Nguyễn Quang Thiều
(Bài này tôi viết và in báo khi Hà Nội chuẩn bị áp dụng chính sách cấm hàng rong nhiều năm trước đây. Nay xin đưa lại vì VTV vừa nói đến những người bán hàng rong làm dư luận phản ứng và nổi giận)
Khi nghe tin sẽ cấm bán hàng rong tôi cảm thấy có một cái gì đó bất ổn. Một sự bất ổn ở đâu đấy trong lòng mặc dù tôi không phải là người sinh ra và lớn lên ở thành phố. Với tôi, hình ảnh của những người bán hàng rong với đôi quang gánh hoặc với một chiếc xe đạp thô sơ cùng với những điều giản dị khác đã làm lên một phần phong vị đô thị Việt Nam và đặc biệt là Hà Nội.
Trong một sáng mù sương ở Melbourne năm 1999, tôi đã gặp một người Trung Hoa xách một chiếc khay gỗ lớn nhiều tầng đựng trứng đi dọc hè phố và rao bán. Tôi đã gặp những người bán hàng rong đẩy xe bốn bánh bán bánh mỳ hotdog hoặc trái cây ở Washington năm 2007. Tôi đã gặp những người bán hàng rong đẩy xe ba gác bán ngô luộc ở Islamabad năm 2001. Những bắp ngô luộc còn nguyên bẹ vùi trong cát ở thùng xe để giữ cho ngô nóng… Và những lúc như thế, cảm xúc và ký ức tôi lại trở về với những người bán hàng rong ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế… với chiếc đòn gánh uyển chuyển và thơ mộng. Hình ảnh đó chỉ là của Việt Nam.
Một gánh cốm làng Vòng, những nải chuối vàng thơ mộng , một gánh bún lá với đậu phụ, một thúng bánh khúc đội đầu, những chiếc mẹt đựng cơm nắm và muối vừng, những thúng khoai luộc, bánh tẻ, bánh nếp, những chiếc xe đạp chở phía sau những hoa chuối đỏ, những bông sen thoang thoảng hương thơm… Tất cả những gánh hàng rong đó trôi trên những phố phường Hà Nội cùng với tiếng rao quả thực như một giấc mộng đẹp, thi thoảng dừng lại và lại trôi đi.
Cái khoảnh khắc dừng lại của những gánh hàng rong không phải để chúng ta chống lại cơn đói khát mà để gieo vào lòng ta một khoàng yên bình, gần gũi và xao động. Rất nhiều người đã dừng lại trên hè phố để mua một cái gì đó mà một người bán hàng rong gánh qua. Họ mua không phải chỉ để ăn, để dùng mà để được cảm nhận hương vị của khoảnh khắc ấy và của sản vật ấy. Những toà nhà với sự rối loạn của kiến trúc bình dân cùng những building chọc trời không làm nên Hà Nội. Hà Nội được làm nên bởi ba mươi sáu phố phường, bởi Hồ Gươm huyền thoại, bởi Hồ Tây lãng mạn, bởi sông Hồng bi tráng, bởi một văn miếu cổ kính và tĩnh tụ, bởi một làng hoa Ngọc Hà thơ mộng, bởi những quán phở đêm, bởi những gánh hàng rong và những tiếng rao… Cũng như những gì tương tự như thế đã làm nên phong vị của nhiều đô thị Việt Nam. Những thành phố của chúng ta phải được phát triển. Nhưng sự phát triển không phải là thay tất cả những cái cũ bằng những cái mới mà là sự chọn lựa để tạo ra một bản hoà tấu.
Câu hỏi có nên cấm hàng rong không không phải là câu hỏi về những gáng hàng rong cụ thể. Câu hỏi đó chạm đến chuyện gìn giữ cái phong vị của đất Hà Thành văn hiến nói riêng và của mảnh đất Việt này nói chung. Báo chí đang nói đến những khó khăn trong cuộc mưu sinh của những người làm nghề bán hàng rong sau khi hàng rong bị cấm. Việc đổi nghề không phải là một việc nan giải. Việc phục hồi trong tương lai những phong vị của đời sống mà bây giờ ta thẳng tay xoá đi mới là việc lớn. Có những việc chúng ta làm hôm nay thì chắc chắn trong một tương lai không xa chúng ta sẽ phải trả một cái giá khủng khiếp để chữa lại.
Một đêm cách đây chừng hai mươi năm, tại ngôi nhà của một người bạn ở Sidney, tôi đã nói cho một số người Việt Nam sống ở Australia về những tiếng rao bánh khúc trong những đêm lạnh ở Hà Nội. Tôi nhận ra có người đã khóc. Một số người nói với tôi họ sẽ trở về Việt Nam, đứng trong gió lạnh của đêm mùa đông hà Nội để được nghe tiếng rao bánh khúc vang lên. Tổ quốc thường thức dậy trong tâm hồn những những đứa con bởi những điều giản dị như thế. Những ngày còn học ở Cuba, thật kỳ lạ là cứ khi nào chợt tỉnh giấc trong đêm tôi lại thấy sực nức mùi rơm tươi dọc những lối ngõ trong mưa. Chẳng phải một điều gì lớn lao mà chỉ là một cái gì đó mơ hồ như mùi rơm tươi trong mưa dọc những lối ngõ loang lổ bóng tối đã gọi tôi trở về với cố hương mình.
Một chút bé nhỏ mà tôi vừa nói không phải là sự lãng mạn hão huyền, không phải một sự hoài cổ hay một sự già nua đã bắt đầu xuất hiện trong tôi. Đó là những vẻ đẹp. Và những vẻ đẹp đó, có thể nói, đang chảy như máu trong da thịt của mình. Tôi biết chắc rằng sẽ có những người sau khi đọc mấy dòng tôi viết trên có thể cười khẩy và nói họ chẳng cần những thứ ấy làm gì. Họ cần những thứ khác. Tôi không nói về sự huyền diệu của những điều giản dị trong đời sống mà vì mưu sinh chúng ta đã lãng quên và bước qua. Tôi chỉ làm một phép tính trừ giản đơn như một cậu bé lớp một. Tôi lấy Hà Nội và trừ đi những cái mà nếu không nhắc đến có lẽ quá nhiều người cũng không nhớ đến nữa. Những cái mà người ta sẵn sàng xoá đi mà chẳng mảy may xúc động hay im lặng trong mươi giây để suy nghĩ. Những cái mà tôi và bao người nhắc đến với sự run rẩy lại làm cho không ít người khó chịu.
Hà Nội trừ đi những ngọn heo may, trừ đi cốm làng Vòng (không ăn cốm trừ bữa được), trừ đi làn sương mơ hồ trong những vòm cây buổi sớm, trừ đi những tiếng rao đêm (đã có mỳ tôm ), trừ đi những hồ nước (xây siêu thị mới là thành phố hiện đại), trừ đi những cây sấu già, trừ đi những hàng hoa sữa, trừ đi đào Nhật Tân, trừ đi những quán phở đêm (không ăn phở thì ăn pizza), trừ đi một gánh cơm nắm muối vừng (đã có bánh mỳ ba tê), trừ đi những ghánh hoa sen, hoa cúc… trừ đi và trừ đi. Cuối cùng Hà Nội = gì?
Hà Nội sẽ = một thế giới của bê tông, kính, của kim loại và của sự vô cảm. Hà Nội chỉ là ví dụ tiêu biểu tôi đưa ra để nói về kết quả của một cách nhìn, một kiểu tư duy và một giải pháp tệ hại nhất. Biện pháp quản lý tiêu cực nhất và phải trả giá đắt nhất là cắt bỏ tất cả những gì mà người ta không biết cách giải quyết như thế nào hoặc là vì họ nghĩ rằng không có những cái đó cũng chẳng chết ai. Tất nhiên, họ chưa hề cảm nhận được một cái chết chậm. Cái chết chậm chính là sự biến mất những vẻ đẹp bình dị của đời sống một cách từ từ không mang cảm giác đau đớn ngay lúc đó.
Một sự thật là bây giờ không chỉ trong những quán cơm bình dân mà cả trong những nhà hàng sang trọng, ẩm thực dân gian đã được phục hồi và lan toả. Trong các nhà hàng ở giữa chốn đô thị, chúng ta thấy sự hiện diện của dưa muối, cà pháo, canh cua, cá kho, thịt nấu đông, rau lang, rau cần… Những món ăn kia đã có bao đời nay và nó đã làm nên văn hoá ẩm thực của người Việt. Không ai có chính sách phục hồi nó nhưng nó vẫn sống lại với sức mạnh tất yếu.
Người ta nói hàng rong cản trở giao thông. Đó là một lý do không thuyết phục. Người ta nói hàng rong gây mất trật tự xã hội. Một nhận xét sai lệch. Người ta nói hàng rong làm mất mỹ quan thành phố. Một nhận xét không hiểu biết. Với những người bán hàng rong, theo tôi, chỉ có hai điều mà họ cần có ý thức thực hiện nghiêm túc. Đó là luật giao thông và vệ sinh môi trường. Nói vậy để mà nói cho đến nơi đến chốn thôi chứ gây rối loạn giao thông và làm ô nhiễm môi trường ở đô thị đâu phải là hàng rong.
Tôi xin đưa ra một so sánh rất ngây thơ nhưng cũng nên suy nghĩ: nếu ta lấy lượng rác thải từ bao bì (chủ yếu là túi nylon, cốc giấy, giấy ăn, ống hút nhựa) của các xe đẩy bán hàng rong ở New York như bánh mỳ hotdog, nước giải khát, trái cây, ngô nổ… với các loại lá gói bánh, gói cơm nắm, vỏ trái cây, bã mía… ở Hà Nội thì tỷ lệ chênh lệch sẽ là 10.000/1. Nghĩa là ở New York mỗi ngày thải ra loại rác kia 10.000 tấn thì ở Hà Nội chỉ là 1 tấn. Nhưng New York thì khá sạch sẽ còn Hà Nội thì rất bẩn thỉu. Và đấy là sự thật.
Bởi thế, theo tôi, cấm bán hàng rong là một quyết định vội vã và “lười nhác”. Chúng ta thử đặt một phép tính cộng đơn giản nữa là cộng xem những gì để thành Hà Nội, thành Huế, thành Sài Gòn… để những người Việt Nam tự hào và những người nước ngoài thích thú? Chắc chắn không phải là xe hơi, nhà cao tầng, sòng bạc, quán karaoke… Việc giữ lại hàng rong không chỉ là tính nhân văn đối với cuộc mưu sinh nhọc nhằn của những người lao động còn nhiều khó khăn mà còn là tính văn hoá trong đời sống hiện đại quá nhiều nguy cơ phá vỡ bản sắc của một vùng đất hay của một quốc gia.
Nguồn: FB Nguyễn Quang Thiều