5 lý do tại sao ngành sản xuất của Trung Quốc sẽ sụt giảm nhanh chóng

Tác giả Zhang Tianliang

5 lý do tại sao ngành sản xuất của Trung Quốc sẽ sụt giảm nhanh chóng
Một nhân viên làm việc trên dây chuyền lắp ráp sản xuất loa tại một nhà máy ở thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc hôm 30/11/2022. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Trung Quốc luôn được xem là một quốc gia sản xuất lớn, đóng vai trò chủ chốt trong phân công lao động công nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta sẽ chứng kiến ngành sản xuất của Trung Quốc sụt giảm nhanh chóng và Trung Quốc sẽ mất vị thế là “công xưởng của thế giới.”

Đây là những lý do tại sao.

Khủng hoảng dân số

Hôm 17/01, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố số liệu thống kê dân số mới nhất, cho thấy 9.56 triệu người được sinh ra và 10.41 triệu người tử vong vào năm 2022, dân số giảm khoảng 850,000 người trong một năm. Lần gần đây nhất dân số Trung Quốc giảm là 60 năm trước khi “Nạn Đói Lớn” khiến dân số giảm 5.4 triệu người vào năm 1961. Không giống như đợt giảm dân số trước đây, đợt giảm này là không thể đảo ngược, nghĩa là dân số Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm.

Ngay từ đầu, Trung Quốc đã có thể thu hút sản xuất là vì có chi phí lao động thấp. Nhưng nguồn nhân lực khan hiếm đồng nghĩa với việc giá nhân công trở nên đắt đỏ hơn.

Một y tá chăm sóc cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ nữ Nhi đồng ở thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc, hôm 08/08/2022. Tốc độ tăng dân số của Trung Quốc đã chậm lại rõ rệt. (Ảnh: CFOTO/Future Publishing/Getty Images)

Trung Quốc bị giám sát vì đánh cắp bí mật thương mại

Chính sách công nghiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tìm cách cải thiện khả năng cạnh tranh toàn cầu của Trung Quốc. Và khi tìm cách làm như vậy, chính quyền Trung Quốc đã viện đến đánh cắp tài sản trí tuệ, điều đã gây ra báo động ở nhiều quốc gia khác nhau.

Năm 2014, một dự thảo đã được đệ trình lên Quốc vụ viện Trung Quốc để phê chuẩn. Với sự trợ giúp của một số bộ và các học giả từ cả hai học viện quốc gia (Viện Khoa học Trung Quốc, CAS, cùng Viện Kỹ thuật Trung Quốc, CAE), do Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin chủ trì, dự thảo “Made in China 2025” xoay quanh nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, chẳng hạn như máy công cụ CNC, người máy, các phương tiện sử dụng năng lượng mới, năng lượng hạt nhân, và vật liệu nano.

Kế hoạch “Made in China 2025” này đã thu hút nhân tài ngoại quốc bằng mức lương hậu hĩnh, mở đường cho “Chương trình Ngàn Nhân tài.” Tuy nhiên, chương trình này đã dẫn đến nhiều tranh chấp pháp lý và một số thành viên của chương trình đã bị bắt và bị kết án vì đánh cắp tài sản trí tuệ hoặc che giấu thu nhập của họ. Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất là trường hợp của Tiến sĩ Charles Lieber, trưởng khoa Hóa học và Hóa Sinh học tại Đại học Harvard. Hồi tháng 12/2021, ông bị chính phủ liên bang kết tội che giấu việc tham gia chương trình tuyển dụng Ngàn Nhân tài của Trung Quốc.

Không chỉ mình chương trình này thu hút sự giám sát của FBI, mà vấn đề đánh cắp tài sản trí tuệ còn là một trong những yếu tố chính gây ra cuộc chiến thương mại giữa chính phủ cựu Tổng thống Trump và ĐCSTQ. Kể từ năm 2017, ĐCSTQ đã cố gắng tránh nói công khai về “Chương trình Ngàn Nhân tài” và “Made in China 2025” của mình.

Ông Charles Lieber rời tòa án liên bang sau khi ông và hai công dân Trung Quốc bị buộc tội nói dối về mối liên hệ bị cáo buộc của họ với chính quyền Trung Quốc, tại Boston, Massachusett hôm 30/01/2020. (Ảnh: Katherine Taylor/Reuters)

Chế độ toàn trị

Tháng 06/2022, sau hội nghị thượng đỉnh G-7, chính phủ Tổng thống Biden đã đưa ra một tuyên bố mà tôi tin là nhằm vào chế độ toàn trị của Trung Quốc: “Các nhà lãnh đạo G-7 — cùng với các nhà lãnh đạo của Argentina, Ấn Độ, Indonesia, Senegal, và Nam Phi — đã đưa ra một tuyên bố về Sức kháng cự của Nền dân chủ, khẳng định tầm quan trọng của việc tăng khả năng kháng cự trước các mối đe dọa độc tài trong các nền dân chủ của chúng ta và trên toàn thế giới.”

Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ đoàn kết chống lại ĐCSTQ.

Đặc biệt là với sự bùng nổ của chiến tranh Nga-Ukraine, các nước dân chủ càng lo lắng hơn rằng nếu ĐCSTQ tiến hành một cuộc tấn công vào Đài Loan, thì việc này sẽ phá vỡ chuỗi công nghiệp toàn cầu.

Các chi phí năng lượng, đất đai, và vận chuyển

Tại một thời điểm nào đó dưới thời cựu Tổng thống Trump, Hoa Kỳ từng là nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới nhờ nguồn nhiên liệu hóa thạch dồi dào. Mặt khác, Trung Quốc là nước nhập cảng dầu lớn nhất thế giới, chỉ riêng năm 2020 đã nhập 540 triệu tấn dầu. Như vậy, chi phí năng lượng của Trung Quốc cao hơn nhiều so với Hoa Kỳ.

Trung Quốc khan hiếm tài nguyên đất, và giá địa ốc đắt đỏ là do giá đất. Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Hoa Kỳ, điều đáng chú ý là trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua đất nông nghiệp ở Hoa Kỳ, khiến họ trở thành những người mua địa ốc ngoại quốc lớn nhất của Hoa Kỳ tính theo số tiền trong khoảng thời gian từ tháng 03/2021 đến tháng 03/2022, với 6 tỷ USD được chi tiêu trong giai đoạn này.

Chi phí vận chuyển từ Trung Quốc cao hơn nhiều so với các sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ do khoảng cách với thị trường Âu Châu và Hoa Kỳ. Thời gian vận chuyển tăng lên khiến Hoa Kỳ phải dự trữ đủ hàng hóa, do đó làm tăng chi phí lưu kho.

Hôm 16/01, tổ chức bất vụ lợi Shale Crescent USA đã công bố một báo cáo nghiên cứu so sánh lợi nhuận của ba sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc và Ohio. Báo cáo chỉ ra rằng lợi thế duy nhất của các sản phẩm “made in China” là chi phí lao động, nhưng chi phí vật liệu, vận chuyển, và các chi phí khác cao hơn nhiều.

Các chi phí ẩn

Vì xã hội toàn trị của ĐCSTQ không dựa trên pháp quyền nên các nhà chức trách có thể thực hiện các biện pháp cực đoan, chẳng hạn như đột ngột chấm dứt chính sách zero COVID, buộc các nhà máy ngừng sản xuất, và khiến các hợp đồng không thể thực thi được. Kể cả các quan chức địa phương cũng có thể tùy tiện phạt tiền các doanh nghiệp thông qua thanh tra y tế, thanh tra phòng cháy chữa cháy, thanh tra thuế, v.v. Những chi phí này là hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch và không thể kiểm soát được.

Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và người máy ở Hoa Kỳ, nhiều ngành công nghiệp đã có thể dần dần thay thế lao động thủ công bằng máy móc và, do đó sẽ cắt giảm đáng kể chi phí lao động. Chi phí lao động đang ngày càng trở nên không còn là ưu thế đối với Trung Quốc, vốn chỉ dựa vào nguồn nhân lực giá rẻ để cạnh tranh.

Nói tóm lại, ngành sản xuất của Trung Quốc đang mất đi lợi thế cạnh tranh về mọi mặt, vì vậy ngành này có thể đang suy thoái nhanh hơn nhiều so với dự đoán của chúng ta.

Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang) là Tiến sĩ, cựu giáo sư trợ giảng của Đại học George Manson, trưởng khoa Khoa học và Nghệ thuật Tự do tại Học viện Phi Thiên (Feitian) có trụ sở tại New York. Ông chuyên viết về lịch sử và chính trị của Trung Quốc. Ông đóng góp cho nhiều ấn phẩm khác nhau, bao gồm cả Nghệ thuật. Ông là một nhà bình luận nổi tiếng của The Epoch Times và là nhà bình luận cao cấp của Đài truyền hình Tân Đường Nhân có trụ sở tại New York. Ông cũng là khách mời bình luận tại ban Hoa ngữ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Ông là tác giả của quyển sách có nhan đề “Con Đường Chuyển Đổi Hòa Bình Của Trung Quốc.”

Vân Du biên dịch

Related posts