Trung Quốc gấp rút triển khai tiền kỹ thuật số, mục đích là gì?

  • Tạ Điền

Tháng Tư năm nay, Chính phủ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết họ sẽ bắt đầu “thí điểm” triển khai tiền kỹ thuật số ở Trung Quốc; vào đầu tháng Tám tại một số thành phố lớn của Trung Quốc như Thâm Quyến, Quảng Đông, bốn ngân hàng nhà nước lớn của ĐCSTQ (Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Công thương, và Ngân hàng Nông nghiệp) đã triển khai thử nghiệm quy mô lớn hơn liên quan tiền kỹ thuật số. Đến giữa tháng Tám, ĐCSTQ đột ngột tăng tốc và muốn nhanh chóng áp dụng triển khai trên toàn quốc.

Bài viết của ông Tạ Điền (Xie Tian) – Giáo sư của Trường Kinh doanh Aiken, Đại học Nam Carolina Mỹ.

BItcoin bi cam o Trung Quoc
Hiếm khi ĐCSTQ đi đầu thử nghiệm trong lĩnh vực tài chính, nhưng tại sao nước này lại đi đầu trong việc ra mắt tiền kỹ thuật số? Có thể có bảy lý do. (Ảnh: news.bitcoin.com)

Hồi năm 2016, ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) – Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tuyên bố kế hoạch trong khoảng 10 năm nữa sẽ thay thế tiền giấy 800 năm tuổi của Trung Quốc bằng tiền kỹ thuật số. Nhưng đến nay mới qua vài năm mà ĐCSTQ đã vội vàng tung ra tiền kỹ thuật số sớm hơn nhiều kế hoạch ban đầu. Rõ ràng, cuộc khủng hoảng chính trị, suy thoái kinh tế và nguy cơ tồn vong ngày càng gia tăng của chế độ toàn trị Trung Quốc đã dẫn đến việc sớm thúc đẩy kế hoạch này.

Đồng tiền kỹ thuật số mà ĐCSTQ đưa ra là gì và không phải là gì? Đồng tiền kỹ thuật số (Digital currency) của Trung Quốc là một loại tiền điện tử dùng để thay thế tiền giấy. Đồng tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phát hành khác với tiền ảo trên thế giới ảo, cũng không phải là kế toán ẩn danh và phi tập trung, mà được kiểm soát chặt chẽ bởi Chính phủ Trung Quốc. Đó cũng không phải loại tiền thực sự mã hóa (cryptocurrency), bởi vì mã hóa hầu hết nhắm vào người dùng và người bán, không phải chính phủ và ngân hàng Trung Quốc.

Đồng nhân dân tệ (RMB) kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phát triển được đặt tên là “DC/EP”, có nghĩa là “tiền tệ kỹ thuật số” và “thanh toán điện tử”. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn là đơn vị phát hành tiền tệ, người dùng đăng ký yêu cầu tên thật, và chí ít thì đồng RMB kỹ thuật số hiện tại và đồng RMB giấy là tương đương và có thể tự do trao đổi với nhau. Đồng tiền kỹ thuật số dùng tên thật, không có đặc điểm của tiền tệ mã hóa quốc tế, cũng như không có đặc trưng về tính ẩn danh và bảo mật thực sự.

Ông Mục Trường Xuân (Mu Changchun), Giám đốc Viện Nghiên cứu Tiền tệ Kỹ thuật số thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cho biết, chỉ cần mỗi người có ví kỹ thuật số DC/EP trên điện thoại di động thì thậm chí không cần Internet cũng có thể chuyển tiền kỹ thuật số trong ví kỹ thuật số cho nhau, bằng cách kết nối hai điện thoại di động với nhau. Nói cách khác, khi dùng tiền tệ kỹ thuật số của Trung Quốc không nhất thiết cần vào mạng Internet, có thể hoàn tất thanh toán bằng kết nối khoảng cách gần (NFC) giống như kết nối Bluetooth. Điều này hoàn toàn khác với các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin được mã hóa dựa trên công nghệ blockchain, tính năng bảo mật do đó cũng khác, không phải là kế toán phi tập trung, cũng không thể thanh toán ẩn danh.

Cái gọi là tiền kỹ thuật số của ĐCSTQ thực sự là một loại tiền điện tử đã có từ sớm, bổ sung thêm vấn đề bỏ tiền giấy của Ngân hàng Trung ương mà thôi. Nhiều người Trung Quốc đã quen với việc sử dụng thanh toán di động, hiện nay kiểu thanh toán này tại Trung Quốc đang rất phổ biến, hầu hết hoạt động giao dịch và thanh toán đã được số hóa, điện tử hóa. Nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng sử dụng tiền giấy vì chúng có thể giao dịch bí mật. Với đội ngũ quan chức tham nhũng khổng lồ của ĐCSTQ thì dùng tiền giấy có thể giúp họ che giấu được, trong khi nếu dùng tiền kỹ thuật số thì tài sản bất hợp pháp sẽ dễ dàng bị lộ.

Bên thắng và bên thua của tiền kỹ thuật số Trung Quốc

Một quan chức của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết “Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương sẽ thay thế tổng lượng tiền mặt đang lưu thông (M0)”. Họ cũng đang yêu cầu tiền kỹ thuật số “thay thế tất cả các loại tiền tệ”“thực hiện cải cách hệ thống vận hành tiền tệ”. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và các ngân hàng nhà nước là bên chiến thắng lớn nhất trong lĩnh vực tiền điện tử và kỹ thuật số. Vì từ đây họ không cần phải in, áp tải hoặc cất giữ tiền giấy nữa, giao dịch viên ngân hàng không cần sử dụng máy đếm tiền để đếm tiền nữa, vào cuối mỗi ngày làm việc họ không cần đếm số tiền mặt còn lại, thậm chí họ không cần két an toàn, ngoại trừ két an toàn để cất giữ vàng hay đồ trang sức cùng tài liệu quan trọng. Các công ty thương mại điện tử Trung Quốc là những công ty đầu tiên hợp tác với Chính phủ ĐCSTQ để chấp nhận tiền kỹ thuật số, và họ cũng sẽ được hưởng lợi từ điều này.

Những người chịu thiệt hại lớn nhất là người dân thường Trung Quốc, vì trong tình hình thanh toán di động như vậy họ không chỉ không có được nhiều tiện ích hơn mà còn bị mất nhiều hơn quyền lợi và tính riêng tư. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết tiền tệ kỹ thuật số phân tán không thể theo dõi được là nói dối. Nhà cầm quyền ĐCSTQ có thể theo dõi toàn bộ quá trình, và không những không phân tán mà thậm chí còn nằm trong kiểm soát chặt chẽ và tập trung nhất. Quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố rằng “dữ liệu thanh toán sẽ được ẩn danh” cũng là nói dối, vì chính phủ và ngân hàng có thể truy dấu cứ lúc nào.

Vậy thì Trung Quốc đã phát hành tiền kỹ thuật số thì liệu có thu lại lượng tiền giấy tương ứng không? Nếu không, đó là in tiền tùy tiện! Nếu thu hồi tiền giấy thì có nguyên tắc gì không? Ví dụ, 50.000 hay 100.000 mỗi người? Vài năm trước khi Triều Tiên phát hành một loại tiền mới đã khiến một số lượng lớn người dân phải chịu đau khổ. Các quan chức tham nhũng của ĐCSTQ sẽ bị một cú sốc, nhưng thực ra họ chỉ mất nguồn lợi bất hợp pháp và ăn hối lộ; đông đảo người dân thường Trung Quốc sẽ bị một đòn đau, nhưng đó là vì số tiền cả đời làm việc chăm chỉ tích lũy được bị ĐCSTQ làm tan biến.

Đáng lý, đồng tiền kỹ thuật số RMB nên được sử dụng giống như tiền giấy có thể đổi được vàng và ngoại hối. Nhưng vấn đề này đã được ông Trần Tư Tiến (Chen Sijin), nhà tư vấn cho bộ phim tài liệu “Phố Wall” hoành tráng của CCTV, cho biết trên Weibo rằng cuộc họp báo của Ngân hàng Trung ương đã nói rõ rằng tiền tệ kỹ thuật số RMB không thể đổi lấy vàng và ngoại hối! Bạn có nghe rõ không? Theo nhận định của cư dân mạng thì đây là tem lương thực điện tử!

Tiền tệ kỹ thuật số RMB không thể đổi lấy vàng và ngoại hối.

Tại sao ĐCSTQ lại thúc đẩy dùng tiền kỹ thuật số?

Tại sao ĐCSTQ lại thúc đẩy dùng tiền kỹ thuật số? Một trong những lý do có thể là họ lo lắng về kế hoạch tiền kỹ thuật số “Libra” được những gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Facebook đưa ra cũng như các loại tiền kỹ thuật số xuyên biên giới ở các nước phương Tây khác, và thậm chí cả Bitcoin phi chính phủ. Do đó, ĐCSTQ cảm thấy nguy cơ và phải hành động sớm để thể hiện sức mạnh. Gần đây, giới ngân hàng nhà nước của Trung Quốc đã cưỡng ép thu nạp hệ thống liên quan của các công ty tư nhân như Alipay của Mã Vân (Jack Ma) và WeChat Pay của Tencent, công khai ý định thôn tính, chiếm đoạt vì mục đích chuẩn bị cho thiết lập độc quyền của Chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số.

Do quy mô giao dịch của thanh toán di động bên thứ ba ở Trung Quốc lên tới 50 nghìn tỷ NDT, với Alipay và Tenpay lần lượt chiếm 55% và 39%, và hiển nhiên giới ngân hàng nhà nước Trung Quốc hoàn toàn không muốn kéo dài thực trạng phải chịu áp lực của Alipay và Tenpay. Với việc số hóa đồng RMB, họ sẽ không còn lo lắng này. Những năm gần đây đã diễn ra cuộc đua đổi tiền của ngân hàng trên khắp Trung Quốc, sau khi số hóa tiền tệ sẽ giúp ĐCSTQ giảm bớt lo lắng về khả năng các ngân hàng nhỏ trong nước bị phá sản.

Một cuộc khảo sát vào năm ngoái do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) thực hiện cho thấy hầu hết các Ngân hàng Trung ương đều có dự án tiền kỹ thuật số có chủ quyền. Đồng tiền kỹ thuật số “LBCoin” do quốc gia Liên minh châu Âu Lithuania phát hành vào tháng 7 năm nay là đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới do Ngân hàng Trung ương của một quốc gia có chủ quyền phát hành, nhưng cũng chỉ là một thử nghiệm, tích hợp vào tiền mặt đang lưu hành bằng cách đưa vào mã kỹ thuật số trên đồng tiền bằng vật chất.

Chính phủ Mỹ đã nói rõ rằng Cục Dự trữ Liên bang “không cần phải phát hành tiền kỹ thuật số” và Fed chỉ đang nghiên cứu “tính khả thi” tiền kỹ thuật số của Mỹ. Nhật Bản hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ hợp tác với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và 6 Ngân hàng Trung ương khác để cùng nghiên cứu tiền kỹ thuật số. Hơn nữa, kế hoạch của Nhật Bản là nếu đồng tiền kỹ thuật số mới của các nước G7 ra mắt thành công thì chắc chắn sẽ gây khó khăn cho tiền kỹ thuật số của ĐCSTQ.

Bảy lý do của việc ĐCSTQ thúc đẩy tiền kỹ thuật số

Thời điểm này ĐCSTQ vội vàng tung ra tiền kỹ thuật số, dường như không giống biểu hiện thông thường của họ, vì họ chưa bao giờ là bên tiên phong thử nghiệm trong kinh tế và tài chính, do không dám chấp nhận rủi ro kiểu này.

Việc ĐCSTQ mạo hiểm thúc đẩy tiền tệ kỹ thuật số với khả năng rủi ro rất cao này có thể xem là đáng kinh ngạc. Ví dụ: trong trường hợp khi tiền kỹ thuật số thay thế hoàn toàn tiền giấy, nếu kẻ thù của ĐCSTQ quyết tâm phát động chiến tranh và tấn công hệ thống máy tính của Ngân hàng Trung Quốc bằng công nghệ bùng nổ điện từ (EMP) thì có thể trong nháy mắt xóa sổ tất cả các hoạt động phát hành, giao dịch, chuyển khoản và thanh toán bằng tiền kỹ thuật số. Ngay cả các bản ghi điện từ của chúng được sử dụng làm bản sao lưu, chẳng hạn như các bản ghi trên máy chủ dự phòng, đĩa và trống từ tính cũng sẽ bị xóa, vì chúng đều là sản phẩm điện từ trên phương tiện điện tử. Vì ĐCSTQ không thể tạo bản cứng (Hard copy) để sao lưu, hoặc bất kỳ phương thức phi điện từ nào khác. Chẳng lẽ họ in dữ liệu sao lưu ra giấy, ghi lại kiểu đục lỗ? Không thể nào làm như vậy. Vì lượng dữ liệu quá lớn nên bản dự phòng dạng cứng là không kinh tế, cũng như không hiệu quả và rất khó khôi phục.

Trong bài báo được xuất bản vào tháng 11/2019 “Bốn mưu đồ nghiêm trọng của ĐCSTQ đằng sau  blockchain”, tác giả bài này đã chỉ ra rằng nếu có một quốc gia có hệ thống siêu máy tính hàng đầu, nhanh hơn và mạnh hơn, chẳng hạn như việc sử dụng máy tính lượng tử với mạng internet tiên tiến hơn thì có thể khiến tiền kỹ thuật số do ĐCSTQ phát triển dùng hệ thống 3G-4G và hệ thống mã hóa rơi vào lạc hậu, quốc gia đó sẽ chiếm thế vượt trội, không khác gì máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm của quân đội Mỹ tấn công những người thổ dân Úc, dễ dàng hóa giải mật mã của Trung Quốc và phá hủy tiền tệ kỹ thuật số của họ. Hiện nay Mỹ đã có công nghệ như vậy.

Tuyên truyền của ĐCSTQ rằng qua việc phát hành tiền kỹ thuật số giúp họ “phá vỡ phong tỏa tài chính của Mỹ, là một cột mốc quan trọng trong quá trình quốc tế hóa đồng RMB”, điều này hoàn toàn là ảo tưởng. Khi Mỹ phong tỏa tài chính thì đồng RMB là tiền giấy hay tiền kỹ thuật số không thực sự quan trọng, điều quan trọng là giá trị của đồng RMB sẽ sụt giảm lao dốc. Sau khi số hóa đồng RMB, do ĐCSTQ đã tăng cường kiểm soát nên việc thao túng tỷ giá hối đoái sẽ dễ dàng hơn và các quốc gia khác sẽ khó chấp nhận hơn, hệ quả là cách làm này hoàn toàn đi ngược lại kế hoạch quốc tế hóa đồng RMB.

Ngoài ra có quan điểm cho rằng quá trình lưu thông tiền điện tử sẽ không lo bị làm giả, điều này là không đúng. Một khi hệ thống của ĐCSTQ bị tấn công thì sẽ vẫn có thể lưu hành đồng RMB kỹ thuật số giả. Có quan điểm cho rằng nếu Trung Quốc thiết lập tiền kỹ thuật số thì dễ dàng “thoát khỏi các hạn chế và trừng phạt từ đồng đô la Mỹ, bởi vì khi đó có thể thanh toán thương mại quốc tế mà không cần thông qua Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (hệ thống SWIFT)”. Quan điểm này cũng viển vông. Hệ thống tiền tệ kỹ thuật số của Trung Quốc không thể kết nối với SWIFT vì nó không phải là đô la Mỹ, như vậy làm sao có thể thoát khỏi chế tài đối thủ?

Dù thế nào, thời điểm hiện nay, ĐCSTQ cưỡng ép nhanh chóng tung ra tiền kỹ thuật số, theo ý kiến ​​của tác giả bài này có thể có bảy lý do sau đây:

(1) Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn nghiêm trọng, nổi lên tình trạng khủng hoảng lương thực khiến họ muốn kiểm soát hoạt động kinh tế chặt chẽ và thống nhất; trong ý tưởng muốn thực hiện cao độ nền kinh tế kế hoạch hóa thì thúc đẩy “kế hoạch hóa tiền tệ” đơn giản là một sự kết hợp hoàn hảo.

(2) Tiền tệ kỹ thuật số có thể che giấu và xóa sổ bằng chứng phạm tội của ĐCSTQ do điên cuồng in tiền gây lạm phát – cách dễ dàng nhất để cướp đoạt lợi ích của người dân

(3) Tiền kỹ thuật số có thể giúp hạ nhiệt tình trạng bùng nổ bất động sản.

(4) Có thể chuẩn bị cho việc tách khỏi đô la Mỹ, khi tách thì đồng RMB sẽ giảm giá đáng kể, nếu thu hồi và tiêu hủy được một lượng lớn tiền mặt, điều đó tương đương với việc phát hành tiền giấy mới: giống như tiền kỹ thuật số mới, qua đó có thể hạn chế được vấn đề sụt giá đồng tiền.

(5) Sử dụng tiền tệ kỹ thuật số để giám sát mọi người, kiểm soát những người bất đồng chính kiến, bảo đảm quyền lực chính trị.

(6) ĐCSTQ đã sử dụng dữ liệu lớn, camera giám sát, thanh toán di động, các chi bộ đảng, ủy ban khu phố… để xây dựng hệ thống quốc gia kiểu “Một chín tám tư (1984)” khép kín nhất thế giới mà nhà văn người Anh George Orwell miêu tả, bây giờ cộng với tiền kỹ thuật số để bổ sung cho mắt xích cuối cùng của “quốc gia cảnh sát”!

(7) Chống lại các loại tiền tệ kỹ thuật số quốc tế mới có thể được tung ra bởi các nước G7 như Mỹ và Nhật Bản.

Tạ Điền (Xie Tian) – Giáo sư của Trường Kinh doanh Aiken, Đại học Nam Carolina Mỹ.

Related posts