Marc Chagall (1887 – 1985) Nhà Danh Họa của các Giấc Mơ

Phạm Văn Tuấn

1/ Thời Niên Thiếu Tại Nước Nga.

Moshe Segal chào đời vào ngày 7 tháng 7 năm 1887 trong cộng đồng Do Thái ít người cư ngụ tại ngôi làng nhỏ Pestkowatik thuộc nước Nga. Sau khi sinh người con trai đầu lòng Moshe, ông Zachar Segal và bà Feiga-Ita Segal đã dọn nhà tới Vitebsk, một thị trấn lớn hơn rồi đổi họ thành Chagal.

Vitebsk là một thị trấn nằm bên giòng sông Dvina thuộc nước cộng hòa Belorussia tại phía tây của nước Nga, gần biên giới xứ Lithuania. Các người Do Thái bị trục xuất khỏi thành phố Moscow đã tới định cư tại nơi đây và vào năm 1897, khi Moshe Chagal lên 10 tuổi, một nửa số cư dân 65,000 người là dân Do Thái. Tại địa phương này, các nhà thờ Do Thái làm bằng gỗ, không được cao hơn nhà thờ Thiên Chúa và trong số 8,000 căn nhà, chỉ có 650 tòa nhà làm bằng đá. Các căn nhà gỗ đều nhỏ, được gọi tên là “isbas”. Người dân gốc Do Thái tại địa phương này làm việc trong xưởng kim loại, xưởng dệt vải, nhà máy làm kính đeo mắt, xưởng đóng đồ gỗ… Một số ít người hành nghể bác sĩ, luật sư, giáo sư, nhân viên ngân hàng và thương gia. Gia đình Chagal thuộc lớp người Do Thái Hasidic. Cha của ông Zachar là một giáo sư tôn giáo nhưng lại muốn các con làm nghề lao động chân tay.

Ông Zachar có 8 người con, Moshe là con trai lớn rồi tới David và 6 người con gái: Aniuta, Zina, Lisa, Manya, Rosa và Maroussia. Để nuôi dưỡng các con, bà Feiga-Ita mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ.

Vào tuổi thơ ấu, Moshe Chagal theo học bậc tiểu học, học nói tiếng Do Thái Yeddish và tiếng Nga, học Thánh Kinh Torah và ưa thích sao chép các bức họa. Moshe đã năn nỉ mẹ cho theo học ông Jehuda Pen, một nghệ sĩ chuyên vẽ các chân dung cổ điển. Tại lớp hội họa, Moshe không bắt chước thầy Pen vẽ các bức tranh giống như các tấm ảnh chụp, không vẽ những gì mắt đã nhìn thấy, mà vẽ những gì cậu tưởng tượng ra. Trong lớp học, Moshe làm quen với Victor Mekler là chàng thanh niên thuộc một gia đình Do Thái giàu có. Victor đã rủ Marc theo học hội họa tại thành phố St. Petersburg là thủ đô của nước Nga vào thời kỳ đó. Với sự trợ giúp rất hạn hẹp của cha, Moshe khi đó 19 tuổi, đã ra đi cùng Victor.

Tại St. Petersburg, Moshe thi trượt vào trường nghệ thuật và thủ công của Bá Tước Stieglitz nên xin vô trường Bảo Vệ Nghệ Thuật (The Society for the Protection of the Arts). Một ngôi trường hội họa khác mà Moshe theo đuổi là của ông Leon Bakst. Ông Bakst này mới trở về từ thành phố Paris, là thủ đô nghệ thuật của châu Âu. Nhờ theo lớp hội họa của ông Bakst, Moshe được nghe nói tới các nghệ sĩ cải cách danh tiếng như Picasso, Monet, Manet, Matisse, Cézanne, Gauguin, Van Gogh…

Moshe đã mơ về thành phố Paris, mơ được học hỏi những kiến thức hội họa mới lạ. Thế rồi nhờ ông Max Vinauer tặng vé xe lửa và một món tiền trợ cấp hàng tháng, Moshe đã lên xe lửa qua nước Pháp vào tháng 9 năm 1910, để lại đằng sau người yêu Bella Rosenfeld.

2/ Sinh Hoạt Tại Paris.

Thành phố Paris vào thời kỳ này là kinh đô của nước Pháp, thủ đô của Nghệ Thuật và Văn Hóa Thế Giới. Tại thành phố này, các nghệ sĩ với quá trình và tài năng khác nhau có thể theo đuổi nhiều ngành nghề mà không chịu sự kiểm soát nào của chính quyền. Ngoài ra, các nghệ sĩ gốc Do Thái còn giúp đỡ lẫn nhau. Tự Do và Công Bằng được cho không tại nơi đây. Moshe không còn bị sợ hãi, bị đàn áp như trước kia lúc sống tại nước Nga. Khi sinh sống tại thành phố Paris này, Moshe Chagal đã đổi tên từ Moshe sang MARC và thêm chữ L vào họ, thành CHAGALL.

Vào các ngày đầu tiên, Marc Chagall đã đi thăm Phòng Triển Lãm của các Họa Sĩ Độc Lập (Salon des Independants), nơi trưng bày hàng trăm bức tranh thuộc các trường phái Lập Thể, Ấn Tượng, Dã Thú… Chính tại kinh đô nghệ thuật này, các họa sĩ tìm kiếm nhiều phương pháp thử nghiệm mới, nhiều lối nhìn mới, nhiều cách vẽ mới. Marc đã ngây ngất và thán phục nhiều họa phẩm của các họa sĩ tiền phong trong khi vẫn nghĩ rằng có thể có một lối nhìn nào đó, một cách diễn tả hội họa nào đó mà mọi người chưa quen thuộc. Trong lúc này, anh bạn Victor đã theo học Hội Họa nhưng không cảm thấy tiến bộ nhiều nên trở về nước Nga vào mùa hè năm 1911. Tới tháng 6 năm đó, Marc gặp lại ông thầy cũ Bakst. Khi nhìn các bức họa do Marc vẽ ra, ông Bakst đã phải sửng sốt và thốt lên “tới lúc này, các màu sắc của anh biết ca hát rồi đó”.

Mùa đông năm 1911, Marc dọn phòng vẽ về ngoại ô của thành phố Paris thuộc vùng Vaugirard, trong tòa nhà có tên là Tổ Ong (La Ruche) với các phòng nhỏ giống như một tổ ong được xếp theo một cầu thang ở giữa. Tại nơi này, Marc đã gặp các họa sĩ Do Thái di cư như Jaques Lipchitz và Amedeo Modigliani, nhà thơ Blaise Cendrars và nhà phê bình kiêm nhà thơ Guillaume Apollinaire. Họa sĩ Robert Delaunay là một trong các người bạn thân của Marc Chagall đồng thời Marc cũng làm quen với các giới văn nghệ sĩ thuộc các bộ môn Văn Chương, Âm Nhạc, Nghệ Thuật…

Paris qua khung cửa sổ

Tại tòa nhà Tổ Ong, Marc đã vẽ, vẽ rất nhiều, vẽ từ hai hay ba giờ sáng và tìm cách thử nghiệm các màu sắc tươi sáng, rực rỡ. Đối với Marc, màu sắc quan trọng hơn đường lối Lập Thể (Cubism) dù cho đây là phong trào hội họa chính, đang thịnh hành tại thành phố Paris. Chính thành phố này đã cho Marc cách nhìn mới, cách diễn tả mới bởi vì Kinh Đô Ánh Sáng Paris tượng trưng cho “ánh sáng, màu sắc, Tự Do, Mặt Trời và niềm vui sống”. Marc bắt đầu phát triển một thể vẽ của riêng mình qua tác phẩm “Paris qua khung cửa sổ” (Paris through the Window) đặc sắc tới độ nhiều nhà phê bình đã coi họa phẩm này là đáng kể nhất trong thế kỷ mô tả thành phố Paris.

Tôi và ngôi làng

Khi tới Paris, Marc đã mang theo nhiều bức vẽ cảnh vật của miền Vitebsk và đây là lúc Marc sửa lại các tác phẩm cũ qua trí nhớ, với cảm giác mới về cách diễn tả bằng màu sắc. Một trong các bức họa quan trọng nhất của thời kỳ này là tấm tranh “Tôi và Ngôi Làng” (I and the Village) qua đó Marc đã mô tả các người nông dân và gia súc sống cạnh nhau trong niềm vui, và cảnh sống như giấc mơ hướng về quá khứ, diễn tả theo chuyện cổ tích của nước Nga. Các ý tưởng lạ lùng của Marc Chagall bộc lộ qua các tác phẩm hội họa, đã khiến cho bạn bè gọi Marc là “Nhà Thơ” (le poète) và cũng chính vì sở thích hướng về những điều huyền ảo, mơ mộng, mà Marc kết bạn với nhà thơ Blaise Cendrars. Còn một người bạn nữa của Marc, đó là Apollinaire, người đã nhận ra đường lối thi ca trữ tình (lyric poeticism) trong các tác phẩm hội họa của Marc, đặc biệt là họa phẩm “Người lái buôn gia súc” (Cattle Dealer). Apollinaire đã nói tác phẩm này mang tính “siêu nhiên” (supernatural).

Người lái buôn gia súc

Vào tháng 3 năm 1914, Apollinaire giới thiệu Marc Chagall với Herwath Walden, người phát ngôn của phong trào Biểu Tượng (Expressionist art movement), thời đó rất phổ biến tại nước Đức. Ông Walden đã xếp đặt cuộc triển lãm các họa phẩm của Marc Chagall tại Phòng Triển Lãm Nghệ Thuật Der Sturm tại thành phố Berlin và trong kỳ trưng bày, tác phẩm Golgotha (sau này được gọi bằng tên Calvary) đã được một nhà sưu tầm mua. Vào thời kỳ này Marc 27 tuổi, sống cô đơn trong kinh đô ánh sáng Paris nên không khỏi nhớ nhà, nhớ người yêu Bella.

3/ Trở Lại Nước Nga.

Ngày 15/5/1914, Marc lên xe lửa tạm biệt thành phố Berlin, tại nơi này chàng họa sĩ đã để lại hơn 160 bức họa vẽ bằng bột màu (gouaches) và màu nước, 40 tấm sơn dầu vẽ trên vải bố. Về tới Vitebsk, Marc không cưới được người yêu vì gia đình này không tin tưởng rằng một họa sĩ có đủ khả năng nuôi vợ con về sau. Thế rồi Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất bùng nổ, không cho phép Marc trở về nước Pháp.

Người Do Thái cầu nguyện

Sống trong một thị trấn nhỏ bên bờ sông Dvina, Marc vẫn sáng tác và họa phẩm “Người Do Thái Cầu Nguyện” (The Praying Jew) đã là một trong các tuyệt tác do hình ảnh người Do Thái nghèo, thường gặp tại Vitebsk nhưng lại có vẻ xuất phát từ Kinh Cựu Ước. Trong một năm trường, Marc Chagall đã vẽ gần 60 bức họa và khi không còn phẩm màu, chàng đã dùng bút và mực thường, và tất cả các họa phẩm mô tả thị trấn Vitebsk là một nơi xa xôi, bất hạnh và buồn tẻ. Cũng chính tại thị trấn này, vào ngày đẹp trời 25/7/1915, Marc Chagall đã làm lễ kết hôn với cô nàng Bella và tình yêu đối với người yêu này là sức mạnh giúp cho Marc sáng tác được nhiều họa phẩm trong suốt cuộc đời nghệ thuật.

Vào mùa xuân năm 1916, một bé gái chào đời được vợ chồng Chagall đặt tên là Ida. Chàng họa sĩ đã vẽ nhiều bức tranh bên trong có Bé Ida cùng với nhiều phong cảnh miền quê Vitebsk: “Chân dung kép với ly rượu”(Double Portrait with Wine Glass), “Cuộc dạo chơi” (Promenade), “Trên thành phố” (Above the City)… Chagall cũng vẽ một loạt hình ảnh nghĩa địa Do Thái, chẳng hạn như bức họa “Cổng vào nghĩa địa”(Cemetery Gates, 1917)…

Sau Cuộc Cách Mạng Tháng Mười diễn ra trên đất nước Nga, mọi cấm đoán đối với người Do Thái bị bãi bỏ và Marc Chagall được Bộ Trưởng Văn Hóa chỉ định làm Ủy Viên Nghệ Thuật tại Vitebsk. Ngày 6/11/1918, thị trấn Vitebsk đã tổ chức lễ kỷ niệm năm thứ nhất Cuộc Cách Mạng thành công, với cờ đỏ treo rợp trời trên cổng chào, tại mọi tòa nhà, mọi cột đèn… Chagall đã vẽ nhiều bức họa trong đó có tấm tranh “Một người nhẩy qua thành phố” (Man Leaping Over the City) nhưng trong các tác phẩm này thiếu đi các hình ảnh của lãnh tụ Lenin, của triết gia Karl Marx… vì thế chính quyền Cộng Sản không tin tưởng vào chàng họa sĩ, mọi người tìm cách xa lánh con người nghệ sĩ mơ mộng.

Từ đầu năm 1918, nội chiến đã diễn ra. Tại nhiều nơi, dân chúng không có bánh mì, không có cả áo ấm. Nhiều làng mạc bị binh lính cướp phá. Tháng 5 năm 1920, Chagall cùng vợ con rời bỏ thị trấn thân yêu, tới thành phố Moscow. Giấc mơ trước kia của Chagall là được vẽ cho các giáo đường thì nay người ta yêu cầu chàng trang trí các bức tường trắng của Rạp Hát Do Thái nhỏ bé của thành phố Moscow. Thế rồi cuộc sống chật vật không cho phép chàng tiếp tục sinh sống theo sở thích Hội Họa, chàng đành nhận chân giáo viên dạy các trẻ em mồ côi tại một địa điểm ngoại ô.

Bella with White Collar, 1917

Năm 1921, cha của Chagall là ông Zachar qua đời vì một tai nạn xe hơi. Người em David cũng chết vì bệnh lao phổi. Từ nay Chagall phải đảm đương việc phụ giúp mẹ già và các em gái. Trong hoàn cảnh chật vật do chiến tranh gây ra, Chagall đã nghĩ tới 40 tấm sơn dầu, hàng trăm bức bột màu và vẽ nét còn để lại tại thành phố Berlin. Tháng 4 năm 1922, Marc Chagall để gia đình lại Moscow mà trở lại nước Đức.

Chagall tới Berlin vào tháng 5 năm đó và được biết rằng danh tiếng của chàng đã được lưu truyền trong giới Nghệ Thuật của châu Âu, trong khi đó những tác phẩm trước kia để tại Phòng Triển Lãm Der Sturm đã tản mạn trong tay nhiều nhà sưu tập. Số tiền mà Herwath Walden bán tranh và đầu tư đã trở thành số không vì nạn lạm phát của nước Đức hậu chiến. Nhưng Chagall tìm lại được dấu tích của ba tác phẩm “Vẽ về Nước Nga” (To Russia, Asses and Others), “Nhà Thơ” (the Poet) và “Tôi và Ngôi Làng của Tôi” (I and My Village).

Trong thời gian 16 tháng sinh sống tại nước Đức, Marc Chagall đã học thêm Hội Họa với ông Hermann Struck, một bậc thầy về Ấn Họa (graphic) và cũng vào thời gian này, người vợ Bella và cháu Ida đã theo sang Đức. Tại Berlin, Chagall nhận được thư của người bạn cũ là Blaise Cendras viết từ Paris cho biết “Hãy trở lại, Anh đã nổi danh và Vollard đang chờ Anh”. Ambroise Vollard là nhà buôn tranh hiện đang sưu tập các tác phẩm của Cézanne, Bonnard, Rénoir, Van Gogh, Pissaro, Picasso, Matisse cũng như nhiều nhà danh họa khác.

4/ Sáng Tác Tại Nước Pháp.

Nhận được thư, Chagall cùng vợ con rời nước Đức tới thành phố Paris vào ngày 1/9/1923. Tại Paris, chàng họa sĩ đã lấy lại được niềm tin và sự bình an. Chagall trở lại tòa nhà Tổ Ong (La Ruche) để tìm lại 150 tác phẩm đã vẽ khi trước nhưng tất cả đã bị mất hết vì các người ở đây cho rằng chàng họa sĩ đã chết trong Cuộc Cách Mạng Nga. Như vậy ngoài 40 tấm sơn dầu và 160 bức họa thất lạc tại Berlin, Chagall lại bị mất một số lớn tác phẩm khác.

Khi tới thăm Vollard, Chagall được yêu cầu trang trí một số quyển sách mà nhà sưu tập này ưa thích. Chagall bèn chọn minh họa cuốn truyện “Các Linh Hồn Chết” (Dead Souls) của Gogol, một nhà văn Nga lưu vong. Trong hai năm trường, Chagall đã vẽ 117 bức tranh minh họa qua đó phản ảnh các cảm xúc sâu xa nhất đối với đời sống và dân tộc Nga qua hồi tưởng. Sau đó Vollard lại yêu cầu Chagall minh họa cuốn “Ngụ Ngôn” (Fables) của La Fontaine nên trong khoảng các năm 1928 tới 1931, Chagall đã vẽ xong 100 bức họa.

Từ năm 1924 tới năm 1931, Chagall và vợ con đã đi tới nhiều nơi trên đất Pháp. Vì chàng họa sĩ say mê các miền quê với các con vật như gà, bò, cừu, dê… với cảnh gia súc trên mảnh vườn bên mái tranh, tất cả rất cần thiết cho các giấc mơ mô tả trên khung vải. Chagall đã diễn tả phong cảnh rực rỡ của miền Midi, phía nam của nước Pháp, diễn tả bằng niềm vui và tình yêu qua những bó hoa rực rỡ trong các tác phẩm màu.

Các họa phẩm của Marc Chagall dần dần xuất hiện trong các phòng tranh tại các thành phố London và Paris rồi tới năm 1926, cuộc Triển Lãm đầu tiên của Chagall được tổ chức tại thành phố New York do nhà buôn tranh Pierre Matisse, con trai của nhà danh họa Henry Matisse. Marc Chagall được coi như người đứng đầu một trong các trường phái Hội Họa chính, giống như Pablo Picasso, và một nhà phê bình đã viết rằng “Picasso là khải hoàn của sự thông minh, Chagall là khải hoàn của vẻ rực rỡ của trái tim” (Picasso is the triump of intelligence, Chagall the glory of the heart).

Đền thờ tại Safed

Tháng 2 năm 1931, Chagall cùng vợ Bella và con gái Ida du lịch qua xứ Palestine và tại nơi này, chàng họa sĩ bắt đầu vẽ, mô tả Thánh Kinh qua các phong cảnh u tối của nước Nga. Bức họa “Đền thờ tại Safed” (Synagogue at Safed) hiện nay còn treo trong Viện Bảo Tàng Stedelijk ở thủ đô Amsterdam là một hình thức mô tả niềm tin tôn giáo qua ánh sáng và màu sắc trong tác phẩm. Khi trở lại sống tại Paris và sau nhiều năm làm việc, Chagall đã hoàn thành 105 tác phẩm mô tả Thánh Kinh. Các bức minh họa khác của Chagall cũng xuất hiện trong tác phẩm “Các Linh Hồn Chết” (Dead Souls) xuất bản năm 1948, “Ngụ Ngôn” năm 1951 và “Thánh Kinh” năm 1956. Các công trình này do Pierre Tériade thực hiện sau khi Vollard bất ngờ qua đời vào năm 1939.
Trong thập niên 1930, Marc Chagall đã đi du lịch nhiều nơi: 1932 thăm viếng Hòa Lan, 1934 tới Tây Ban Nha. Cũng vào năm này cô con gái Ida kết hôn với luật sư trẻ Michel Gorday, người Nga gốc Do Thái và Chagall đã vẽ bức họa “Chiếc ghế bành của Cô Dâu” (the Bride’s Armchair). Vào thời gian này Adolf Hitler bắt đầu chính sách khủng bố người Do Thái. Chế độ Quốc Xã đã ra lệnh loại bỏ tất cả các tác phẩm hội họa của Marc Chagall ra khỏi các Viện Bảo Tàng Đức.

Đóng đinh vào thập giá màu trắng

Từ năm 1936 tới năm 1939, Chagall thường gặp gỡ Picasso, cả hai cùng chung tâm sự lưu vong, cùng chung nỗi buồn của những kẻ xa xứ vì nền độc tài tại quê hương. Trong khi Picasso mải mê vẽ đại tác phẩm Gernica mô tả cảnh dội bom thị trấn Basque vào ngày 26/4/1937, thì Chagall say sưa với bức họa mô tả các giáo đường bốc cháy, các binh lính đập phá nhiều căn nhà isbas, các người tị nạn mắc kẹt dưới các cây thánh giá, đây là tác phẩm “Đóng đinh vào thập giá màu trắng” (White Crucifixion).

Năm 1940 ở tuổi 53, Marc Chagall được xác nhận là một trong các nghệ sĩ của Thế Kỷ 20, ngang hàng với Picasso và Matisse. Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ. Mùa xuân năm 1940, quân đội Đức Quốc Xã tiến vào thành phố Paris. Chagall cùng gia đình dọn về Gordes, một làng nhỏ gần Avignon thuộc miền nam của nước Pháp. Tại nơi này, Chagall đã gặp Varian Fry, Giám Đốc của Ủy Ban Cứu Giúp Khẩn Cấp (the Emergency Rescue Committee) và Harry Bingham, Phó Lãnh Sự Mỹ tại Marseille. Hai người này chuyển giấy mời Chagall sang Hoa Kỳ do Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Mới của thành phố New York (the Museum of Modern Art in New York). Gia đình Chagall đã từ chối vì họ còn luyến tiếc nước Pháp. Nhưng sau đó, Marc Chagall và vợ đã bị cảnh sát địa phương giao nộp cho Gestapo vì là dân Do Thái. Nhờ ông Harry Bingham can thiệp, nhà danh họa và vợ được trả tự do rồi vào ngày 7 tháng 5 năm đó, hai người được một đường dây dùng thông hành giả đưa qua biên giới Tây Ban Nha tại Canfranc rồi tới Madrid. 500 bức họa, hàng trăm tấm bột màu và vẽ nét đã bị mật vụ Gestapo giữ lại nhưng nhờ vận động của Ida trong nhiều tháng, các tác phẩm này đã được trả lại rồi sau đó chuyển qua Hoa Kỳ. Ngày 11 tháng 5, Marc Chagall và Bella xuống tầu biển, rời Lisbon để qua New York và từ nay, Chagall thực sự là nhà Danh Họa lang thang gốc Do Thái.

5/ Cuộc Sống Tại Hoa Kỳ.

Marc Chagall và Bella tới New York, được Pierre Matisse đón tại bến tầu rồi đưa về khách sạn St. Moritz sống trong một căn phòng nhìn xuống công viên Central Park. Pierre Matisse là nhà buôn tranh của Chagall và tình bạn giữa hai người vẫn còn được duy trì mãi về sau.

Tại châu Âu khi chế độ Quốc Xã gia tăng khủng bố các người Do Thái thì ngày càng nhiều Văn Nghệ Sĩ đặt chân lên thành phố New York: Max Ersnt, Jacques Lipchitz, André Breton, Piet Mondrian, Chaim Gross… Trong 6 năm sống lưu vong tại đây, Chagall bắt tay vào vẽ một loạt các tác phẩm về người Do Thái. Khi gia đình này dọn về sống tại địa chỉ số 4 East 74 Street, họ gặp thêm một số bạn mới gồm có nhà triết học Jacques Maritain, nhà phê bình Lionello Venturi, nhà văn Do Thái Joseph Opatoshu, nhà sử nghệ thuật học (art historian) Meyer Schapiro… rồi về sau còn có nhà điêu khắc người Mỹ Alexander Calder.

Mùa xuân năm 1942, Marc Chagall được Rạp Hát Ballet (Ballet Theater) đề nghị vẽ kiểu cho các phong cảnh và y phục của màn vũ ba lê Aleko, căn cứ vào bài thơ “Các Người Du Sinh” (The Gypsies) của nhà thơ Pushkin người Nga, phối hợp với bản nhạc Piano Trio của Tchaikovsky. Marc Chagall đã làm việc cùng với Léonide Massine, nhà biên đạo múa. Hai nghệ sĩ này đã bàn thảo với nhau trong khi nghe kỹ bản nhạc của Tchaikovsky và đây là một trong các thời kỳ sung sướng nhất của Chagall trên đất Mỹ.

Vì lý do kỹ thuật, vở nhạc kịch Aleko được trình diễn lần đầu tại Mexico City. Đầu tháng 8 năm 1942, Marc Chagall và đoàn nghệ sĩ sang Mễ Tây Cơ. Ngày 8/9/1942, lần đầu tiên vở nhạc kịch được trình diễn với thành công rực rỡ. Trí tưởng tượng và óc sáng tạo của Marc Chagall đã thể hiện qua thật nhiều phông cảnh và y phục biểu diễn trong vở kịch. Một tháng sau tại Hí Viện Metropolitan Opera House của thành phố New York, cũng thấy các thành công rực rỡ không kém.

Vào tháng 8 năm 1944, Bella Chagall bị mắc bệnh, được đưa vào bệnh viện địa phương nhưng tới ngày 2/9/1944, đã qua đời. Bella đã là “Nàng Thơ” của Marc, là ý nghĩa cuộc đời của nhà danh họa. Tới lúc này, Chagall phải ngưng vẽ trong 9 tháng!

Đầu mùa đông năm 1944, Chagall cùng vợ chồng Ida dọn về một căn nhà mới tại 75 Riverside Drive, có phòng vẽ rộng rãi nhìn xuống dòng sông Hudson. Nhà danh họa cầm cọ trở lại và nói rằng “vẽ tranh cần thiết đối với tôi như bánh mì, tấm tranh là một khung cửa sổ từ đó tôi bay sang một thế giới khác”. Rồi theo lời yêu cầu của Ida, một phụ nữ đã ngồi làm mẫu và phụ giúp việc nhà cho Chagall, bà Virginia Haggard này có một con gái riêng 5 tuổi, tên là Jean. Bà Virginia là con gái của một nhà ngoại giao người Anh, sinh tại Paris và nói tiếng Pháp lưu loát. Marc Chagall đã mua một ngôi nhà gỗ tại High Falls, trong miền núi Catskill, đã chung sống với Virginia, bé Jean và bắt đầu minh họa cuốn truyện “Ngàn Lẻ Một Đêm” (One Thousand and One Nights).

Tháng 4 năm sau, Marc Chagall thực hiện một cuộc triển lãm tại Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Mới của thành phố New York (the Museum of Modern Art in New York). Trong số các tác phẩm trưng bày có một số bức vẽ của thời kỳ ban đầu và tấm tranh “Người Do Thái Cầu Nguyện” (The Praying Jew). Tháng 5 năm 1946, trong khi Chagall tham dự một cuộc triển lãm khác tại thành phố Paris thì đứa con trai David của nhà danh họa và Virginia chào đời.

Trở lại Hoa Kỳ, Chagall tiếp tục vẽ tác phẩm “Thiên Thần Rơi Xuống” (The Falling Angel). Nhà danh họa đang ổn định cuộc sống tại New York trong cộng đồng Do Thái lưu vong thì Ida từ thành phố Paris thúc dục Chagall trở về nước Pháp nên cuối cùng vào tháng 8/1948, Marc cùng với Virginia, Jean và David ra về. Họ định cư tại Orgeval, gần thành phố Paris.

6/ Trở Về Nước Pháp.

Do bị hấp dẫn bởi ánh sáng chan hòa và hoa tươi rực rỡ của miền Nam nước Pháp, gia đình Chagall đã dọn nhà tới Vence, một thị trấn trên ngọn đồi gần Cannes và sống trong biệt thự “Les Collines”(Các Ngọn Đồi), một nơi nhìn xuống vùng biển xanh Địa Trung Hải. Tại nơi này, Chagall được Ida lo công việc kinh doanh các tác phẩm sau khi cô gái này ly dị với Michel Gorday. Công việc quảng bá tranh của nhà danh họa sau đó được Aimé Maeght đảm nhận.

Tại Vence, Marc Chagall thường tới thăm nhà danh họa Henry Matisse cư ngụ tại Cimiez, thường gặp Picasso, người đã gọi Chagall là “Họa Sĩ Màu Sắc bậc nhất” (the greatest living colorist). Chagall bắt đầu sáng tác với các bó hoa muôn màu mua tại chợ hoa Ponchettes của thành phố Nice, màu sắc rất quan trọng đối với nhà danh họa và ông đã từng nói “màu sắc phải ăn sâu như thể đi trên một tấm thảm dầy” (Color should be as penetrating as walking on a thick carpet).

Cuộc vượt qua Hồng Hải

Sau lần viếng thăm cuộc triển lãm tổ chức tại Jerusalem năm 1951 và trở về sống tại Vence, Chagall khởi công vẽ các tác phẩm lớn mô tả nhiều quang cảnh trong Kinh Cựu Ước, đó là các bức họa “Moses nhận các tấm bảng viết Luật” (Moses Receiving the Tablets of the Law), “Moses bẻ gẫy các tấm bảng” (Moses Breaking the Tablets of the Law) và “Cuộc Vượt Qua Hồng Hải” (The Crossing of the Red Sea). Vào thời gian này, trong khi Ida chuẩn bị kết hôn với Franz Meyer, giám đốc Viện Bảo Tàng Kunsthalle tại Basel, Thụy Sĩ, thì Virginia và Marc lại chia tay nhau vì không hòa hợp. Sau đó Ida giới thiệu cho cha một người đàn bà khác gốc Nga và Do Thái, đã từng ly dị, tên là Valentina Brodsky. Sau nhiều tháng, Marc Chagall và Valentina với tên gọi tắt là Vava, đã làm lễ cưới vào ngày 12/7/1952.

Cũng vào năm 1952 khi nhà xuất bản Pierre Tériade yêu cầu Chagall minh họa tập thơ “Daphnis và Chloe”, Marc và Vava đồng ý viếng thăm nước Hy Lạp để thu nhận các cảm giác thực tế. Năm 1958, Marc Chagall được mời trang hoàng các cửa sổ kính màu của ngôi giáo đường Gothic tại Metz và các công trình nghệ thuật này của Chagall được gỡ ra và trưng bày tại thành phố Paris vào năm 1959. Sau đó tổ chức phụ nữ Do Thái Hadassah mời nhà danh họa trang trí 12 cửa sổ của một nhà thờ Do Thái tại Jerusalem. Trước khi được gắn lên ngôi giáo đường kể trên, các tác phẩm của Chagall được mang triển lãm trong khuôn viên của Viện Bảo Tàng Louvre, Paris, vào tháng 6/1961, rồi tại Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Mới của thành phố New York một tháng sau đó.

Marc Chagall được toàn thể Thế Giới Hội Họa công nhận là một bậc Thầy, được mời trang trí cho các cửa sổ kính của nhiều giáo đường trong nước Anh, nước Thụy Sĩ, cho nhà thờ Pocantico Hills tại Tarrytown, New York, cho Tòa Nhà Liên Hiệp Quốc để tưởng nhớ ông Dag Hammarskjold, nguyên Tổng Thư Ký tử nạn năm 1961. Marc Chagall cũng lo phần trang trí các tấm thảm dệt và các tác phẩm do nhà danh họa phác thảo đã được xưởng dệt Gobelins Tapestry Manufactures thực hiện.

7/ Vẽ Ra Các Giấc Mơ.

Vào năm 1959 khi trở nên Bộ Trưởng Văn Hóa, ông André Malraux nghĩ tới việc mang một luồng sinh hoạt mới cho nước Pháp. Ông Malraux mời Marc Chagall trang trí lại cái trần của Đại Hí Viện Opera Paris, một tòa kiến trúc danh tiếng trong nhiều thế kỷ. Vào tuổi 77, nhà danh họa Marc Chagall bắt tay vào một công tác vĩ đại, thường đứng trên dàn cao 70 feet (khoảng 20 mét) để vẽ một diện tích 2,153 foot vuông bằng 200 kilô sơn màu. Chagall đã làm việc trong các tiếng nhạc của các tác giả Mozart với bản “Chiếc Sáo Thần” (The Magic Flute), Tchaikovsky với bản “Hồ Thiên Nga” (The Swan Lake), Ravel với bản “Daphnis và Chloe”, Debussy với bản “Pelleas và Melisande”, Berlioz với “Roméo và Juliet”, Wagner với “Tristan và Isolde”… ngoài ra nhà danh họa còn sáng tác trong không gian của các nhạc bản của Moussorgsky, Gluck, Bizet, Verdi, Beethoven…

Tối ngày 23/9/1964, hơn 2,000 quan khách đến Đại Hí Viện Opera. Trong khi nhạc bản “Daphnis và Chloe” vang lên dần dần, khi các vũ công xuất hiện với y phục do Chagall vẽ kiểu thì bỗng nhiên đèn bật sáng, chiếu thẳng vào các tác phẩm Hội Họa rực rỡ vẽ trên bức trần của tòa Đại Hí Viện. Toàn thể khán giả đã đứng dậy, vỗ tay ca ngợi một công trình tuyệt tác của nhà danh họa Chagall.

Khải Hoàn của Âm Nhạc

Tháng 7 năm 1966, Marc Chagall dọn về St. Paul de Vence và tại nơi này, nhà danh họa đã hoàn thành 2 bức họa lớn có kích thước 36 x 30 feet (12 x 10 mét) có tên là “Nguồn Nhạc” (The Sources of Music) và “Khải Hoàn của Âm Nhạc” (The Triumph of Music). Hai tác phẩm này được treo trong Hí Viện Opera Mới (The Metropolitan Opera House) của thành phố New York.

Từ năm 1955, Marc Chagall đã vẽ 17 bức sơn dầu lớn với màu sắc rực rỡ liên quan tới Thánh Kinh như bức “Sáng Thế” (Genesis), “Xuất Hành”(Exodus) và “Bài Ca của các Bài Ca” (The Song of Songs). Tới lúc này, Chagall thêm vào 39 tấm tranh bột màu, 3 bức điêu khắc và các hình vẽ nét, toàn bộ được gọi tên là Bộ Tranh “Lời Thánh Kinh” (The Biblical Message). Nhà danh họa dự tính tặng Bộ Tranh này cho Quốc Gia Do Thái nhưng Vava đã ngăn cản và chuyển món quà sang nước Pháp. Bộ Trưởng Văn Hóa André Malraux khi đó đã nhận quà tặng và thực hiện một vinh dự lớn lao cho nhà danh họa bằng cách triển lãm những tác phẩm này tại Viện Bảo Tàng Louvre, một danh dự chưa từng làm cho một họa sĩ còn sống. 300,000 khán giả hâm mộ Nghệ Thuật đã thăm viếng Khu Triển Lãm vào mùa hè năm 1967.

Bộ Trưởng Malraux còn cho xây dựng tại Cimiez, trên ngọn đồi cao nhìn xuống thành phố Nice, “Viện Bảo Tàng Quốc Gia Lời Thánh Kinh Marc Chagall” (Le Musée National Message Biblique Marc Chagall). Viện này được khánh thành vào ngày 7/7/1973 nhân ngày sinh nhật thứ 86 của nhà danh họa.

Năm 1973, Marc Chagall cùng vợ trở về Liên Xô, thăm viếng thành phố Moscow, Leningrad và gặp lại hai người em gái. Mẹ và các em khác của nhà danh họa đã qua đời khi quân đội Đức Quốc Xã xâm lăng Vitebsk vào tháng 6/1941. Năm 1974, Chagall hoàn thành công việc trang trí các cửa sổ lớn của Giáo Đường Reims, một ngôi nhà thờ quốc gia của nước Pháp.

Marc Chagall đã nhận được rất nhiều phần thưởng và bằng cấp danh dự từ nhiều trường Đại Học. Ông được công nhận là Công Dân Danh Dự của thành phố Jerusalem và vào năm 1985 do sức khỏe suy yếu, ông không thể tham dự Cuộc Triển Lãm tại Viện Bảo Tàng Philadelphia (The Philadelphia Museum of Art). Marc Chagall qua đời vào ngày 28/3/1985, an nghỉ trong nghĩa trang của làng St. Paul de Vence.

Marc Chagall là nhà Danh Họa xuất sắc của Thế Kỷ 20, đã từng thực hiện nhiều tác phẩm đặc sắc thuộc nhiều thể loại nghệ thuật: sơn dầu, in thạch bản, điêu khắc, đồ gốm, đồ khảm (mosaics), kính màu, thảm dệt, vẽ kiểu y phục và trang trí nghệ thuật. Màu sắc quan trọng nhất của Marc Chagall là màu xanh và nhà danh họa đã trả lời thắc mắc này như sau: “Tại sao lại xanh, bởi vì tôi là màu xanh, giống như Rembrandt là màu nâu” (Why blue? Because I am blue, just as Rambrandt was brown).

Marc Chagall là nhà Danh Họa của các Giấc Mơ, là một nhân vật mang tới cho mọi người dù với các niềm tin khác nhau, một lời nhắn, đó là “Hòa Bình và Tình Yêu”.

Phạm Văn Tuấn
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia; Marc Chagall and His Times by Benjamin Harshav, Standard Univ. Press, 2004.

Related posts