiếu nước ngoài, luật này vẫn có thể được áp dụng đối với tôi và không thể đặt bất kỳ niềm tin nào vào sự bảo vệ nào của tòa án đương địa”, một người khác nói.

Gần 49% số người được hỏi cho biết doanh nghiệp của họ sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi Luật An ninh quốc gia, so với khoảng 13% cho biết sẽ có hiệu ứng tích cực. Trong khi đó, khoảng 64% tuyên bố rằng tác động của luật đối với triển vọng kinh doanh của họ sẽ là tiêu cực, so với 22% cho rằng tác động sẽ là tích cực.

Hơn hai phần ba (67%) ôm giữ một viễn cảnh bi quan về triển vọng kinh doanh tổng thể của thành phố.

Một người được hỏi giấu tên bày tỏ sự sợ hãi về việc mất tự do báo chí và tự do ngôn luận.

“Liệu các nhân viên của tôi có bị đi tù vì những gì họ đăng trên các mạng xã hội? Liệu tôi vẫn có thể đọc tin tức chân thực hay chỉ là các tuyên truyền của ĐCSTQ?” một người khác nói.

Một người được hỏi khác cho biết: “Hồng Kông không còn là một thị trường tự do, minh bạch và công bằng, với hệ thống tư pháp và pháp lý độc lập, do chế độ ‘một quốc gia, hai chế độ đã chết’”.

“Một quốc gia, hai chế độ” là một khuôn khổ mà Bắc Kinh hứa hẹn cho Hồng Kông, nhằm bảo vệ quyền tự trị cao độ của thành phố cảng này trong 50 năm kế tiếp sau khi thành phố được Anh trao trả về Trung Quốc vào năm 1997.

(Nguồn ảnh thumbnail: Trái: (ảnh: Smooth O/Wikimedia Commons), Phải: Hồng Kông về đêm (ảnh: Jim Trodel/Wikimedia Commons))

Related posts