- Vision Times
Ngày 7/8, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã tuyên bố trừng phạt 11 quan chức Hồng Kông và Trung Quốc, trong đó có Đặc khu trưởng Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), với cáo buộc phá hoại nền dân chủ và quyền tự trị của người dân Hồng Kông. Vụ việc này đã gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế. Trả lời phỏng vấn của Vision Times, nhà bình luận thời sự Hồng Kông Trình Tường đã bày tỏ niềm hạnh phúc và cảm ơn những chiến sĩ dũng cảm đang chiến đấu trên tiền tuyến, và những người trẻ tuổi đã xả thân hy sinh cho mảnh đất Hồng Kông. Ông tin rằng việc Hoa Kỳ liên tiếp đưa ra các biện pháp trừng phạt, đồng thời phân tách rõ “ĐCSTQ không phải là Trung Quốc” được mở rộng ra thế giới, sẽ đánh trúng tử huyệt nền tảng hợp pháp của đảng cầm quyền cộng sản Trung Quốc.
Ông Trình Tường nhận định, các biện pháp trừng phạt của Mỹ diễn ra rất kịp thời, tiến độ thực hiện nhanh và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ công chúng. Khi Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông có hiệu lực chính thức vào ngày 1/7, thì sang đầu tháng Tám, các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đã được ban hành, “công lý cuối cùng cũng đã hiện diện ở nơi đây!”. Ông hy vọng rằng trong niềm vui này, mọi người sẽ không quên những chiến binh dũng cảm phái “Dũng Vũ” đã chiến đấu hết mình trên tiền tuyến trong phong trào chống Luật Dẫn độ. “Họ đã hy sinh tự do và tương lai của mình để bảo vệ các giá trị cốt lõi của dân chủ, tự do, nhân quyền và pháp quyền ở Hồng Kông”. Ông cũng cảm ơn những người trẻ tuổi ở Hồng Kông đã phải chịu áp lực to lớn để đấu tranh cho dân chủ ở Hồng Kông trong những năm qua.
ĐCSTQ không phải Trung Quốc
Ông Trình Tường nhận định, các biện pháp trừng phạt hiện tại đối với ĐCSTQ rất có tính răn đe, ông tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt khác nữa. “ĐCSTQ trên miệng lúc nào cũng đem 1,4 tỷ người Trung Quốc ra làm bình phong, còn cảnh báo Hoa Kỳ không được làm tổn thương đến tình cảm và lợi ích của 1,4 tỷ người này. Có điều Hoa Kỳ đã rất rõ ràng tách bạch khái niệm giữa ĐCSTQ và Trung Quốc. Đây mới là cú sốc thực sự của ĐCSTQ.” Ông trích dẫn bài báo gần đây của nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Dương Khiết Trì nói rằng chính khách Hoa Kỳ khích bác “quan hệ máu thịt” giữa nhân dân Trung Quốc và ĐCSTQ. Ông Trình tin rằng dây là biểu hiện sợ hãi của ĐCSTQ.
“ĐCSTQ không phải là Trung Quốc”, sự tách bạch này sớm đã đạt được sự đồng tình từ các nhà bất đồng chính kiến nước ngoài. Ông Trình Tường nói: “Giờ đây, chính Hoa Kỳ cũng đã đích thân nói ra rằng ĐCSTQ không đại diện cho Trung Quốc, và cảnh cáo ĐCSTQ chớ ‘bắt cóc’ 1,4 tỷ người dân Trung Quốc. Điều này trực tiếp làm lung lay nền tảng tính hợp pháp của đảng cầm quyền, đánh trúng tử huyệt của ĐCSTQ”. Ông hy vọng có thể tiếp tục đem sự tách bạch “ĐCSTQ không phải là Trung Quốc” truyền bá rộng rãi ra toàn thế giới để có thể “tấn công nền tảng (thống trị) của ĐCSTQ từ phương diện ý thức hệ.”
Đồng thời, ông cũng đề cập đến một sự kiện khác đang gây chấn động đến ĐCSTQ, đó là việc Hoa Kỳ khuyến khích các thành viên trong nội bộ ĐCSTQ bước ra gia nhập vào hàng ngũ chống lại chính tổ chức này. Ông giải thích, bài phát biểu “ĐCSTQ và tương lai của thế giới tự do” của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo chính là lời kêu gọi nhóm những người sáng suốt thuộc nội bộ đảng, đang bất mãn với hành động ngang ngược của những kẻ cầm quyền, sẽ cùng nhau gây sức ép đối với ông Tập Cận Bình.
Danh sách chế tài trừng phạt toàn diện hơn
Ông Trình Tường nói rằng, mặc dù các biện pháp trừng phạt hiện tại bao gồm các quan chức lớn của Hồng Kông, nhưng đưa ra so sánh, xem ra họ vẫn là cấp tương đối thấp so với các quan chức trung ương, và những chế tài này vẫn còn chưa đụng chạm gì đến ông Tập Cận Bình. ĐCSTQ phá hủy “một quốc gia hai chế độ” của Hồng Kông. Trở lại năm 2014, khi Quốc vụ viện ban hành sách trắng, chỉ ra rằng “hai hệ thống” thuộc về “một quốc gia”, và mức độ tự chủ của Hồng Kông đến từ sự ủy quyền của chính quyền trung ương. Từ việc “Trung ương cho bao nhiêu thì Hồng Kông có bấy nhiêu” đã khiến cho một số người Hồng Kông từ thời điểm đó tin rằng, “mức độ tự trị cao” của Hồng Kông đã biến mất, đây chính là nguyên nhân dẫn khởi Phong trào Dù vàng năm đó. Ông Trình chỉ ra, tất cả những điều này đều xảy ra dưới thời Tập Cận Bình nắm quyền. Đến năm 2017, tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19, ông Tập còn đề xuất quản lý toàn diện Hồng Kông. Vì vậy, nếu có truy cứu trác nhiệm, thì người mà Hoa Kỳ nên trừng phạt nhất chính là ông Tập Cận Bình. “Trừng phạt Tập Cận Bình có thể là một sự kiện quốc tế rất nghiêm trọng, nhưng tôi nghĩ mọi người nên đi theo hướng này.”
Ông Trình đề cập đến việc các học viên Pháp Luân Công đã đệ đơn kiện ông Giang Trạch Dân, “Giang Trạch Dân là lãnh đạo tối cao của Trung Quốc thời đó, tất nhiên sẽ rất khó khăn để truy tố ông ta. Tuy vậy, Tây Ban Nha đã thực sự chấp nhận và kết án Giang Trạch Dân về tội dung túng cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công.” Ông cho rằng sự kiện này có ý nghĩa biểu tượng rất lớn. “Lãnh đạo tối cao của đảng mà cũng bị trừng phạt, điều này sẽ gây ra một tác động rất lớn cho toàn đảng, tướng mà thua thì lòng quân cũng tan rã.” Do đó, ông nhận xét danh sách trừng phạt hiện tại của Hoa Kỳ là chưa toàn diện, cấp trên và cấp dưới của bà Carrie Lam đều sẽ phải chịu trách nhiệm. Cấp trên của bà này có thể truy tới chỗ của ông Tập Cận Bình.
Về việc truy cứu cấp dưới của bà Carrie Lam, ông Trịnh chỉ ra, tình hình Hồng Kông bắt đầu xấu đi chủ yếu là kể từ Pháp lệnh về tội phạm đào tẩu năm 2019. Việc chính quyền Carrie Lam đẩy mạnh pháp lệnh này đã đưa tới phong trào chống dẫn độ chưa từng có trước đây. Hội đồng Hành pháp, với tư cách là cơ quan ra quyết sách cao nhất ở Hồng Kông, tất cả các thành viên đều ủng hộ Pháp lệnh về tội phạm đào tẩu. Nếu không có sự ủng hộ bỏ phiếu tán thành từ bên trong, bà Carrie Lam cũng sẽ không dám làm càn. Vì vậy, những người này cũng đều nên xếp vào danh sách bị trừng phạt. Ông nói: “Tôi tin rằng muốn diệt ác tận gốc, các thành viên ‘bang hội’ và của Hội đồng Lập Pháp cũng phải đều có tội như nhau.” Đó là tội đồng lõa.
Ông Trịnh lấy ví dụ, một số người Đức Quốc xã nói rằng họ chỉ thực hiện mệnh lệnh của của cấp trên, chứ không phải là những tên sát nhân khát máu, nhưng các học giả đều cho rằng họ đã phảm phải tội “phớt lờ tội ác” (the banality of evil), tức là họ không dùng lương tâm của mình để nhìn nhận vấn đề trước khi thực hiện mệnh lệnh. Vì vậy, ông cho rằng trong vụ việc, thành viên hội đồng lập pháp đều phạm tội đồng lõa và cần bị xử phạt.
Nước Anh cần phải hành động
Sau khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông được áp dụng, Vương quốc Anh đã mở rộng vòng tay giúp đỡ và chấp nhận những cư dân Hồng Kông có Hộ chiếu Hải ngoại Anh (BNO) đến định cư. Tuy nhiên, ông Trịnh cho rằng điều này là chưa đủ. Mặc dù Anh đã hoàn thành trách nhiệm đạo đức của mình, nhưng Anh, với tư cách là một bên ký Tuyên bố chung Trung – Anh, không có lý do gì để thấy ĐCSTQ xé bỏ Tuyên bố chung mà vẫn giữ im lặng. “Khi Sách trắng được đưa ra, ĐCSTQ nói “Tuyên bố chung” là tài liệu hết hạn, đơn phương nói tuyên bố này mất hiệu lực. Vương quốc Anh, với tư cách là một bên ký kết, đã im lặng vào thời điểm đó. Tôi đã viết một bài báo chỉ trích vấn đề này”, ông Trịnh nói.
Ngoài ra, ông cũng chỉ ra rằng Vương quốc Anh đã không làm đủ để bảo vệ tinh thần của hiệp ước. “Tôi hy vọng Vương quốc Anh sẽ nghiêm túc thực hiện trách nhiệm tối thiểu của bên tham gia hiệp ước là: liệt kê tất cả các hành vi ‘chà đạp’ lên Luật Cơ bản và Tuyên bố chung của ĐCSTQ năm 1997; và yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ về việc vi phạm cam kết của mình.” Nếu ĐCSTQ phủ quyết đề xuất tại Hội đồng Bảo an, Vương quốc Anh có thể đến Tòa án Công lý Quốc tế ở La Haye, Hà Lan để yêu cầu phân xử. Ông tin rằng phán quyết sẽ rất bất lợi cho ĐCSTQ.
Cộng đồng quốc tế đừng để bị lừa dối
Ông Trình Tường nhận xét, ĐCSTQ có khả năng “mê hoặc” rất lớn, khi lâm vào khốn cảnh, ĐCSTQ có thể sẽ giả vờ “yếu ớt” để nhận được sự thông cảm. Ông chỉ ra, ông Vương Nghị và Dương Khiết Trì đã hạ thấp giọng điệu trong thời gian gần đây khi ĐCSTQ muốn cầu hòa. Tuy nhiên, ông hy vọng ngoại giới sẽ không bị “mê hoặc” bởi những tín hiệu này và nghĩ rằng ĐCSTQ sẽ thay đổi đường lối của họ. Trên thực tế, ĐCSTQ xưa nay luôn theo đuổi lý luận của Mao Trạch Đông “địch tiến ta lùi, địch trú ta nhiễu, địch mệt ta đánh, địch lui ta đuổi”. Ông tiếp tục, một số người đã bị che mắt bởi thái độ mềm mỏng của ĐCSTQ và tin rằng Hoa Kỳ nên dừng lại, nhưng “loại xoa dịu ‘thỏa hiệp cầu an’ này thực sự rất nguy hiểm.”
Ông dẫn thuật nhận xét của Pompeo, đối với ĐCSTQ, chúng ta đừng nghe lời họ nói mà hãy nhìn vào việc họ làm. Ông kêu gọi Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế đừng bị mê hoặc bởi lời nói suông của ĐCSTQ, mà hãy thừa thắng xông lên, một đường thẳng tiến, theo đuổi yêu cầu bồi thường cho tổn thất do dịch bệnh, đưa ĐCSTQ ra Tòa án Công lý Quốc tế… Mà cách tốt nhất đó là để Hoa Kỳ dẫn đầu và quốc tế theo sau.
Tội ác của ĐCSTQ đối với thế giới
Trong chuyến thăm Hồng Kông, Thủ tướng Chu Dung Cơ khi đó đã thề thốt rằng: “Nếu Hồng Kông không làm tốt, không chỉ các quan chức của chính quyền Hồng Kông, mà chính quyền trung ương Bắc Kinh cũng phải chịu trách nhiệm. Hồng Kông trở về mẫu quốc nhưng lại đổ nát trong tay chúng ta. Chẳng phải chúng ta sẽ trở thành tội đồ của quốc gia sao?” Sẽ không như vậy được!” Ông Trình Tường chỉ ra, ĐCSTQ đã phá hủy một Hồng Kông êm đẹp, chính là đã phạm tội với người Trung Quốc cũng như toàn thế giới. Ông giải thích lý do tại sao Hồng Kông trở thành trung tâm tài chính thế giới, bởi vì đó là thành quả chung tay của toàn thế giới. Mặc dù chủ quyền của Hồng Kông thuộc về Trung Quốc, sự sống của Hồng Kông là do thế giới ban tặng. Chỉ dựa vào sức mạnh của ĐCSTQ làm sao có thể biến Hồng Kông trở thành trung tâm tài chính thế giới?
Ông cũng tuyên bố rằng ĐCSTQ đã phát triển từ một nhóm nhỏ tạo phản có vũ trang, giờ đây đã trở thành bộ máy chuyên chế lớn nhất thế giới. Tạo thành cục diện hôm nay, chính là do thế giới không nhìn thấu bản chất của chúng. “Vì vậy, chúng ta cần nhận ra rằng những gì chúng đã làm đủ để cấu thành một tổ chức tội phạm. (ĐCSTQ) không chỉ gây ra tội ác với dân tộc Trung Hoa, mà còn phá hủy cả Hồng Kông. Hy vọng rằng toàn thế giới sẽ chung tay để định nghĩa ĐCSTQ là một tổ chức tội phạm. Có thể sớm chấm dứt chế độ độc đảng chuyên chính sẽ mang lại hy vọng thực sự cho người dân Trung Quốc.”
Nhóm phóng viên Vision Times tiếng Trung thực hiện