Phụng Minh
Trong khi trước đó một ngày, người đứng đầu Lãnh sự quán nói rằng sẽ không đóng cửa và kiên trì tới cùng cho tới khi Hoa Kỳ xóa bỏ yêu cầu.
Trung Quốc tuyên bố sẽ không đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại Houston trước yêu cầu hạn chót của Hoa Kỳ là 4 giờ chiều ngày thứ Sáu (24/7), nhưng các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ đã phát hiện ra Tổng lãnh sự quán Trung Quốc đã âm thầm gỡ quốc huy, hạ cờ.
Theo Tiếng nói Hoa Kỳ, vào chiều thứ Sáu, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đã gỡ bỏ quốc huy, hạ quốc kỳ và bảng tên, đồng thời cửa đã được khóa chặt. Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là tổng lãnh sự quán đầu tiên được mở sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington, và bây giờ đây là tổng lãnh sự quán đầu tiên bị đóng cửa tại Hoa Kỳ sau khi hoạt động được hơn 40 năm (20/11/1979).
Vào lúc 2 giờ chiều (giờ địa phương), một nhà dân chủ địa phương nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ trước Tổng lãnh sự quán ở Houston rằng ông dự định đến lãnh sự quán để phản đối Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng khi ông đã đến đã thấy “chỗ treo quốc huy dưới cổng lãnh sự quán Trung Quốc bây giờ đã trống rỗng, quốc huy đã bị gỡ xuống”, “lá quốc kỳ trên cột phía trước cổng cũng đã bị hạ xuống” và “bảng tên của lãnh sự quán Trung Quốc bên cạnh cổng cũng đã bị gỡ”.
Ông nói rằng theo các học viên Pháp Luân Công đã đến đó sớm hơn, “ba thứ này đã biến mất khi họ đến đó lúc 11 giờ“. “Họ ước tính rằng chúng đã bị những người từ lãnh sự quán đưa xuống tối hôm qua hoặc sáng sớm hôm nay“.
Đoạn video từ hiện trường cho thấy có nhiều người biểu tình tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston. “Có nhiều nhóm khác nhau phản đối sự chuyên chế của ĐCSTQ“, nhà hoạt động dân chủ nói và nhấn mạnh: “Thật nực cười khi những tiểu phấn hồng, tiểu ngũ mao bình thường huyên náo thì trong dịp này lại thể nhìn thấy một ai trong số đó tại hiện trường”.
Người đứng đầu Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston từ chối đóng cửa
Theo truyền thông Hoa Kỳ Politico một ngày trước đó (23/7), trong một cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông, Thái Vỹ, người đứng đầu Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, tuyên bố rằng chính quyền Bắc Kinh đang phản đối việc đóng cửa lãnh sự quán của Hoa Kỳ. Lãnh sự quán sẽ tiếp tục mở cửa bình thường và ông sẽ kiên trì tới khi có “thông báo cuối cùng”.
Thái Vỹ nói: “Hôm nay chúng tôi vẫn hoạt động bình thường”.
Tuy nhiên, các chuyên gia về các vấn đề của Trung Quốc tin rằng Thái Vỹ không có quyền tự quyết định liệu có nên tiếp tục mở lãnh sự quán hay không, ông ta phải chờ đợi và làm theo lệnh của Bắc Kinh. Nếu chính quyền Bắc Kinh cố gắng giữ cho lãnh sự quán của mình mở, Hoa Kỳ có thể rút thị thực của Thái Vỹ và nhân viên lãnh sự quán của mình, từ đó ủy quyền cho các đặc vụ liên bang bắt giữ và có thể trục xuất ông ta.
Bài báo cũng nói rằng việc từ chối đóng cửa lãnh sự quán là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử quan hệ Mỹ-Trung.
Bộ Ngoại giao Bắc Kinh đã ban hành một tuyên bố ngay sau khi Hoa Kỳ công bố lệnh đóng cửa, yêu cầu Hoa Kỳ ngay lập tức thu hồi quyết định liên quan, “tạo điều kiện cần thiết để đưa quan hệ song phương trở lại bình thường“.
Nhưng Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Pompeo đã phá tan những ảo tưởng của Bắc Kinh về việc lãnh sự quán có thể tiếp tục hoạt động. Cũng trong ngày thứ Năm (23/7), khi được hỏi về khả năng Lãnh sự quán Bắc Kinh tại Houston có thể từ chối đóng cửa trong một cuộc phỏng vấn với Fox News ở địa phương, ông Pompeo chỉ ra rằng theo các quy tắc quốc tế về trao đổi các nhà ngoại giao, các nhà ngoại giao chỉ có thể ở đó với tư cách là nhà ngoại giao nếu họ có sự đồng ý của nước chủ quản.
Ông nói: “Dựa trên nguyên tắc này, tôi tin tưởng rằng Hoa Kỳ có thể thực hiện quyết định đóng cửa Lãnh sự quán Bắc Kinh tại Houston”.
Nhiều lý do cho việc đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston được đưa ra
Theo Fox News, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố hôm thứ Ba rằng họ đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Bắc Kinh tại Houston. Lý do là lãnh sự quán đã chỉ đạo và bảo vệ các đặc vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc, cố gắng ăn cắp dữ liệu từ hệ thống y tế toàn quốc của Đại học A& M và Trung tâm ung thư Anderson của Đại học Texas ở Houston.
Một nguồn tin khác chỉ ra rằng các hoạt động gián điệp được thực hiện bởi lãnh sự quán vượt xa điều này. Theo đó, việc chính quyền Trump đóng cửa lãnh sự quán Houston phần lớn là do các công ty năng lượng của Mỹ đã trở thành mục tiêu của ĐCSTQ. Nhiều nguồn tin tình báo nói với Fox News hôm thứ Năm rằng, một trong những lý do chính khiến lãnh sự quán này phải đóng cửa là ĐCSTQ đã sử dụng các mối đe dọa và phương pháp đe dọa đối với các công ty năng lượng của Mỹ ở Biển Đông, và các nhân viên ở lãnh sự quán Houston đã thực hiện công việc này.
Sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố hôm thứ Tư rằng chính phủ đã đóng cửa lãnh sự quán vì các hoạt động gián điệp tràn lan của nó, chủ tịch của Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói rằng việc này phải nên làm sớm.
Rubio đã chỉ ra: “Lãnh sự quán ở Houston là một trung tâm gián điệp khổng lồ, việc khiến nó phải đóng cửa nên được thực hiện sớm”.
Ông cũng đã tweet trên Twitter để nhấn mạnh: “Lãnh sự quán Houston không phải là một tổ chức ngoại giao. Nó là trung tâm của mạng lưới hoạt động gián điệp và ảnh hưởng rộng lớn của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ”. “Cho đóng nó là việc nên làm“.
Trong bài phát biểu hôm thứ Năm, ông Pompeo cũng lên án tổ hợp lãnh sự quán Trung Quốc là “trung tâm của các điệp viên và trộm cắp tài sản trí tuệ“.
Trước đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus nói rằng lệnh đóng lãnh sự quán để “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ“. Bà nói rằng Hoa Kỳ “sẽ không dung thứ” chính quyền Bắc Kinh “xâm phạm chủ quyền của chúng ta và đe dọa nhân dân chúng ta“. “Tổng thống Trump khẳng định về sự công bằng và có đi có lại trong quan hệ Mỹ-Trung“.
Hoa Kỳ không sợ sự trả đũa của Bắc Kinh
Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố hôm thứ Sáu (24/7) rằng họ đã thông báo cho Hoa Kỳ đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại Thành Đô, nói rằng đây là “phản ứng chính đáng và cần thiết” đối với yêu cầu của Hoa Kỳ về việc đóng Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.
Thành Đô là thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên giáp Tây Tạng. Lãnh sự quán Thành Đô là lãnh sự quán Hoa Kỳ ở khu vực cực tây của Trung Quốc. Đồng thời, lãnh sự quán cũng là cơ quan ngoại giao gần nhất của Mỹ với Khu tự trị Tân Cương. Trong số các lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc, lãnh sự quán Thành Đô có ý nghĩa lớn hơn đối với Hoa Kỳ để giám sát chính quyền Bắc Kinh, vấn đề nhân quyền ở Tây Tạng và Tân Cương.
Associated Press cho biết: “Lãnh sự quán ở Thành Đô chịu trách nhiệm giám sát Tây Tạng và các khu vực có người dân tộc thiểu số ở phía tây nam Trung Quốc. Bắc Kinh coi các khu vực này đặc biệt nhạy cảm”.
Ngoài ra, sự cố Vương Lập Quân năm 2012 cũng khiến lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô trở thành trung tâm của sự chú ý. Trong khi vụ việc này phơi bày sự đấu đá quyết liệt của ĐCSTQ, nó cũng đã mở ra một bức màn sắt về cuộc đàn áp tàn khốc của ĐCSTQ đối với người tập Pháp Luân Công.
Tuy nhiên, Associated Press phân tích tin rằng việc ĐCSTQ đóng cửa lãnh sự quán là một động thái bất lực không có lựa chọn nào khác. Theo bài báo của Tiếng nói Hoa Kỳ, các chuyên gia về Trung Quốc tin rằng sự lựa chọn của Lãnh sự quán Thành Đô là một sự trả đũa chống lại Hoa Kỳ phản ánh tình trạng tiến thoái lưỡng nan của Bắc Kinh, rằng họ không muốn thể hiện sự yếu thể cũng như diễn biến tình hình trở nên quá nhanh.
“Chính quyền Bắc Kinh có tính toán của họ. Trong số năm lãnh sự quán, họ không sẵn sàng đóng cửa lãnh sự quán ở Vũ Hán, Vũ Hán sẽ ít gây hại nhất (đối với Hoa Kỳ). Vì kể từ khi dịch bệnh bùng phát, tất cả mọi người đã bị rời đi. ĐCSTQ không thể chọn Thượng Hải và Quảng Châu. Ảnh hưởng này quá lớn, vì vậy họ chỉ có thể chọn giữa Thẩm Dương và Thành Đô”, theo Associated Press.
Các chuyên gia tin rằng tác động của việc chọn lãnh sự quán Thành Đô là tương đối “tối thiểu”. Do đó, nói một cách tương đối, trong tư thế phải đóng cửa, chính quyền Bắc Kinh chỉ có thể chọn lãnh sự quán Thành Đô. Nhưng vì tác động của nó là tối thiểu, tác động của nó đối với Hoa Kỳ gần như không đáng kể.
Theo Secretchina
Phụng Minh biên dịch