Người Việt mình rất rành sử nước Việt. Không ai là người Việt mà không biết nước mình có hơn 4 ngàn năm văn hiến. Quốc tổ của nước ta là ai? Từng người Việt kể ra vanh vách 18 đời Hùng Vương. Ấy là chưa nói đã là người Việt Nam thì không thể không nằm lòng ít là vài ba chữ “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư…”.
Biết sử nước nhà là điều không thể thiếu khi hãnh diện làm con dân một nước. Vậy mà mới đây ông thủ tướng Úc bị hố khi nói trật một chi tiết trong lịch sử nước Úc.
Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh ở Sydney về chuyện có phải dẹp tượng thuyền trưởng James Cook vì ổng dính với tệ nạn ngược đãi người nô lệ ở Úc không, thủ tướng Scott Morrison nói: ‘Ở Úc làm gì có nạn nô lệ, no slavery in Australia’. Trả lời này khiến cho nhiều nhà báo, sử gia và con cháu của nô lệ ở Úc lên tiếng.
Theo đó, đã có một thời người Úc (da trắng) dùng nô lệ để khai khẩn miền đất phước đức này. Đang sờ sờ ra đó là con cháu của 62 ngàn người bị chở từ các đảo phía Nam Thái Bình Dương đến Queensland để trồng mía. Họ bị chở sang đây để làm nô lệ. Con cháu của những nô lệ này đang sống ở Bundaberg, Qld.
Cuối cùng, thủ tướng Úc phải xin lỗi bằng cách chạy tội không nói không có nô lệ ở Úc mà chỉ muốn nói không có nô lệ ở thuộc địa NSW. Sau khi thủ tướng Úc nói lộn, cựu dân biểu Brian Courtice (có ruộng vườn ở Bundaberg) đòi chính phủ đưa vấn đề nô lệ vào chương trình lịch sử để dạy cho học sinh. Ông cựu dân biểu không trách thủ tướng ‘dốt’ lịch sử Úc mà nhẹ nhàng nhận xét ‘thủ tướng không biết thì nói chi dân quèn…’.
Thật vậy, là dân quèn của nước Úc cũng lâu lâu, bây giờ người viết thư toà soạn mới giật mình biết ở Úc đã có ngàn ngàn nô lệ. Chủ nuôi họ như nuôi trâu bò. Ngày ngày họ ra ruộng trồng mía cùng với trâu bò. Biết vậy, nên xin nhận lỗi mình đã sống già nửa cuộc đời ở đây mà chỉ mù tịt lịch sử đất nước đang cưu mang mình.
Nếu hôm nay chúng ta không biết gì về lịch sử hơn 40 ngàn năm của dân bản địa; không biết gì đến hơn 200 trăm năm định cư của người da trắng — thì chắc là đừng mong vài trăm năm nữa có những người Úc mang họ Nguyễn, Lê, Trần, Đinh,… không màng chi tới hàng hàng lớp lớp thuyền nhân Việt Nam chọn nơi này làm quê hương thứ nhì.
Lịch sử luôn luôn ảnh hưởng đến đời sống của từng người chúng ta. Những gì xảy ra trên quê hương Việt Nam trong những năm chiến tranh và sau chiến tranh đã thay đổi cuộc đời của chúng ta. Ai sẽ trả lời câu hỏi: Tại sao chúng ta bỏ quê cha đất tổ? nếu không phải lịch sử. Ai sẽ cho chúng ta biết người Việt Nam ở hai bên sông Bến Hải đã nổ súng vào nhau như thế nào? nếu không phải lịch sử. Ai sẽ nói cho thế hệ người Úc mang họ Trần, Huỳnh, Phan, … cha ông của họ đã vất vả như thế nào khi làm lại cuộc đời ở đất mới? Nếu không phải lịch sử.
Tuy nhiên khó tìm ra một thứ lịch sử đúng như … lịch sử! Hôm nay, chúng ta đang chứng kiến nhiều thứ lịch sử do phe thắng cuộc viết. Thứ lịch sử này bị bẻ cong để biện minh cho một chủ nghĩa hay để phỉ báng một lớp người cũng là đồng bào với mình.
Dường như ở phương Đông và ở Việt Nam, nhiều người lạm dụng coi lịch sử như một thứ quan toà để bênh vực phe này hay đày đoạ phe kia. Riêng ở Úc cũng có người làm thế. Vì lẽ đó, có những sự thật lịch sử bị giấu nhẹm. Thư toà soạn của báo Việt Luận hôm nay xin nói đến biến cố xảy ra ở Úc vào tháng 11 năm 1975.
Vào lúc người Việt Nam chưa hoàn hồn vì … mất nước, thì thủ tướng Úc Gough Whitlam bị toàn quyền John Kerr cách chức. Đây là chuyện một chính phủ do dân bầu lên bị ông quan lấy quyền Nữ Hoàng cách chức. Biến cố này đã diễn ra như thế nào và Nữ Hoàng đã can thiệp ra sao vào nội tình của nước Úc. Hai vấn đề này đã được nhiều sử gia Úc tốn giấy mực. Nhưng chắc là phải viết lại khá nhiều trang sử ấy sau khi văn khố Úc đồng ý công bố 221 lá thư qua lại giữa hoàng cung Anh với phủ toàn quyền ở Canberra. Theo đó, quan toàn quyền không xin phép và không trình lên Nữ Hoàng ý định cách chức thủ tướng Gough Whitlam. Tại sao quan John Kerr làm thế? Lịch sử đã trả lời nhiều lần; và một lần nữa lịch sử phải đính chính nhờ hơn 1,200 trang tài liệu tối mật.
Khi công bố tài liệu tối mật, văn khố Úc không kết án ai, không biện minh cho ai mà chỉ muốn giúp dân Úc hiểu rõ hơn ‘thế nào là thể chế quân chủ lập hiến, cách thức sử dụng hiến pháp Úc, nền dân chủ Úc và quốc hội Úc vận hành’ ra sao.
Mai kia mốt nọ, khi chúng ta có trong tay 31 lá thư tối mật do hai tổng thống Mỹ Richard Nixon và Gerald Ford gởi cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (và nhiều tài liệu tối mật khác của Hà Nội) có lẽ lịch sử Việt Nam sẽ không nặng kết án hay bênh vực ai cho bằng giúp người Việt Nam hiểu hơn từ đâu mà người trong một nước chém giết nhau ròng rã 20 năm, rồi tiếp tục xua đuổi nhau.
Việt Luận