Trung Quốc áp đặt hạn chế thị thực mới đối với truyền thông Mỹ

  • Xuân Thành

Trong một động thái ăn miếng trả miếng mới nhất giữa Bắc Kinh và Washington nhắm vào các hãng truyền thông của nhau, giới chức Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế thị thực mới đối với các nhà báo nước ngoài đang làm việc cho các hãng truyền thông Mỹ ở Trung Quốc.

Tuần trước, trong khi làm thủ tục gia hạn thẻ tác nghiệp báo chí mới – thường có thời hạn một năm – nhiều nhà báo đã nhận được một lá thư từ các nhà chức trách Trung Quốc nói rằng đơn xin gia hạn của họ đang trong tiến trình xử lý, chứ không phải là thẻ nhà báo mới. Các nhà báo nước ngoài này nhận được lời khuyên rằng họ nên mang theo lá thư này cùng với thẻ nhà báo đã hết hạn để chứng minh về danh tích báo chí.

Vì thị thực Trung Quốc của các nhà báo nước ngoài này có liên quan tới thẻ nhà báo của họ, nên họ cũng chỉ được cấp thị thực mới có thời hạn khoảng hai tháng, ngắn hơn nhiều so với thời hạn một năm như thường lệ.

Giới chức Trung Quốc nêu rõ rằng các thẻ tác nghiệp báo chí tạm thời này – và thị thực liên quan – có thể bị thu hồi vào bất cứ thời điểm nào. Điều này đẩy các nhà báo bị ảnh hưởng vào tình trạng lấp lửng không biết chắc chắn họ sẽ tiếp tục được ở lại Trung Quốc trong thời gian bao lâu.

Phóng viên người Mỹ của hãng tin CNN thường trú tại Trung Quốc David Culver là một trong những người bị ảnh hưởng bởi động thái mới nhất của Bắc Kinh. CNN cho biết những phóng viên bị nhắm mục tiêu bao gồm cả người Mỹ và công dân nước ngoài khác đang làm việc cho các hãng truyền thông lớn của Mỹ, trong đó có Wall Street Journal.

Các quan chức Trung Quốc nói với ông Culver rằng hạn chế mới này không liên quan tới các bài báo của ông, mà là “biện pháp đối ứng” đáp trả cách chính quyền Trump đối xử với các nhà báo Trung Quốc đang làm việc tại Mỹ.

Một phát ngôn viên của CNN hôm Chủ Nhật (6/9) đã lên tiếng xác nhận về thị thực Trung Quốc mới bị rút ngắn thời hạn của ông Culver.

Một trong những nhà báo thường trú tại Bắc Kinh của chúng tôi gần đây đã được cấp thị thực có thời hạn hai tháng, thay vì mười hai tháng như bình thường”, phát ngôn viên của CNN nói. “Tuy nhiên, sự hiện diện của chúng tôi tại Trung Quốc vẫn không thay đổi và chúng tôi đang làm việc với các nhà chức trách địa phương để đảm bảo sự hiện diện đó tiếp tục”.

Hồi tháng Năm, Washington đã giới hạn thời gian lưu trú tại Mỹ đối với hầu hết các nhà báo Trung Quốc đang làm việc ở đây xuống còn 90 ngày. Bắc Kinh nói rằng không nhà báo nào của họ nhận được hồi âm từ các nhà chức trách Mỹ về tình trạng các đơn xin gia hạn thị thực mới nhất của họ và các nhà báo Trung Quốc này nói điều đó đã làm gián đoạn nghiêm trọng công việc và cuộc sống của họ tại Mỹ.

Nếu các đơn xin gia hạn của các nhà báo Trung Quốc thường trú tại Mỹ không được duyệt, thì họ sẽ phải rời khỏi Mỹ vào đầu tháng Mười Một, đó cũng là thời điểm thị thực mới gia hạn của nhà báo CNN Culver hết hạn.

Đầu năm nay, Bắc Kinh đã trục xuất khoảng hơn chục nhà báo làm việc cho New York Times, Washington Post và Wall Street Journal sau khi chính quyền Trump đặt giới hạn về số lượng công dân Trung Quốc được phép làm việc tại các văn phòng Mỹ của các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc. Điều này dẫn tới các hãng truyền thông Trung Quốc này phải cắt giảm lượng lớn nhân sự làm việc tại Mỹ.

Từ sau đó, Washington đã liệt gần chục văn phòng Mỹ của các tổ chức tin tức Trung Quốc là “các phái bộ nước ngoài”, yêu cầu họ phải nộp hồ sơ giấy tờ về tài chính và nhân sự cho các nhà chức trách Mỹ. Bắc Kinh đã đáp trả bằng việc yêu cầu nhiều hãng truyền thông Mỹ tại Trung Quốc phải thực hiện điều tương tự.

Ông David Stilwell, Phụ tá ngoại trưởng Mỹ chuyên trách sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương đã nói rằng các hãng truyền thông Trung Quốc bị liệt là phái bộ nước ngoài bởi vì chính phủ Mỹ xem họ là các cơ quan tuyên truyền “bị Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn”, chứ không phải là các tổ chức tin tức độc lập.

Trong một cuộc họp báo tại Washington hôm thứ Tư tuần trước, ông Stilwell cho biết các động thái “đối ứng” đáp trả Washington của Bắc Kinh là “thô bạo không cân xứng với mong muốn đơn giản của chúng tôi về việc cân bằng mối quan hệ này”.

Có từ 150 nhà ngoại giao Trung Quốc trở lên làm việc ở đây – các nhân sự của truyền thông Trung Quốc làm việc ở Mỹ cho bộ tuyên truyền [Trung Quốc] mà không bị bất kỳ hạn chế nào, [Trong khi] chỉ có một số ít nhà báo Mỹ bây giờ đang làm việc tại Trung Quốc. Chúng tôi vẽ lên bức tranh đó để mọi người hiểu những gì chúng tôi đang nói tới”, ông Stilwell nói.

Xuân Thành (Theo CNN)

Related posts