Nghỉ hè học sinh tiểu học phải đọc ‘Lý luận trị quốc’ của Tập Cận Bình

Phụng Minh

Diễn viên điện ảnh Hồng Kông Đỗ Vấn Trạch đã đưa ra bình luận hài hước về việc học sinh Trung Quốc phải đọc sách “Lý luận trị quốc của Tập Cận Bình” như một dự án ngoại khóa trong kỳ nghỉ hè (ảnh: Wikimedia Commons / Chụp màn hình Twitter).

Ngôi sao điện ảnh Hồng Kông Đỗ Vấn Trạch đã thẳng thắn đăng đàn chế giễu.

Một cư dân mạng đại lục đã đăng lại ảnh chụp màn hình WeChat lên Twitter vào ngày 22/8, cho thấy một số học sinh tiểu học đang tập trung đọc bài đọc ngoại khóa mùa hè theo yêu cầu của nhà trường. Điều khó tin là cuốn sách được giao cho các em đọc vào mùa hè lại là “Lý luận trị quốc Tập Cận Bình”. Ngoài ra các em phải chụp ảnh mình đang đọc để làm bằng chứng, theo Secretchina.Điều này khiến ngôi sao Hồng Kông Đỗ Vấn Trạch bức xúc, đăng đàn nói vài lời.

Dự án hè thu hút nhiều bình luận

Gần đây, một cư dân mạng đại lục đã đăng tải thông tin trên WeChat: “Cháu trai tôi học lớp 1, nhà trường yêu cầu: nghỉ hè phải đọc sách của Tập Cận Bình và tải ảnh lên”. Trong dòng tweet được cư dân mạng chia sẻ, nhiều người khác cũng đăng hình ảnh của học sinh tiểu học khác lên, để chứng minh rằng bài đăng của người dùng mạng trên là đúng.

Ảnh: Chụp màn hình Twitter.

Trong ảnh là những học sinh tiểu học ngây thơ và dễ thương, nhưng các em đều đang ngồi thẳng lưng với vẻ mặt nghiêm túc, nhìn thẳng vào cuốn sách “Lý luận trị quốc của Tập Cận Bình”, “Bảy năm thanh niên được giáo dục của Tập Cận Bình” và “Những câu chuyện kể về Tập Cận Bình”. Sau khi những bức ảnh được đăng tải, một cuộc thảo luận liên quan trên Internet bắt đầu sôi sục diễn ra.

Theo Secretchina, ĐCSTQ thường xuất bản sách ca ngợi các nhà lãnh đạo, đồng thời yêu cầu các trường học ở nhiều nơi sử dụng công quỹ để đặt hàng với số tiền lớn, và thông qua việc thanh toán phí bản quyền cùng các phương tiện khác để truyền đạt lợi ích cho các cá nhân cụ thể.

Cư dân mạng thẳng thừng tiết lộ: “Đây không chỉ là công nghiệp sinh lời không cần vốn, mà còn là công cụ tẩy não!”

Động thái này khiến ngôi sao Hồng Kông Đỗ Vấn Trạch đăng đàn chế giễu: “Chụp ảnh khoa trương có thể đảm bảo rằng trẻ em Trung Quốc sẽ nhớ đến tấm gương của ông Tập? Ít nhất phải viết một bản báo cáo một nghìn từ hay học thuộc cả cuốn sách, mới có thể chứng minh rằng các em đã rất nghiêm túc đọc nó chứ!”

“Nếu điều trên không thực hiện được, thì tốt hơn nên làm một bộ phim ngắn và yêu cầu một nhóm trẻ em Trung Quốc sử dụng ‘tốc độ đọc siêu cấp’ để nhanh chóng lãnh hội những lời dạy của Chủ tịch Tập!”, anh còn mỉa mai: “Nếu chỉ chụp ảnh như một trò đùa, vậy thì lãng phí một cách vô ích những ghi chép quý giá của chủ tịch Tập rồi!”

Bài viết của Đỗ Vấn Trạch cũng thu hút nhiều lời bình luận trên Facebook:

Người dùng tên “Chi Kit” viết: “Đọc xong phải rửa mắt, dạy hư thế hệ sau rồi”.

Người dùng tên “Dicky Lau” bình luận: “Đối với Hương Cảng cũng vậy, khiến dân trí không ngừng thụt lùi”.

“Dai Shikui 12752083179” cho biết: “Những đứa trẻ tội nghiệp, từ nhỏ đã học theo người lớn làm điều dối trá” (ý là chụp ảnh đang đọc là xong, không cần biết có đọc thật không – PV).

Lâm Tịch : “Sách Lịch sử” của ĐCSTQ là sách đọc nguy hiểm nhất

Ngoài ra, về vấn đề “đọc sách”, Lâm Tịch, một nhà thơ trữ tình nổi tiếng Hồng Kông, cũng nêu quan điểm của mình khi tham gia “Diễn đàn Đọc sách vì Tự do” do Hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) và Thư viện Quốc gia tổ chức vào ngày 21/8 vừa qua. Lâm Tịch cho biết: “Đọc để tự do, việc ‘đọc’ này rất nguy hiểm, ở Hồng Kông, từ ‘đọc’ rất nhạy cảm, và bản thân tôi cũng có ý thức đọc tốt. Tôi là người có tư duy độc lập ở Hồng Kông, nếu bạn nhấn mạnh rằng bạn có ‘tư duy độc lập’, theo logic của ĐCSTQ, buồn cười thay, họ sẽ kết tội bạn đòi Hương Cảng độc lập”.

Ông Lâm Tịch mặc áo trắng ngồi ở giữa trong “Diễn đàn Đọc sách vì Tự do” diễn ra vào ngày 21/8 (ảnh: Free Times / Fang Binzhao, dẫn qua Secretchina).

Lâm Tịch cũng chia sẻ cách đọc đặc biệt của bản thân, “cuốn sách nào cũng phải coi như là sách cấm vậy, kể cả Luận Ngữ của Khổng Tử cũng không đọc một cách tán tụng, nhất định phải hoài nghi mỗi một loại quan điểm mới, như vậy mới có thể bảo vệ được tư tưởng độc lập của mình. Bởi vì sách báo cũng có thể là chất độc, đặc biệt là tất cả các “sách lịch sử” được viết dưới thời ĐCSTQ, đều là nguy hiểm nhất.

Theo Secretchina
Phụng Minh biên dịch

Related posts