Một lá thư chung được ký kết bởi 62 thành viên Nghị viện, bốn thượng nghị sĩ, cựu Chủ tịch Hạ viện và hơn 20 nhóm cộng đồng của Canada đang kêu gọi nước này áp đặt các biện pháp trừng phạt Magnitsky đối với các quan chức Bắc Kinh và Hồng Kông đối với các tội danh vi phạm nhân quyền.
Được khởi xướng bởi Liên minh Canada Hồng Kông (ACHK), bức thư yêu cầu Thủ tướng Justin Trudeau, phó Thủ tướng Chrystia Freeland và Ngoại trưởng François-Philippe Champagne xử phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông “chịu trách nhiệm trực tiếp cho các tội ác nhân quyền xảy ra ở Tây Tạng, khu vực Đông Turkestan (Tân Cương) bị chiếm đóng, và Hồng Kông”.
“Canada cần có lập trường mạnh mẽ chống lại sự vi phạm nhân quyền trắng trợn và tổ chức một nỗ lực đa phương giữa các quốc gia chia sẻ các giá trị chung để đòi lại vị thế lãnh đạo của chúng ta trên trường quốc tế”, bức thư viết.
Bức thư trích dẫn một dòng trạng thái Twitter của Ngoại trưởng Champagne hồi đầu tháng:
“Lệnh trừng phạt là một công cụ quan trọng để khiến các thủ phạm vi phạm nhân quyền thô bạo phải chịu trách nhiệm”.
ACHK đã cung cấp một danh sách lên chính phủ gồm 6 quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mà họ muốn xử phạt “vì lạm dụng quyền con người và bạo lực nhà nước ở Trung Quốc và Hồng Kông”.
Gần một nửa số nghị sĩ Đảng Bảo thủ đã ký bức thư, cũng như ba nghị sĩ của Đảng Xanh và hai từ Đảng Bloc Québécois.
Ngoài ra còn rất nhiều chính khách khác từ các đảng phái khác nhau trong Nghị viện Canada đề tên vào bức thư này, gồm Nghị sĩ Đảng Tự do Judy Sgro và nghị sĩ Đảng Dân chủ Mới Jenny Kwan, hai thượng nghị sĩ Đảng Bảo thủ Leo Housakos và Linda Frum; Thượng nghị sĩ độc lập Marilou McPhedran; Thượng nghị sĩ Đảng Thượng viện Cấp tiến Pierre Dalphond; cựu Chủ tịch Hạ viện Peter Milliken; và cựu Bộ trưởng Tài chính John McKay. Thị trưởng Brad West của thành phố Port Coquitolam cũng có tên trong danh sách này.
Ngày 23/6, hơn một chục thượng nghị sĩ đã gửi một bức thư tương tự tới Thủ tướng Trudeau kêu gọi chính phủ liên bang có hành động chống lại Bắc Kinh và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vì “các vi phạm nhân quyền thô bạo và các quyền tự do cơ bản”.
Trích dẫn việc Trung Quốc đàn áp các quyền dân chủ ở Hồng Kông, giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, đàn áp người Tây Tạng qua hàng thập kỷ và giam cầm những người Canada, các thượng nghị sĩ mô tả chính quyền cộng sản Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại và nguy hiểm đối với an ninh quốc tế”.
Thượng nghị sĩ Leo Housakos và Thượng nghị sĩ Đảng Bảo thủ Ngô Thanh Hải cũng đang xúc tiến việc thi hành biện pháp trừng phạt Magnitsky. Vào tháng 12/2019, họ lập kế hoạch kêu gọi Ottawa sử dụng luật Magnitsky để xử phạt các quan chức Trung Quốc liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
Ông Housakos đã chỉ trích hành vi yếu nhược của Ottawa trước Trung Quốc, nói rằng chính phủ “đã bị tát vào mặt” nhưng vẫn chưa có hành động đáp trả thích hợp.
“Họ dường như khá quỵ lụy và yếu nhược trước hành vi tàn bạo của Trung Quốc”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào thời điểm đó.
Pháp Luân Công
Các học viên Pháp Luân Công là một trong những nhóm tín ngưỡng bị chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp dã man nhất trong suốt 20 năm qua, theo Li Xun, chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada.
“Tại Canada, các học viên Pháp Luân Công là những người đầu tiên kêu gọi chính phủ Canada trừng phạt các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm cho cuộc đàn áp”, ông nói với tờ The Epoch Times.
Hồi cuối năm 2018, ông Li từng gửi một danh sách gồm 14 tên của các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm cho các vi phạm nhân quyền thô bạo tới Ngoại trưởng Canada khi đó là bà Chrystia Freeland, kèm một lá thư kêu gọi chính phủ xử phạt những cá nhân vi phạm nhân quyền này theo luật Magnitksy.
Việc Canada có một đạo luật Magnitsky riêng là nhờ nghị sĩ Đảng Bảo thủ James Bezan, người từ lâu đã ủng hộ việc Canada có phiên bản luật riêng của đạo luật có xuất xứ từ Mỹ này. Những nỗ lực của ông cuối cùng đã được đền đáp vào cuối năm 2017 khi Nghị viện Canada thông qua Đạo luật Công lý cho các Nạn nhân của các Quan chức Nước ngoài Hủ bại. Bộ luật sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền ở các quốc gia khác, ví như cấm nhập cảnh vào Canada hoặc tham gia các giao dịch tài chính với người Canada.
Bezan nhận định luật Magnitsky nên được sử dụng để kết tội những nhân vật bức hại các học viên Pháp Luân Công.
“Chúng tôi đoàn kết với [các học viên Pháp Luân Công] vẫn còn ở Trung Quốc”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn trước đó.
“Đối với những ai .. đã có thể thoát khỏi chính quyền cộng sản ở Bắc Kinh [nhưng] có gia đình, bạn bè và thân nhân ở Trung Quốc đại lục, chúng tôi muốn sát cánh với họ và chúng tôi sẽ đứng lên trong trận chiến chống lại sự áp bức”.
Ngày 9/7, bốn quan chức Trung Quốc ở Tân Cương đã bị chính quyền Mỹ xử phạt vì vi phạm nhân quyền theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu. Các lệnh trừng phạt sẽ cấm các quan chức, cũng như các thành viên gia đình trực tiếp của họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Các lệnh trừng phạt cũng sẽ phong tỏa các tài sản tại Mỹ dưới tên họ và cấm các giao dịch giữa họ và Mỹ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho hay.
Ba ngày trước đó, Anh tuyên bố trừng phạt kinh tế đối với các cá nhân và tổ chức từ Nga, Ả Rập Saudi, Myanmar và Bắc Triều Tiên vì vi phạm nhân quyền.